Menu Close

Cái túi giấy

Ðây không phải túi quà Giáng Sinh do Santa Claus trao tới các bé con. Nó chỉ là một cái túi giấy thông thường, đựng những đồ vật lặt vặt của một con bé tới tuổi đi học. Tuy tầm thường như thế nhưng vô cùng quý giá đối với cả hai cha con. Ðây, mời các bạn theo dõi câu chuyện. NS

Cái túi bằng giấy bìa cứng ấy có ghi mấy chữ: “Những vật thân thương”. Và giờ đây, khi đang ngồi viết những dòng này, nó nằm ngay trước mắt, trên cái giá cao trong phòng làm việc của tôi. Tôi thích nó ở yên đó để mỗi khi ngước lên là tôi nhìn thấy nó ngay.

Vậy thì cái hộp giấy đó đựng những gì ở bên trong? Ồ, thật ra nhìn dưới con mắt bình thường thì chẳng có gì quý đâu -chỉ toàn là những đồ vặt vãnh. Giả sử một tên trộm có ghé mắt nhìn vào cái hộp, hắn cũng chẳng buồn đụng tới bất cứ vật gì bên trong -vì nó không đáng giá một đồng quarter. Ấy vậy mà, nếu xảy ra cháy nhà, chắc chắn tôi sẽ mang nó theo bên mình khi thoát chạy.

Một trong những vật được lưu giữ trong hộp là một cái túi giấy nhỏ. Nó bằng cỡ cái túi đựng thức ăn trưa mang theo. Mặc dù miệng túi được bít kín bằng những cái kim bấm giấy, bên hông có một chỗ rách, qua đó có thể nhìn thấy những vật bên trong.

Tôi đã giữ gìn cẩn thận cái túi giấy ấy qua hơn 14 năm. Nhưng nó không phải của tôi mà của con gái tôi, Molley. Hồi ấy, vừa mới tới tuổi đi học thôi, sáng sớm thức dậy con gái tôi đã tỏ ra sốt sắng trong việc chuẩn bị các túi ăn trưa cho chính mình, cho các anh của nó, và tôi. Mỗi túi như thế đựng một chiếc bánh sandwich, một trái táo, tiền mua sữa uống và một vài lời dặn dò.

cai-tui-giay
Thắm Nguyễn

Một sáng nọ, Molley đưa cho tôi hai cái túi giấy. Một túi đựng thức ăn trưa thường lệ. Và một túi khác được bít kín bằng những chiếc kim bấm giấy và kẹp giấy. Tôi hỏi Molley: “Tại sao lại tới những hai cái túi?” Molley trả lời: “Một, là cái túi thường lệ. Và cái thứ hai thì hơi khác…” “Thế nó đựng gì trong đó vậy con?” – “Ồ, một vài thứ lặt vặt ấy mà… Bố cứ mang nó theo.” Tôi cho cả hai cái túi vào trong cái cặp lớn của tôi, rồi hôn con bé và vội vã rời nhà.

Vào buổi trưa, trong khi nuốt vội thức ăn mang theo, tôi mở cái túi thứ hai của Molley và đổ tất cả những thứ đựng bên trong ra bàn. Cái gì thế này? Hai chiếc nơ cài tóc, ba hòn đá nhỏ, một con hà mã bằng nhựa, một mẩu bút chì, một cái vỏ sò nhỏ xíu, hai chiếc bánh hình thú vật, một viên bi thủy tinh, một thỏi son dùng dở, một con búp bê nhỏ, hai gói chocolate hiệu Hershey và 13 đồng xu.

Tôi mỉm cười. Thật là dễ thương. Trong lúc đứng lên vội vàng lo toan công việc quan trọng vào buổi chiều, tôi quét sạch mặt bàn. Thế là những thức ăn thừa trong gói ăn trưa và chiếc túi nhỏ của Molley đều nằm trong cái giỏ đựng giấy vụn.

Buổi tối, trong khi tôi đọc báo, Molley đứng cạnh tôi. “Cái túi của con đâu rồi?” Bé hỏi. “Bố để quên ở sở. Có gì quan trọng không?”-“Con quên cho mấy chữ này vào trong túi.” Bé đưa cho tôi miếng giấy nhỏ. “Vả lại, con muốn lấy lại cái túi.” “Tại sao thế con?” “Trong đó có những thứ con yêu thích, bố ạ. Con cứ tưởng bố cũng thích chơi với những vật nhỏ bé đó, nhưng bây giờ thì con muốn lấy lại tất cả. Bố không làm mất cái túi của con chứ, bố?”  Chợt mắt bé đầy lệ. Tôi nói dối con: “Ồ, không đâu. Bố chỉ để quên trong sở thôi.” “Thế ngày mai bố mang về cho con nghe!”-“Ðương nhiên. Con đừng lo.” Trong khi Molley dịu dàng ôm choàng lấy cổ tôi, tôi mở cái thư nhỏ của bé ra và đọc thấy: “Con yêu bố!”

Tôi nhìn thật lâu khuôn mặt của con gái tôi. Bé đã cho tôi tất cả tài sản châu báu của bé. Vâng, tất cả những gì mà một bé gái bảy tuổi hằng trìu mến. Ôi, tình thương trong một cái túi giấy nhỏ. Vậy mà tôi đã không nhìn thấy và đã quăng vào sọt giấy. Trời ơi, tí xíu nữa thì tôi đã để cái tình làm cha trôi tuột mất.

Phải đi qua một chặng đường dài từ nhà đến sở. Nhưng không còn cách nào khác. Trước lúc người lao công kịp tới làm phận sự, tôi chụp lấy cái sọt rác và đổ tất cả những thứ trong đó lên mặt bàn. Trong khi tôi đang lúi húi nhặt nhạnh thì ông ta bước vào. “Ông mất cái gì hả?” Tôi kể ra hết hành động điên rồ của tôi. Người lao công nói ông cũng có con nhỏ như tôi. Do đó thông cảm với việc một thằng điên bới đống rác ra tìm châu ngọc. Và rồi hai chúng tôi cười với nhau. Các bạn sẽ không bao giờ đơn độc trong những việc làm như thế này. Sau khi đã chùi sạch vết mù tạt bám trên con tê giác và dùng nước thơm xịt sạch mùi hành tỏi, tôi cẩn thận vuốt lại cái túi giấy cho thẳng thớm rồi bỏ tất cả những châu báu của con gái tôi vào trong đó và hấp tấp mang  nó về nhà như thể đó là con mèo nhỏ bị thương.

Hôm sau, vào buổi tối, tôi trả cái túi giấy lại cho Molley và không giải thích gì cả. Nó không còn hình dạng xinh xắn như trước nhưng các vật bên trong thì y nguyên, và đó là điều đáng kể. Sau bữa cơm, tôi bảo con kể cho tôi nghe về kho tàng châu báu của bé. Con tôi lấy từ trong túi ra từng vật một và sắp chúng thành hàng trên bàn ăn.

Phải mất nhiều thời gian để Molley kể chuyện. Mỗi thứ có một sự tích riêng. Và có cả những nàng tiên tham dự vào các mẩu chuyện. Chính tôi đã cho Molley kẹo chocolate Kisses của hãng Hershey, và bé đã giữ để ăn dần. Tôi nói: “Vâng, bố hiểu” nhiều lần trong lúc Molly kể chuyện. Mà quả thật như thế, tôi đã hiểu.

Phải nói tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi mấy ngày sau, Molley lại trao cái túi giấy cho tôi một lần nữa. Bây giờ thì bé bảo tôi giữ cái túi, bé tặng cho tôi luôn. Và tôi đã giữ cái túi giấy ấy suốt 15 năm nay. Thường tôi mang nó theo bên mình, như một nhắc nhở về bổn phận, tình thương và sự quan tâm của cha đối với con. Có vẻ hơi trẻ con thật, nhưng tôi cảm thấy an bình, hạnh phúc khi có bên mình chiếc túi giấy của Molley.

NS – theo Good Old Days