Mấy ngày qua, “heo bỏ ăn” rồi. “Heo” bịnh (ốm) nên “heo” chán cơm, “heo” cũng không thèm phở. “Heo” bị nổi mụt trong lưỡi, đau cổ họng nên heo cũng không muốn ăn cháo nấu bằng gạo như cách thông thường. “Heo” vốn ăn uống kham khổ từ nhỏ, nên cơm tù còn chưa làm gì được “heo”, thì “heo” đâu có “kỵ” cơm Mỹ mà “bỏ ăn”. Bây giờ “heo bỏ ăn” thì tình hình không phải tầm thường à nha.

Nhưng mà “heo” lại đang đói bụng, tính sao đây? Sau một buổi nằm vắt chưn lên trán suy nghĩ, “heo” nhớ lại hồi nhỏ, lâu lâu “heo” được coi chiếu bóng ở bãi chiếu phim công cộng ngoài trời, chuyện phim tiếu lâm thế này:
Có chàng tiều phu trẻ một hôm đi lạc trong rừng. Trời đã tối mà còn mưa, lạnh nên không tìm đường về nhà được. Chàng thấy xa xa có túp lều sáng ánh đèn, bèn xăm xăm mò tới kiếm bữa ăn tối và xin ngủ qua đêm. Chủ nhân túp lều là một bà già (keo kiệt) đồng ý cho chàng tiều phu ngủ nhờ. Chàng ta nói: “Bà ơi, cháu đói quá. Bà có gì cháu ăn chút đỉnh được không? Sáng mai cháu về nhà rồi sẽ quay lại đền ơn bà”. Bà già trả lời: “Nhà nghèo lắm, không có gì ăn đâu”. Chàng ta thất vọng quá, định ngủ nhưng bụng đói quá ngủ không được, bèn ngồi dậy hỏi: “Bà ơi, nhà có nồi to, có củi không bà? Cho cháu mượn nấu một ít súp rìu ăn đỡ đói”. Bà già ngạc nhiên, không biết súp rìu là cái giống gì, cũng muốn coi cho biết, nên trả lời: “Có nồi, có củi trong bếp đó. Vô lấy nấu đi.” Chàng tiều phu bèn nhúm lửa, bắc lên bếp cái nồi to. Ðổ nước vô nồi, rửa sạch cái rìu nhỏ đeo bên hông bỏ vô nồi nấu. Bà già rình, thấy thỉnh thoảng chàng ta lại mở nắp nồi múc một tí nước nếm thử, rồi xuýt xoa ra chiều ngon lắm. Bà già không nhịn được tò mò, bèn bước ra hỏi: “Ăn được chưa? Ngon không?”. Chàng ta bảo: “Sắp ăn được rồi. Giá như có thêm ít hạt kê thêm vào sẽ ngon hơn”. Bà già nhanh nhảu: “Có hạt kê đây”. Chàng ta lấy cho vào nồi. Một lúc sau lại nếm, xuýt xoa rồi nói: “Giá có thêm chút gia vị thì ngon hơn”. Bà già lại đưa gia vị ra. Lúc sau, chàng ta lại nếm, rồi thở dài, nói “Tiếc thật! Tiếc thật!”. Bà già ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy? Không ngon à?”. Chàng ta nói: “Ngon lắm. Bà có thịt không? Có trứng không? Nếu thêm vào ít thịt, ít trứng thì ngon tuyệt vời luôn”. Bà già lại đưa thịt, đưa trứng ra. Chàng ta cho vào nồi luôn. Một lúc sau, chàng ta nhắc nồi xuống, vớt cái rìu ra rửa sạch rồi đeo lại bên hông. Xong xoa tay hả hê nói: “Mời bà ăn thử súp rìu với cháu”. Bà già ăn súp, khen: “Súp rìu ngon thật. Vậy mà tôi không biết. Từ đây về sau tôi thỉnh thoảng lại nấu súp rìu như cậu để ăn”.
Má ơi, lúc đó “heo” thèm ăn súp rìu kiểu đó quá chừng luôn, mà không biết làm cách nào có hột kê để ăn. Bây giờ, nhớ lại có lần đi chợ “heo” thấy chợ Việt có bán những bịch hột kê nhỏ nhỏ, “heo” bèn nảy ra sáng kiến hay là nấu cháo kê ăn thử cho biết mùi vị kê nó như thế nào, mà cũng là đổi món cho đỡ ngán nữa.
Vậy là hôm qua “heo” lết ra chợ mua mấy bịch hột kê, củ cải xà pấu (củ cải trắng muối) của Thái để ăn với cháo kê, họa may có “cải tạo tốt” được chút gì tình hình ăn uống của “heo”. Hột kê trồng tại Mỹ, mỗi bịch chừng 300 gram giá $2.5, mua thêm hai bịch củ cải xà pấu muối của Thái Lan (tức củ cải trắng muối ép khô), sả bằm, trứng ở nhà có sẵn. “Heo” không nấu súp rìu kiểu Nga, mà “heo” nấu cháo kê kiểu Việt. Chợ có bán hai loại xà pấu: loại có đường và loại không đường. Nếu muốn nấu canh giò heo, canh đầu cẳng cánh lòng gà vịt, chiên trứng, rang sả ớt… nói chung là chế biến đồ ăn mặn, thì mua loại không đường. Nếu muốn làm dưa ăn thì mua loại có đường. “Heo” mua cả hai thứ xà pấu có đường và không đường.
Trước tiên, vo sạch một bịch hột kê, để nước vừa đủ trong nồi cơm điện. Cho thêm vô nồi một muỗng cà phê dầu dừa đặc (giống như mỡ heo đông) rồi cắm điện nấu kê giống như nấu cơm. Kê chín bốc mùi thơm phức. Mở nắp nồi xới kê cho tơi xốp, múc bớt kê ra hộp nhựa cất vô tủ lạnh để dành nấu lần sau, thò tay bốc ăn thử một ít thấy ngon ơi là ngon. Chừa lại trong nồi chừng một chén kê, đổ thêm nước ấm vô nồi rồi tiếp tục cắm điện nấu cho kê chín mềm thành cháo lỏng.
Trong khi nấu cháo kê thì tranh thủ làm đồ ăn mặn luôn. Hành lá rửa sạch xắt nhỏ cho vô tô lớn. Ðập vô tô hành bốn cái trứng, dùng đũa đánh cho trứng tan đều với hành trong tô. Ðánh lâu một chút thì khi chiên trứng sẽ nổi, xốp hơn.
Xà pấu không đường ngâm nước cho nở rồi xắt sợi như que tăm, xả lại nước lạnh vắt cho ráo nước rồi cho vô thau rắc thêm một chút bột ngọt trộn đều cho xà pấu thấm bột ngọt. Bằm nhỏ sẵn một trái ớt. Bắc cái chảo lớn lên bếp, cho lửa cháy to lên, đổ một ít dầu ăn vô chảo. Chờ chảo nóng cho xà pấu vô chảo xào đến khi thấy xà pấu khô lại, xẹp còn một nửa so với ban đầu. Lấy ra khỏi chảo một nửa xà pấu để vô cái tô lớn. Cho sả bằm, ớt bằm vô chảo xào tiếp cho đến khi thấy sả vàng và bốc mùi thơm phức là được. Trút xà pấu vô cái tô khác, để nguội sẽ cho vô hũ cất vào tủ lạnh để dành ăn dần. Rửa sơ chảo cho sạch sả bào rồi tiếp tục bắc chảo lên bếp.
Cho một nửa xà pấu xào ban đầu để riêng trong tô vô tô đựng trứng. Dùng đũa trộn cho thiệt đều trứng và xà pấu. Cho vô chảo một ít dầu ăn. Chờ dầu trong chảo nóng lên thì dùng cái vá nhỏ múc từng muỗng xà pấu trộn trứng thả vô chảo để chiên thành từng miếng nhỏ cỡ miệng chén ăn cơm, chiên chín vàng đều cả hai mặt miếng xà pấu.
Cải xanh rửa sạch xắt nhỏ chừng một phân rồi luộc. Dùng cái vá lớn như cái tô, có cán dài, mặt vá thủng lỗ lưới mắt cáo vớt cải lên cho vô rổ để ráo nước. Nước luộc cải cho vô ca lớn để dành uống rất tốt.
Xà pấu có đường không cần ngâm nước, chỉ xắt miếng nhỏ nhỏ cỡ đầu lớn chiếc đũa, xả qua nước lã cho sạch rồi vắt khô, xong ém hết vô hũ keo. Trong khi ém xà pấu cho thêm vài tép tỏi khô đã lột vỏ, vài trái ớt hiểm luôn (đã bỏ cuống). Xong rót giấm ăn vô hũ keo cho giấm ngập xà pấu. Ðậy nắp hũ keo kín lại. Ngâm trong vòng bốn năm tiếng đồng hồ là có thể gắp xà pấu này ra ăn với cháo được rồi. Nó sẽ có vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt và giòn sần sật trong miệng khi ta nhai nó.
Vậy là “heo” có ba món trứng chiên xà pấu, xà pấu rang sả ớt, xà pấu ngâm chua ngọt để ăn cháo kê rồi.
Khi ăn thì xúc rau luộc vô tô, múc cháo nóng đang sôi cho vô tô phía trên rau. Khi cháo còn đang nóng hôi hổi bốc khói đem ra ăn với xà pấu chiên trứng hay xà pấu rang sả ớt đều được. Ngon và lạ miệng vô cùng. Cháo kê có chút dầu dừa hơi beo béo, xà pấu nhai vừa thơm vừa giòn sần sật trong miệng, thêm một chút vị mằn mặn, cay cay, có thể ăn luôn một lúc hai tô cháo kê bự chảng luôn. Bữa chiều, “heo” đổi món qua ăn cháo kê với xà pấu ngâm chua ngọt và cải xanh luộc. Qua hôm sau thấy “phẻ” hẳn ra nên hôm nay mới có sức kể lại cho quý vị nghe.
TPT