Hãy tưởng tượng tất cả mọi người sống trong hòa bình. Imagine all the people / living life in peace…
(Imagine- John Lennon)
Ðêm Giáng Sinh. Uớc mơ nói trên càng trở nên nóng bỏng. Bởi lẽ thông điệp của Giáng Sinh là thông điệp hòa bình. Này, hãy lắng nghe: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời / Bình an dưới thế cho người thiện tâm… Vậy mà, tới thế kỷ này, lửa chiến tranh vẫn chưa chịu tắt. Nó còn cháy đâu đó trên những chiến trường gió cát và trên vùng núi đá hoang vu.
Nhưng Giáng Sinh là thời khắc của hy vọng. Hy vọng, cũng như mọi thứ tốt đẹp trên đời, là do ở ý chí con người mà trở thành sự thật. Như cách đây một trăm năm, bên những chiến hào của Mặt Trận Miền Tây Châu Âu, những người lính Anh, Pháp, Ðức đã sống trong không khí hòa bình và tình anh em thật sự.
“Tên tôi là Francis Tolliver. Quê quán tôi ở Liverpool. Cách đây hai năm, chiến tranh đã chờ tôi trước cổng trường. Và tôi đã lên đường tới Belgium và những cánh đồng Flanders cũng như đã tới nước Ðức này rồi tới nơi đây. Ðây là thời khắc của lễ Giáng Sinh, chúng tôi đang chen nhau trong những giao thông hào đầy tuyết giá. Những cánh đồng đóng băng của nước Pháp nằm im lìm. Giờ này, gia đình tôi ở nước Anh đang tụ họp nhau. Còn tôi cùng các đồng đội thì đang nằm trên đất và đá lạnh băng. Bỗng chạy dài qua các phòng tuyến, giọng hát của một người lính Ðức trẻ bay lên. Mọi người đều lắng nghe. Thế rồi những giọng khác cùng hòa theo nhịp nhàng. Những khẩu đại bác đã im tiếng, những đám mây màu chì không còn bay trên bầu trời. Bởi vì Giáng Sinh đã đem đến cho chúng tôi những giờ phút nghỉ ngơi xa chiến trận…”
Các bạn của Tim ơi, các bạn vừa nghe lời của người lính Anh tên Francis Tolliver trên chiến trường nước Pháp hồi Thế Chiến I. Và mới đêm qua đây, sau khi đọc hết truyện ngắn cảm động của Nguyễn Thị Thảo An và thương cho người lính trẻ tên Bình nhân vật trong truyện, Tim tôi nghĩ đến Lễ Giáng Sinh đang tới hy vọng rằng trong thời khắc đó tiếng súng sẽ im trên các chiến trường Iraq, Iran và Afghanistan. Và Tim Nguyễn đã vào Youtube xem những hình ảnh của chiến trận mùa đông năm 1914 trên các phòng tuyến phía Tây châu Âu, nghe giọng đọc và hát ca khúc Christmas in the Trenches của John McCutcheon. Ôi, biết bao hình ảnh đã diễn qua tâm trí của Tim. Thời tiết băng giá khắp nơi. Những thành phố gạch vụn. Những khuôn mặt trẻ lấm đầy bùn đất và băng tuyết trong những chiến hào trùng điệp. Trong tiếng hát cất lên: “Twas Christmas in the trenches where the frost so bitter hung / The frozen fields of France were warmed as the song of peace was sung”, Tim Nguyễn nhìn thấy qua ánh nến tỏa lên từ các chiến hào, những người lính Anh-Pháp-Ðức trao bánh kẹo và hình kỷ niệm cho nhau. Có cả cảnh những người lính đá banh trên băng tuyết và bùn lầy của trận địa.
Ðây, Tim mời các bạn theo dõi một khúc đoạn phim: Cuộc hưu chiến bắt đầu vào Ðêm Giáng Sinh 24 tháng 12 khi những người lính Ðức khởi sự trang hoàng khu căn cứ của họ chung quanh các chiến hào trong vùng Ypres, ở Belgium, để mừng Giáng Sinh. Trước hết, họ gắn đèn nến trên cây thông, sau đó hát những bài ca Giáng Sinh. Những người lính trong chiến hào nghe rõ bản Stille Nacht (Silent Night). Silent night! Holy night! All’s asleep. All’s bright…… Những người lính Tô Cách Lan bên kia chiến hào cũng hát bằng tiếng Anh. Thế rồi cả hai bên cất tiếng chúc tụng nhau. Một lát sau, một người bước qua lằn ranh phi quân sự mang theo một ngọn cờ trắng và cây Giáng Sinh có gắn đèn, rồi những người khác kéo ra theo trao quà tặng cho nhau – gồm rượu, mứt, xì gà, bánh, kẹo, thịt muối, chocolate… Họ cũng trao nhau quà tặng và đôi khi cả địa chỉ và uống chúc mừng nhau. Ðêm ấy, pháo binh trong vùng im tiếng. Cuộc ngưng bắn còn cho phép đôi bên chôn cất và cử hành tang lễ cho những người vừa nằm xuống. Bài Psalm 23 được kính cẩn đọc lên: Chúa là người chăn của tôi. Tôi không muốn gì hơn. Người đưa tôi đến nằm trên đồng cỏ xanh. Người đưa tôi ra nơi bờ nước lặng. Người cứu vớt linh hồn tôi, đưa tôi đi trên con đường chính rạng danh người. Và tôi bước qua thung lũng của bóng tử thần mà không hề sợ hãi……
Cuộc hưu chiến lan khắp các phòng tuyến, và người ta kể lại những trận banh giữa đôi bên. Trong cuốn phim Joyeux Noel (Giáng Sinh Vui Vẻ) của Pháp được giải Oscar kể rằng những bức thư của những người lính Anh và Ðức gởi về nhà cho biết kết quả của trận đấu là 3-2 nghiêng về phía Ðức.
Ở nhiều nơi, cuộc ngưng bắn kéo dài cho tới nửa đêm Giáng Sinh, bất chấp lệnh của cấp trên. Nó không phải là huyền thoại mà là thực tế của Thế Chiến I.
Năm 1915 cũng có ngưng chiến giữa hai bên Ðức và Pháp. Chuyện kể: Khi chuông Noel vang lên trong những khu làng của vùng Vosges đằng sau phòng tuyến thì những người lính Ðức và Pháp bắt tay hòa bình với nhau; họ viếng thăm nhau qua những chiến hào và địa đạo bỏ hoang, trao đổi nhau rượu, thuốc lá, bánh mì đen và thịt nguội. Họ vui cho tới nỗi trở thành bạn của nhau sau lễ Giáng Sinh.

Ngày 7 tháng 11 năm 2006, ca sĩ Chris de Burgh đã trả 14,000 đô la để mua 10 trang thư của một người lính Anh vô danh đã trải qua cuộc hưu chiến Giáng Sinh 1914 và kể lại. Lá thư bắt đầu như sau: “Ðây là đêm Giáng Sinh đáng ghi nhớ nhất trong đời tôi. Kể từ giờ uống trà ngày hôm qua, tôi không nghe tiếng súng nào bắn lên cả. Ðêm qua, bầu trời một màu trắng bạc ánh trăng cho nên từ chiều chúng ta đã đốt một vài đống lửa và hát một vài bài hát cổ. Lính Ðức ở phòng tuyến bên kia cũng thắp đèn dọc theo bờ giao thông hào và bắt đầu đi về phía chúng tôi cất tiếng chúc mừng Giáng Sinh. Chúng tôi ca hát và chuyện trò vui vẻ. Một vài anh lính bên này cũng bước sang phòng tuyến Ðức chơi. Một kỷ niệm không bao giờ quên được. Và đêm ấy, mặc dầu đốt lửa nhưng trời lạnh lắm.
Hôm sau trời sương mù. Chúng tôi lại có một buổi sáng an lành. Một vài người đi trẩy hội trong làng. Chúng tôi đi lại trên nóc chiến hào. Chiều tối, hai bên chúng tôi từ biệt nhau và chúc nhau bình an. Trời lạnh giá và mặt đất bắt đầu đóng băng…”
Giáng Sinh trôi qua như thế trên Mặt Trận Miền Tây châu Âu. Và những người lính đã có được những thời khắc an lành vui vẻ. Sự kiện này không được các cấp chỉ huy thời bấy giờ loan truyền rộng. Tuy nhiên, Giáng Sinh năm 1988, tờ Boston Global tường thuật một đài phát thanh địa phương phát một chương trình trong đó chơi bài “Christmas in the Trenches” và đã được hoan nghênh nhiệt liệt, yêu cầu chơi đi chơi lại nhiều lần. Ðiều ngạc nhiên hơn nữa là nhiều người gọi vào cho biết họ đã rơi lệ khi nghe chơi bài “Giáng Sinh Bên Các Chiến Hào”. Chúng ta hiểu tại sao như vậy. Phải chăng ước vọng chung của mọi người là thấy được thế giới này khác đi.”
Riêng Tim Nguyễn thấy thương cho anh lính nào đó cũng ở Mặt Trận Miền Tây vào sáng ngày Giáng Sinh năm xưa nhận được thư người yêu mở ra đọc thì bị ngay một viên đạn bắn sẻ hạ gục. Lá thư bay theo cơn gió mùa đông.
TN Tổng hợp