
Với nhiều phụ nữ, trắng như bông bưởi mới mặn duyên nhưng với không ít cô gái khác, phải rám giòn trông mới tươi khỏe và gợi cảm. Tuy nhiên, “sữa” hay “chocolate” gì cũng đều có mặt trái…
Tại một số bãi biển Nam California, trong khi nhiều phụ nữ phương Tây phơi mình dưới ánh nắng, Margaret Qiu cũng như nhiều phụ nữ Mỹ gốc Á khác bằng mọi giá tránh không để da tiếp xúc mặt trời và họ thậm chí bảo vệ da bằng đủ loại kem, mặt nạ, găng và nhiều liệu pháp khác. Với họ, gương mặt trắng như sữa mới thật sự lý tưởng. “Da trắng có thể che được 1,000 khiếm khuyết khác của bạn” – Margaret Qiu nói. Mỗi ngày hai lần, Margaret Qiu đều dùng sản phẩm trắng da. Không có gì kinh khủng bằng việc phơi da dưới nắng. Ngay cả khi xuống xe vào siêu thị cách đó vài bước, họ cũng lôi ra đủ vũ khí để chống nắng: từ dù che đến găng đặc biệt chuyên chống tia cực tím (UV glove).
Việc chăm sóc công phu để duy trì làn da trắng muốt bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh thật sự. Các bà mách nhau hàng giờ qua điện thoại loại kem nào tốt nhất hoặc thẩm mỹ viện nào làm ăn đàng hoàng và “đáng đồng tiền bát gạo”. Cho biết mình rất ngạc nhiên khi thấy phụ nữ Mỹ thích phơi nắng, lúc lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 5 năm từ Trung Quốc, Margaret Qiu kể thêm mình chẳng bao giờ dùng mỹ phẩm rẻ tiền. Sản phẩm làm trắng da tại thị trường Mỹ hiện chủ yếu gồm thành phần chiết xuất từ cam thảo và trà xanh, có thể giúp bảo vệ da hạn chế sản sinh hắc tố.
Tương tự Qiu, Sarah Mar (gốc Ðài Loan) cũng chăm chút hết cỡ cho làn da. Không lạm dụng mỹ phẩm, Sarah Mar cho biết cô tránh ra ngoài từ 10g sáng đến 3g chiều. Và với Theresa Lin-Cheng (Ðài Loan), việc tránh ánh nắng và dùng kem còn chưa đủ. Nghe nói bác sĩ George Sun áp dụng phương pháp “fotofacial RF” (dùng xung ánh sáng và tần số vô tuyến để can thiệp sự sản sinh hắc tố), Lin-Cheng lập tức đến ngay và vui vẻ trả vài trăm đôla cho mỗi lần điều trị. Tuy nhiên, chẳng phương pháp phi tự nhiên nào toàn mỹ. Ðã có nhiều trường hợp bôi kem không làm trắng da mà còn khiến da nạn nhân nổi cục nổi hòn và xám xịt như da cóc!
Trong khi đó, nhiều cô gái phương Tây cũng kinh ngạc trước nỗi ám ảnh da trắng của phụ nữ châu Á, như cách con gái châu Á kinh hãi trước việc các bà Tây thích biến làn da sữa thành màu chocolate. Da nâu đang là mốt nóng nhất đối với các cô bé teen Mỹ. Với Kylie-Ayn Kennedy 16 tuổi, việc thích nhất cô làm sáng sớm ngay khi thức dậy là chui vào máy làm rám da. Mỹ viện nơi Kennedy thường đến tính 6 USD/suất hoặc 40 USD/tháng không hạn chế suất sử dụng. Kennedy là một trong khoảng 2.3 triệu nhóc Mỹ đang khoái điên dại mốt chui vào máy rám da ít nhất một lần mỗi năm, giúp ngành công nghiệp làm rám da đạt doanh thu 5 tỷ USD/năm!
Cuộc thăm dò gần 1,300 bé gái tuổi cập kê tại Boston và Minneapolis do các nhà nghiên cứu Ðại học Harvard và Ðại học Minnesota thực hiện cho thấy 42% đối tượng đều từng tắm trong ánh nắng nhân tạo, bất chấp phương pháp “rám tức thì” (insta-tan) có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Theo tạp chí Time, chính mốt “da chocolate” đã làm tăng tỉ lệ ung thư da tại Mỹ lên gấp đôi ở đối tượng 15-29 tuổi, kể từ 1975 đến nay.
Năm 2016, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết có đến 60,000 ca tử vong mỗi năm bởi tiếp xúc tia cực tím quá nhiều; đồng thời khuyến cáo các cô dưới 18 tuổi chớ dại dột thường xuyên chui vào “máy sấy da”. Giới chức Mỹ bắt đầu thực hiện biện pháp hạn chế mốt rám da. Tháng 7-2006, New Jersey trở thành tiểu bang thứ ba tại Mỹ cấm trẻ em dưới 14 tuổi dùng máy rám da; New Hampshire và North Carolina yêu cầu phải có giấy xác nhận bác sĩ cho nhóm đối tượng trên; trong khi Wisconsin cấm chỉ tắm nắng nhân tạo cho bất kỳ ai dưới 16 tuổi. Một số tiểu bang tương đối dễ hơn cũng yêu cầu phụ huynh can thiệp khi thấy con cái thích phơi da trước tia cực tím. Một dự luật cụ thể về quy định tắm nắng nhân tạo đang được soạn tại tiểu bang Pennsylvania, nơi đứng đầu nước Mỹ về số salon tắm nắng nhân tạo (1,525).
Dù vậy, dọa cứ dọa, tắm vẫn cứ tắm. Mốt tắm nắng nhân tạo có khi được cổ súy từ chính phụ huynh. Chính người mẹ kế của Kylie-Ayn Kennedy đã dắt cô đi sưởi “nắng” trong phòng kiếng năm bé mới 12 tuổi và người cô/dì Kennedy bây giờ cũng thường rủ cháu đi “thư giãn” theo cách này. Tương tự, cô bạn Sabrina Hendershot 16 tuổi của Kennedy cũng đi tắm nắng nhân tạo với sự đồng ý từ mẹ. Các tấm ảnh người mẫu/ca sĩ như Paris Hilton và Jessica Simpson với làn da nâu chocolate ngọt ngào càng khiến cơn sốt rám da bùng nổ. Giới y học bắt đầu xem việc làm rám da như một chứng nghiện.
Theo nhóm nghiên cứu Ðại học Wake Forest (North Carolina), làm rám da có thể kích hoạt endorphin, đem lại cảm giác thư thái, lâu dần tạo thành cơn nghiện – không khác mấy so với trường hợp nghiện thuốc lá. Ðể hạn chế mốt rám nắng, vài ý kiến đề nghị tăng thuế các salon hoặc thậm chí đưa họ ra tòa. Một trong những đơn kiện đầu tiên loại này đã nhằm vào Hollywood Tanning Systems tại New Jersey, nơi điều hành một trong những dây chuyền làm rám nắng nhân tạo lớn nhất Mỹ. Ðánh động dư luận cũng là một giải pháp.

Cô gái tóc vàng xinh như thiên thần Brittany Lietz đã và tiếp tục thực hiện chiến dịch kêu gọi hạn chế cơn sốt “làm cháy da” đang thiêu nóng khắp nước Mỹ. Hơn ai hết, Brittany hiểu rõ sự nguy hiểm của các phương pháp nhân tạo làm rám da. Ít người biết rằng cô gái xinh đẹp từng dự thi Hoa hậu Mỹ sau khi giành chiến thắng Hoa hậu tiểu bang Maryland (2006) này là nạn nhân sống sót của ung thư da. Cơ thể Brittany có hơn 12 vết sẹo trong đó có một vết sẹo 7 inch (hơn 17 cm) nằm ngang lưng. Từng nghiện rám da bằng “lò nướng”, Brittany sau đó đã phải trải qua hơn 25 ca phẫu thuật cắt bỏ “nốt ruồi” gây ung thư mọc khắp cơ thể. Bây giờ Brittany dùng kem chống nắng thường xuyên. Cô không còn thích nữa “da em nâu nhìn lâu phát ghiền”!
MK