“Little Drummer Boy” là một trong những bài nhạc Giáng-Sinh rất được yêu chuộng, nhưng ít ai biết nó có nguồn gốc ra sao. Bài này nguyên thủy tên là “Carol of the Drum”, xuất bản năm 1941 và tác giả là Katherine Kennicott Davis, một giáo sư dạy nhạc và nhạc sĩ sống tại vùng New England, Đông Bắc nước Mỹ.

Sinh năm 1892 tại Missouri, Katherine Davis được học piano từ nhỏ và bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 15 tuổi. Sau khi ra trường trung học bà ghi danh vào trường Wellesley College ở vùng Ðông Bắc và tại đây bà đã thắng giải Billings Prize for Composition, một giải thưởng dành cho nhạc sĩ sáng tác. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã mời bà ở lại để dạy nhạc, piano, và organ. Sau đó không lâu bà ghi danh học hậu-đại-học tại Nhạc Viện New England Conservatory. Bà cũng sang Paris một thời gian và từng học nhạc với nhà giáo nổi tiếng Nadia Boulanger. Trở về Mỹ, bà được mời dạy nhạc tại trường Concord Academy, Massachusetts. Nơi đây bà đã học thêm về nhạc xướng ca (choral music) và bắt đầu soạn nhạc cho ca đoàn, đặc biệt cho các ban hợp ca nữ vì bà thấy có quá ít nhạc cho nữ sinh hát. Bài “Carol of the Drum” ra đời trong giai đoạn này. Mặc dù sự nghiệp đồ sộ của bà có gồm hơn 600 tác phẩm đủ thể loại, kể cả Opera, nhưng tên bà có lẽ chỉ được nhiều người biết đến qua bản “Carol of the Drum” mà chính bà cũng không hiểu rõ đến từ đâu.
Theo lời bà kể, giai điệu của bản nhạc này đến với bà trong một giấc ngủ trưa. Nó đeo đẳng trong đầu bà mãi không rời, khiến bà phải xuống nhà dưới để ghi nó xuống. Bà kể ca từ cứ tuôn ra một cách “tự nhiên như đã có sẵn từ trước.” Còn về phần hoà âm, bà soạn bài này cho ca đoàn nữ thành thử chỉ có hai giọng là Soprano và Alto. Còn phần cho giọng nam Tenor và Bass, gồm những tiếng “rum pa pum pum” thay cho tiếng trống, được bà ghi chú cẩn thận “chỉ dùng trong khi tập dượt”. Và bà cũng ghi thêm là bài này được “chuyển thể tự do từ một giai điệu dân ca Tiệp”, rồi ký tên là C.R.W. Robertson—bút hiệu đàn ông bà hay dùng cho những sáng tác của mình trước đây. Cho tới nay vẫn chưa ai tìm ra được gốc gác bài dân ca Tiệp ấy là bài gì, và sau khi bài “Carol of the Drum” ra đời cũng ít ai biết tới nó.

Mãi đến năm 1955, sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt khá lâu, một ban nhạc gia đình người Áo di cư sang Mỹ cho thu âm bài “Carol of the Drum” vào dĩa hát. Ban hợp ca đó tên là “The Trapp Family Singers”. Những ai từng xem phim “The Sound of Music” (1965) chắc hẳn sẽ nhận ra cái tên Trapp. Vâng, họ chính là các anh chị em trong gia đình Ðô đốc Von Trapp, cùng bà mẹ nuôi Maria von Trapp di tản qua Mỹ sau chiến tranh và tiếp tục nghề ca hát. Trước khi ca đoàn này giải tán, họ cho ra một dĩa nhạc cuối cùng trong đó có bản “Carol of the Drum” của soạn giả “K. K. Davis”, và thế là nó được công chúng biết đến nhiều hơn chút mặc dù vẫn chưa là top hit.
Ðến năm 1957 thì bài này được thu lại lần thứ nhì với ban hợp ca Jack Halloran Singers, do hãng dĩa Dot Records sản xuất. Chính nhờ từ đây mà bài “Carol of the Drum” đã đến tai một nhà soạn nhạc khác, và nhờ người đó mà bản nhạc này đã trở thành bất hủ. Henry Onorati, một nhà sản xuất làm việc cho hãng Dot Records đã giới thiệu bài này với người bạn của mình là Harry Simeone. Simeone cũng có một ca đoàn mang tên “Harry Simeone Chorale”. Mùa Noel năm 1958, Simeone cho ra dĩa “Sing We Now of Christmas”, trong đó có bản “Carol of the Drum” do Simeone hoà âm lại từ phiên bản của Halloran, và đặt cho tên mới là “The Little Drummer Boy”. Quan trọng hơn cả, Simeone và Onorati yêu cầu phải gắn thêm tên mình vào cùng với Katherine Davis như đồng-tác-giả để cùng hưởng lợi nhuận.

Ngay lập tức, bài “Little Drummer Boy” do Simeone hoà âm đã thành công ngoài sức tưởng tượng, đứng đầu bảng mấy năm liền từ 1958 đến 1962. Sang năm 1963 Simeone bèn cho tái bản dĩa “Sing We Now of Christmas” nhưng cố tình đặt lại tên là “Little Drummer Boy: A Christmas Festival” để… bán thêm nhiều dĩa! Năm kế tiếp, Simeone lại cho ra dĩa này lần nữa nhưng với âm thanh stereo. Và cứ thế mà “Little Drummer Boy” sinh sôi nảy nở, phát tán khắp nơi. Vào thập niên 1980, Simeone còn cho ra một phiên bản cuối cùng của “Little Drummer Boy” trước khi ông mất, bán cũng khá chạy.
Về phần bà Katherine Davis, trước khi qua đời vào năm 1980 bà đã để lại gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ các nhạc phẩm của mình cho phân khoa Âm Nhạc của đại học Wellesley College.
“Little Drummer Boy” là một câu chuyện về một cậu bé đánh trống. Chuyện kể rằng vào đêm Giáng-sinh đầu tiên, khi ba vì Vua từ phương xa đến mừng Giê-su ra đời, họ gọi cậu theo. Các vị Vua kia ai cũng mang những món quà quý giá như trầm hương và vàng. Còn cậu chỉ là một đứa bé nghèo khó nên chẳng có gì để làm quà ngoài chiếc trống của mình. Sau khi được Mẹ Maria cho phép, cậu mang trống ra đánh cho Chúa hài đồng nghe và Chúa nhoẻn miệng cười với cậu.
Chuyện này từa tựa như một truyện cổ tích từ thế kỷ 12, được nhà văn Pháp Anatole France (1844-1924) viết lại, mang tên “Le Jongleur de Notre Dame” (Gã nghệ sĩ đường phố và Ðức Mẹ). Trong truyện ấy, một tay juggler đứng làm trò trước tượng Ðức Mẹ tại Paris, hắn có duyên đến nỗi Ðức Mẹ phải phì cười. Truyện này vào năm 1902 đã được Jules Massenet chuyển thành một vở Opera.

Ta không biết Katherine Davis có đã mượn ý tưởng này khi soạn lời cho “Carol of the Drum” hay không, nhưng ta biết câu chuyện cậu bé nghèo không có quà gì cho Giê-su ngoài tấm lòng đã làm cho nhiều người cảm động và đồng cảm. Bằng chứng là từ đó đến nay bài này đã được không biết bao nhiêu nhạc sĩ/ca sĩ khắp nơi trên thế giới hát lại. Từ Bing Crosby tới Frank Sinatra, từ Johnny Cash tới Johnny Mathis. Từ nhạc country cho tới nhạc pop, từ nhạc reggae cho tới nhạc rap. Từ Ðông sang Tây, từ Âu sang Á. Thậm chí đến như Jimi Hendrix, một tay đàn guitar hạng nặng của nhạc rock cũng từng chơi bản này. Rồi thì nào là Nana Mouskouri, Jackson 5, Stevie Wonder, John Denver, New Kids On the Block, Justin Bieber, Whitney Houston, Josh Groban, Pentatonix, Bob Dylan… và nhiều—rất nhiều, nghệ sĩ khác nữa không thể nào kể hết. Năm 1968 hãng NBC đã cho làm một bộ phim hoạt hoạ về câu chuyện “Little Drummer Boy”, và năm 1976 còn cho ra một bộ phim thứ nhì.
Muốn hiểu tại sao bản nhạc này được yêu mến đến mức đó, ta hãy đọc lại lời nhạc của Katherine Davis—không cầu kỳ chải chuốt, không giáo lý sáo mòn, chỉ có những hình ảnh đơn sơ thuần khiết đầy tính nhân bản, đi thẳng vào lòng người:
Come, they told me
A newborn King to see
Our finest gifts we bring
To lay before the King
So to honor Him
When we come.
Baby Jesus
I am a poor boy too
I have no gift to bring
That’s fit to give the King
Shall I play for you
On my drum?
Mary nodded
The ox and lamb kept time
I played my drum for Him
I played my best for Him
Then He smiled at me
Me and my drum.
Katherine K. Davis (1941)
oOo
Cậu bé đánh trống
Này, cậu bé ơi
Hãy cùng ta đến chung vui
Ðừng quên mang theo trên vai
Quà cho nhà vua tương-lai
Mừng thiên-chúa, Giê-Su
Mới vừa ra đời.
Kìa, em bé trong nôi
Cũng nghèo như ta đây thôi
Người sẽ mang đến ánh sáng
Quà nào đây mới xứng-đáng
Chỉ có mỗi chiếc trống
Ta tặng cho Người.
Mẹ hiền Ma-ria
Gật đầu cho phép chú bé
Lừa chiên nhịp theo đôi tay
Bài hoan-ca nghe vui tai
Nhà vua bé thích-thú
Nhoẻn môi cười.
IB (2017)
Dưới đây là một số Youtube links và từ khoá để tiện việc truy lùng (search). Bạn nào thích so sánh các phiên bản xưa cũng như nay có thể vào nghe cho biết:
“Carol of the Drum”, Trapp Family Singers: https://youtu.be/mwBSy3dVAKo
“Little Drummer Boy”, Harry Simeone Chorale: https://youtu.be/DT1fA59oH7Q
“Little Drummer Boy”, David Bowie: https://youtu.be/n9kfdEyV3RQ
“Little Drummer Boy”, Johnny Cash: https://youtu.be/2yYHN9pVohc
“Little Drummer Boy” African Tribal Version: https://youtu.be/a0mT-zNxRMw
“Little Drummer Boy”, Ringo Starr: https://youtu.be/ajFAh0pvlPo