Ít có ngôi chùa nào ở Sài Gòn được gọi bằng nhiều cái tên như Chùa Ngọc Hoàng ở Đa Kao, toạ lạc tại số 73 Mai Thị Lựu Sài Gòn (Phạm Đăng Hưng ngày trước). Người Pháp, khoảng đầu thế kỷ 20 gọi là Chùa Đa Kao trên các văn bản hành chánh, người Việt mình gọi Phước Hải Tự theo đúng tên chữ Hán từ khi chùa được thành lập. Cũng có người gọi là Long Hoa Phật Đường hoặc Ngọc Hoàng Điện bởi ngôi chùa này thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế do Lưu Minh pháp danh Đạo Nguyên xuất tiền lập chùa và cũng là nơi họp hội kín chống triều Mãn Thanh.

Lưu Minh vốn là người Tàu ở Quảng Ðông, ủng hộ phong trào “Phản Thanh phục Minh” sau sự kiện Thái Bình Thiên Quốc xảy ra giữa thế kỷ 19. Ðây là cuộc chiến tranh do Hồng Tú Toàn lãnh đạo kết hợp với nhiều thủ lãnh khắp nơi trong nước nổi lên chống nhà Thanh. Nhà Mãn Thanh đã đưa ra chính sách sưu cao thuế nặng, vơ vét của cải để bù đắp sau cuộc Chiến tranh Nha Phiến với người Anh.
Cuộc cách mạng của Hồng Tú Toàn thành công lập nên Thái Bình Thiên Quốc được 14 năm sau khi chiếm được Nam Kinh, thiết lập nên chính quyền và đưa ra nhiều chính sách cai trị. Một trong những chính sách tôn giáo là cấm thờ Khổng, Lão, Phật, ông bà cha mẹ mà chỉ tôn thờ duy nhất Thượng Ðế, Thượng Ðế là đấng tối cao, trên hết tất cả mọi tư tưởng tín ngưỡng, mỗi ngày đều phải tán tụng ân đức. Thượng Ðế đối với người châu Âu theo Công giáo và Ki-tô giáo là Ðức Chúa trời. Còn với người Á Ðông, Thượng Ðế là Ngọc Hoàng, vua trên hết các vua ngự ở thiên đình.
Tuy nhiên, triều đình Mãn Thanh ở Bắc Kinh đã nhờ người ngoại quốc giúp đỡ dẹp tan Thái Bình Thiên Quốc. Triều đình truy quét loạn đảng và những người có tình cảm với các phong trào nông dân chống đối. Chùa chiền thờ phụng Thượng Ðế bị dẹp tan, nhiều người bị bắt bớ đưa ra pháp trường khiến dòng người Hoa có ý định phản Thanh phục Minh lưu vong sang xứ khác. Vua Tự Ðức, đồng ý cho dòng người Tàu tị nạn sang định cư.

Xin mở rộng một chút để giải thích hai chữ “người Tàu”. Chuyện người Tàu di cư sang Việt Nam đã có từ lâu tuỳ theo từng thời kỳ lịch sử, gần nhất vào giữa thế kỷ 17 là người Minh Hương sang định cư ở Cù Lao Phố, Sài Gòn – Chợ Lớn, Hà Tiên, kế tiếp sau thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc và gần đây nhất vào thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 người Pháp thành lập quy chế Bang hội của người Hoa (bang Quảng Ðông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hạ Châu) để dễ quản lý cho việc thuận lợi tuyển mộ phu phen người Hoa khai thác hầm mỏ, cao su…
Trước đó, chính sách của các chúa Nguyễn mở rộng phương Nam cần thêm nhiều nhân lực. Tiếp nhận di dân được lợi đôi điều. Tuy nhiên, người dân trong nước vẫn giữ thái độ miệt thị người Hoa, gọi họ là người Tàu, người Chệt, cắc chú (đọc trại từ “khách trú”). Trong một bài phiếm luận của Gia Ðịnh báo phát hành ngày 16/2/1870 giải thích gọi người Hoa là người Tàu như sau: “Người bên Tàu thường gọi là người Trung-Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; chỗ Kinh thành Hoàng-đế lại vô ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc. Người bên Tàu thường kêu mình là Ðường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Ðường nhà Thanh. An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v…”.
Trở lại nhà sư Lưu Minh sau khi bị triều đình Mãn Thanh truy bức, cùng dòng người Hoa chạy trốn đến vùng Ðất Hộ (Ða Kao) định cư. Vốn ủng hộ chính sách Thái Bình Thiên Quốc, xuất tiền riêng ông lập Ðiện Ngọc Hoàng, theo tôn chỉ thờ phụng Ngọc Hoàng Thượng Ðế cùng làm cơ sở bí mật hoạt động hội kín ở nước ngoài chờ thời cơ lật đổ Mãn Thanh. Ðiện thờ chia ra làm nhiều công trình trong một cảnh quan cây xanh nên thơ, kiến trúc kiểu Trung Hoa. Theo Vương Hồng Sển, chùa được khởi công năm 1905, sang năm 1906 thì hoàn thành.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu văn hoá cụ thể trên các dòng lạc khoản bằng chữ Hán thì Ðiện Ngọc Hoàng tạo năm 1900 và khánh thành 1905. Việc thời gian lập và khánh thành ngôi chùa không quan trọng bằng những tranh thờ, tượng thờ, bao lam, hương án trong chùa. Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, vẽ bằng giấy bồi rất có hồn còn nguyên trạng đến hiện nay. Từ cổng tam quan vào bái đường có miếu thờ thần Hộ pháp trước khi bước vào các điện thờ gồm tiền điện, trung điện và chánh điện.

Nhìn chung các tượng thờ phụng bên gian trái đều là những nhân vật trên thiên đình và kể cả Thập điện Diêm Vương với các bức gỗ chạm tầng địa ngục rất sắc sảo. Cũng theo các mô típ tượng thờ trong chính điện Ngọc Hoàng cai trị vua của các vua và muôn dân dưới trần thế, lại có thêm tượng Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu (nữ thần cai quản việc sinh nở), 12 bà mụ tạo hình hài hài nhi, 13 đức thầy lo việc dạy dỗ cho trẻ nên người.
Chánh điện là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế làm bằng giấy bồi cao ba mét, sơn son thếp vàng, chung quanh là các thiên tướng có cả Tề Thiên Ðại Thánh theo truyền thuyết từ đời nhà Ðường trong tác phẩm Tây Du Ký; Quan Thánh Ðế Quân (Quan Vũ) nhân vật trong thời đại Tam Quốc xa xưa hơn nữa.
Gian phải thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, Ðạt Ma Sư Tổ và tổ lập chùa Lưu Minh. Bên trên tượng Quán Âm Bồ Tát có bức hoành bằng gỗ khắc dòng chữ “Tiên Phật Nho tông” (tạo năm 1905), thể hiện sự dung hợp tư tưởng Tam giáo. Ðây là một trong hàng trăm di sản Hán nôm bằng những hoành phi, liễn đối giáo huấn tinh thần tam giáo đồng nguyên trong Chùa Ngọc Hoàng. Vậy Ðiện Ngọc Hoàng không chỉ thờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế đấng tối cao mà còn là sự kết hợp giữa tinh thần Phật Giáo và Nho Giáo và Ðạo giáo (Lão giáo). Dòng tín ngưỡng tam giáo đồng nguyên đã hình thành ở nước Việt từ thời những năm đầu đời nhà Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông) do ảnh hưởng từ thời Bắc thuộc.

Ở đây ta không bàn đến tôn giáo đồng nguyên mà vấn đền chính là tại sao, nhà sư tại gia Lưu Minh lập chùa không duy nhất thờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế theo tinh thần chính sách tôn giáo của lãnh tụ Hồng Tú Toàn? Một vài ý kiến cá nhân nêu ra mang tính chất tham khảo: Một là, tại Trung Quốc, triều đình nhà Thanh đã suy sụp, các cuộc cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ chuẩn bị cho Cách mạng Tân Hợi xoá bỏ chế độ phong kiến (1911). Hai là, chùa chiền lập ở đất Việt với mục đích làm hội kín tập hợp nhân lực lật đổ nhà Thanh, theo tình hình không còn cần thiết nữa. Ba là, với việc chỉ thờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế là đấng tối cao, xem ra không thu hút được khách thập phương đa số là người Việt đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ thời nhà Trần đã hoà nhập vào lòng dân tộc, nhất là từ thời Trần Nhân Tông trở về sau.
Chuyện hình thành dòng tư tưởng tôn giáo là một vấn đề dài, cũng như ngôi chùa này được Tổng thống Omaba ghé đến thăm nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016 được nhiều người bàn luận là cuộc viếng thăm có chủ đích đưa ra một thông điệp chính sự nào đó. Giáo sư lịch sử tôn giáo Dương Ngọc Dũng người giới thiệu Tổng thống Obama đến thăm chùa là do Chùa Ngọc Hoàng thì nhỏ, dễ dàng bảo vệ an ninh. Mặt khác Sư thầy Thích Minh Thông trụ trì của Chùa Ngọc Hoàng cũng là một Việt kiều, có thời gian sống ở Mỹ. Tôi cũng học ở Mỹ về, chừng đó lý do để ráp lại thành một lựa chọn hoàn chỉnh (Theo Zing.news).
Chùa Ngọc Hoàng thu hút khách thập phương trong nước và người ngoại quốc vào thời gian sau này nhờ nổi tiếng là một ngôi chùa cầu duyên, cầu tự (khấn và sờ vào tượng Ông Tơ Bà Nguyệt, cầu khấn 12 bà mụ cùng Kim Hoa Thánh Mẫu). Nhiều câu chuyện cầu duyên cầu tự được toại ý cũng có chuyện cầu hoài cả chục năm mà vẫn không xong. Tuỳ duyên mà được ý. Dẫu quang cảnh chung quanh ngày xưa đã thay đổi nhiều do đô thị hoá mọc lên những ngôi nhà cao tầng che chắn, ngôi chùa vẫn thu hút đông đảo khách thập phương là nhờ kiến trúc bảo tồn còn nguyên vẹn dù trải qua nhiều lần trùng tu. Chùa được công nhận là công trình Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1994.
TN