Hiện nay chúng ta vẫn còn phải sạc điện qua dây nối cho điện thoại, tablet, laptops… Đã có nhiều công ty nghiên cứu phương pháp sạc điện không dây, nhưng mới đây, loại Wi Charge đã được FDA chấp thuận, được xem là có triển vọng nhất. Vì việc sạc điện không dây này tải năng lượng qua không khí, vì vậy cần được chấp thuận của FDA để bảo đảm việc sạc điện không gây hại tới sức khỏe mọi người. Wi Charge đã được nghiên cứu từ nhiều năm qua và cải thiện dần, hiện nay tầm xa sạc điện là 10 mét trong nhà và năng lượng sạc khoảng 3-4 watts cho mỗi dụng cụ. Tốc độ sạc không dây vẫn chậm hơn nhiều so với sạc bằng dây, nhưng vì sạc không dây có thể thực hiện bất cứ lúc nào, thậm chí người sử dụng không nhận biết, vì vậy cũng không cần phải có tốc độ nhanh lắm. Wi charge sẽ được bán ra vào đầu năm 2018.
Theo một nghiên cứu gần đây, nhiễm trùng vết thương là nguyên nhân chính làm bệnh nhân phải nhập viện điều trị lại sau khi giải phẫu. Để giảm bớt nguy cơ này, các nhà khoa học ở University of Wisconsin đã áp dụng một phần mềm ứng dụng chạy trên điện thoại (app) có tên là Woundcare. Bệnh nhân sau khi giải phẫu trở về nhà sẽ sử dụng phần mềm này mỗi ngày, chụp hình vết thương, và trả lời một số câu hỏi kèm theo để các y tá theo dõi. Các thông tin về vết thương được cập nhật liên tục giúp cho các nhân viên y tế biết được diễn biến và bác sĩ sẽ can thiệp sớm ngay khi có biến chứng xấu thay vì phải chờ cho tới lúc tình trạng quá nặng và bệnh nhân phải nhập viện lần nữa. Việc can thiệp kịp thời sẽ giúp cho việc điều trị hữu hiệu hơn và thực hiện ở ngoài bệnh viện, giảm bớt rất nhiều chi phí cho bệnh nhân. Phần mềm đang được sử dụng ở bệnh viện Wisconsin và sẽ được áp dụng ở nhiều bệnh viện trên toàn quốc.