Tôi quen Hạnh hồi tôi còn trợ giảng cho một lớp nấu ăn nọ, Hạnh là người yêu của Khánh, thầy đứng lớp đó. Dung thì tôi chỉ được gặp một lần, qua Hạnh. Cái bữa tôi gặp Dung cũng là bữa cuối tôi gặp Hạnh. Hơn bốn năm trước.

Hồi đó tôi khá thân với Hạnh vì cô rất… thích tôi. Ai thích tôi là tôi thích lại. Do dễ dãi như vậy nên tôi rất… ít bạn thân. Nhưng sau một thời gian thì chúng tôi bớt thân, không phải vì Hạnh bớt thích tôi mà là suy nghĩ của chúng tôi xa nhau quá. Hạnh đẹp, vẻ đẹp rất “hot” ở Việt Nam lúc đó (hơn bốn năm trước). Một cô gái có body mong manh nhưng “da trắng như Ngọc Trinh”, tóc dài, nhuộm vàng và khuôn mặt baby, đôi mắt to tròn ngây thơ. Cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới, Việt Nam mỗi thời điểm lại có những thay đổi chung trong nhìn nhận những sự việc, con người và khái niệm nào đó. Gu thẩm mỹ cũng vậy, vẻ đẹp được “lăng xê” ở Việt Nam bây chừ cũng khác xưa. Cô gái đẹp là cô gái có ba vòng hoàn hảo, phong cách thể thao, có làn da nâu càng “hot”. Khuôn mặt nên có chút sắc sảo, càng có nét “lai Tây” càng tốt. Bằng chứng là lên các tờ báo dành cho tuổi trẻ, thanh niên trẻ ở Việt Nam chúng ta có thể thấy hàng loạt bài tung hứng “vẻ đẹp lai” của các “hot girl” tân thời như “bông hồng lai”, “búp bê lai”… Ngay cả ngành thẩm mỹ cũng dành cái mồi câu “vẻ đẹp lai” mà bắt không biết bao nhiêu là cá.

Quay lại chuyện Hạnh. Hạnh cãi lời ba má, bỏ “lên thành phố tìm cơ hội”. Học thức thấp nhưng nhờ nhan sắc nên cô được nhận làm PG (promotion girl) cho hãng beer lớn, ở các nhà hàng lớn khu trung tâm Sài Gòn. Công việc lương thấp nhưng tiền tip cao vì “Em biết “mánh”, nhìn là biết ông nào rộng rãi, Việt Kiều”. Hạnh quen Khánh, sau khi họ về sống chung thì Khánh khuyên Hạnh bỏ công việc “nhiều va chạm” đó và ở nhà phụ setup các lớp dạy nấu ăn, dạy vẽ của anh (mà tôi được làm trợ giảng). Khánh có nhà riêng vì là con trai độc nhất, ba mẹ rất cưng, nhờ “yếu tố” này mà chàng “cưa” được Hạnh. Trong mắt một cô gái tỉnh lẻ, một chàng trai có nhà và hộ khẩu thành phố luôn là niềm ao ước. Nhưng chàng là một họa sĩ đa tài chưa “gặp thời”, an phận với những cái mình đang có, trong khi Hạnh có nhiều tham vọng, cô không thích “lượm bạc cắc” mà muốn “làm ăn lớn”. Là một cô gái ngay từ đầu đã cho người đối diện cảm nhận rằng nàng luôn ý thức vào vẻ ngoài của mình, nàng cho rằng với vẻ ngoài đó nàng xứng đáng được “lên xe xuống ngựa” “chỉ tay năm ngón”. Hạnh cũng nhiều lần nói với tôi “Em không giàu em sẽ không về Cần Thơ” (quê của cô). Họ chia tay có thể cũng vì lẽ đó. Hạnh biến mất theo Dung chắc cũng vì lẽ đó. Sau khi họ chia tay, do công việc bận rộn và thấy ngán ngẩm với chuyện hết bên A đến bên B tìm đến mình “tâm sự” kể xấu đối phương, chứng minh mình chia tay người kia là đúng… Tôi không liên lạc với cả hai một thời gian. Sau này, khi gặp Khánh thì tôi mới hay là “Hạnh đi theo Dung qua nước ngoài làm ăn, không thấy về cũng chẳng thấy liên lạc”. Khánh khá hoang mang một thời gian dài lúc đó. Tôi gọi nàng thì thấy khóa máy nên nghĩ đơn giản Hạnh đổi số điện thoại.

Về Dung, tuy gặp qua một lần nhưng tôi ấn tượng lắm. Một người đẹp mặn mà, một vẻ đẹp rất… tính toán. Mắt và miệng lúc nào cũng kỹ lưỡng với từng ánh nhìn và câu nói. Rất khéo, khéo léo đến… giả tạo. Dung giới thiệu quê Phan Rang, có chồng ở quận Bình Thạnh. Ði “làm ăn ở nước ngoài”. Quán chúng tôi uống nước là của chồng Dung mở. Dung có cô con gái nhỏ chừng 7, 8 tuổi (lúc đó, cách đây hơn 4 năm). Tuy khéo léo đến đâu nhưng tình yêu thương vô bờ dành cho con gái Dung không hề che đậy. Luôn miệng khoe về con suốt buổi. Sau này, mỗi khi đi ngang quán nước đó, tôi vẫn thỉnh thoảng thấy chồng và con Dung “đi tới đi lui đi lùi đi tới” nên tôi nghĩ những thông tin đó là thật, không đến nỗi Hạnh bị Dung “lừa bán đi nước ngoài” như Khánh nhiều lần thắc mắc.
Cuộc sống Sài Gòn bon chen, mạnh ai nấy lo, nhất là khi tôi không thể giúp gì cho họ. Nên tôi quyết định… quên họ đi! (Thật ra, tôi cũng không chắc ai quyết định điều này trước tiên). Vậy mà hôm rồi, trong lúc đi mua bí đỏ về ăn (vì google bảo ăn bí đỏ sẽ thông minh) thì tôi gặp lại Hạnh, em ấy khác xưa khá nhiều. Rất là bớt đẹp. (Phụ nữ mà, điều đầu tiên họ lưu tâm luôn là nhan sắc của những người phụ nữ khác). Sau khi tâm sự qua loa thì tôi rủ Hạnh về nhà tôi ăn bí đỏ, cũng không quên kể huyên thuyên mớ tác dụng “thần thánh” nhà họ bí mà tôi chôm được từ… google. Nhờ đó mà tôi được nghe kể một câu chuyện buồn và nhận được một câu hỏi khó…
Câu chuyện buồn…
Thật tiếc. Ðúng như Khánh lo lắng, Dung đưa Hạnh “sang nước ngoài” làm cái nghề “va chạm” hơn gấp trăm lần cái nghề “va chạm” anh từng kêu cô nghỉ việc. Nghề-va-chạm-thân-xác. Nhưng khác một điều là Hạnh đồng ý, không phải bị Dung “gả bán” hay dụ dỗ. Mọi chi phí Dung lo hết, và cứ lấy số tiền cổ bỏ ra mà nhân lên 5, 10 lần cộng với tiền lời hàng tháng mà tính với Hạnh. Tuy Dung không nói nhưng là một cô gái thông minh, có tính toán Hạnh biết hết. Cô vẫn quyết định đi vì “muốn đổi đời”. Cô tin với nhan sắc của mình thể nào cũng “hốt” được một anh “chàng khờ thủy chung” tương tự như Khánh, nhưng mang quốc tịch khác, quan trọng là giàu có hơn. Ðời không như là mơ, Hạnh cứ làm hoài làm hoài mà không tìm thấy “bạch mã hoàng tử” trong khi nợ cứ chất chồng. Không biết làm gì tốt vì Hạnh không muốn về khi chưa “thành công”, một hôm Hạnh tự tử. Dung cứu sống, nói với Hạnh: “Giờ em về là em không qua được nữa, vì giấy tờ em hết hạn rồi. Mà em không qua được nữa thì ai trả tiền cho chị, chị lấy tiền nuôi con để lo cho em qua đây”. Hạnh nói không muốn làm nghề đó nữa, Dung đồng ý cho cô làm lao công ở chỗ làm, một người đẹp, kiêu hãnh vì vẻ đẹp của mình như Hạnh thì đời nào chịu làm lao công. Nên nàng tiếp tục làm tiếp công việc đang dang dở. Lần này Hạnh biết “thủ” cho bản thân bằng cách giấu bớt tiền tip khách cho, để dành lại. Ðến một ngày để dành đủ số tiền tự cho là lớn, cô tìm cách mua chuộc một người dắt mối nhờ họ đưa về Việt Nam. Ðến đúng bữa hẹn, Hạnh viết một lá thư thật dài xin lỗi Dung. Kẹp lá thư dưới gối rồi ra đi, theo người dắt mối kia đến một… nhà chứa khác. Lần này bị lừa thiệt, một cách ngọt xớt. Mất hết tiền, không có phương tiện liên lạc và lần này mới biết thế nào là “lừa bán” thật sự. Hạnh kể trong nước mắt, nói là ở với Dung còn được ăn ngon mặc đẹp, đi đây đó cuối tuần, được lên mạng và xài điện thoại. “Ít ra vẫn còn được cảm nhận mình là con người, mặc dầu là một con người ngu ngốc và sai lầm”

Hạnh tìm mọi cách thoát, nhưng không thể vì ở đó cô bị kiểm soát mọi thứ. Ngay cả một đồng lẻ cũng không có cơ hội cầm. Một nô lệ thật sự ở giữa thế kỷ 21. Nhưng không phải một, xung quanh Hạnh vẫn còn những nô lệ khác, đa phần là chấp nhận và tố cáo, canh me mọi “nhất cử nhất động” của Hạnh để méc người quản lý nhận thưởng. Và thật may mắn, đến một ngày ổ chứa của Hạnh làm bị… cảnh sát ập vô bắt hết về đồn. Hạnh bị nhốt vài tháng, bị cắt tóc, trục xuất về VN, bị nước này cấm nhập cảnh vĩnh viễn (đó cũng có lẽ là một điều tốt lành cho Hạnh?!). Về VN, Hạnh được tự do nhưng không dám về nhà vì “Lúc đó em thân tàn ma dại, không một xu dính túi, về thì nhục với ba má, ba má thì nhục với xóm giềng”. Với cá tính của Hạnh xưa giờ, tôi hiểu và có thể hình dung ra cảm giác của cô lúc đó. Thế là “nàng Kiều lỡ bước” lại chọn cách tìm qua quán cà phê của…. chồng Dung ăn nhờ ở đậu, chờ Dung về tính sao tính. Nghe kể tới đó tôi đang vừa nhai cơm vừa rơm rớm nước mắt thì suýt phun hết cơm (vô mặt Hạnh) vì sốc. Nhưng con người vô bước đường cùng rồi, tôi cũng không thể nghĩ ra cổ có thể đi đâu lúc đó.
Sau đó, Hạnh cũng được chồng Dung đối xử tử tế vì thương xót, anh ta nghe kể qua bển “bị người ta lừa lạc mất chị Dung”, mà Dung cũng về đây tìm quá chừng khi Hạnh mất tích. Một điều may mắn cho Hạnh (mà không may cho chồng Dung) là gia đình không hề biết “Dung qua bển làm gì!” Chồng, con, gia đình chồng vẫn rất thương yêu và “thần tượng” Dung vì làm ăn giỏi, mang tiền về nhiều, lo cho cả gia đình chồng và các cô gái sa cơ lỡ vận có việc làm. Sau vài ngày ở đó Hạnh mới biết điều này.

Câu hỏi khó…
Chuyện gì tới cũng tới, Dung về. Thật lạ là không trách gì Hạnh cả chỉ tự thỏa thuận là làm gì không cần biết, trả Dung mỗi tháng vài triệu tiền lãi, phụ quán xá với gia đình chồng Dung. (Giống y đóng hụi chết suốt đời) Không có cách chối từ và Hạnh cũng mừng hết lớn vì cái “thỏa thuận” một chiều này, vì cô nghĩ “hậu quả” sẽ nặng nề hơn. Cũng có thể là Dung đã bỏ qua, cũng có thể sợ Hạnh tố cáo mà đánh mất hạnh phúc gia đình, và làm tổn thương đứa con gái quý báu, vô tội đang tuổi trưởng thành. Hoặc cũng có thể để Hạnh “nghỉ ngơi” trước khi đem Hạnh đến một chỗ khác… Hạnh không nghĩ nhiều như tôi, cô cho là Dung thương cô thật và Dung không còn cách nào khác, con đường nào khác để hướng nàng đi ngoài con đường đó. “So với ổ chứa mà em bị bán đến thì chị Dung đã đối xử với em rất tốt rồi”.

Trải qua bao nhiêu sóng gió, toan tính mà cô gái miền Tây vẫn tin tưởng vào “lòng tốt” như vậy, tôi im lặng thở dài. Thật ra nghĩ như Hạnh cũng rất tốt,dám làm dám chịu, tự chọn thì tự chịu. Nhưng tôi thầm hỏi, ngoài Hạnh ra thì có bao nhiêu cô gái đã “được” Dung “giúp”? Bao nhiêu cô “may mắn” như cô mà còn nguyên vẹn sống trước mặt tôi? Bao nhiêu cô “dám làm dám chịu”, “chơi liều” như vậy? Khi ngành công nghiệp buôn thân xác đa quốc gia ở Việt Nam được cho là đông nhất thế giới! Sẽ còn bao nhiêu cô gái vì cái nghèo, sự tự ái mà chấp nhận đánh đổi? Nếu họ không có nhan sắc thì họ biết dùng gì để đổi đây?…
Tôi đang mải mê với hàng ngàn câu hỏi, Hạnh đã kịp khô nước mắt. Hỏi tôi: “Sao hồi đó chị trợ giảng cho anh Khánh lớp nấu ăn mà chị nấu ăn… lạ quá dzậy?”
DU