phần 3
Riga và vùng phụ cận
Buổi sáng nhóm du khách lên đường đi Ligatne, một thôn làng cách Riga khoảng 45 dặm. Chuyến xe bus qua cầu, bên kia sông là Thư Viện Quốc Gia, tòa nhà mới khánh thành cách đây không lâu.
Người dẫn đường kể lại rằng cả thành phố chung tay di chuyển sách vở qua ‘dây chuyền’ người, gồm những người ghi danh, tự nguyện làm kẻ khuân vác. Ðược chia giờ, hàng người đứng thành chuỗi bắt đầu từ thư viện cũ, các cuốn sách được chuyển từ tay người này sang tay người kế tiếp ngày đêm… Cứ như thế sau vài tuần lễ, thư viện mới đã gom được hết sách vở mà chẳng cần xe cộ máy móc chi ráo. Sự đoàn kết và tinh thần công dân của người địa phương khiến phe ta le lưỡi cảm phục!

Ligatne là một thôn làng nhỏ, không xa lắm từ Riga nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đơn sơ của làng quê. Những cánh đồng bát ngát nằm giữa khu rừng Gauja National Park với đồi núi chập chùng giữa các dòng suối lớn nhỏ. Cây cỏ xanh mướt một màu ngọc thạch. Từ xa, Litgane đã cho ta hình ảnh một thôn xóm êm đềm bình an.

Nhóm du khách đến thăm một “lò” cất rượu trong thôn làng và được chủ nhà mời ăn sáng. Bữa ăn giản dị, toàn những món từ vườn nhà, trứng từ đàn gà chạy loanh quanh trong sân, mứt từ các bụi dâu … đặc biệt nhất là rổ táo, những trái táo nửa vàng nửa đỏ, lớn cỡ trái banh đánh gôn nhưng thơm và ngọt vô cùng. Dế Mèn ra vườn nhặt táo, sương còn đẫm trên cỏ, không gian mát rượi trong lành, mê mẩn quá không muốn về. Quanh những gốc táo là các gò nấm đủ loại, chanterelle, button … Kể thêm một chút về thói quen địa phương, dân Baltic yêu chuộng nấm, cuối hè là mùa hái nấm khắp nơi, nhất là sau cơn mưa, bá tánh rủ nhau vào rừng hái nấm, mang theo những con dao nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng sắc lẻm. Nấm đem về phơi khô hoặc muối chua ăn quanh năm. Món sốt nào cũng có vị nấm. Người tài xế xe bus, sau khi thả du khách xuống địa điểm thăm viếng, cũng đã vào rừng hái nấm.

Trong bữa ăn, chủ nhà kể chuyện một thời tai ương, u ám, thời Sô Viết cai trị. Vườn tược bị tịch thu xung vào “hợp tác xã”, ngôi nhà từ thời ông cố còn giữ được nhờ cả chục anh em họ hàng kéo nhau về ở chung, không còn chỗ để nhét thêm người, bất kể lạ quen, theo đúng tiêu chuẩn ba thước vuông mỗi nhân mạng. Cả nhà đi làm công, cày cấy trên thửa ruộng của mình để được chia lúa, chia thịt theo khẩu phần. Thời khốn khó ấy chấm dứt khi Latvia giành lại độc lập. Ðể đền bù, chính phủ mới ban hành chính sách “privitization”, đất đai trả về chủ cũ khi có giấy tờ chứng minh chủ quyền. Gia đình chủ nhà lấy lại được 2/3 ruộng nương cũ, phần còn lại đang có người cày cấy sinh sống nên chịu thua mất đất.

Mấy năm đầu, làm ruộng không đủ sống, gia đình này xoay ra làm bàn ghế, giường tủ…, đến nay vẫn giữ lại xưởng gỗ, chế tạo vật dụng nhà bếp.
Rừng đốn hoài sợ cây không kịp lớn, họ xoay ra học nghề cất rượu từ trái cây, áp dụng triệt để phương châm ‘renewable resources”, sử dụng các loại nguyên liệu có thể tái sinh, tái dụng. Rượu dâu, rượu táo … khá ngọt, Dế Mèn nghe nói lò rượu đoạt giải thưởng trong các kỳ thi nếm rượu địa phương.

Rời trang trại, nhóm du khách đi quanh làng, xưởng chế tạo giấy bên sông, dùng sức nước để chạy máy, không còn hoạt động và gần đó là mấy “hộp” chung cư, các tòa nhà do chính phủ xây cất để “phát” cho công nhân “xứng đáng”. Tạm hiểu là những người có công lao, chức tước trong công quyền; được phát một căn chung cư hai phòng là vinh dự vô cùng lớn lao. Nhân công xoàng tha hồ chờ đợi, cỡ hai chục năm lẻ mới đến phiên họ.
Thôn làng bao quanh đồi, giữa các ngọn đồi là hang động lớn nhỏ. Nơi sinh sống chật chội nên cư dân tận dụng hang động làm nhà kho; mỗi nhà làm cửa, chế ổ khoá, treo bảng tên. Lò rượu cũng có hang chứa, có lẽ để treo bảng quảng cáo nhiều hơn là dùng làm nhà kho vì đất đai trang trại mênh mông, cần chi cái hang nhỏ xíu?

Cesis
Cesis, một thôn làng có mặt từ thời Trung Cổ nằm giữa Gauja National Park, là nơi đóng đô của Litvonia, quân đội Thập Tự the Livonian Brothers of the Sword, xây lâu đài, thành quách ở đó vào năm 1209. Cesis Castle (tiếng Ðức: Wenden) thủa xa xưa là nơi trú ngụ của lãnh chúa Litvonia trong suốt giai đoạn 1237 – 1561; ngày nay là một di tích Trung Cổ nổi tiếng của vùng Baltic. Tòa lâu đài bị tàn phá rồi được xây dựng lại vài ba lần. Lần đầu năm 1577, trong cuộc chiến tranh Litvonia, quân lính tự đốt thành để khỏi mất vào tay Sa Hoàng Ivan Ðệ Tứ.

Năm 1598, lâu đài Cesis thuộc về the Polish-Lithuanian Commonwealth và 1620 thì rơi vào tay người Thuỵ Ðiển; được tu bổ nhưng lại bị người Nga phá nát trong trận chiến Great Northern War năm 1703. Vào thế kỷ XVIII, tòa lâu đài về tay Tử Tước Carl Sievers và lại được tu bổ. Tên tuổi tòa nhà xuất hiện khá nhiều trong văn chương Ðông Âu, như “Castle Wenden” của Alexander Bestuzhev, một tác phẩm thuộc loại dã sử. Cuốn sách nổi tiếng quá nên các chi tiết bị nhận lầm là lịch sử.

Mấy ngày ở Riga trôi qua cái vèo, Phe ta lên đường đi Tallinn, thủ đô của quốc gia Baltic lân cận Estonia.
TLL