“Ngoan đi, bố mua đồ chơi cho!”, “Ráng thi đậu kỳ này nha, mẹ hứa sẽ mua cho con chiếc xe đạp”… Những lời hứa “hối lộ” như thế có thể nghe ở gần như mọi gia đình tại khắp nơi thế giới. Giai đoạn dạy con theo kiểu “thương cho roi cho vọt” bằng cây gậy đã qua, bây giờ là thời của củ cà rốt “cho ngọt cho bùi”. Vấn đề ở chỗ củ cà rốt trong không ít trường hợp lại để lại dư vị đắng!
Tại một gia đình Mỹ, cậu Ethan nghiện xem truyền hình đến mức chẳng màng học hành. Khuyên nhủ, răn đe hết cách, mẹ Ethan cuối cùng chọn giải pháp “hối lộ” với đề nghị thưởng 200 USD nếu trong một tháng Ethan chấp nhận đoạn tuyệt với màn ảnh nhỏ. Kết quả thật khả quan đến bất ngờ. Trong suốt bốn tuần thực hiện cam kết với mẹ, Ethan không một lần ngó đến truyền hình, kể cả khi qua nhà bạn chơi. Tất nhiên mẹ Ethan giữ đúng lời hứa. Ðiều bà không ngờ ở chỗ cậu bé đã dùng 200 USD tiền thưởng để… sắm riêng cho mình một cái tivi!…
Xu hướng “hối lộ” con đang bùng nổ tại Mỹ vài năm gần đây. Gần như tất cả yêu cầu từ phụ huynh đối với con cái họ đều được thương lượng và mặc cả bằng tiền mặt hoặc vật chất cụ thể, từ chuyện thi cử đến việc không mang bầu! Nhiều giáo viên bắt đầu than phiền rằng “văn hóa hối lộ” trong gia đình và cả hệ thống trường học Mỹ đang làm hỏng và méo mó tính cách các em, trong khi giới tâm lý giáo dục cho rằng tiền dễ khiến các em trở nên xấu hơn, khi không loại trừ khả năng chúng sử dụng mưu mẹo để làm hài lòng nhất thời điều kiện phụ huynh. Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra là liệu người ta có thể đưa con mình đến thành đạt thật sự sau này khi cố làm phẳng phiu con đường của chúng bằng cách “trải nhựa” với những tờ đôla?
Mặt trái “củ cà rốt” chẳng phải người ta chưa từng biết đến. Một thí nghiệm kinh điển được Ðại học Stanford thực hiện tại một trường mẫu giáo đầu thập niên 1970 từng được nhắc lại nhiều lần để chứng minh cho tính hai mặt của vấn đề. Trong cuộc thí nghiệm, nhóm nghiên cứu chia 51 em bé chập chững thành hai nhóm. Tất cả các bé đều được yêu cầu vẽ tranh nhưng có một nhóm được cho biết trước chúng sẽ được thưởng ngôi sao và dải băng đỏ. Vài tuần sau, nhóm nghiên cứu – khi quan sát qua cửa kính bên ngoài – nhận thấy những trẻ “vẽ tranh được thưởng” chỉ thực hiện công việc như một bắt buộc chiếu lệ trong khi các em không thuộc nhóm này lại vẽ với niềm vui thích.
Kết quả rút ra: người ta nên dạy trẻ làm thế nào để tìm thấy niềm vui trong bản thân việc học chứ không phải học để được tặng thưởng hoặc thậm chí khen ngợi. Mà thật ra, như theo giáo sư Edward Deci thuộc Ðại học Rochester, con người ở mọi độ tuổi đều thực hiện tốt hơn và chí thú hơn nếu họ yêu thích công việc mình làm chứ không chỉ bởi phần thưởng được nhận sau đó. Nhà kinh tế học Roland Fryer Jr (Ðại học Harvard), người từng thực hiện nghiên cứu vấn đề tương tự trên bình diện rộng một cách công phu, cũng cho rằng trẻ em nên học cách yêu thích việc học hơn là học để được thưởng.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản bởi trong nhiều trường hợp, thưởng (bằng hình thức gì đi nữa) cũng phát huy yếu tố kích thích và khơi dậy sự nhiệt tình thực hiện công việc. Thử xem Chương trình Kiến thức là sức mạnh (Knowledge Is Power Program-KIPP) hiện được 82 trường khắp Mỹ áp dụng 15 năm qua với thành công không thể phủ nhận. Gần như cái gì cũng được thưởng nếu học sinh KIPP giữ đúng cam kết, từ chuyện đi học đúng giờ, tham gia tích cực hoạt động lớp đến việc có thái độ đúng đắn trong học đường (học sinh lớp năm được những phần thưởng nhỏ chẳng hạn bút chì trong khi học sinh trung học được “thưởng” sự tự do, chẳng hạn nghe iPod vào giờ ăn trưa).
Mục tiêu chương trình KIPP là tạo chất xúc tác cho học sinh, như cách nói của Joshua Zoia, người sáng lập Học viện KIPP tại Lynn (Massachusetts). Dù vậy, vấn đề tỏ ra phức tạp hơn tưởng, bởi trong các thử nghiệm khác, phần thưởng lại không luôn đi đôi với kết quả tích cực. Trong thí nghiệm của kinh tế gia Roland Fryer Jr tại New York City, 1.5 triệu USD đã được chi thưởng cho 8,320 học sinh nhằm khuyến khích chúng làm bài thi tốt hơn đã không có hiệu quả; trong khi đó, cuộc thí nghiệm tương tự tại Chicago lại cho thấy học sinh đi học nhiều hơn và đạt điểm các môn cao hơn (khi chúng được thưởng) nhưng lại không có kết quả tốt ở các kỳ thi quan trọng!
Khích lệ bằng phần thưởng cụ thể luôn mang lại ít nhiều kết quả tích cực (người lớn còn thích được thưởng huống hồ trẻ em!). Dù vậy, với lứa tuổi học trò, sự khích lệ bằng vật chất cần được cân nhắc và cần xét đến yếu tố mức độ phức tạp và khó khăn của công việc yêu cầu. Những việc hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của trẻ, chẳng hạn đi ngủ đúng giờ, tác phong nghiêm chỉnh khi đi học, hoặc không la cà sau giờ tan trường…, mà cũng được đề nghị thưởng thì rõ ràng thái quá. Yếu tố khích lệ đã bị lạm dụng một cách không cần thiết. Ðiều đó chỉ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực. Quan trọng nhất vẫn là làm sao dạy cho trẻ hiểu và ý thức được rằng sự học là nền tảng cho tương lai bản thân chúng chứ không phải học để trả nợ và để… đòi “nợ”!
MK
Minh họa MarketWatch