Menu Close

Chùa Nam Thiên Nhất Trụ

Thủ Đức là một trong những quận có nhiều nơi thờ phụng của tôn giáo nhất. Riêng chùa chiền lớn nhỏ, tịnh thất, am tự cũ mới có thể lên tới 125 nơi thờ cúng. Ngoài những chùa xưa như Huê Nghiêm, Long Nhiểu, người Sài Gòn mấy ai không biết Chùa Một Cột hay còn gọi là Chùa Nam Thiên Nhất Trụ toạ lạc trên đường Nguyễn Du thị trấn Thủ Đức. Ngôi chùa này được xây vào năm 1958, do Hoà thượng Thích Trí Dũng di cư vào Nam, mong muốn ở Sài Gòn có được một ngôi Chùa Một Cột giống ở Hà Nội để người Bắc di cư nhớ kỷ niệm xưa và người Sài Gòn có cơ hội chiêm ngưỡng một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo.

chua-nam-thien-nhat-tru4
Khuôn viên chùa Nam Thiên Nhất Trụ từ ngoài vào là Hồ sen chùa Một Cột, Chánh điện, Bảo tháp. Ảnh: Internet

Sau Hiệp định Geneva 1954 chia cắt hai miền Nam Bắc, hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam, trong đó có các Hoà thượng, nhà sư muốn phát dương đạo Phật tại Sài Gòn. Nhiều chùa có quy mô lớn trong thời gian này được xây dựng mới như Chùa Xá Lợi, Chùa Vĩnh Nghiêm… Chùa Nam Thiên Nhất Trụ tại thị trấn Thủ Ðức cũng không là ngoại lệ. Chùa do Kiến trúc sư Nguyễn Gia Ðức vẽ kiểu, xây cất bằng vật liệu bê tông cốt sắt trên khuôn viên rộng gần một mẫu gồm nhiều công trình nhà Tổ, nhà Trai, gác chuông, chánh điện và cổng tam quan, phía sau tôn trí bằng vườn cây trái bốn mùa cúng dường Tam Bảo.

Ðiểm nổi bật nhất là chùa Một Cột phỏng theo chùa Một Cột hay Chùa Diên Hựu ở Hà Nội. Theo Ðại Việt sử ký toàn thư, chùa Một Cột Hà Nội được xây dựng vào thời Lý, lấy cảm hứng từ giấc mộng của vua Lý Thái Tông (1028-1054): Thấy Phật Bà Quan-Âm ngồi trên đài hoa sen, mời vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói với triều thần, có người cho là điềm gở nhưng nhà sư Thiên Tuế thì khuyên vua nên xây chùa. Vua cho dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Bồ-Tát Quan-Thế-Âm ở trên, đúng như hình ảnh vua đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn chung quanh, tụng kinh cầu phúc lành cho vua sống lâu, nhân đó đặt tên chùa là Diên Hựu.

chua-nam-thien-nhat-tru2
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ tại Sài Gòn vừa mới xây dựng xong 1977. Ảnh: Internet

Ngoài ý nghĩa tôn giáo ra thì ta không thể không nói đến kiến trúc độc đáo của quần thể khu di tích này. Ðây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Tiếc thay, chùa đã bị hủy hoại, xây dựng lại nhỏ hơn so với nguyên mẫu. Ðến năm 1962, Chùa Một Cột ở Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử, mang kiến trúc và nghệ thuật quốc gia.

Trong khi đó, ở Sài Gòn, công trình Chùa Nam Thiên Nhất Trụ (chùa một cột ở trời Nam) do Hoà thượng Thích Trí Dũng khởi xướng bằng tiền do hoà thượng và bà Ðỗ Thị Vinh (pháp danh Ðức Hiển) tự lo toàn bộ công trình, không dùng tiền công quả của Phật Tử. Nhiều bài viết về chùa Nam Thiên Nhất Trụ ghi nhận năm 1972 hoàn thành chùa, là không chính xác. Thực tế, nhiều phần công trình còn phải kéo dài (có lẽ do kinh phí) đến năm 1977 thì mới hoàn toàn kết thúc. Phần diễn biến xây dựng công trình được ghi lại tại nhà lưu niệm và bảo tháp Nam Thiên.

Trụ chùa Một Cột đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép. Mái lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp hơn, nhỏ hơn. Quanh chùa là hồ nước hình vuông có tên là Hồ Long Nhãn (hồ mắt rồng). Dưới hồ thả rùa, cá kiểng nhiều màu bơi lượn. Nước hồ xanh màu Hồ Gươm. Khuôn viên chùa rộng rãi, thoáng mát bởi vòng quanh có cây xanh cổ thụ, hai bên đường đi lối lại trồng nhiều hoa kiểng.

chua-nam-thien-nhat-tru3
Chùa Một Cột hay Diên Hựu ở Hà Nội năm 1922. Ảnh: Manhhaiflicks

Trong lúc đào hồ Long Nhãn làm móng cột thì người ta tìm thấy một tảng đá lớn. Trên mặt tảng đá có một cái đĩa kim loại khác thường (không biết kim loại gì). Ðĩa có đường kính 0.38m, dày 1m, nặng 6,200 kg. Trong đĩa có chữ “Ngũ Tử Ðăng Khoa” (năm con đỗ đại khoa). Nhiều cá nhân cho đó là bảo vật trời ban nên đề nghị chùa nhượng lại với số tiền rất lớn để tích góp vào công trình xây dựng Nam Thiên Nhất Trụ. Số tiền nghe đâu lên tới 200 lượng vàng và 5 triệu tiền mặt. Tuy nhiên Hoà thượng Thích Trí Dũng cương quyết giữ đĩa đá ấy làm bảo vật cho chùa.

Chùa Một Cột có hình vuông mỗi cạnh dài hơn ba mét, mái uốn cong ở bốn góc, dựng trên một cột bê tông hình trụ có đường kính 1.2 mét, cao 4 mét, có những dầm gánh toàn bộ trọng lượng của ngôi chùa. Từ cổng tam quan đi vào, hồ Long Nhãn án ngữ giữa sân chùa. Hồ vừa có cá chép vừa có rùa sinh sống, điểm trong làn nước trong xanh và thanh tịnh ấy là những khóm sen hồng, sen trắng vươn những chiếc lá non với nhiều bông hoa khoe sắc. Chiếc cầu dẫn lên chùa cất theo kiến trúc hiện đại, hai bên là những chậu mai vàng và những hàng sứ trắng. Bên trong chùa Một Cột thờ Phật Quan Âm hai mươi bốn tay, bằng gỗ mít, tạc rất công phu.

Mãi đến năm 1977 như nói ở trên, toàn bộ kiến trúc chùa Nam Thiên Nhất Trụ mới được hoàn tất. Từ cổng Tam quan, phía bên phải ngay nhà Tổ đường, lại có thêm một hồ nước nhỏ thả sen, phía sau hồ là tượng Quan Thế Âm tay cầm bình nước cam lộ, tưới xuống hồ.

chua-nam-thien-nhat-tru
Cổng Tam quan Chùa Nam Thiên Nhất Trụ. Ảnh: Internet

Tổ đường thờ đức Ðạt Lai Lạt Ma, chung quanh bài trí nhiều tủ sách, kinh Phật từ các nước gởi tặng, phía sau tổ đường còn có thiền đường, khách sảnh và tăng xá. Sân trước giảng đường đặt tượng Di Lạc với nụ cười rộng mở ban phát phước lành cho các chúng sinh. Bên trái là gác chuông có đại hồng chung và dãy nhà cho khách viếng chùa trú mưa nắng.

Ngôi chánh điện được đặt tên là Diên Hựu tự được bài trí tôn nghiêm, thờ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni và các tượng Thiên Long bát bộ. Mái chùa đều lợp bằng ngói men đỏ. Các pho tượng Phật, hương án, bao lam ở điện Phật do nghệ nhân Bá Nhâm thực hiện trong những năm 1970. Bên trái phía sau chánh điện có tượng đài Ðức Phật Di Ðà cao 7.6 mét và tượng Phật Ðịa Tạng cao 2.7 mét đúc bằng đồng đỏ nặng ba tấn, cả hai pho tượng đứng trên bệ đài cao. Bên phải là nhà lưu niệm, bên trong có kim tĩnh ghép bằng 21 cánh sen lớn bằng men sứ màu xanh, nhập từ Nhật Bản.

Nhìn chung cảnh quan Chùa Nam Thiên Nhất Trụ được phân bố cân đối, thiên nhiên đẹp đẽ, tĩnh mịch. Ðặc biệt trên sân chùa từ cổng Tam quan đi vào có hai cây bồ đề do đức Phật sống Ðạt Lai Lạt Ma tại Tân Ðề Li Ấn Ðộ gởi sang tặng chùa vào năm 1963, phát triển xum xuê tàn cây tỏa bóng mát quanh chùa làm tăng thêm vẻ thanh tịnh cửa thiền.

chua-nam-thien-nhat-tru1
Cảnh quan bên trong Chùa Nam Thiên Nhất Trụ rất thanh tịnh. Ảnh: Tài liệu

Thủ Ðức ngày trước là một trong những quận ven đô có phong cảnh hữu tình vốn có của một vùng đất ruộng vườn, cây trái, suối đồi. Thuở đó, không ít dân công tư chức Sài Gòn cuối tuần thường đi chợ Thủ Ðức ăn nem, tắm suối Xuân Trường, viếng đình Trường Thọ, thăm chùa Huê Nghiêm. Những sinh hoạt đó xem như thú vui cuối tuần lôi kéo con người sau một tuần làm việc ở Sài Gòn với bao bộn bề cuộc sống. Sự hấp dẫn đó ngày nay đã gần như không còn nữa khi Thủ Ðức bị đô thị hoá làm mất đi sự thông thoáng.

Mặc dù vậy, Chùa Nam Thiên Nhất Trụ vẫn còn giữ được khoảng không gian xanh đến hiện nay, xứng đáng là một cảnh chùa có kiến trúc tuyệt mỹ trong lòng thành phố.

TN