Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 48 năm nay sẽ được người tham dự nhớ tới hai điều: tuyết đổ quá nhiều và sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump.

Ðây là cuộc họp thường niên được tổ chức hàng năm vào cuối Tháng 1 tại Davos, một thị trấn du lịch nằm ở phía đông của rặng núi Alps thuộc Thuỵ Sĩ. Năm nay, diễn đàn được diễn ra trong 4 ngày từ Thứ Ba 23/1 đến Thứ Sáu 26/1. Trung bình mỗi năm diễn đàn thu hút khoảng 2,500 người tham dự, gồm những nhà lãnh đạo kinh doanh, chính trị, kinh tế, nhà báo và thậm chí cả những tài tử điện ảnh, để bàn về những vấn đề thúc bách mà thế giới đang phải đối diện.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay quy tụ được hơn 70 nguyên thủ quốc gia và chính phủ đến tham dự cùng với khoảng 3,000 tham dự viên khác. Ðây là con số không nhiều nếu đem so với những Thượng đỉnh Kinh tế khác trên thế giới, như Thượng đỉnh APEC năm ngoái tại Ðà Nẵng, chỉ riêng phóng viên báo chí không thôi cũng đã lên tới vài ngàn người. Nhưng không phải ai muốn tham dự diễn đàn thì chỉ cần ghi danh và đóng tiền lệ phí là được vào. Những người muốn tham dự phải có giấy mời.

Với một thị trấn nhỏ như Davos, phải đón tiếp nhiều ngàn người trong 4 ngày thì chắc chắn công việc lo chuyện ăn ngủ cho khách tham dự không thôi đã là một thử thách. Ðó là chưa kể năm nay bỗng dưng trời đổ tuyết quá nhiều đến nỗi nhiều khách lái xe từ làng kế cận Klosters tới Davos cách nhau khoảng 20 cây số nhưng đã phải đi mất 7 tiếng đồng hồ. Những chuyến xe buýt và xe lửa đã phải hủy vì không an toàn. Có một số khách tham dự mướn phòng trọ trên đỉnh núi được đưa lên bằng thang dây cáp nhưng lại bị kẹt ở lưng chừng cả tiếng đồng hồ cũng vì tuyết nhiều.
Bất cứ ai muốn tìm sự thoải mái thư giãn ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới là tới không đúng chỗ. Tất cả mọi thứ đều chật chội và mắc mỏ. Một chén súp cà chua nhỏ giá 24 Euros (30 Mỹ kim) hoặc hơn. Trong tất cả các khách sạn, mọi chỗ trống đều được mướn hết. Thậm chí phòng cầu cũng biến thành phòng họp; và những ai mướn được một phòng đầy bụi bặm, đặt máy in để biến thành phòng làm việc thì đã được cho là may mắn. Những tổng giám đốc của những công ty có vốn nhiều tỷ Mỹ kim cũng phải ngồi trên những chiếc ghế bé xíu trong hành lang của khách sạn đầy những người khi cần phải trả lời điện thư hay tin nhắn.
Một tổng giám đốc đã từng đến Davos nhiều lần cho biết: “Tới đây thì không có gì vui cả nhưng không có nơi đâu mà tôi có thể gặp được ngần ấy những đối tác kinh doanh đến từ khắp nơi trên thế giới trong một thời gian ngắn như vậy.” Ông tổng giám đốc này còn có cơ hội tìm hiểu thêm tình hình trên thế giới, là vì không chỉ những nhà kinh doanh và chính trị tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới này, mà diễn đàn còn thu hút nhiều đại diện của những tổ chức phi chính phủ (NGOs), những tổ chức giúp đỡ người tị nạn, nhiều nhà khoa học và những nhà tiên phong trong lãnh vực kỹ thuật.

Sự có mặt của Tổng thống Mỹ tại diễn đàn là một điều khá đặc biệt vì từ nhiều năm nay, Mỹ chỉ gửi đi cấp bộ trưởng, thường là bộ trưởng ngoại giao và ngân khố, hay cao hơn nữa là Phó tổng thống. Vị Tổng thống cuối cùng của nước Mỹ tham dự Davos là Bill Clinton, đó là năm 2000, năm cuối của nhiệm kỳ hai của ông. Năm nay, Tổng thống Donald Trump đi tham dự Davos trong bối cảnh một trận chiến ngân sách tại quốc hội đang âm ỉ diễn ra nhưng không thiếu phần quyết liệt.
Thế nên các nhà tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ưu ái dành cho Tổng thống Mỹ một phần thời gian đặc biệt trong ngày Thứ Sáu, ngày cuối của diễn đàn, để ông có cơ hội đưa ra những nhận định về một số đề tài quan trọng như tương lai của Âu châu, tình hình kinh tế toàn cầu, tình hình chính trị khá mong manh trong thế giới Ả Rập hiện nay, hoặc là bàn luận về tình hình Phi châu.
Cũng xin nhắc lại ở đây, trước chuyến đi Davos của Trump, chính phủ Mỹ đã ra quyết định đánh thuế 30 phần trăm lên những sản phẩm nhập cảng vào Mỹ, như bảng quang điện (solar panels) được sản xuất tại Trung Quốc, cố tình bán với giá thật thấp và làm cho nhiều công ty sản xuất ở Mỹ phải đóng cửa. Quyết định này được đưa ra ở vào thời điểm ngay trước chuyến đi làm nhiều người lo ngại Donald Trump sẽ dùng diễn đàn để phát động một cuộc chiến mậu dịch với nhiều quốc gia, đặc biệt là với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong suốt bài diễn văn, Trump đã tỏ ra là một con người chừng mực, không hề có giọng điệu khiêu khích như ở những lần trước tại những diễn đàn quốc tế khác. Theo nhận định của tờ New York Times, và qua thu nhận ý kiến từ những nhân vật kinh tế ưu tú nhất trên thế giới có mặt ở diễn đàn, thì Donald Trump là một con người hoàn toàn khác, không phải là một người gai góc như người ta từng chứng kiến trước đây, mà là một con người thực dụng.
Trước đây, khi còn tranh cử, ông Trump vẫn hay lớn tiếng tố cáo thế giới đang đẩy nước Mỹ vào thành phần của thế giới thứ ba, tức những nước nghèo. Nhưng qua bài diễn văn tại Davos lần này, TT. Trump đã đổi giọng và đang cố thuyết phục cho thế giới thấy là chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông thực ra cũng phù hợp với hệ thống thương mại toàn cầu chứ không phải như người ta vẫn thường lo ngại.

Trong bài diễn văn đọc trước một cử toạ gồm nhiều nguyên thủ quốc gia và các nhà kinh doanh, TT. Trump nói rằng: “Chính sách nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình.” Ông cũng mở ra cánh cửa cho việc đối thoại song phương và thậm chí kể cả những cuộc đàm phán thương mại vùng với những quốc gia nằm trong khối Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái bình dương (TPP), một hiệp ước thương mại mà chính ông hủy bỏ trong những ngày đầu khi vừa lên làm Tổng thống. Ông còn nói thêm: “Chúng tôi đang làm việc để tìm cách cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu.”
Ðể có thể thuyết phục được các đối tác thương mại còn đang do dự, TT. Trump sẽ phải theo đúng với những chính sách cho thấy rằng Mỹ sẽ không nhân nhượng trong các cuộc đàm phán trong khi vẫn tôn trọng hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên quy luật mà từ lâu nước Mỹ hằng theo đuổi. Theo ý kiến của các chuyên gia trong lãnh vực thương mại, để có thể đối đầu có hiệu quả hơn với Trung Quốc, mà những chính sách kinh tế và lối hành xử của họ đã tạo nên tình trạng căng thẳng thương mại như hiện nay, TT. Trump sẽ phải thành lập một liên minh những đối tác thương mại để tạo áp lực lên Trung Quốc và đòi hỏi quốc gia này phải thay đổi lối làm ăn.
Mấy ngày trước đó, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi và Thủ tướng Ðức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những nguy hiểm của những hành động đơn phương trong một hệ thống thương mại đa phương. Ý của hai vị nguyên thủ này là nhắm tới Trung Quốc.
Hiện đang có dấu hiệu cho thấy một cuộc đối đầu với Trung Quốc trong thời gian sắp tới đây. Tháng 12 năm ngoái, Mỹ, Liên hiệp Âu châu (EU) và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung với lời lẽ khá nặng nói rằng họ đang làm việc trong phạm vi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những nhóm thương mại đa phương khác để tìm cách loại bỏ những cuộc cạnh tranh bất công gây ra do chính sách tài trợ từ phía chính quyền Trung Quốc cho các công ty của nhà nước, buộc những công ty làm ăn với Trung Quốc phải chuyển giao kỹ thuật cho họ, và buộc các công ty ngoại quốc phải tuân thủ những quy tắc do địa phương đưa ra nếu những công ty này muốn làm ăn ở những nơi đó. Những việc làm này đã đi ngược lại quy tắc thương mại tự do của WTO. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đã mạnh mẽ bênh vực EU trong vụ tranh chấp mậu dịch với Trung Quốc tại WTO mới đây.
Trong những ngày sắp tới đây sẽ diễn ra những cuộc đàm phán thương mại, trong đó liên quan đến những món hàng nhập cảng như thép và nhôm, cũng như đang diễn ra một cuộc điều tra sâu rộng về cách thức làm ăn thiếu minh bạch của Trung Quốc. Người ta còn đang chờ xem quyết định từ Tổng thống Trump, nhưng những việc trên có thể là khúc quanh mới trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bài diễn văn đọc tại Davos, mặc dù không nói thẳng tên ra, nhưng cử tọa hiểu là ông Trump nhắm đến Trung Quốc khi ông nói: “Chúng ta không thể trao đổi thương mại tự do và mở rộng nếu như có một số quốc gia lợi dụng hệ thống để làm phương hại đến những quốc gia khác. Nước Mỹ sẽ không làm ngơ trước những chính sách thương mại bất công, kể cả sự chuyển nhượng tài sản trí tuệ.”
Một cuộc chiến mậu dịch toàn diện giữa Mỹ và những quốc gia khác, trong đó có khối EU, có lẽ sẽ không xảy ra như người ta lo ngại. Nhưng một cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới. Và chỉ nội điều này thôi cũng đã đủ để lo ngại cho tình hình kinh tế thế giới trong tương lai gần.
HV