Xưa nay nhân loại vẫn xem đọc sách là thú tiêu khiển tao nhã, còn là thước đo văn hóa và đặc biệt là phương cách giúp con người thăng hoa, tách rời thực tế để vươn lên một tầng cao hơn, tầng của trừu tượng. Không ngẫu nhiên trong ký sự Những Kẻ Di Truyền Sách (Les Passeurs de livres, Nxb Seuil, 2017) ở trang 12, Delphine Minoui phóng viên của nhật trình Le Figaro chuyên về Trung-Đông, giải thưởng Albert Londres 2006 cho các phóng sự về Ba Tư, ghi: “Dưới các trận bom, thư viện hóa thành pháo đài ẩn của tuổi trẻ, sách trở thành vũ khí vô biên.” Minoui kể một câu chuyện lạ lẫm: Hằng đêm rồi hằng đêm 40 thanh niên mang trong mình nhiệt huyết của cách mạng Syria chống lại chế độ độc tài Bachar al-Assad, trốn vào trong thư viện ẩn trú cơn thịnh nộ của bạo lực, rồi đến khi các bức tường sụp đổ gồng gánh khuân vác kho sách đến một thư viện giấu kín khác của bóng đêm. Sách, là tương lai của chính họ.
Cũng không ngẫu nhiên, Nietzsche viết: “Ðiều tôi tìm và khám phá, luôn trong sách!”. Trong Thế Giới Hôm Qua, Stefan Zweig quả quyết: “Với cá nhân tôi, khi Emerson cho rằng những quyển sách hay thay thế trường đại học tốt nhất, tiên đề này vẫn bất biến. Tôi tin con người có thể thành triết gia, sử gia, luật gia, nhà ngữ văn hay bất cứ gì mà không cần bước chân vào đại học.” Nhưng chính Albert Einstein, qua Cách Tôi Nhìn Thế Giới, mới thực sự gay gắt: “Một kẻ chỉ đọc báo hoặc nhiều nhất, sách của những tác giả đương thời, kẻ ấy cận thị và quên đeo kính.” Với Einstein, sách báo đại chúng đồng nghĩa mù lòa. Vì chìm đắm trong bóng tối, thiếu thứ Victor Hugo ca ngợi: “Ánh sáng giấu trong sách. Hãy mở toang chúng để chúng rạng ngời và tự thao tác.”
Các danh nhân đã tin kho tàng trong sách. Trái ngược đến kinh ngạc là dân Việt thoát ra khỏi niềm tin ấy. Bước chân vào một gia đình Việt, ở đầu thế kỷ 21, hiếm thấy một tủ sách. Một tủ sách đúng nghĩa khác với một tủ gỗ chứa DVD, các tạp chí sức khỏe, thời trang, thể thao, gia chánh… Trong tạp bút Chúng Ta Đọc Có Ít Chăng? Võ Phiến từng phân tích:
“Nhìn lướt qua sinh hoạt văn nghệ thời kỳ 54-75, thấy một hiện tượng ngộ nghĩnh: Số tác giả sau 54 ở miền Nam vượt cao hơn hồi tiền chiến toàn quốc rất xa, thế mà số độc giả thì không thấy tăng. […] Nhớ có lần nói chuyện với một nhà sách kỳ cựu ở Sàigòn, đã hành nghề dưới nhiều chế độ, theo dõi tâm lý của độc giả trải qua nhiều thời kỳ – tức ông Khai Trí – có nghe ông đưa ra một nhận xét: Quả là sau này người ta ít mua sách hơn thời tiền chiến. Một trong các lý do là cuộc sống bất định của thời buổi chiến tranh. Ngày trước mỗi khi có cuốn sách mới của văn sĩ nổi danh vừa phát hành thường thường độc giả mua ngay, dù có thì giờ để đọc hay không cũng mua. Mua cất vào tủ sách gia đình cho đủ, để đọc dần. Sau 1945 nhiều biến cố liên tiếp xảy ra khiến thiên hạ rời nhà rời quê chạy tán loạn, nay lánh cư chỗ này mai lánh nạn nơi khác, tủ sách gia đình hao hụt dần, mười phần mất bảy còn ba, rồi mất hai còn một! Khắp Nam kỳ Lục tỉnh sau 45, nhất là sau 68, chẳng còn mấy ai giữ được tủ sách gia đình nữa. Ðã không có tủ sách thì sách chỉ mua khi nào cần đọc mà thôi. Nghĩa là ít đi nhiều lắm.
Về các tai họa xảy đến cho sách vở trong thời loạn […] ngoài lý do an ninh sách còn bị khổ vì lý do chính trị. Sau 1945 ở vùng Cộng sản mà chứa sách Pháp hay sách ‘trong thành’, ở trong thành mà chứa sách ngoài khu; sau 1954 ở vùng Cộng sản mà chứa sách quốc gia, ở vùng quốc gia mà chứa sách Cộng sản, đều có thể gặp rắc rối. Sách đôi khi thành ra một món nguy hiểm, không tiện chứa chấp, tích trữ. […]
Sách mà gần đây không bán được nhiều, cái ấy lại còn có một lý do khác tưởng cũng quan trọng. Sau 1960 tình hình miền Nam mỗi ngày mỗi khẩn trương, thanh niên bị động viên. Muốn được hoãn dịch để tiếp tục học vấn, họ phải lên lớp không ngừng, phải thi đậu liên tiếp. Vì vậy ai nấy lo chúi đầu vào sách giáo khoa, học trối chết, không mấy ai dám phí thì giờ vào các trò nghệ thuật văn chương.
Cùng trong khoảng thời gian ấy sách ở miền Bắc nêu lên số lượng ấn hành cao hơn miền Nam: thường thường mỗi nhan đề in đến hàng vạn cuốn. Những con số ghi trên sách miền Bắc đúng được tới chừng nào? Liệu có nên liên tưởng đến những con số xác “địch” trên chiến trường, số phi cơ “địch” bị bắn rơi v.v… trong các bản thông cáo chiến sự của Hà Nội trước đây chăng? Ở Tây phương người ta vẫn không mấy khi dám tin vào con số thống kê từ các xứ Cộng sản. […] Sự chênh lệch Nam-Bắc không do sở thích đọc sách của quần chúng, mà là do cách phổ biến sách, do chính-sách phổ biến văn hóa mỗi nơi một khác. Ở Nam, viết và đọc sách báo là chuyện tự do của công dân; sách báo lắm khi gây khá nhiều khó khăn cho chính quyền, cho chế độ, bởi vậy chính quyền có vẻ không mấy sốt sắng phổ biến, cứ mặc cho nó… tự do. Ở Bắc, sách báo là phương tiện tuyên truyền chủ nghĩa, quảng cáo chế độ, xưng tụng chính quyền, mê hoặc dân chúng; dân càng đọc nhiều càng thấm nhuần công đức nhà nước, càng ngoan ngoãn, càng “hồ hởi”, vì thế nhà nước lúc nào cũng hăng say phổ biến sách báo. Sách nào in nhiều sách nào in ít, sách nào phổ biến rộng sách nào phổ biến hẹp, chuyện ấy không do đòi hỏi của độc giả mà do sự cân nhắc “lợi hại” của nhà nước. Thơ “Bác” với thơ Tố Hữu số in cao hơn thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh là tất nhiên. Cuốn Chữ Nôm của Ðào Duy Anh in 5,200 bản, cuốn Tìm Hiểu Xã Hội Việt Nam Thời Lý Trần in 6,400 bản, cuốn Thơ Văn Nguyễn Công Trứ của Trường Chinh in 10,000 bản, mà cuốn Tây Dương Gia Tô Bí Lục in 20,500 bản, lẽ nào vì quần chúng ham đọc bí lục hơn xem thơ Nguyễn Công Trứ hay tìm hiểu chữ nôm! Ở Bắc nhà nước tha hồ đưa sách xuống tận xã thôn: hễ công văn đi tới đâu thì sách báo đi tới đó. Trái lại trong Nam sách báo chỉ xuống đến tỉnh lỵ là cùng đường. Họa hoằn mới gặp một đôi quận lỵ có tiệm sách bày bán dăm ba thứ kiếm hiệp nhảm nhí. Thiện chí của các tổ chức phát hành tư nhân biểu lộ đến chừng ấy là quá mức rồi: xuống quá tỉnh lỵ nhu cầu không có mấy, lợi lộc chẳng bao nhiêu, mà tình hình an ninh có lúc không tốt đẹp, bảo họ phiêu lưu làm chi? Chính quyền không thiết, tư nhân không ham, chuyện đưa sách báo đến dân quê gặp bế tắc. […]
Ấy miền Nam với miền Bắc sự tình khác nhau như thế, cho nên khó có sự so sánh đứng đắn.
Chúng ta đã đem số lượng độc giả miền Nam thời 54-75 đối chiếu với thời tiền chiến, rồi đối chiếu với miền Bắc. Ðối chiếu tình hình thời chiến tranh với thời thanh bình, đối chiếu tình hình dưới chế độ tự do với chế độ độc tài, không phải để rút ra những kết luận dễ dãi. Chẳng qua chỉ thấy nếu không có sự can thiệp của chính quyền, đồng bào ta đọc chưa lấy gì làm nhiều. Nếu lại đem ra so sánh với số lượng ở lắm nước ngoài, vẫn thấy có sự thua sút đáng buồn. […] Ở ta một tờ nhật báo có uy tín như tờ Chính Luận phát hành mỗi ngày không quá 20 nghìn số, trong khi Ðại Hàn (dân số chừng 30 triệu trước 75), các tờ Chosun Ilbo và Dong-A Ilbo mỗi ngày in ngót một triệu số. Tạp chí và sách ở Ðại Hàn, Ðài Loan đều được ấn hành nhiều hơn ở ta, vượt ta rất xa. Ở đó có tự do, ở đó người ta đọc là vì thích đọc, không có chuyện nhà cầm quyền dúi sách báo vào tay dân chúng để giáo dục lòng yêu đảng, yêu chủ nghĩa v.v… Dĩ nhiên Việt Nam là nước văn hiến, nhưng cái văn hiến ấy nó phát huy có phần éo le: kẻ viết càng ngày càng đông mà người đọc cứ thưa thớt mãi, thế có khổ không?”
[Võ Phiến, Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, số 6 tháng 10-1985]
Ðó là vào lúc Văn học Hải ngoại thịnh đạt năm 1985, cách đã 32 năm, nếu bây giờ còn sống Võ Phiến hẳn sẽ buồn bã: trong nước một tập truyện in 2000 bản cho 97 triệu dân, còn ngoài nước các nhà xuất bản Lá Bối, Văn Nghệ, Thanh Văn, Hồng Lĩnh, Thời Văn, Tân Thư thay nhau đóng cửa. Người viết cũng không dập dìu mà rụng rơi không còn mấy. Có phải nguyên nhân nằm trong sự xuất hiện muộn màng của văn tự dân tộc, như Võ Phiến từng băn khoăn: “Không hiểu sao mãi cho tới khi tiếp xúc với Tây phương chúng ta không chịu đặt ra một thứ văn tự riêng, ta xài tạm chữ Hán, chế biến qua quít, vừa xài vừa coi rẻ thứ chữ chế biến ấy. Cái gì mà muốn viết được đọc được tiếng ta lại phải biết qua chữ nước người mới xong. Mà chữ Hán đâu phải dễ học! Thành thử trong suốt quá trình lịch sử dài dằng dặc tối đại đa số đồng bào ta chẳng hề đọc cái gì bao giờ.”
Nguyên nhân ấy đúng hay sai và có phải đời sống của dân Việt nghèo túng tinh thần? Nói như Richard Millet: “Không có một trào lưu văn học nào trách nhiệm sự nghèo nàn văn chương của một quốc gia, chỉ có nhà văn gánh trách nhiệm.” Tuy nhiên, trong thực tế di dân Việt đang chấm dứt đọc sách để lên facebook nhưng internet chỉ là những mảnh vụn của những hột xoàn tấm nhiều cợn than của một nghệ thuật chữ viết đang biến mất.
Biến mất đã lâu thông lệ đúc kết những hiện tượng trong năm của Văn học Hải ngoại. Ngay cả Tết Nguyên đán cũng không còn là dịp tổng kết, vì không có gì để nhắc. Thập niên sau cùng vắng lặng nhà quàn.
Trong bối cảnh hiu hắt ấy, đột nhiên xuất hiện một loạt ấn phẩm trên Amazon mà tác phẩm nào cũng công phu. Giở từng trang sách, thấy tức khắc là công trình tâm huyết, dầy công sức. Qua các trang chữ người đọc hình dung người viết đã thao thức rất lâu, đã suy nghĩ rất nhiều và tìm kiếm trong vô vàn những quyển sách điều mình băn khoăn. Các tựa sách nói lên ước muốn của tác giả: di truyền những gì thâu thập. Chúng không dễ đọc, vì không gây kích động, chúng không cám dỗ vì ít mê hoặc, nhưng chúng hữu ích. Chúng, hấp dẫn theo cách Robidoux định giá: “Những gì viết không khó khăn, sẽ nhàm chán khi đọc.” Năm 2017 đánh dấu bằng sự kiện này: Một bộ sách nhiều tập, Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn, Ý Thức Về Dịch Thuật, Văn Học Truyện Hậu Hiện Ðại, Học Thuyết Truyện Hậu Hiện Ðại, Văn Học Truyện Ðương Ðại, Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Ðại, Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Ðại, Tôi Không Biết: Wislawa Szymborska Nobel Price 1996 (Tập 1 & 2), Tôi Học Ðược Bí Mật Của U Sầu, Federico Garcia Lorca (Tập 1 & 2) và Thơ Ðộc Quạnh của cùng một tác giả, Ngu Yên.
Tra vấn một thi sĩ vừa xuất bản ngần ấy tiêu đề, là một quyến rũ.
TV Giáng sinh 2017
(*) tranh minh họa theo thứ tự của các họa sĩ René Magritte, Mila Posthumus và Mai Thứ
Kỳ tới
Phỏng vấn Ngu Yên
Nguyên nhân Văn học Hải ngoại ít thành tựu.