Menu Close

Máu

Tôi sắp sửa cho máu. Vậy xin bác sĩ cho biết những gì về máu.

Nguyễn văn Dũng.

Ðáp

Thưa ông Dũng,

Sau đây chúng tôi trình bày máu là chất gì nhé.

Bà con ta đều không ngại đi khám bệnh, duyệt lại tình trạng sức khỏe, nhưng tới màn thử máu thì một số lớn lại rụt rè, “em chã”. Chẳng là tại cứ sợ đau, sợ mất nhiều máu, sợ ngất xỉu. Có bà thì giẫy nẩy “xin đừng lấy máu tôi” khi bác sĩ nói cần hút vài phân khối chất hồng đỏ này. Có cụ thì “ông mà lấy máu là tôi đổi bác sĩ,  không đến ông nữa đâu”.

Nhưng thưa quý thân hữu, thử nghiệm máu là điều cần làm và là một phần trong cuộc đi viếng thăm ông bà lang y. Cần thiết vì chúng là những lợi khí giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân nhiều bệnh và để xác định bệnh. Ðến khi điều trị thì thử nghiệm giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh thuyên giảm hay gia tăng, để thuốc men được điều chỉnh thêm bớt, đổi thay. Có người đã ví những thử nghiệm máu giống như chiếc kim la bàn, giúp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân một cách chính xác hơn. 

Vậy thì máu là gì?

Máu là một thành phần của hệ tuần hoàn chứa nhiều loại tế bào, sinh hóa chất trong một dung dịch chất lỏng gọi là huyết tương.

Một người trưởng thành có khoảng từ 3.8- 4.9 lít máu tức là 7% trọng lượng cơ thể. Máu lưu thông tới tất cả các bộ phận để cung cấp dưỡng khí và chất dinh dưỡng cho trên 300 tỉ tỉ tế bào. Máu cũng lấy đi các chất cặn bã, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, làm vết thương mau lành cũng như chống lại một số bệnh tật.

Có ba loại tế bào máu: hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu bản.

Hồng huyết cầu chuyên chở dưỡng khí từ phổi nuôi tế bào và lấy khí carbon loại ra ngoài qua phổi.

Bạch huyết cầu gồm năm loại khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ là chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh và giúp vết thương mau lành.

Tiểu bản điều hòa sự đông đặc của máu với tiếp sức của thành mạch máu và các yếu tố đông máu.

Huyết tương có các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, carbohydrates, sinh tố, khoáng chất, kích tố, yếu tố đông máu, diêu tố, kháng nguyên và kháng thể. Khi có bệnh nhiễm thì máu chứa thêm vi trùng, siêu vi.

Vì máu chứa các thành phần kể trên nên thử nghiệm máu có thể ước lượng được sự lành hay bệnh của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể. 

Cách lấy máu

Máu được hút ra từ động mạch hoặc tĩnh mạch, thường thường là ở gần khuỷu tay hoặc trên mu bàn tay.

Ðiểm lấy máu được lau sạch bằng chất sát trùng như alcohol. Một băng cao su co dãn được cột phía trên chỗ lấy máu để máu ứ lại. Kim nhỏ được chích vào mạch máu, máu được hút vào một ống kín. Sau khi rút kim, một băng keo được dán lên trên vết kim châm để ngăn máu chảy và tránh vi khuẩn xâm nhập.

Nhiều người ngại đau khi kim chích vào, nhưng thực ra chỉ nhói một chút, như gai bông hoa hồng đâm vào da hoặc như kiến đốt. Còn rủi ro sau khi lấy máu thì cũng không có gì là trầm trọng đến nỗi mình phải quá lo sợ. Chẳng hạn hãn hữu lắm mới bị ổ tụ huyết dưới da nơi kim chích, nhiễm trùng hoặc máu chảy lâu.

Nhiều vị vì sợ đau, nên co người lại, mạch máu chìm xuống, nên cô chuyên viên cứ phải chọt tới chọt lui, kiếm nơi có mạch máu phồng. Có người nom thấy máu đỏ chảy ra thì xanh xao mày mặt, xỉu đi.

Thường thường số lượng máu lấy không nhiều, khoảng 20cc. Với phụ nữ còn kinh thì ít hơn là mỗi kỳ thấy tháng. Còn nam giới thì giống như xuất huyết khi táo bón rặn rách hậu môn vài lần mà thôi.

Ta cần nhịn ăn trước khi lấy máu vì sau khi ăn, kết quả thay đổi. Chẳng hạn sau khi làm một tô bún bò Huế thì đường huyết lên cao là điều trông thấy và sẽ  không phản ảnh tình trạng tự nhiên. 

mau
nguồn: chuthapdo

Các loại thử máu thông thường

Tùy theo triệu chứng và kết quả khám tổng quát người bệnh mà bác sĩ cho làm một vài thử nghiệm nào đó.

Ta cứ tưởng cứ thử máu là biết hết bệnh trong người. Ðiều đó không đúng lắm, vì mỗi bệnh tạo ra sự thay đổi khác nhau trong các thành phần sinh hóa của máu. Chẳng hạn bị bệnh tiểu đường thì đường huyết lên cao; ăn nhiều chất béo thì cholesterol đậm đặc trong máu; thiếu dinh dưỡng, thiếu chất sắt thì hồng huyết cầu vừa giảm số lượng vừa thay đổi hình dạng…

Tuy nhiên, để có một ý niệm tổng quát về bệnh trạng, bác sĩ thường cho thực hiện một số thử nghiệm chung cho mỗi lần lấy máu. Chẳng hạn như tập hợp các thử nghiệm để biết thành phần hóa học của máu, chức năng gan thận, các tế bào máu…Gộp lại như vậy cũng tiện việc cho phòng thí nghiệm, khỏi lấy máu nhiều lần cũng như không phí phạm máu người bệnh.

Nhiều thân hữu sau khi làm thí nghiệm được bác sĩ trao cho một tờ giấy dài kết quả. Nhìn danh sách  với các con số rắc rối, ta cũng bỡ ngỡ xa lạ, chẳng biết mô tê ất giáp gì, cứ hỏi bác sĩ là người giải thích cho ta biết.

NYD