Triết lý của Ðạo giáo cho rằng Âm-Dương là nguồn gốc của mọi vật. Âm, biểu tượng là màu đen, hấp thụ tất cả các màu và dương màu trắng phản chiếu các màu đó. Âm dương sinh ra Ngũ Hành cùng biểu tượng màu sắc kèm theo, từ đó tạo ra toàn bộ các màu sắc. Màu sắc thật ra là sự rung động và mỗi người đáp ứng theo một mức độ khác nhau dù là vô thức hay hữu thức. Màu sắc ảnh hưởng tới sự thoải mái và tâm trạng của chúng ta trong điều kiện môi trường. Cách chúng ta sử dụng màu sắc cũng tác động tới cái nhìn của người khác đối với chính mình. Màu sắc từng được sử dụng trong việc chữa trị bệnh về thể chất và cũng được dùng để nâng cao không gian hoặc tạo ra cảm xúc.
Khi sử dụng màu sắc, chúng ta cũng phải chú ý tới ánh sáng vì ánh sáng chứa tất cả các màu, mỗi màu có một tần số riêng biệt khác nhau. Mỗi hoàn cảnh đều có đặc điểm khác biệt, một căn nhà và các căn phòng trong nhà đó đều khác biệt với nhà khác. Phẩm chất màu sắc phụ thuộc vào hướng, kích thước và cách trang trí của cửa sổ, các nguồn sáng nhân tạo và kích thước căn phòng. Vật liệu dùng để lót sàn cùng với cách trang trí và bàn ghế cũng có khả năng phản chiếu và truyền đi ánh sáng hoặc hấp thụ chúng. Chúng ta cũng có thể sử dụng màu sắc để tạo ra ảo giác về mặt kích thước (màu đậm hấp thụ nhiều ánh sáng hơn màu nhạt), chiều sâu (các chất tạo màu pigments hấp thụ màu hay phản chiếu tùy vào thời điểm trong ngày và mùa), và sự chuyển động (các mảng màu quanh phòng tạo ra cảm giác chuyển động và mang lại năng lượng cho nơi đó).

Phẩm chất ánh sáng thay đổi tùy theo vùng trên thế giới. Ở Phi Châu, mặt trời chiếu sáng quanh năm, màu thường dùng là nâu, nâu nhạt và nâu đất nung. Trong khi đó ở Anh quốc, ánh sáng yếu hơn và ít hơn, vì vậy màu thường dùng ở Phi châu nếu lạm dụng ở Anh sẽ làm cho người ta bị cô lập hoặc bị trầm cảm. Tương tự, những màu mạnh trên vải vóc người Ấn và màu ấm trên bảng màu của người Ðịa Trung Hải cần được sử dụng một cách cẩn thận ở những vùng có phẩm chất ánh sáng khác biệt. Nhưng những màu này cũng hữu ích trong việc làm năng lượng chuyển động và có hiệu quả nếu áp dụng phù hợp.
Màu hồng đào
Dùng màu hồng đào trong phòng ngủ sẽ mang lại rắc rối cho người có gia đình. Quan niệm “đào hoa” ở đông phương cũng đồng nghĩa với việc người vợ hay chồng không chung thủy, ngoại tình. Người độc thân đào hoa thì có nhiều bạn tình, nhưng lại khó có một người bạn đời.
Ngũ hành
Có 5 màu tương ứng với ngũ hành. Những màu này gợi ra tính chất năng lượng của mỗi hành. Người ta sử dụng các màu để nhấn mạnh những lãnh vực trong cuộc sống mà chúng ta tập trung vào đó. Biểu đồ Bát Quái cũng cung cấp những màu sắc liên quan cho mỗi hướng. Trong phong thủy, hai yếu tố cân bằng và hài hòa đóng vai trò quan trọng nhất. Chúng ta nên trang trí nhà cửa theo ý thích, nếu không thì cuộc sống không thể nào thoải mái được. Nhưng phải lưu ý tới mục đích của căn phòng và hành của hướng mà căn phòng quay về. Như vậy chúng ta mới đạt được sự cân bằng và hài hòa. Nếu đặt 5 chiếc gối có 5 màu khác nhau trong phòng, thì đây là cách áp dụng thô thiển. Thay vào đó chỉ cần đặt một nhánh hoa tulip nhân tạo màu xanh có hoa đỏ trong một chiếc bình thủy tinh ở hướng nam của căn phòng sơn toàn màu trắng. Như vậy có hành Mộc (màu xanh cọng hoa), Hỏa (màu đỏ của hoa), Kim (màu trắng căn phòng), Thủy (ánh sáng chiếu qua bình thủy tinh), và Thổ (cát làm thành thủy tinh của bình cắm hoa).


Màu sắc
Màu đỏ: có tính kích thích và vượt trội. Đỏ là giảm kích thước phòng và tăng kích thước đồ vật. Màu này hữu ích khi dùng để nhấn mạnh. Không phù hợp cho phòng ăn, phòng trẻ em, bếp và nơi làm việc. Đỏ mang lại sự nồng ấm, phong phú và kích thích, nhưng cũng làm người ta dễ giận dữ, xấu hổ và căm ghét.
Màu vàng: kết nối với sự sáng suốt và trí tuệ, kích thích não bộ và giúp cho sự tiêu hóa. Vàng có tính cách lạc quan, lý trí và quyết đoán, nhưng màu vàng cũng biểu tượng cho thủ đoạn, phóng đại và cứng nhắc. Thích hợp cho hallway và bếp, nhưng đừng dùng cho phòng tắm hay phòng để trầm tư suy nghĩ.
Màu xanh lá cây: tượng trưng cho sự phát triển, sung túc, và hòa hợp, đồng thời tạo cảm giác ngơi nghỉ và hồi phục. Xanh lá mang lại sự lạc quan, tự do và cân bằng. Nhưng cũng có ý nghĩa đố kỵ và giả dối. Màu xanh lá nên dùng cho phòng điều trị, phòng tắm, nhà kính, nhưng không nên dùng cho phòng sinh hoạt gia đình, phòng chơi của trẻ em hay phòng học.
Màu xanh biển: mang lại cảm giác bình yên và xoa dịu. Có tính liên kết với những gì thuộc về tinh thần, trầm tư, huyền bí và kiên nhẫn. Xanh gắn liền với lòng tin, sự trung thành và ổn định, nhưng cũng mang tính nghi ngờ và buồn rầu. Màu xanh nên dùng ở phòng trầm tư, phòng ngủ, phòng điều trị, được dùng để tạo cảm giác không gian rộng thêm ra. Không nên dùng cho phòng khách, phòng sinh hoạt gia đình, phòng ăn và phòng học .
Màu tím: thúc đẩy sinh khí, sức sống, tạo ra ấn tượng, trang nghiêm, và cao cả. Tím liên quan tới sự kích động, sôi nổi, đam mê, và thúc đẩy. Màu này cũng biểu tượng cho đau buồn tang tóc và ép buộc. Nên sử dụng trong phòng ngủ, phòng trầm tư, nhưng đừng dùng trong phòng tắm và bếp.
Màu hồng: gắn với ý nghĩ trong sạch thuần khiết. kết hợp với tính cách hạnh phúc và tình yêu lãng mạn. Đây là màu không mang tính tiêu cực. Phù hợp cho phòng ngủ, nhưng không dùng cho bếp và phòng tắm
Màu Cam: là màu của sự mạnh mẽ và vui vẻ. Màu cam thúc đẩy sự giao tiếp. Đem lại cảm giác hạnh phúc, tập trung và trí tuệ nhưng cũng mang lại tính cách chống đối nổi loạn. Nên dùng cho phòng khách, phòng ăn hay hallway. Không dùng cho các phòng nhỏ và phòng ngủ.
Màu nâu: gắn liền với cảm giác ổn định và quan trọng. Mang lại cảm giác an toàn, lịch sự nhưng cũng có tính già nua và dơ bẩn. Nên dùng cho phòng học, không dùng cho phòng ngủ.
Màu trắng: tượng trưng cho sự khởi đầu, thuần khiết và ngây thơ. Tạo cảm giác sạch sẽ, trong lành, nhưng cũng gây ra lạnh lẽo, hoang vu, không sức sống. Nên dùng cho phòng tắm, nhà bếp nhưng không nên dùng cho phòng trẻ em hay phòng ăn.
Màu đen: là màu của sự bí mật và độc lập. Đen gợi ra sự lôi cuốn, cám dỗ, thúc đẩy ngầm. Màu này cũng gây ra cảm giác chết chóc, tăm tối, tai họa. Thường dùng cho phòng thiếu niên, phòng ngủ, không nên dùng cho phòng trẻ nhỏ, phòng điều trị, phòng học và phòng khách.