Menu Close

Chờ tới tháng Giêng

1.

Chị ngồi chải tóc cho con Bi em dưới hiên. Ðứa con gái nhỏ cứ ngúng nguẩy đòi mẹ thắt bím tóc cho, dù những ngọn tóc tơ màu vàng râu bắp của nó chưa dài quá một ngón tay người lớn. Gió cuối năm phần phật lượn lờ đồng bãi, mơn man đám bắp đám đậu, sà xuống vuốt ve những nhánh cỏ lau nâu nâu xám xám. Nắng trải vàng như mật. Trước rào, mấy chú trâu da đen cháy thong thả gặm cỏ. Mùi bông cỏ hôi, mùi bùn đất quyện vào thơm thơm, ngai ngái. Thằng Bi anh đang quơ cỏ quơ chà đốt rác ngoài kia. Những đụn khói tràn lên rồi lẳng lơ uốn mình thành những dải màu trắng đục, vẫy vẫy bay lên thật điệu đà. Chị chớp mắt. Trong một thoáng, chị thấy dường như người lâng lâng lạ thường. Phải. Cái khung cảnh này, cái cảm giác này, chừng như đã có lần chị ước ao thành lời với một người đàn ông sức vóc. Vậy mà, cũng có lúc, tưởng chừng chị không còn bao giờ với tới được…

2.

Buổi chiều cuối năm, trời trong xanh. Cô con gái mười sáu tuổi nằm thả lỏng người trên đám cỏ, bên đám mía vừa lột lá xong. Cả người cô được quấn kín mít trong bộ đồ vải thô thùng thình và chiếc khăn vải màu cháo lòng, chỉ chừa có hai con mắt đen dài, lóng lánh. Cô cười bằng mắt với đám lá mía khô xào xạc. Người cô bừng bừng như lửa cháy. Mấy tháng nay người cô đổi khác. Cô thấy thích nói chuyện với người con trai đi làm chung mà hiếm hoi mới thấy rõ mặt. Chỉ biết anh ta không phải người vùng này. Anh ta có giọng nói trầm ấm, có hàm răng trắng bóng khi cười, làm việc cũng sức vóc lắm. Người con trai, dường như cũng thích cô, hay kiếm cớ ngồi gần cô, nói chuyện vu vơ. Anh ta nói ngó cô “thấy thương”, muốn cưới về ở chung. Chỉ nghe vậy thôi tim cô đã đập rầm rầm. Nhỏ lớn, ngoài mẹ ra, chưa ai nói thương cô. Chưa ai nói chuyện với cô tử tế như vậy. Nhưng mẹ cô đã lên trời từ năm cô ba tuổi rồi. Bà vợ sau của cha cô, giỏi giang lắm nhưng chỉ phải tội không thích con chồng, hay soi mói dò xét và mắng mỏ cô. Suốt ngày cô chỉ biết cùng cha ra ruộng, hết chơi nhởi thì làm những công việc cha sai. Mười ba tuổi, cô lớn bổng lên như con gái mười sáu, có thể đi làm thuê việc đồng áng. Kệ. Cực thì có cực, nhưng không phải ở nhà với mụ đàn bà đáng ghét đó là được. Nếu đi lấy chồng, tất nhiên cô sẽ đủ tư cách bước ra khỏi căn nhà đó. Cô sẽ được tự do làm gì mình thích. Chưa kể, việc đụng chạm gần gũi với cái kẻ xa lạ khác giới kia đã tự nhiên biến cô thành một người khác. Bây giờ, cô có cảm giác không thể vắng anh ta được nữa.

cho-toi-thang-gieng
Thắm Nguyễn

Người con trai đưa tay vòng qua eo cô, siết mạnh. Anh ta kéo chiếc khăn trùm đầu của cô, rồi kéo mạnh chiếc áo. Cô co người vì nhột nhạt, nhưng vẫn cong môi hứng những nụ tình ngấu nghiến của chàng trai. Trong thoáng chốc, họ đã hòa quyện vào nhau, rồi nhanh chóng buông rời. Quấn lại khăn áo, cô gái liếc xéo:

– Coi mà thu xếp về quê lẹ nghe. Tiền bạc tui đã đưa hết cho ông rồi mà cứ hẹn hoài hẹn hủy…

– Tui chưa có về được. Nhà đang có chuyện, giờ về mất công lôi thôi… Thiệt ra đón xe về cũng được đó, nhưng chừng lên thì sao. Bà dì em mà đòi làm đám cưới cho em  liền tiền đâu tui cưới.

– Ủa rồi tính để tui vậy hả? Sao ông hứa ông cưới tui mà?

– Từ từ đi…

– Nè, tui có chửa rồi sao he? Có chửa mà ở hoài trong nhà đó không được đâu nghe.

– Giỡn hoài. Thứ chơi phủi phủi vầy mà chửa chi được.

– Sao biết?

– Tui…

– Á… qua lại với con nào nữa chớ gì, hèn chi hẹn hoài. Trời đất ơi!

Cô đứng bật dậy, mắt long lên. Chàng trai cũng đứng bật dậy. Cuộc đôi co biến thành cuộc rượt đuổi nhau trên đồng mía. Không biết là giỡn hay thật, khi kết thúc cuộc rượt đuổi đó, cô gái ngồi thất thần bên thân thể bất động của chàng trai. Máu từ cổ, vai của chàng chảy thành dòng, thấm ướt xuống đất. Cây dao chặt mía dính một vệt máu dài.

Một con mắt khác nhắm lại, trong đám mía.

Mặt trời dần xuống. Có một bàn tay đặt lên vai cô. Có một giọng quen quen nói như tiếng dội: Ði đi! Ði trốn đi. Ði xa đi. Tao thấy rồi. Tao biết hết rồi. Tao không giữ miệng được là chết. Ði đi! Ði đi!

Cô đứng dậy, thất thểu bước đi.

3.

Gã ngồi bệt trên bờ cỏ, đốt thuốc. Dòng nước kênh Tây buổi chiều đầy đặn gần muốn tràn bờ. Gã thích cái cảm giác này gì đâu. Cái cảm giác như dòng nước ăm ắp kia có thể bất chợt tràn lên, cuốn sạch hết những nhọc mệt rối ren cuộc đời ra khỏi đầu gã. Từ hồi vợ gã lâm bệnh rồi chết, gã hay ra bờ kênh này ngồi mỗi khi có thể. Những chiều cỏ cháy hay mưa ướt đất, những chiều hanh nắng hay gió lộng, ngồi trên bờ nước này đều có những thú vị riêng. Chỉ ngồi một lúc, đốt xong một hai điếu thuốc, chờ ánh tà huy nhạt dần và bóng tối trùm từ từ lên vạn vật, gã tà tà đi về. Dưới gốc trâm bầu nhà gã, chiều nào cũng có một bàn nhậu. Có mấy thằng bạn từ hồi cởi truồng tắm mưa, chiều nào cũng lội tới đó. Mồi thì bao la. Ếch nhái rắn cá tép cua… bắt được con nào xào con đó. Kẹt quá thì mớ cóc ổi vườn nhà, khả khà vài miếng cũng xong.

Gã đốt tới điếu thứ hai, đang khoan khoái nghĩ tới việc ngày mai sẽ có một nắm tiền từ việc bán con bò tơ cho lái, gã sẽ mua cái tivi màu đã hứa hoài với sắp nhỏ, chợt gã nhíu mày. Dưới dòng nước đang sẫm màu chiều kia dường như có gì lạ. Một đám bềnh bồng như cỏ đuôi chồn vật vờ trên mặt nước. Lại hình như có một cánh tay đang chới với…

Gã ném điếu thuốc, nhảy cái đùng xuống kênh.

Một cô gái còn trẻ măng, trạc tuổi con Nhí nhà gã. Không biết có chuyện hệ trọng gì đến nỗi phải trầm mình. Gã hét toáng lên gọi người rồi quơ cỏ đốt, lấy tay nhận nước cho trào ra khỏi miệng nạn nhân. Người còn ấm, chắc cũng mới nhảy đây thôi. Trên cái cơ thể con gái gầy gò đó, còn nhiều dấu roi đánh đập.

– Chú, chú cứu con mà chi. Sao chú không để cho con chết cho rồi….

Nghe giọng cô gái nằng nặng. Nhìn mặt cũng không giống người ở đây. Nhưng ở đâu cũng kệ. Cứu nó sống rồi tính. Gã nghĩ vậy, và quát:

– Ðồ điên. Hết chuyện làm hay đi tự tử mậy? Chết đâu có hết chuyện!

– Hết sao không? Giờ chừ chú để con sống, họ biểu con làm bậy bạ rồi chú chịu không?

Bà con xúm lại rần rần. Cô vừa khóc vừa nói, cô ở từ một nơi rất xa đến đây và đã bị lừa vào cái quán cà phê tầm bậy. Họ bắt ngồi chung với khách, khách biểu gì làm nấy. Ôi cái kiểu mần ăn gì mà kỳ cục! Cô không chịu nghe lời chủ nên mới bị đánh đập như vậy. Cùng đường, cô trốn. Ùm một phát tính né cuộc đời mà còn bị quào lên!

– Thôi không sao, êm rồi. Giờ về đâu? Cầm tiền mà ăn uống, đi xe về với ba má đi. Ðừng có điên khùng nhảy chết báo người ta.

– Con có biết đi đâu giờ chú? Cha mẹ không còn, nhiêu đây tiền cũng đâu về quê được! Chú cứu con thì cứu cho trót, chớ không thì con cũng chết nữa thôi.

Có mấy bóng người vạm vỡ vẹt đám đông bước tới:

– Ð.M con điên kia. Về! Về muốn chết tao cho chết!

Gã quắc mắt:

– Ðể đó! Muốn gì nói chuyện với tao nè!

Cô gái khóc òa lên. Gã thấy cổ họng đắng ngắt. Mấy gã đàn ông kia gầm gừ một lúc rồi không biết nghĩ sao, bấm nhau bỏ đi. Tự dưng gã cũng xìu như trái bóng xì hơi. Gã xuống giọng:

– Ừ. Về thì về. Bà con cũng về hết đi, tối rồi!

4.

Chị lóng ngóng hoài rồi cũng cột được hai đuôi tóc cho Bi em. Mớ thun xanh đỏ tím vàng này là của cô giáo nó cho. Bữa chị đi rước Bi em, thấy cô giáo nó ngồi cầm cây lược nhỏ nhỏ chải tóc thắt bím cho học trò, tự nhiên chị nghe lòng tràn lên một nỗi tủi thân. Ba mươi mấy năm được làm người, chị chưa bao giờ tận hưởng được cảm giác âu yếm dễ thương đó. Nên sáng nay, Bi em kêu chị cột tóc, chị kéo nó ra hàng ba ngồi liền. Còn phải cắt móng tay móng chân. Còn phải lau mặt mũi cho sạch sẽ, phải giữ quần áo cho thẳng thớm và thơm tho. Cô con nói vậy đó mẹ! – Bi em lảnh lót nói lại lời cô dạy như con két. Chị cười. Hàm răng trên mất hết ba cái răng cửa, tạo thành một cái lỗ trống ngộ nghĩnh trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Chị nghe hơi mắc cỡ. Bởi nguyên lớp ba chục đứa học trò, chỉ có mỗi mình Bi em là mặt mày lúc nào cũng lem luốc, đầu tóc bù xù như con mèo mới ra khỏi bếp, móng tay móng chân cáu bẩn.

Ngày chị về với Hai Dừa, cái xóm rẫy cặp bờ kênh có dịp dậy sóng. Người khen kẻ chê, có người nói thẳng Hai Dừa ngu quá trời quá đất mới hốt con nhỏ bá vơ ở đâu về nhà. Không biết được mấy bữa. Rồi tiếng tai để đời cho coi!

Hai Dừa nói thẳng với chị: Tui chỉ lo được tới đâu hay đó. Nình bà nhà tui chết rồi, mà tui còn phải nuôi con. Lo ở nhà phụ với tui làm công chuyện đi. Không sợ đói.

Công chuyện mà Hai Dừa nói là chuyện đồng áng. Chuyện làm cỏ, phun xịt thuốc sâu, cắt cỏ bò… chị đều làm được hết. Hai bên nói chuyện với nhau rất ít, hầu hết là nhận xét, là mệnh lệnh. Cơm nước trong nhà, có bà già Hai Dừa gọi bằng cô lo cho. Khi nào cả nhà ăn cơm, chị cũng vào theo và ngồi ăn cơm.

Bữa cơm mười ngày như một chỉ toàn thứ cải củ muối mặn muối chua, rau vườn nhà hái vô. Nhưng có cơm là ổn rồi. Chị không cần đòi hỏi gì thêm, cứ nghĩ là rồi mình sẽ sống như vậy đến mãn đời, dù rằng mỗi ngày phải hứng chịu bao nhiêu là những lời cạnh khóe, mỉa mai, xúc xiểm.

Một đêm mưa sầm sập, Hai Dừa nhậu đến mức đi không nổi. Ông ta đổ sập vào chị, giật đứt hết những gì vướng bận…

Bi anh Bi em lần lượt ra đời theo cái kiểu như vậy.

Hai Dừa chưa bao giờ coi chị là vợ. Cũng không một lời nhẹ nhàng với con. Ðứa nhỏ hơi cứng cáp là chị ra khỏi giường cữ, lo việc mưu sinh. Mấy đứa nhỏ để ở nhà cho ai đó trong nhà dòm ngó giúp. Cho đến một ngày, Hai Dừa lâm trọng bệnh. Trước khi tắt hơi, ông mới nắm tay chị, nói một câu rõ ràng: “Em ở lại, nuôi con. Anh đi.”

Ðứa con trai Hai Dừa nói: “Tui nể mặt ổng mới để bà ở đây. Giờ bà đi đâu thì đi, tui không chứa”.

Chị đã dắt hai đứa nhỏ đi lâu, lâu lắm, tới lúc chị thấy hai mắt tối sầm. Chị chỉ nghe hai đứa léo nhéo kêu mẹ rồi không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong trạm xá. Ngồi trước mặt chị là một ông già, để râu như bụt. Ông cười: Ðừng lo gì hết. Mọi chuyện, mai tính. Chị chỉ còn biết Dạ dạ y như chuyện phải như vậy.

Rồi như chiêm bao, sáng hôm sau, khi hỏi han chị vài câu, một chủ vườn mãng cầu nhận chị vào coi vườn, giữ rẫy. Mấy nhỏ được các em trong nhóm từ thiện nào đó gởi vô trường học. Buổi chiều, trong căn bếp đen nhọ, bụi bặm tro bay, chị cặm cụi làm cơm, chờ mấy nhỏ đi học về. Ông già – tử – tế có hứa là sẽ mua vé tàu cho chị về quê để tìm lại chính mình.

5.Chiều cuối năm, gió núi lồng lộng. Chị ngồi canh chảo mứt gừng trong bếp. Mùi gừng thơm nắng. Màu gừng trong chảo đường vừa tới cũng trong như nắng. Chị đang chờ tới ra Giêng.

CG