Nguyễn Thiện-Tơ
Chúng ta không biết Nguyễn Thiện-Tơ có bao nhiêu sáng-tác. Chỉ biết trong khoảng gần mười năm, tính cho tới lúc đất nước bị phân-ly, ông chỉ cho phổ-biến 5 bản, gồm: “Nhắn Gió Chiều”, “Giáo-Ðường Im Bóng”, “Qua Bến Năm Xưa”, “Trên Ðường Về”, và “Khúc Nhạc Canh Tàn”.
Nhận xét chung về nhạc của Nguyễn Thiện-Tơ là ca-khúc nào cũng buồn. Tuy không phải cái buồn thảm-sầu bi-luỵ, mà chỉ là nỗi buồn man-mác bâng-khuâng, nhưng không thể dứt bỏ. Có lẽ vì ông bị cái buồn của Hà-Nội ám-ảnh—Hà-Nội của đời thường chứ không phải Hà-Nội thơ mộng trong thi-ca. Hà-Nội ngày ấy buồn lắm. Không chỉ buồn vì cái màu xám muôn thuở của nơi chốn xưa kia được gọi là đất Thăng-Long, hay cái se lạnh thường đến sớm mỗi độ Thu về, mà còn buồn vì những câm nín u-ám trước thời-cuộc, những bất-ổn chia-lìa đe-dọa của chiến-tranh.
Một số người cho rằng, trong lãnh-vực ca-nhạc, muốn cảm-thông với tác-giả, và cũng để thưởng-thức trọn vẹn tác-phẩm, chúng ta phải sống cùng một thời, trải qua cùng một cảnh đời, có cùng một tâm-trạng. Tuy nhiên, theo suy-nghĩ của chúng tôi, điều này trong khi có tác-dụng khơi lại những kỷ-niệm của một thời đã qua giữa những người cùng thế-hệ, thì lại không ngăn cản và giới-hạn những đối-tượng thưởng-thức khác. Bởi vì trong nghệ-thuật nói chung, âm-nhạc nói riêng, nếu có tâm-hồn chúng ta sẽ có thể trở lại với quá-khứ mà chúng ta chưa hề sống qua, hoà mình vào không-gian, thời-gian của một thời đã đi vào huyền-thoại.

Thực vậy, mấy trăm năm sau, thế-hệ này qua thế-hệ khác vẫn rung động với chuyện tình “Roméo và Juliette” của Shakespeare, vẫn cảm-thương cho Vương Thuý Kiều của Nguyễn Du, thì Hà-Nội của những Nguyễn Thiện-Tơ, Hoàng Dương, Vũ Thành cũng vẫn tiếp tục hiện-hữu trong trí tưởng của những người không sinh ra, không lớn lên ở Hà-Nội, hoặc cả đời chưa một lần đặt chân tới nơi chốn ấy. Chắc hẳn sau bao năm sống khép kín ở miền Bắc, Nguyễn Thiện-Tơ cũng có được một niềm an-ủi khi biết rằng những sáng-tác từ nửa thế-kỷ trước của mình hiện nay vẫn tiếp tục được phổ-biến và yêu mến tại khắp nơi.
“Nhắn Gió Chiều”
Chiều nay sớm về với sắc thu đắm u buồn
Cùng gió ngàn với sương thu mờ buông
Ai có về nẻo xa
Cho nhắn cùng người xưa
Nhớ khi hoàng hôn cùng ai dưới màn sương
Bước dần trên đường lòng réo rắt yêu đương
Mây cùng với gió, lòng ta nhắn với đôi câu
Tới phương trời cũ cho người nhớ nhau
Lòng sao vẫn còn mang nỗi sầu mỗi thu về
Khi bóng ác tà khuất dưới làn sương chiều buông
Còn đây núi kia đây giòng sông nầy
Nào ai biết chăng tấm lòng nát tan
Còn đâu những phút tơ lòng hòa chung
Còn đâu những phút êm đềm nhớ nhung
Mà nay đến đây tơ đồng phím chùng
Nào ai biết cùng cõi lòng sầu thương!
https://www.youtube.com/watch?v=Uly4G7lFxv4&feature=youtu.be
Nguyễn Văn Quỳ
Nếu Nguyễn Thiện-Tơ được mô tả là một người sống khép kín thì con người Nguyễn văn Quỳ còn kín đáo hơn. Bao năm ở Hà-Nội, ngoài bằng-hữu rất ít người biết mặt ông. Cũng như Nguyễn Thiện-Tơ, Nguyễn Văn Quỳ sáng-tác không nhiều-hay là ông có nhiều sáng-tác nhưng không kịp phổ-biến. Tổng cộng ông chỉ có bốn bản được phổ-biến trước 1954, tất cả đều nói về chiều và đêm, như thể ông bị cái khoảng thời-gian nhạt-nhoà và mông-lung ấy ám-ảnh: từ “Bóng Chiều”, “Chiều Cô-Ðơn” tới “Dạ-Khúc”, “Nhớ Trăng Huyền Xưa”.
Các ca-khúc của Nguyễn Văn Quỳ cũng đều buồn, nhưng khác với cái buồn do ngoại-cảnh trong nhạc Nguyễn Thiện-Tơ, nỗi buồn trong nhạc Nguyễn Văn Quỳ là những cảnh đời trước mắt—và cũng có thể là những mảnh đời của chính ông. Một đặc-điểm khác trong các ca-khúc của Nguyễn Văn Quỳ là lời hát rất bóng-bẩy, chải-chuốt. Chẳng hạn ông viết về người kỹ-nữ trong bản “Bóng Chiều”:
“Từng dáng kiêu-sa quay cuồng mê quên ngàn kiếp truân-chuyên, có ai cười ngả-nghiêng đùa vui với duyên-tình hờ, mờ khói ám ngang đường tơ. Nhạc vút say sưa, niềm đắng cay đọng vơi đầy chén, lệ thắm hoen khăn…”
Hoặc như trong bài “Dạ-Khúc”
“Ðêm về trong bước phong-sương, lùa gió phũ-phàng. Ai cười kiếp sống mong-manh, lệ thắm cung đàn…”
Qua các ca-khúc của Nguyễn Văn Quỳ, người ta tin rằng ông là một người rất lãng-mạn nên đã mặc lấy cái áo thất-tình. Cũng có thể ông bị thất-tình thật sự rồi trở nên lãng-mạn. Hoặc cả hai thứ ấy đã hợp lại rồi quyện vào người ông. Nhưng nói cho cùng, ai trong chúng ta mà cũng có những lúc mơ-mộng bâng-khuâng, những suy-tư đầy lãng-mạn, thì nói gì tới những tâm-hồn nghệ-sĩ. Bởi đấy chính là dung-môi cần-thiết cho những chất-liệu tiềm-ẩn được dịp thăng-hoa.

Đêm về trên bến cô liêu mờ xóa chiều tà.
Lan thầm xơ xác run nghe sương chìm băng giá
Hồn ai về rền tiếng than như chập chờn
Hòa tan cùng nhịp sóng nước reo mịt mùng vẳng xa
Còn tiếc như hoa lòng tưới sắc dương
Ngời ánh mắt in hình xuân trắng trong
Mái tóc xanh ngát hương đời
Gió dịu hiền nhẹ rung lên ngàn lời thơ
Niềm trinh ngất ngây trong bao đợi chờ
Nhưng ngày xanh thắm mau phai tàn áng mây vàng
Cây buồn xao xuyến thương hoa rã rời theo gió
Màu đêm lạnh lùng lấp cánh nhung mịn màng
Giọt sương sầu nặng lá … thầm buông
https://www.youtube.com/watch?v=8oFQgeC__qk&feature=youtu.be
Hoàng Dương
Trong số những ca-khúc viết về Hà-Nội trước khi đất nước bị phân-ly, hai bản tiêu-biểu có lẽ là “Hà-Nội 49” của Trần Văn Nhơn và “Hướng Về Hà-Nội” của Hoàng Dương.
Trần Văn Nhơn thuộc lớp nhạc-sĩ tiền-phong trong Nam, cùng thời với Võ Ðức-Thu, Trần Văn Lý v.v… Ông lưu-lạc ra Bắc, có thời làm nhạc-trưởng ban Việt-Nhạc của Ðài Phát-Thanh Hà-Nội. Bài “Hà-Nội 49” được ông viết vào năm 1949, thời-gian mà Hà-Nội nằm trong tay người Pháp. Còn lực-lượng Việt-Minh sau cuộc đánh úp bất-thành đã rút về các chiến-khu, để lại cảnh điêu-tàn đổ nát nơi thủ-đô, khiến ông đã phải bùi-ngùi:
Bước men quanh hồ Hoàn-Kiếm giữa Thu chiều úa
Ta nhớ tháng ngày sống nơi thủ-đô hồi qua
Hồ đẹp gương nước liễu xưa la-đà bóng hồ
Khắp chốn nay điêu-tàn
Nhà xiêu đổ một cảnh nát tan…
Bản “Hướng Về Hà-Nội” của Hoàng Dương được ông viết sau đó 5 năm. Lúc ấy ông đã bỏ Hà-Nội về sống ở Nam-Ðịnh, chờ đợi số-phận của đất nước đang được đổi chác tại Genève. So với các nhạc-sĩ nổi tiếng cùng thời, Hoàng Dương là một nhạc-sĩ rất trẻ. Ông sinh năm 1933, tức là khi viết bản “Hướng Về Hà-Nội” ông mới hơn 20 tuổi. Ngoài “Hướng Về Hà-Nội”, ông chỉ có một sáng-tác khác được phổ-biến, là bản “Tiếc Thu”.

“Hướng Về Hà-Nội” được nhiều người ở cả hai phía yêu chuộng, bởi vì nó vừa là một tình-khúc ngọt-ngào, vừa là một cuộc chia lìa ảo-não. Sau năm 1954, người ra đi hát bản “Hướng Về Hà-Nội” để nhớ thương một Hà-Nội đã xa, còn người ở lại hát để nuối tiếc một Hà-Nội đã mất. Mất bởi vì Hà-Nội đã không còn là một Hà-Nội ngày xưa. Xa hay mất cũng đều là những nỗi buồn. Nhưng lạ một điều là các thế-hệ sau, sống trong một Hà-Nội đã thanh-bình, vẫn thích hát và thích nghe bản “Hướng Về Hà-Nội” để rồi buồn lây với tác-giả. Hay là, chính những người sinh sau đẻ muộn ấy đã nhận ra rằng Hà-Nội của những ngày thanh-bình xưa cũ được nhắc tới trong bản nhạc của Hoàng Dương vĩnh-viễn chỉ còn trong trí tưởng…
Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi
Áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dải ánh trăng mơ
Liễu mềm rũ gió ngây thơ
Thấu chăng lòng khách bơ vơ?
Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người còn nhớ nhung chi
Biết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về
Một ngày, mùa chinh chiến ấy chim đã xa bầy
Mịt mù bên trời bay
Một ngày, tả tơi hoa lá
Ngóng trông về xa, luyến thương hình bóng qua
Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi
Nắng hè tô thắm lên môi
Thanh bình tiếng guốc reo vui
Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời…
https://www.youtube.com/watch?v=pWOl8l4AB5A&feature=youtu.be
Người yêu nhạc của các thế-hệ đi sau có thể chỉ biết tới tên tuổi của Hoàng Dương qua bản “Hướng Về Hà-Nội”. Nhưng ngày ấy, năm 1953, chàng trẻ tuổi này còn nổi tiếng với một sáng-tác chung với nhạc-sĩ đàn anh Hoàng Trọng, đó là bản “Nhạc Sầu Tương-Tư”. Bản này Hoàng Trọng viết nhạc, Hoàng Dương đặt lời. Tuy có cùng chữ Hoàng trong bút-hiệu, nhưng hai tác-giả không có quan-hệ họ hàng.
Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung-Trọng, sinh ở Hải-Dương, sống ở Nam-Ðịnh, sau này hồi-cư về Hà-Nội. Còn Hoàng Dương tên thật là Ngô Hoàng-Dương, người Hà-Nội chính gốc. Hoàng Trọng là một nhạc-sĩ rất có tài, nhưng hình như ông hơi thiếu tự-tin trong việc đặt lời hát. Cho nên những bản nổi tiếng nhất, được yêu chuộng nhất của ông thường đều do người khác-như Hoàng Dương, Hồ Ðình-Phương, Quách Ðàm, Nguyễn Túc, Vĩnh Phúc… đặt lời.
Nếu chúng ta đồng ý rằng ba bản “Dừng Bước Giang-Hồ”, “Phút Chia Ly”, và “Nhạc Sầu Tương-Tư” là ba sáng-tác điển-hình nhất của Hoàng Trọng qua các thể-điệu Pasodoble, Tango và Slow, thì ta cũng không thể không nhắc tới Hoàng Dương-người đã góp phần đưa tên tuổi Hoàng Trọng lên tới đỉnh cao vào năm 1953 với bản “Nhạc Sầu Tương-Tư”. Ngày ấy, hầu như không ngày nào mà bản “Nhạc Sầu Tương-Tư” không được trình-bày ít nhất là một lần trên các đài phát-thanh. Ðến năm 2015, Hoàng Dương vẫn còn sống ở Hà-Nội nhưng không hiểu người ta đã cho phép hát lại bản nhạc vàng bất-hủ mà ông đã dự phần sáng-tác cách đây hơn nửa thế-kỷ hay chưa.
Nhạc Sầu Tương-Tư
Chiều rơi, cho lòng lạc loài chơi vơi
Ngày rơi, ai buồn giây phút qua rồi
Thời gian, luống phụ cho ai mãi đâu
Luống phụ cho ai mãi đâu, muôn kiếp u sầu.
Chiều ơi, trôi về miền nào xa xôi
Tìm ai, tiếng lòng thổn thức vắn dài
Tình ơi, mắt lệ chan chứa khắp nơi
Gió buồn không hỡi gió ơi, tan nát tơi bời.
Mây trôi bơ vơ, mang theo niềm nhớ
Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây
Môi em thơ ngây, mái tóc buông dài
Đôi mắt u buồn, lệ thẫm đêm nào ướt hoen khăn hồng.
Vì đâu, cho lòng tràn đầy thương đau
Vì đâu, cho đời ta xa cách nhau
Ngày trôi, xoá tình duyên cũ nghĩa xưa
Đắm chìm theo lớp gió mưa trong cõi xa mờ.
HN