Menu Close

Hơi ấm mùa đông

Cuối Tháng Mười, thời tiết ẩm ẩm ương ương, sáng sớm đang nắng chang chang, chập chiều gió mùa về trời bỗng chuyển se lạnh.

Tuổi thơ tôi đi qua những mùa đông với những khát khao bình thường mà xa vời, hồi ấy quê tôi còn là một ngôi làng nghèo, đối với lũ trẻ thò lò mũi xanh chúng tôi một chiếc áo khoác giống như một giấc mơ trong câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ.

Mỗi khi nhìn thấy đứa bạn diện chiếc áo khoác mới ngay lập tức đám trẻ chúng tôi xúm lại, đứa nắm ống tay, đứa lôi cổ áo, đứa lật tà áo, săm soi cả buổi rồi hí hửng khen lấy khen để. Giờ cuộc sống tuy vẫn còn nhiều vất vả nhưng không còn cái cảnh thèm khát sự ấm áp như ngày xưa, áo khoác bây giờ cũng không còn là món hàng xa xỉ phẩm, ngay cả đứa bé nhà nghèo cũng có dăm bảy cái, tuy nhiên mỗi khi nhớ lại cái thời  xa xôi ấy tôi vẫn chạnh lòng thấy sống mũi cay cay.

Mùa đông miền Bắc cây lá bắt đầu chuyển màu, khắp mọi ngả đường bao phủ một màu vàng, cái thứ màu vàng da diết, dễ gợi thi hứng cho những người nghệ sĩ, và đôi lúc nó cũng gây nên những nỗi buồn không tên cho những kẻ cô đơn khi bước dưới buổi chiều heo heo gió.

hoi-am-mua-dong
Bảo Huân

Hồi ấy, mỗi khi mùa đông về, sáng nào mẹ tôi cũng dậy thật sớm, nhóm lửa nhen bếp đun nước và om một ấm chè xanh thật đặc bày sẵn trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, khi dậy cha tôi sẽ uống một cốc thật to trước khi đi làm. Chiếc bàn ấy để lại từ đời ông cố nội tôi, nó như là một di vật của gia đình, giờ đây gia đình tôi đã xây nhà mới, cha tôi cũng đã đi về cõi thiên thu nhưng chúng tôi vẫn còn giữ chiếc bàn ấy, đặt nó trang trọng giữa phòng khách. Mỗi lần đi đâu về ngồi vào bàn uống chén trà nóng lòng tôi lại rưng rưng kỷ niệm. Có lần gã bạn cùng cơ quan đến chơi, tò mò hỏi:

– Này, nhìn căn nhà ông bạn khang trang thế này sao không sắm bộ bàn ghế sang trọng tí, ai đời để chiếc bàn cũ rích ở đây nhìn phản cảm quá.

Tôi cười:

– Tính tôi nó cứ thích khác người vậy đấy.

Trong cuộc đời mỗi con người có những điều thật đơn giản mà lớn lao vô cùng, chỉ khi chúng ta thật sự sống chân thành với chúng mới hiểu được.

Mùa đông, tôi thích ra đường vào mỗi buổi tối, cho xe chạy vòng vòng quanh những ngả phố, ngắm nghía những sinh hoạt của thiên hạ. Thời tiết giá lạnh hàng quán vỉa hè thi nhau mọc, những quán nướng thơm phức đông nghẹt khách, chủ yếu là các nam nữ thanh niên.

Những người ăn mày túm tụm thành một nhóm, tìm những khúc cây khô hay giấy loại nhóm lửa làm lò sưởi. Trong lúc người ta say sưa ăn nhậu thì họ ngồi hát.

Một ông lão mù được dắt bởi đứa bé trai tầm hơn mười tuổi ăn mặc khá phong phanh, chậm rãi luồn qua những hàng quán vỉa hè. Lão kéo chiếc đàn nhị thật điêu luyện, khúc nhạc với những âm thanh buồn buồn dịu dịu lan man trong đêm phố náo nhiệt. Thằng bé con chìa cánh tay gầy đen đúa chờ người ta cho tiền.

Ðám thanh niên có vẻ khó chịu, có đứa văng tục xua đuổi hai ông cháu, một bà chủ quán vẫy tay gọi thằng bé, nó đắn đo không dám tiến lại, bà chủ quán vẫy liên hồi, nó mạnh dạn bước đến, bà ta dúi vào tay nó đồng bạc, vuốt mái tóc của nó dịu dàng nói:

– Ðây bà cho hai ông cháu, tội nghiệp, mới bé tý mà đã phải khổ cực.

Những lời lẽ ấy chừng như khiến đám thanh niên xấu hổ, cắm cúi ăn.

Tôi dừng xe lại, móc ví trao cho thằng bé mấy đồng bạc lẻ, ân cần hỏi han, nó kể nhà nó ở miền Trung cả gia đình nó bị lũ cuốn trôi chỉ còn hai ông cháu đành lang thang đi tìm miền kiếm sống.

Hai ông cháu dắt nhau đi, bóng họ xa dần, xa dần rồi khuất sau những dãy nhà cao tầng, tôi ngậm ngùi trông theo, bất chợt nhói lòng, tuổi thơ lam lũ như cuốn phim chạy nhanh qua đầu tôi.

Mùa đông, buổi sáng thường có sương mù, cái thứ sương ngăn cách tầm nhìn, cách một đoạn mà không sao nhìn rõ cảnh vật. Tiếng rao khan gió của những cô hàng hoa vang lên sau màn sương mù tạo nên một cái gì đó vừa liêu trai vừa gần gũi.

Lác đác dăm tiếng người gọi mua hoa, tiếng cười nói trao đổi khiến cho không gian buổi sớm đầy giá lạnh bỗng ấm áp lạ thường. Chị tôi mở cửa đứng chờ, cô hàng hoa đi qua chị tôi vội vàng vẫy lại, khi nào cũng thế chị mua mấy nhành hoa hồng, chị chọn những bông hoa mới nở vừa tầm, chị nói, hoa hồng mà nở quá hay chưa nở cũng không đẹp, phải vừa tầm mới thể hiện được nét duyên dáng của nó. Sau khi đã chọn đủ những bông hồng chị mua thêm vài nhành hoa cúc vàng, chị xén tỉa gọn gàng cắm vào lọ đặt lên bàn thờ cha tôi. Công việc ấy diễn ra mỗi ngày, chị nói, dù cha đã ra đi từ lâu nhưng trong tâm chị hình bóng ông luôn còn mãi.

Tôi nhớ mùa đông năm xưa, lũ trẻ con chúng tôi rủ nhau ra đồng trộm ngô, khoai lúi húi nhóm rơm để nướng, mùi khoai ngô nướng bằng rơm thơm một cách lạ kỳ, cái mùi vị ấy bao năm rồi tôi vẫn thèm một lần nếm lại. Ngô, khoai bây giờ được nướng khá kỳ công, người ta phết một lớp gia vị lên bắp ngô, khoai cạo lớp vỏ cám bên ngoài, hơ trên than hồng cho đến khi mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn. Cơ mà không hiểu sao cái mùi vị hiện đại vẫn không thể bằng mùi ngô khoai nướng lẫn mùi bùn đất ngày xưa?

Giữa tháng Mười Hai âm lịch, Miền Bắc thật sự bước vào giai đoạn lạnh đỉnh điểm của mùa đông, sắp Tết Nguyên Ðán, không khí nơi nơi rộn rịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tôi cũng tất bật chạy đua theo dòng trôi của cuộc sống cuối năm.

Trên mọi ngả đường đã lác đác những người bán cây cảnh, những xe chở quất về các miền, chợ hoa cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Nhưng những cảnh quen thuộc của thời tôi còn nhỏ dại dường như vắng bóng dần, không còn những gánh hàng lá dong bán rong, không còn những ông cụ bày giấy gió ra ngoài vỉa hè chờ người xin câu đối, không còn những người đàn ông chở từng xe nồi đất, không còn những bác nặn tò he ngồi bên cổng chợ… tất cả dần thành dĩ vãng xa xăm.

Món bánh chưng không chỉ là nét đặc trưng của Tết cổ truyền nó còn thể hiện sự gắn bó sum họp của gia đình người Việt nhất là dân Miền Bắc mỗi khi Tết đến, cả nhà quây quần vo ngâm gạo nếp, chẻ lạt, chọn cắt lá dong sau đó cùng nhau gói bánh, đêm đến sau khi những chiếc bánh đã được bỏ vào nồi bắc lên bếp anh chị em trải chiếu canh nồi bánh. Cổ bài tam cúc thành trò tiêu khiển đầy thú vị, những khuôn mặt của người thua bị bôi lọ nghẹ như những gã hề, tiếng cười đùa khiến cho đêm mùa đông ấm cúng như bếp lửa đang bập bùng.

Bây giờ đời sống năng động, mọi người cuối năm vẫn còn phải chúi đầu vào công việc nên cái chuyện quây quần gói bánh hay đánh bài chờ bánh chín hầu như không còn, cho tiện lợi người ta chạy tạt ra cửa hàng đặt dăm ba cặp bánh chiều ba mươi đặt lên bàn thờ xem như có cái cúng tổ tiên và có chút hương vị Tết.

Mùa đông đã lại về, tôi nghe cái lạnh se sẽ len trong gió luồn qua các ngả đường, nắng nhạt dần, lá bắt đầu chuyển màu, chiều nay chợt nghe lòng da diết nhớ ngày xưa. Ði qua những dòng người tất bật chạy đua với cuộc mưu sinh tôi bỗng nghĩ về tình yêu thương và linh hồn xứ sở…

TĐP