Cưới vợ một lần là sợ tới già nên tui không dám làm tới lần thứ hai. Nhiêu khê lắm mấy anh ơi.
Nè trước khi cưới là Tía Má mình phải làm Ðám hỏi, mà Tây gọi là Ðính hôn!
Người Việt mình ở Úc nầy đây dù gả cho Tây hay cho Mít ít nhiều cũng còn giữ gìn phong tục của ông bà mình. Nhưng không khe khắt lắm. Cái nào của Tây hay hay, mình cũng học chớ không bo bo thủ cựu như các cụ ngày xưa!
Ðối với Tây thường chỉ có một đám Tân hôn thôi. Người Việt có tới hai lễ: Vu quy và Tân hôn.
Vu quy, tổ chức bên nhà gái, sính lễ: gồm trầu, cau, (vì miếng trầu là đầu câu chuyện), dù bây giờ đâu còn ông, bà nào ăn trầu xỉa thuốc rê nữa. Rồi rượu, chè tức trà, nhẫn, hột xoàn, dây chuyền, đồ trang sức cho cô dâu; cộng thêm tiền chợ tức tiền làm tiệc để quan viên hai họ cùng vui.
Tiệc tan, đoàn rước dâu sẽ rời nhà gái về nhà trai để làm lễ Tân Hôn. Theo cô dâu về nhà chồng cũng có mấy em phù dâu, tức dâu phụ, chưa chồng. Mấy em trang điểm lộng lẫy như Thẩm Thúy Hằng hay Thanh Nga để quảng cáo chào hàng. Ðám cưới nầy mới đẻ ra đám cưới kia chớ!
Rước dâu về, tân lang và tân giai nhân cũng đến bàn thờ gia tiên, nam tả nữ hữu, lạy, báo với ông bà tiên tổ nhà mình có thêm một người nhập vào ‘hộ khẩu’.
Rồi lạy, lạy hoài hè! Lạy cha mẹ chồng, chú, bác, cô, dì bên chồng để nhận phong bì tiền mừng cưới. Ðược miễn lạy mừng muốn chết! Chớ cuốc lên cuốc xuống hoài đêm động phòng hoa chúc, còn xí quách nữa đâu mà cuốc. Hổng lẽ đuốc hoa còn đó mặc nàng nằm trơ?
Chú rể nhận phong bì mừng cưới nhưng đừng bỏ túi mà đưa cho cô dâu giữ để thiên hạ đừng có xầm xì là thằng chồng gì mà rít quá, kẹo kéo quá.
Ðêm hợp cẩn giao bôi động phòng hoa chúc, tân lang nói với tân giai nhân là: “Thôi hai đứa mình bắt đầu đi!” Em e lệ, mặt đỏ bừng, lí nhí trong cổ họng: “Anh tắt đèn đi đã!”
“Tắt đèn thì làm sao thấy đường mà đếm tiền hè? Bà chủ nợ cho anh mượn tiền làm đám cưới em còn ngồi ngoài bàn chờ kia kìa!”
Thì ra mới về với nhau, em nghĩ chuyện khác, tiền bạc không quan trọng bằng yêu. Sau nầy thì ngược lại 180 độ.
Còn anh, đầu tiên phải là tiền đâu trước? Còn cái vụ kia có mất đi đâu mà sợ chớ, nên từ từ cũng được.
o O o
Úc đây ít thấy đám cưới làm tại nhà như quê mình mà đến những dịch vụ chuyên tổ chức đám cưới.
Bỏ tiền ra là guồng máy chuyên nghiệp phục vụ cho ngày vui của đôi trẻ khởi động liền.
Dĩ nhiên, tùy túi tiền nặng hay nhẹ thì đám cưới lớn hay nhỏ. Coi vậy chớ tốn cũng khẳm lắm nhe!
Hãy nghe một em du học sinh lấy chồng Úc, trải nỗi lòng… thòng trong tiệc cưới của mình như sau: Ðám cưới ở Australia, tốn kém hơn ở Việt Nam nhưng không khí thoải mái, vui vẻ hơn và không câu nệ hình thức.
Tiệc cưới theo kiểu Tây, gồm món khai vị, món chính và tráng miệng, được người phục vụ thường là những sinh viên làm thêm cuối tuần dọn các món ra dần dần, mỗi người một phần ăn rất lớn, bảo đảm ăn là no luôn.
Cuối cùng là trà, hoặc cà phê. Bia rượu các nhân viên sẽ phục vụ tại bàn, có quầy bar nhỏ để ai thích có thể ra đó uống rồi tự mình móc xỉa.
Khách gồm gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tới 150 người. Mỗi đầu người dự chi khoảng 150 đô. Vợ chồng em tốn hết khoảng 30 ngàn đô Úc
Khách Úc không đi phong bì như ở Việt Nam mà mang hoa, chai rượu hay những món quà nhỏ! Sau tiệc, mỗi người có một hộp kẹo xinh xinh mang về.
Ðám cưới theo kiểu Úc là có tiền thì làm, không thì chờ; chớ hổng hy vọng gì có phong bì để mà gỡ vốn, là ngày vui của mình thì mình ráng chi, ráng chịu; chớ hổng có ai nhào vô gánh tiếp cho mình.
Có một ông khen là: “Ðám cưới bạn hay quá. Ðể mình rút kinh nghiệm cho lần sau!” (He he! Con vợ mầy nghe được thì mầy chết!)
o O o
Truyền thống người Việt mình thì hay hơn nhiều. Hai vợ chồng tui đi đám cưới ít nhứt cũng 400 đô. Ối tiếp sắp nhỏ mà! Mình ăn mình trả tiền chớ tụi nó có lời lóm gì đâu?
Nhưng cầu mong một năm xin mời vợ chồng tui đi đám cưới một lần thôi nhe! Thân lắm hãy mời. Còn quen sơ sơ xin quên dùm một cái được hông?
Người Việt mình mới định cư không lâu mà đám cưới người Việt ở Úc nầy tới 5, 6 trăm khách là thường. Úc thấy còn hết hồn. Ðông đến nỗi Úc nó tưởng là mình đi biểu tình chống Trung quốc chớ không phải là đi ăn đám cưới.
Do đó mấy chú Việt Nam bên nầy dù cưới vợ Tây hay vợ Việt nên mời khách Việt hơn là khách Tây, vì Tây nó đi đám cưới đã không cho tiền mà còn ôm con vợ mình hun nữa chứ!
o O o
Melbourne nầy, mùa cưới là mùa Xuân, hoa chen sắc thắm, tháng Mười hoặc mùa Thu, tháng Ba chuẩn bị lạnh, nên quý anh mình sắm cái lò sưởi 37 độ rưỡi nầy về ôm cho nó ấm.
Tiệc cưới thường tổ chức vào những ngày cuối tuần: Thứ Bảy hạng nhứt, Thứ Sáu hạng nhì và Chủ Nhựt hạng ba.
Ngày Thứ Bảy, sau Lễ Tình nhân (Valentine’s Day) rơi vào mùa Thu là ngày được ưa chuộng nhứt. Nhưng phải đặt cọc trước 2, 3 năm mới có chỗ đó!
Ðàn ông Úc trong gia đình, ngày thường đóng một vai trò rất mờ nhạt!
Cho đến ngày bàn giao con gái mình vào tay một thằng khác, mới được quyền chiếm đài phát thanh mà dạy đời và tán dóc.
Nói với con gái: “Tía đã làm cha suốt một khoảng thời gian dài, Tía đã lo lắng khi con gái mình bị ốm (dĩ nhiên không phải là ốm nghén), đã tắm cho con, đã ru con ngủ. Tía không bao giờ nghĩ ngày con sẽ theo chồng. Nhưng cuối cùng thì Tía rất vui vì từ nay cái bồn tắm duy nhứt trong nhà sẽ trở lại tay Tía.”
Rồi quay sang con rể tương lai: “Tía xin tự giới thiệu Tía là thân phụ của cô dâu! Khi lớn lên nó đã kêu Tía bằng cái tên thân thương, bữa nào nó làm biếng thì gọi cụt ngủn là ‘Dad’, bữa nào siêng nó gọi dài hơn một vần là ‘Daddy’.
Tuy nhiên đôi khi nó cũng gọi Tía là: ‘Visa, Mastercard hay American Express’.
Giờ Tía giao con gái cưng của Tía cho con và hãy nhớ là: Hàng mua rồi không được quyền trả lại.
Từ giờ phút nầy: Con là rể của Tía, là người trong nhà. Con đường tình ta đi, Tía đã trải qua, hôm nay Tía xin trải lòng mình cho con một trời tâm sự!
Nhớ rằng khi phải tranh luận với vợ về vấn đề gì thì hãy để cho nó nói lời cuối cùng. Còn nếu con muốn nói lời cuối cùng, thì câu đó phải là: ‘Em nói đúng!’ Cầm bằng nói câu khác hơn con sẽ khơi mào cho một cuộc cãi lộn mới.
Khi con sai hãy mở miệng ra mà nhận lỗi nhé! Khi con đúng nhớ đừng có mở miệng ra.
Cưới vợ rồi tốt hơn mua một cuồn băng keo dính về dán miệng trước khi đi ngủ vì: Có ông nầy đến nhà thờ lúng búng vài câu rồi thấy rằng mình đã kết hôn.
Một năm sau, trong giấc ngủ, ông cũng lúng búng trong miệng vài câu và thấy rằng mình ly dị.
Cũng như Tía, chắc con chưa hề biết hạnh phúc là gì cho đến khi con cưới vợ. Tiếc thay lúc đó đã quá trễ, chim đã vào lồng cá đã cắn câu.
Tía tin rằng con không cưới vợ vì tiền. Vì mình đi mượn tiền ở ngân hàng sẽ chịu tiền lãi ít hơn.
Bởi một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chỉ gom lại hai chữ cho và nhận. Chồng cho và vợ nhận.
Người ta nói tình yêu là mù quáng. Tin Tía đi! Hôn nhân sẽ làm con sáng mắt ra!
Tía không nghi ngờ gì về chuyện con có đủ phẩm chất để làm chồng. Nhưng đủ phẩm chất làm con rể thì hãy chờ xem. Coi mỗi Chủ Nhựt, con còn đến nhà hay là cứ để Tía cắt cỏ một mình.
Tía chúc con rể của Tía được nhiều may mắn.”
Sau lời khuyên chí lý của thằng bạn Úc nầy với con rể nó, thì chỉ một ngày sau nó bị vợ bỏ vì tội tuyên truyền bôi xấu lãnh đạo nhà ta.

DXT – Melbourne