Đến Klaipeda thì trời đã chiều, trời vẫn mưa sướt mướt. Klaipeda là thành phố ven biển và cũng là hải cảng duy nhất của Lithuania. Thành phố có mặt từ năm 1252 khi quân Thập Tự xây đồn trại Memelburg ngay tại cửa sông Dane. Qua nhiều thế kỷ, Klaipeda giữ vai trò quan trọng của một hải cảng dù dưới thời Sô Viết, thành phố trở thành xưởng chế biến quân nhu, quân dụng và chịu tàn phá khá nặng nề trong Thế Chiến II

Kỳ 1
Quán trọ ở ngay trong khu phố Cổ, gần công trường chính, Theater Square, của thành phố. Cũng một kiểu kiến trúc với sân gạch nằm giữa, bốn phía là các tòa nhà lớn và nhà thờ. Cứ vài góc phố là ta lại thấy nhà thờ, nhà thờ lớn nhà thờ nhỏ, rất nhiều nhà thờ.
Công trường mang tên Hí Viện vì ở đó có một… hí viện (“nhà hát” nói theo tiếng Việt hiện hành)! Trên sân thượng của hí viện, ngày 23 tháng Ba, năm 1939, Adolf Hitler đã xuất hiện nói chuyện trước đám đông. Ngày ấy, trước mặt hí viện là bức tượng Annchen of Tharau do thành phố dựng năm 1912 để vinh danh nhà thơ Simon Dach (1605-1659), nổi tiếng suốt mấy trăm năm qua các tác phẩm văn chương điển hình là bài thơ ‘Annchen of Tharau’ sáng tác năm 1637.
Tương truyền rằng bức tượng đứng quay lưng về phía hí viện; nhưng bị xoay 180 độ để mặt hướng về phía Hitler khi ông này diễn thuyết. Bức tượng biến mất trước Thế Chiến II, được tái tạo năm 1989 bởi nghệ sĩ địa phương theo phong trào “về nguồn”, phục hồi di sản của tiền nhân và tô điểm bản sắc thành phố. Bức tượng được đặt vào chỗ cũ, trên nóc bồn nước.

Klaipeda cũng là địa điểm xa nhất về phía Ðông Bắc trên đường tiến quân của quân đội Nazi. Họ dừng chân ở đó và ra tay vơ vét của cải, tàn sát cư dân qua chiêu bài “bảo tồn chủng tộc”.
Thành phố nhỏ, chỉ có vài đường phố chính, đi lòng vòng chút xíu là quay về chốn cũ. Quán ăn cách nhà trọ cỡ năm phút đi bộ, trời tối hù lại mưa lất phất nên Dế Mèn cũng ngại lang thang. Món ăn chẳng có chi đặc biệt, rượu vang địa phương có vẻ nhạt nhẽo nhưng quán đông khách vì có ban nhạc sống, ca sĩ hát những bản nhạc Âu Mỹ thịnh hành trong những năm 80-90 của thế kỷ trước mang lại cảm tưởng “quen thuộc” cho nhóm du khách dù đang lang thang trên xứ lạ! Âm thanh quả là một cách “gợi nhớ” vô cùng hiệu quả, không lạ là trong việc phục hồi trí nhớ, y học ngày nay sử dụng những bài hát cũ, âm thanh quen thuộc với bệnh nhân… Dế Mèn ngồi nghe nhạc “Yesterday” mà mơ màng đến những ngày ở Huê Kỳ!
Buổi sáng hôm sau phe ta qua phà đến Curonian Spit, một dải đất ven biển được UNESCO công nhận là di tích lịch sử. Dải đất mỏng và dài gần trăm cây số, nằm co ro giữa biển nước, một bên là hồ Curonian, bên kia là biển Baltic. Mảnh đất hiện diện trên dưới 5,000 năm gồm những rừng thông xanh rì, những đồi cát chập chùng và những bờ biển cát trắng.

Một phần của dải đất ấy là Kaliningrad, lãnh thổ của Nga Sô, nơi đồn trú của quân đội Nga. Khi trả lại độc lập cho Lithuania, Nga Sô giữ lại doi đất có tính cách quân sự ấy, phòng lúc “có chuyện”, hễ ‘động đậy’ là Nga Sô có thể tiến quân chớp nhoáng theo đường bộ chưa kể việc chuyển quân bằng đường thủy qua cửa biển sát bên cạnh.
Trời âm u, thời tiết khá lạnh, cỡ 45-50 độ F, lại ra biển gió lồng lộng nên bá tánh bắt đầu quấn khăn trùm mền. Nhóm du khách lang thang trên bờ biển nhìn ngắm phong cảnh, cây xanh mướt mắt pha trộn giữa những đồi cát. Trong tầm mắt là đất Nga cờ quạt phất phới; một người trong nhóm lội bộ ra sát biên giới xem đất Nga có những gì, mới đến khoảng 20 thước cách đường dây kẽm gai đã thấy lính biên phòng thổi còi xua đuổi.
Biển Baltic nổi tiếng về amber (mã não?), còn gọi là “Baltic gold”. Amber nằm trong biển cả, sau mỗi trận mưa bão, amber thường trôi dạt đến bờ biển nên người địa phương thả bộ tìm kiếm nhặt nhạnh mỗi khi ra biển. Mảnh amber lớn nhất tìm thấy tại bãi biển nọ nặng cỡ 30 cân Anh!

Một chút về amber: Ðây là những khúc gỗ thông hóa thạch sau nhiều ngàn năm, có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau tùy theo mức khoáng chất, cây cỏ địa phương. Phổ thông nhất là màu mật ong trong suốt, mà xanh lục hoặc trắng thì quý hiếm hơn. Amber được chế biến thành đồ dùng và vật trang sức. Giá một đôi bông tai bằng bạc, dát amber giản dị cỡ 60 Euro. Có giá như thế nên tất nhiên là có những món hàng giả và tại một “studio” trong làng, Gintaro Gallery nơi chế biến và bán amber, người bán chỉ dẫn đôi chút về món hàng: Amber cũng được cắt, mài giũa theo hình thể định sẵn rồi chùi cho bóng trước khi bày bán; khi đốt hàng “thật” sẽ cháy và sẽ nổi lên trong nước muối.
Ngoài việc tìm kiếm amber trong biển cả, người Nga và cả người Columbia (Nam Mỹ) còn khai quật hầm mỏ amber trên đất liền. Hình như amber từ Columbia có giá cả rẻ hơn amber từ vùng Baltic?

Dọc theo bờ biển, đẹp nhất là làng Nida với những ngôi nhà vén khéo, được chăm sóc cẩn thận để cho thuê trong mùa nghỉ hè, chủ nhân có thể chịu khó ở tạm trong nhà kho hoặc thuê phòng tạm trú ở Kaunas. Trên nóc nhà là những vật “hóng gió”, weather vane. Ngày xưa người địa phương chế biến vật dụng này để nhận hướng gió và thay thế cho địa chỉ, nhà nuôi gia súc dê cừu thì có hình thú vật, nhà có con gái tuổi cập kê thì có hình tượng cô gái… Từ xa, người ta có thể nhận “mặt” chủ nhân mà tìm đến đúng nhà.
Những tấm weather vane sặc sỡ bắt mắt nhưng quá cồng kềnh để khuân về Huê Kỳ, thích lắm mà phe ta đành chịu thua, cứ nghĩ đến chuyến đi còn ít nhất cả hai tuần lễ nữa mà tha mà lôi qua bốn, năm thành phố nữa vừa xe bus vừa máy bay là nản lòng!
Nổi bật giữa các đồi cát là Parnidis Dune, ngọn đồi cát cao nhất vùng có nguyên một công viên mang tên cái “đồng hồ” đọc giờ theo hướng nắng, Sundial park.

(Còn tiếp 1 kỳ)