Menu Close

Lâm Vị Thủy & “Sao em không về làm chim thành phố”

(tiếp theo và hết)

Như chúng ta đã biết, Lâm Vị Thủy cũng như bao trí thức văn nghệ sĩ khác của Miền Nam, từng bị khổ nạn sau năm1975. Tù tội và nghèo đói. Riêng Lâm Vị Thủy, có thể nói anh là nhà thơ kém may mắn. Sinh thời anh in được một tập thơ – Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố, do nhà Huyền Trân xuất bản năm 1963 – nhưng rồi bị chìm trong quên lãng.

Ðây là điều không may với Lâm Vị Thủy. Thơ Lâm Vị Thủy hay. Một người tên Mimosa Phương Vinh đã viết và Trần Hoài Thư ghi lại:

“Năm 17 tuổi tôi được một người bạn của ông anh tặng cho tập thơ “Sao em không về làm chim thành phố”. Tôi say mê, miệt mài với tập thơ này nhưng không biết Lâm Vị Thủy là ai…Tôi còn nhớ trong phần mở đầu của tập thơ có câu ” Ở đây mau tối mà chậm sáng, bốn mùa sương mù qua kẽ tay, cảnh trí chỉ là những tĩnh vật, con người chìm đắm trong những nỗi nhớ nhung muôn đời như không bao giờ muốn mở miệng….Anh thường nghĩ đến em như nghĩ đến những ngày mai dù những ngày mai ấy tràn đầy bóng tối…”

Lam-Vi-Thuy-Tac-pham

Tập thơ có những bài rất hay, như những bài mà ông Trần Hoài Thư đã sưu tầm được.Tôi tò mò muốn biết nhiều về tác giả này, nhưng chỉ biết được rằng ông đã từng dạy trường Văn Lang- Saigon mà thôi. Tôi luôn nghĩ rằng: không phải người tài hoa nào cũng nổi tiếng vì lẽ rằng làm thơ như Lâm Vị Thủy mà không có tên trong danh sách những nhà thơ lớn của miền Nam trước 75 thì thật là một điều thiếu sót lớn. Cách đây 2 năm tình cờ vào web: phodatron.net của nhà văn Vĩnh Khanh đọc được một bài thơ của Lâm Vị Thủy tôi vội email hỏi về Lâm Vị Thủy thì biết rằng ông Khanh đã từng ở tù với Lâm Vị Thủy ở Khám Chí Hòa, ông cho biết rất quý mến nhà thơ này và cũng rất mong được liên lạc với Lâm Vị Thủy:

Những câu cuối của bài thơ Sao em không về làm chim thành phố là:

Kẻ nào đứng lên thề trên hồn mình

Kẻ nào đứng lên chửi thầm đồng loại

Sao em không về làm chim thành phố

Nắng đổ hai hàng khép đỉnh ngọn cây

Bây giờ tôi thật hài lòng mà biết rằng không phải chỉ mình tôi ở tuổi đôi mươi đã và luôn yêu thơ Lâm Vị Thủy, mà cũng có rất nhiều người đã yêu thơ ông. Tôi hy vọng trong một góc ẩn khuất nào đó trong ngôi nhà xưa tập thơ “Sao em không về làm chim thành phố” vẫn còn đó. Bao nhiêu năm rồi tôi chưa có dịp trở về nên hy vọng vẫn là hy vọng.

Xin chân thành cảm ơn ông Trần Hoài Thư và quý độc giả gần xa đã đóng góp tin tức, tài liệu về nhà thơ Lâm Vị Thủy, một người tài hoa trong văn đàn miền Nam Việt Nam trước 1975

Kính bút

Mimosa Phương Vinh

Berryhill-TN

Riêng nhà văn Trần Hoài Thư đã dày công sưu tầm thơ của Lâm Vị Thủy cũng như nhiều tác giả khác của Văn Học Miền Nam. Anh vào thư viện Cornell và tìm được một số bài.

Cũng Trần Hoài Thư đã ghi lại được đoạn viết đăng trên mạng của một người yêu thơ Lâm Vị Thủy.

“… Bàn tay tôi lần giở những trang thơ cũ xa xưa…

1978. Cô sinh viên văn khoa vẫn thường trốn học lang thang hàng giờ và vùi đầu vào hết thư viện này đến thư viện khác, hôm ấy vô tình tìm thấy trong một ngăn giá sách nằm khuất sâu phía trong một cuốn thơ mỏng đã ố vàng. Một cái tên lạ, hầu như chẳng bao giờ thấy trong các cuốn sách, các tạp chí phê bình. Nhưng ngay từ những dòng mở đầu, cô đã thấy gợi lên một cái gì đó thật đặc biệt trong đời sống tâm hồn của nhà thơ, một cái gì đó u ám, day dứt, cô đơn… Ẩn sâu trong những dòng thơ tưởng như viết ra vội vã và giản đơn là cả một tâm hồn thật yếu đuối trước những biến động của cuộc đời … Ðó là tập thơ in năm 1963 của NXB Huyền Trân, tập thơ mang một cái tên thật lạ, lạ như chính những dòng thơ ấy… “Sao em không về làm chim thành phố”…

Cô sinh viên ấy là mẹ tôi. Mẹ tôi mê thơ của Lâm Vị Thủy đến mức từng chọn đề tài luận văn là Chủ nghĩa hiện sinh, nhưng khi đăng ký, người ta trả lời rằng không có ai hướng dẫn đề tài…

Tôi không chú ý lắm đến cái tên và những dòng mở đầu trong tập thơ của ông, nhưng thật sự bị hút vào bài thơ “Cuối cùng” và “Thơ của những người không yêu nhau”, dù khi ấy tôi còn rất nhỏ để có thể hiểu thấu đáo những lời ông viết. Tôi cũng không đọc nhiều về chủ nghĩa hiện sinh, nhưng với tôi, và có lẽ cả với mẹ tôi, đến bây giờ Lâm Vị Thủy vẫn là một ẩn số, một cái tên lạ. Tôi chưa từng thấy ở đâu cái tên ấy, trong sách vở, trên mạng, trong các tạp chí nghiên cứu phê bình văn học.

Lam-Vi-Thuy--thubut

Và sẽ tuyệt vời biết bao nếu tôi được nghe bạn nói với tôi về nhà thơ Lâm Vị Thủy, người đã viết những dòng thơ khắc khoải buồn rầu, gợi lên những góc khuất trong tâm hồn mà đôi khi ta tưởng như đã rơi vội vàn vào cuộc sống… (Nguồn: Diễn Đàn CĐV SLNA: Sao em không về làm chim thành phố)

Và nhà văn Trần Hoài Thư đã tìm thấy ở thư viện Cornell tập thơ Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố và đã tái bản tập thơ trong Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.

Chúng ta xin gởi đến Trần Hoài Thư lời cảm ơn chân thành về những đóng góp của ông cho Văn Học Miền Nam.

NGUYỄN & BẠN HỮU