Menu Close

Giánh sinh miền viễn tây

Vào giữa những năm 1800s, mùa Lễ Giáng sinh với những tập tục truyền thống rộn ràng và cũng đầy sắc màu như hôm nay. Trang hoàng cây thông noel, nhà cửa; Ông già Santa Claus, những vớ treo đầy lò sưởi đựng quà, những tấm thiệp chúc mừng ấm lòng, quà tặng nhau trong gói giấy màu; đi lễ nhà thờ và các buổi tiệc quây quần đoàn tụ, thức ăn uống ngập tràn…Thế nhưng ở miền Tây hoang dã thì không như thế!

giang-sinh-mien-vien-tay2
Cowboy đem cây thông về nhà

Nơi miền đất bao la và đầy xa lạ với di dân, lạ từ con sông đến ngọn gió sang mùa, lạ từ cành xương rồng chưa bao giờ phủ tuyết của miền hoang mạc Texas đến những cánh rừng thông trắng xóa giá băng từ mùa thu của Montana. Nơi miền Tây hùng vĩ đất rộng người thưa, những di dân miền Ðông đã đến vào mùa xuân trước, họ dựng nhà trên đồng vắng, trong rừng hoang. Hoang vu đến nỗi họ phải trồng cây quanh nhà để bớt cô quạnh. Cơn gió đi qua nghe xạc xào như tiếng người quen. Và họ đã ở lại để làm nên những xóm làng, thành phố. Họ chừng như xa ngái với đời sống văn minh phố thị ở miền Ðông. Họ là những chàng cao-bồi, thợ rừng bẫy thú hoang, thợ đào mỏ vàng bạc, những nhà thám hiểm, người lính, những di dân tiên phong gan dạ…Và mùa Giáng Sinh về thiếu vắng những niềm vui hội hè trọn vẹn của cố hương. Vậy nhưng họ vẫn đón chào bằng những món quà tự làm, những thức ăn từ sản vật hiếm hoi và những lễ hội nhỏ khiêm nhường. Have yourself a merry little Christmas. Họ chừng như nhủ thế!

giang-sinh-mien-vien-tay4
2 cô bé đón Giáng sinh 1899

Giáng sinh sớm nhất ở miền Tây được ghi lại là từ đoàn thám hiểm ngàn dặm lịch sử của Lewis và Clark mùa đông năm 1804. Ðoàn đến bờ biển Oregon và trú đông, đợi cho mùa xuân ấm áp, họ xây đồn Mandan bằng gỗ nhỏ. Ngày Giáng sinh họ ăn tiệc với bánh mỳ, táo khô, tiêu hột…Tuyết rơi vào buổi sáng Giáng sinh, 15 độ F, các binh sĩ được giải tán trong vui vẻ và đánh thức im ắng của bầu trời bằng các khẩu súng nhồi thuốc nổ mù khói, sau đó họ giương cờ, hát hò và nhận quà là các khăn tay và thuốc lá vấn. Vài lính đi săn, người khác khiêu vũ… Thế nhưng khó khăn nhất là câu chuyện của những người lính thời ấy. Trung úy Zebulon Pike và 24 binh sĩ rời đồn Belle Fontaine (gần St. Louis, Missouri) vào ngày 15 tháng 7, 1806. Nhiệm vụ tìm kiếm, định vị và khám phá ngọn nguồn con sông Arkansas và Red Rivers. Họ đến Salida, Colorado vào ngày trước Giáng sinh. Tuyết ngập gối và không một bóng dáng thú rừng, làng mạc. Viễn ảnh của sự chết đói thấp thoáng trong đầu binh sĩ. Ðoàn quyết định cắm trại và săn thú rừng cho đêm Giáng sinh. Các binh sĩ trở về với 2 con bò rừng buffalo. Cả đoàn hân hoan. Ðêm ấy Pike viết nhật ký: “Giờ đây chúng tôi lại quây quần trong đêm Giáng sinh. Mọi người dần vui vẻ, mặc dù thức ăn trong buổi tiệc chỉ có thịt buffalo, không có gì khác, ngay cả muối.” Ngày hôm sau bão tuyết và giá rét thấu xương. Mọi người ôm chồm nhau quanh đống lửa. Pike viết tiếp: “Giờ đây tôi mới nhận ra rằng, những khó khăn thiếu thốn mà thường ngày mình không bao giờ nghĩ đến. Chúng ta đã quá quen thuộc những tiện nghi thoải mái của quá khứ. Nhưng ở đây, cách 800 dặm từ biên cương của quê nhà, trong tiết mùa khắc nghiệt nhất; không có ai đủ lành lặn áo quần cho mùa đông, vài người không có chăn (họ đã cắt ngắn chăn để quấn làm vớ…) Và giờ họ ngủ giữa đêm dưới trời khuya trên đất tuyết ẩm. Họ phải nằm nghiêng một bên để lưng che ngọn gió buốt, lòng nghĩ đến bộ da con bò buffalo sẽ lột làm giày cho ngày mai…”

giang-sinh-mien-vien-tay3
Cô gái bên cây Noel thắp sáng bằng nến

Bốn mươi hai năm sau đó, Ðại tá John C. Frémont (nhà thám hiểm, chính khách lừng danh của Mỹ với 4 lần đi khám phá miền Tây, vẽ nên bản đồ các đường mòn cho các cuộc di dân vĩ đại của đất nước) trong lần viễn chinh thứ 4 vào dịp Giáng sinh 1848, đoàn của ông cắm trại ở La Garita Range vùng núi cao phía nam Colorado. Tuyết phủ đầy trời, không một cọng cỏ, một nhánh lá cho ngựa, la. Và cái rét âm độ. Dầu vậy đoàn vẫn ăn tiệc Giáng sinh. Thực đơn của buổi tiệc hôm ấy:

Soup: Ðuôi La. 

Thịt: La steaks, La chiên, La hầm, La bằm, La với bánh mì (không có bánh mì), Sườn La với nước sốt táo (không có nước sốt táo). 

Thức uống: Tuyết, Tuyết và Nước.

Các mùa Giáng sinh thời ấy, ngoài các đoàn thám hiểm của chính phủ, còn có các tay buôn lông thú và bẫy thú rừng. Họ là những kẻ giang hồ chánh hiệu. Phần lớn đơn độc trong rừng sâu đi săn tìm thú hoang, thời gian của họ chừng như tính bằng các con trăng khuya, các hừng đông trên núi cao. Họ đánh dấu ngày tháng bằng những nút thắt trên dây thừng bên hông. Tuy vậy dịp Giáng sinh làm họ nhớ những bếp lửa ấm áp ngày xưa. Và họ cố tìm nhau ngồi lại bên góc chân đèo, trong một lều nhỏ, thơm mùi thịt nướng. Lắm khi họ ăn nhậu với các bộ tộc thổ dân. Người da đỏ gọi bữa tiệc hôm được mời dự là “Bữa ăn lớn”. Trong một Giáng sinh, James Kipp một tay người rừng muốn đãi các đồng nghiệp và người da đỏ buôn bán lông thú một món ăn lạ đặc sắc, anh ta đã vỗ béo một tuần trước đó một con bê cái, một thức ăn hiếm hoi cho thổ dân. Trái với điều anh nghĩ, các thổ dân nếm thử bê thui và nhổ ra, chê rằng thịt nhạt và béo, không như thịt buffalo săn chắc mà thổ dân quen dùng.

giang-sinh-mien-vien-tay1
Tạp chí St. Nicholas 1913

Trong cuốn The Prairie Traveler xuất bản năm 1859, Ðại úy Randolph B Marcy ghi lại trong hồi ký: “Chúng tôi thật thiếu muối, bằng cách đun cháy thịt la, rắc chút bột thuốc súng lên thịt, chúng tôi vờ như miếng thịt có muối và tiêu đen.”  Ở Denver, Colorado năm 1888, anh thợ mỏ Will C. Ferril viết: “Bất kể đời sống nào ở miền Tây này, chỉ có 2 dịp trong năm gợi lại đời sống ở quê nhà, đó là Lễ Tạ Ơn và Giáng sinh… Hãy tưởng tượng ở một độ cao chừng 2 dặm trên New York, một ngàn thợ mỏ ở Colorado vui mùa lễ hội. Họ bị tuyết băng vây phủ tháng trời và cô lập. Mùa Giáng sinh, họ có thật nhiều thịt rừng nhưng thiếu vắng những người mẹ, người vợ nấu nướng sửa soạn bàn tiệc. Một thợ nói: “Ước gì chúng ta có hoa cho bàn tiệc!” Ai nấy đều gật đầu. Chợt một người bảo: “Hãy lấy các lá thư cũ ra!” Vậy là mọi người lôi từ trong ba lô các lá thư úa vàng có ướp mấy cánh hoa khô, cánh hồng, cánh violet, cánh daisy…Mọi người vẫn còn bùi ngùi như thiếu vắng chút gì, cho đến khi một người đọc lên những dòng cuối thư “Cầu Chúa phù hộ con tôi! Phước lành cho tất cả chúng con!” Và tôi ngước lên để thấy nước mắt lăn trên má những khuôn mặt phong trần vì gió bụi miền Tây.” 

Trở lại hình ảnh người di dân nơi miền Tây giá rét. Từ trong gió đông họ nghe văng vẳng tiếng Thánh ca từ nhà thờ nhỏ có tháp chuông cao bằng gỗ dựng sơ sài trong cánh rừng, mùi thịt nướng bay xa trên đồng hoang. Những người thợ rừng bẫy thú hoang và nông dân đã về trong lều gỗ, quên đi những ngày gian khó còn trước mắt và sửa soạn những miếng thịt hun khói sấy khô bên bếp lò. Một hồi ký của cô bé ở Kansas ghi lại: “Mẹ bận rộn suốt ngày nấu ăn sửa soạn cho Giáng Sinh. Bà nướng bánh mì mặn muối, bánh bột bắp ngọt trộn trứng gà và bơ, bánh khô kiểu Châu Âu, một chảo lớn đậu hầm, thịt heo muối và đường mật. Bà còn làm thêm bánh táo khô, bỏ đầy hũ lớn bánh cookies và để cho 2 đứa con gái nhỏ thản nhiên liếm hết cái muỗng ăn bánh.” Giáng sinh ấy, cô bé vui mừng khi nhận được quà là một cái hộp thiếc mới tinh, một cây kẹo bạc hà, một cái bánh hình trái tim và một đồng xu bạc mới keng trong vớ cạnh bếp lò. Thời ấy 4 món quà đó thật là to lớn của một cô bé trên miền Tây hoang dã.

giang-sinh-mien-vien-tay
nguồn: Project Gutenberg

Truyền thống Giáng sinh với ông già Santa Claus cũng trở nên phổ biến ở miền Tây nhờ tạp chí “St. Nicholas”, xuất bản vào khoảng đầu những năm 1800 cho đến 1940. Tạp chí đầy tranh vẽ minh họa bằng màu nước nhắm đến các trẻ em xa vùng miền Ðông phố thị. Những câu chuyện, bài thơ, thi đố chữ, trò chơi và thêu thùa ngập đầy tạp chí, giúp trẻ em tiêu khiển giải trí suốt một mùa đông dài nơi hoang dã.

Khó khăn nhưng di dân vẫn tìm mọi cách trang hoàng nhà cửa rộn ràng. Mọi vật dụng đều lau chùi sạch sẽ, các cành thông, cách nhánh cây xanh, ô-rô, quả thông khô, trái dâu berry và các đậu khô thường được dùng bày biện và trang trí trên bàn ăn, góc nhà, trước cửa sổ. Vài gia đình mà nhật ký ghi lại đã cho thấy họ đã dựng cây thông noel và trang trí bằng các dải ribbon màu sắc, các cuộn chỉ màu và giấy dán tường. Những quả cầu lấp lánh được thay thế bằng những con búp bê nhỏ bện bằng len, những chiếc máy bay nhỏ bằng gỗ, người lớn thì hay có khăn tay, bao gối thêu viền. Bánh ngọt phủ đường trắng thơm mùi quế cũng khan hiếm nên hầu như chỉ rắc chút bột mì… Ngay cả gỗ cũng khan hiếm, những căn nhà của di dân lại thấp nhỏ, nên hầu như ít nhà có cây thông noel. Nếu gia đình nào có vụ mùa khá giả thì ăn lễ sang hơn với quà quý giá như thịt tươi, khăn quàng cổ, mũ da, găng tay và vớ ấm. Món quà quý giá nhất là chú ngựa con quàng chiếc nơ đỏ, cha dắt về qua cánh đồng tuyết trắng…

Dù giàu sang hay nghèo khó nhưng đa phần các xóm làng đều có nhà thờ, xa thì đi xe ngựa, xe bò, gần thì đi bộ. Ngày Giáng sinh họ đến nhà thờ và sau đó về nhà dự tiệc gia đình truyền thống, thăm viếng bạn bè và láng giềng. Ðêm Giáng sinh, tuyết trắng xóa cánh đồng, gió lạnh thênh thang, trời cao lấp lánh sao đêm. Họ quây quần bên bếp lò, cạnh cây thông và hát. Have Yourself a Merry Little Christmas.

Hãy đón một Giáng sinh vui nho nhỏ

với lòng hân hoan

Vì từ đây mọi buồn phiền đã xa

Hãy có một Giáng sinh vui nho nhỏ

cho mùa lành rộn ràng

Bởi từ rày mọi buồn phiền đã qua

Hãy có một Giáng sinh – thật vui – nho nhỏ.

Giáng sinh đã tìm đến họ ở miền Viễn Tây xa xôi.

SB