Menu Close

“Đặc sản” Tết

Quay qua quay lại, nghe mùi củ kiệu hăng hăng lại báo hiệu một năm đã hết. Lần này là Tết Âm Lịch, Tết truyền thống VN, nên tính ra thì một năm cũng đã hết sạch sẽ, hết thật sự chứ không nửa chừng lưng lửng như hồi tết Tây, nói Tết nhưng ai cũng biết là chưa tới Tết… thiệt. Dạo này đi đâu cũng có người hỏi tôi Tết đi đâu chơi, làm gì, có ăn Tết lớn không, năm rồi dư được cái gì… Những câu hỏi quen thuộc khác nữa, cứ lặp lại theo thông lệ, đôi khi cũng dễ thương, đôi khi lại trở nên rất vô duyên. (Có lẽ tùy vào nhan sắc người hỏi). Hòa vào niềm vui chung của mọi người, tôi bèn cảm thấy… buồn!

dac-san-tet8
Những giai đoạn làm đặc sản tết (Hình Du Uyên rình rập chụp)

Là một người đa sầu đa cảm cộng với dạo này tôi gặp nhiều chuyện không vui, lúc nào tôi cũng cảm thấy thất vọng với bản thân và giận dỗi cả xã hội. Tôi cảm thấy mình không “hòa nhịp” được với suy nghĩ của số đông, đôi lúc tôi cảm thấy cả xã hội sai mình tôi đúng, tuy nhiên cũng có nhiều lúc tôi cảm thấy mình đi ngược với toàn thế giới. Cái đầu nhỏ bé của tôi ngày càng quá tải vì phải suy nghĩ và sắp xếp các dữ liệu một cách ngăn nắp. Trong khi, đó chưa bao giờ là sở trường của tôi. Tôi không hiểu nổi chính mình và người khác, tôi không thật sự thế nào là đúng, thế nào là sai trong nhiều trường hợp. Và sau đây là những câu chuyện không đầu không đuôi… Tất nhiên, rất buồn!

dac-san-tet7
Những giai đoạn làm đặc sản Tết (Hình Du Uyên rình rập chụp)

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi trưa đẹp trời, tôi cùng nhóm bạn bác sĩ xuống một ngôi làng nhỏ ở Phan Rang để gửi quà và khám bệnh, phát thuốc đơn giản cho những người dân ở đó qua lời giới thiệu của một người quê ở Ðà Lạt. Ðây vừa là một trong những nơi không có gì nổi bật ngoài sự… không có gì của nó. Vừa có thể là duy nhất, khổ nhất đối với những người ở đó hay lần đầu đến những nơi như vậy. Nhưng cũng có thể là phiên bản “copy” cho nhiều nơi khác ở Việt Nam nếu bạn có dịp đi nhiều và thấy nhiều. Một nơi mà cả đời người ta không dám nghĩ sẽ đến bệnh viện để khám, ai mà phát bệnh lên rồi coi như thua vì đã quá nặng mà không thể chữa chạy vì chi phí ngày càng đắt đỏ của các bệnh viện công lẫn tư hiện nay. Một nơi mà bạn không thể đứng đó nói về sự thối nát của xã hội hay sự chói lọi của văn minh. Chẳng ai quan tâm cả, họ chỉ nghĩ làm sao sống qua ngày để chờ… qua đời. Ðối với họ, mặc một bộ đồ thẳng tưng là “người giàu”, “người ở thành phố” lên “cho tiền”. Và họ sẽ thay nhau kể khổ, tuy là họ khổ… thiệt nhưng những ánh nhìn, giọng nói, “kịch bản” xưa cũ “Ði đâu cũng nghe” (lời một người bạn) về “cái khổ” của họ làm riêng tôi chạnh lòng. Một sự chạnh lòng rất… khó hiểu, được bạn bè tôi cho là khó tánh mỗi khi tôi buột miệng nói ra khi trên xe đi về:

Nếu sau khi “Một tuần nay tụi tôi chỉ ăn khoai” “Cả tháng không biết thịt là gì” “Nhà dột cả năm nay” mà không gặp những đoàn “người thành phố” khác thì họ tồn tại thế nào?

dac-san-tet6
Những giai đoạn làm đặc sản Tết (Hình Du Uyên rình rập chụp)

Ðặc biệt có thêm một sự trùng hợp khó hiểu là trong những ngôi làng này, đa số những ngôi nhà có đủ vợ chồng thì sẽ đông con và đa số những ngôi nhà có mỗi phụ nữ thì sẽ có mẹ đơn thân. Những ngôi làng chẳng có gì nhiều bằng một lớp trẻ đang lớn “Ði học ở nhà thờ bên kia núi, có cái chữ cho… vui rồi thôi chứ mót than học nhiều làm gì”. Tôi không hiểu có ai hỏi chúng sẽ trưởng thành ra sao? Tôi nhiều lần muốn hỏi họ không có biện pháp phòng tránh hay họ thích sanh cho vui? Họ có suy nghĩ về tương lai chúng không? Khi nhiều đứa mười mấy tuổi chưa có giấy tờ lận lưng, tên tuổi thì chỉ là “cái Tý, cái Tèo” cho có để gọi. Và trong cái bịch thuốc đi kèm quà đều có băng vệ sinh và bao cao su, không biết họ có xài không. Nhưng bạn tôi bảo hỏi có khi bị đánh tập thể, hết đường về Sài Gòn, nên… thôi. Hôm đó, sau khi xong việc của mình là chuyển đồ trên xe xuống, tôi đi loanh quanh ngó trời ngó đất bỏ mặc các bạn làm gì thì làm. Và chuyện buồn bắt đầu từ đây…

dac-san-tet5
Đặc sản Tết (hình từ Google)

Tôi gặp một đám nhỏ đang chơi bên chuồng dê – những động vật sung sướng nhất làng (bạn tôi giới thiệu). Bọn dê được người ta thuê người trong làng chăn, nuôi lớn để nhân giống hoặc lấy thịt, sữa. Nhà nào có chuồng dê coi như là giàu nhất làng vì có nguồn thu nhập ổn định (hơn những nhà khác), tuy nhiên mất một, hai con coi như đổ nợ vì không (thể) có tiền đền. Tôi chen vào chơi chung với đám nhỏ, chúng đang bắt mấy con kiến nhốt vào cái bình nhựa nhỏ, trò này ở nhà tôi cũng hay chơi nên rất nhanh “hòa nhập” vào bọn trẻ. Lâu lâu tôi hỏi một hai câu với từng đứa như: “Con tên gì?” “Con nhiêu tuổi”, lát sau thấy có vẻ… thân thì tôi hỏi tiếp: “Tết mấy đứa sẽ làm gì?” Chúng đồng loạt nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu rồi… chơi tiếp. Chắc chúng không “ước lượng” được khi nào là Tết? Thôi kệ. Sau vài giây hụt hẫng, tôi hỏi chuyện khác: “Mấy con có muốn đi học không?” Một đứa lớn nhất, có vẻ có “kinh nghiệm” nói to: “Không”. Rồi cả nhóm chơi tiếp. Tôi hỏi: “Sao không đi học?” Con bé trả lời rất vô tư với vẻ mặt ghét bỏ: “Cô giáo nhiều chuyện lắm, y như… cô vậy!”

dac-san-tet4
Đặc sản bánh tráng nướng mắm ruốc Phan Rang

Tôi sụp đổ hoàn toàn, không ngờ sau một thời gian dài (đến mấy chục phút) quen biết, hình tượng của tôi lại… xấu như vậy. Tôi quay qua hỏi về… ẩm thực, sở thích to lớn nhất của mình. Tôi nghĩ có thể mấy bé cũng sẽ thích: “Mấy đứa thích ăn món gì?” Tụi nó nhìn qua mấy con bò, tôi liền đắc ý vì cuối cùng chúng tôi cũng có điểm chung, tôi cười tít mắt:”Cô cũng thích thịt bò”. Chúng nhìn tôi với vẻ mắt đầy vẻ khinh thường và lần lượt thi nhau nói, đứa này nói thì đứa kia gật đầu thật mạnh: “Nhau bò đó, ngon lắm cô!” “Lâu lâu mới được ăn!” “Trên thành phố cô hay ăn không?” Ðịnh hỏi nhau bò là gì, làm gì ăn mà thấy những ánh mắt tròn xoe nhìn tôi đầy hy vọng, tôi đành quyết định gật đầu thật mạnh và… nghỉ chơi với bọn nhỏ, đi vô hỏi người lớn. Một món ngon như vậy tại sao tôi không biết? Trong khi quê ngoại tôi ở Củ Chi cũng được coi là xứ bò. Bò tơ Củ Chi hấp cuốn bánh tráng, rau rừng là số dzách.

dac-san-tet3
Dê, “đặc sản” của cái chuồng

Sau một vòng điều tra dưới ánh mắt thông cảm của bạn bè lẫn người trong làng tôi mới biết đặc sản Phan rang là bánh căn hoặc bánh tráng mắm ruốc (Là loại bánh tương tự bánh đa, trét mắm ruốc lên đem nướng rồi chấm mắm ruốc ăn). Nhưng hai món này thì tôi ăn rồi! Còn loại mà mấy đứa nhỏ nói đó là nhau thai bò (lúc nãy còn tưởng nghe nhầm lũ trẻ nói cái gì mà tôi nghe thành “nhau” bò). Món này đặc sản ở đây vì nhà nào “khá lắm” mới nhận chăn bò vì phải có chuồng, kiến thức và sức khỏe để chăn nuôi được những con “pet” to lớn, lỳ lợm. “Chăn bò cực hơn chăn dê nhiều vì dê nó ăn tạp, có năm hạn hán, đồng khô cỏ cháy, gia súc chết hàng loạt mà đám dê vẫn sống được. Nhiều con mổ bụng toàn rác, giẻ rách, chiếu manh… Dê nhỏ nên có thể nhốt chuồng còn còn bò thì ngày phải dắt đi cả chục kilomet tìm cỏ, lá rừng cho nó ăn không thì sơ sẩy một chút là nó nhào vô nhà người ta ăn rau, ủi tường, tiền đâu mà thềnh (đền)?” Cộng với đa số người ta chỉ thuê chăn cho đến khi con bò cứng cáp, tùy mục đích như nhân giống, lấy thịt hoặc kéo cày mà con bò sẽ được “về nhà” theo “độ tuổi” sau thời gian đi “nhà trẻ”. Nên không phải ai cũng được có bò trong nhà, đừng nói là bò cái tới ngày đẻ, để có nhau thai của con bò. Tuy ai cũng nói đây là một món ăn rất “thần thánh” nhưng sau một hồi google (chỉ toàn ra những bài viết về ăn nhau thai… người) và hỏi vòng vòng nhiều người bạn sành ăn thì tôi nghĩ nhau thai bò chỉ là đặc sản với những người biết ăn (hoặc không có gì ăn). Vì thông tin về món này khá là trống trải trên bản đồ ẩm thực, tôi cũng không hình dung nổi nó có hình thù ra sao. (Nếu có ai biết, làm ơn “khai dân trí” dùm tôi). Trước khi chuẩn bị ra về, tôi có hỏi vài người xem ở đây có con bò nào sắp… đẻ không và nhận được những cái lắc đầu đầy bí hiểm. Có lẽ có họ cũng sẽ không nói, vì cả làng đông như vậy, thêm chúng tôi là 7 người nữa thì ai… ăn ai nhịn? Tôi nghĩ nhau thai con bò chắc cũng không… to lắm ?

dac-san-tet2
Gà cũng là món không thể thiếu khi Tết tới ở VN

Trên đường về, trong khi tôi thinh lặng sầu khổ vì món đặc sản khó hiểu và nghe tên có phần kinh dị kia thì mấy người bạn bàn về chuyện Tết, nào là đi đâu, ăn gì, chơi gì. Mỗi đứa một dự định nhưng đứa nào cũng đồng tình Tết ngày càng chán. Tôi hỏi:

“Có nhiều người ở “tầng lớp trí thức mới” bảo bỏ Tết đó, thấy chán thì theo đê!”

Chúng đồng loạt nhìn tôi không mấy thân thiện, một đứa nói:

“Dân Việt Nam chỉ có 5% trí thức còn lại là buôn gánh bán bưng, ở quê hoặc nhà nông làm sao biết Tết tây là gì? Với lại bỏ Tết thì không được… nghỉ Tết, tao đâu có ngu!”

dac-san-tet1
Người muốn bỏ cả thanh xuân ăn hết các đặc sản!

Tôi mới trấn an:

“Yên tâm, nhà quê nhà nông thì họ chỉ lịch Ta mà xài vì họ đâu cần biết Tết Tây đâu. Còn bỏ Tết Ta thì thay vì bây được nghỉ hai lần Tết Tây và Tết Ta thì sẽ được nghỉ từ Tết Tây đến… Tết Ta luôn, lo gì!”

Cả đám cười lớn vì biết tôi giỡn, không có công ty nào điên như vậy cả. Tôi cũng không hiểu sao các bậc ở “tầng lớp trí thức mới” ở Việt Nam luôn nổi tiếng là làm ăn chật vật, lãng phí thời gian trong cả năm lại lấy “sĩ khí” từ đâu mà mấy năm gần đây, năm nào cũng lên báo chí hô hào bỏ Tết Ta để… tăng năng suất, giảm ngày nghỉ lễ lại, “hội nhập” kinh tế này kia. Thật ra bản thân tôi cũng chẳng hề thích Tết, ghét nhất là cảnh gặp người quen với những câu hỏi mang tính “đặc sản”:

– Năm nay phát… tướng ha, chắc tiền zô dữ lắm ha!

Hay:

– Con kia đẻ rồi còn mày thì bao giờ lấy… chồng?

Hỡi thế gian, chồng-là-cái chi chi?

dac-san-tet
Toàn nhà văn, giáo sư, giám đốc đòi bỏ Tết Ta

DU