Menu Close

Chiều cuối năm

Tay xe ôm cố kèo nèo anh lần nữa:

– Cho em xin thêm ba chục. Chiều rồi, chở anh vô trong đó em quay ra cũng tối. Ngày hết Tết tới, ba chục bạc coi như cho con em cái bánh.

Nhìn bộ mặt dài thượt cùng nghe giọng nói áo não của tay xe ôm, dù biết số tiền anh vừa trả giá đã cao hơn ngày thường rồi, nhưng cuối cùng anh cũng gật:

– Thôi được. Anh chờ tôi uống ly cà phê cho tỉnh táo rồi mình đi.

Gương mặt tay xe ôm nở ra như bó rau héo được rưới nước, giọng xăng xái hẳn:

– Dạ, anh cứ thoải mái!

Anh bước vào quán bên đường. Một cái đầu từ sau tủ kính thấp nhô lên. Gương mặt cũ kỹ, xù xì, đôi mắt buồn ám khói, giọng nói khàn đục hỏi anh uống gì? Anh kêu ly đen đá. Tháo ba lô khỏi vai bỏ xuống đất, anh lấy cái ghế nhựa trong góc nhà, đặt bên chiếc bàn thấp cạnh cửa sổ và ngồi xuống.

chieu-cuoi-nam
Thắm Nguyễn

Chiều cuối năm thong thả. Nắng vàng trải rộng trên cánh đồng trước mặt. Gió mơn man mùi rơm rạ, mùi cỏ, mùi đất nồng nồng nhưng dễ chịu. Con đường không biết qua bao nhiêu mùa mưa lụt trông nham nhở, tróc lóc đất, đá lẫn lộn. Chợ họp phía bên này. Ðống dưa hấu bị bụi phủ phần nửa trên những trái dưa cộng thêm dấu tay người trông lấm lem, buồn buồn. Một người đàn ông ngồi bệt trên tấm bạt sau đống dưa đang đếm tiền. Bên cạnh, hai người đàn bà luống tuổi săm soi những chậu hoa thược dược, hồng, cúc, hướng dương… xếp ngay hàng thẳng lối, bên dưới có lũ vạn thọ lúp xúp vàng rực. Kế đó mấy sạp hàng bày biện những túm bánh, mứt, hạt dưa, hạt bí… đựng trên những cái tràng. Bánh in gói bằng giấy bóng kính đủ màu kết thành hình tháp cao nghệu nổi bật. Hàng thịt heo còn khá nhiều và lũ ruồi được dịp quần đảo khiến đôi tay bà bán hàng phải xua qua, đuổi lại liên tục. Một người phụ nữ vừa đến, anh nghe loáng thoáng, mua đi, tui bán rẻ cho, về kho trứng hay ngâm mắm để dành ra Giêng ăn. Lũ con nít túm tụm bên hàng đồ chơi. Một đám thanh niên nam nữ vòng quanh hàng quần áo đủ màu, sặc sỡ. Bức tranh chợ Tết quê nghèo còn điểm thêm thau măng khô đã ngâm sẵn, mấy rổ kiệu, tràng hành, tỏi khô, rau các loại…

Trước đó, anh hoàn toàn không có ý định xuống đây và càng không nghĩ đến việc ngồi uống ly cà phê vào buổi chiều gần hết năm ở một nơi heo hút này.

Sáng nay, văn phòng ở công trường chỉ còn anh và ba chuyên gia người Nhật. Sau khi sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, mấy tay chuyên gia bỗng đổi ý chiều nay không về Sài Gòn nghỉ Tết mà ra Nha Trang tắm biển. Như vậy kế hoạch của anh có chút xíu xáo trộn. Ban đầu anh tính sẽ về Sài Gòn, sắm sửa Tết nhất cho ngôi nhà vốn quanh năm chỉ có đứa cháu con người chị ruột ở coi nhà giúp trong thời gian anh biệt phái đi công trình 3 năm. Xong, anh sẽ về Nha Trang thăm mồ mả ông bà và trở lại Sài Gòn vào chiều hai tám Tết cho cháu về quê. Anh chưa bao giờ bỏ quên hương khói để các cụ phải lạnh lẽo những ngày cuối năm.

Lộ trình mới cũng thuận tiện và được anh hưởng ứng ngay. Tuy nhiên, khi anh đổi ý bảo tài xế bỏ anh xuống giữa đường khiến ai nấy ngạc nhiên. Anh giải thích rằng anh muốn đến thăm một người quen cũ đã lâu không gặp và sợ không còn cơ hội gặp. Chẳng ai biết ngày mai thế nào!

Anh đã cuốc bộ một đoạn khá xa đến đây. Anh còn phải đi 30 cây số nữa mới đến nơi anh cần đến.

Chủ quán đem ra ly cà phê pha sẵn. Cảm giác cái ly cũng buồn như quang cảnh chiều cuối năm ở vùng quê héo hắt này. Anh khuấy ly nước cho tan đường và chậm rãi hớp từng ngụm. Cà phê khá ngon. Ðó là điều anh không ngờ, nó như thấm vào từng tế bào khiến anh thấy sảng khoái và tỉnh táo.

Tay chủ quán bước ra trước cửa. Nhìn thân hình gầy guộc, lưng hơi khòm cùng mái tóc xù khiến anh liên tưởng đến nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám nào đó anh đã xem qua. Tay xe ôm bước đến bên cạnh chủ quán. Hai người đàn ông trao đổi với nhau điều gì đó. Anh thấy họ có vẻ bình thản. Người đàn ông bán dưa đứng dậy, vươn hai tay ra phía sau, rồi làm động tác đánh chân phải sang bên trái và chân trái sang bên phải, xong bước ra khỏi đống dưa tiến về phía quán và gọi một ly đen đá.

Chủ quán quay vào trong. Nắng chiều đã bớt rực rỡ, anh cảm giác tiếng buôn bán ồn ào trả giá tăng dần nhịp điệu thúc ngày chấm dứt nhanh hơn.

Tay xe ôm nhìn anh rồi nhìn ly cà phê. Anh uống một hơi cạn đáy, kêu tính tiền và bước ra cửa. Lúc đi ngang qua người đàn ông bán dưa, anh thấy trên gương mặt cằn cỗi, vẻ lo âu in đậm lên từng nếp nhăn. Anh nhìn đống dưa còn khá nhiều và nhẩm tính tuần nữa hết năm. Anh không nghĩ người bán dưa là dân ở đây. Ông ta phải giải quyết hết đống dưa này sớm để về nhà ở đâu đó có lũ trẻ con đang đợi.

Anh nhìn hàng quần áo. Một phụ nữ ướm cái áo, bên cạnh cô con gái nghiêng đầu ngắm. Anh nghe cô nói, được đó mẹ, màu này hợp với mẹ, con mua nhé!

Anh nhìn kỹ một lần nữa bức tranh chợ Tết quê nghèo, vừa ý tưởng lấy máy hình ra ghi vài  hình ảnh thì tay xe ôm trờ tới đưa cho anh cái mũ bảo hiểm. “Ði thôi anh, chiều muộn rồi!”.

Hai người đàn ông đi về hướng mặt trời lặn. Con đường bê tông dài thẳm ngăn chia một bên là dòng sông một bên là ruộng lúa. Vài chiếc ghe chầm chậm cập vào bờ. Anh thấy trên đó chất đầy hoa, đa phần vạn thọ và cúc. Anh hỏi tay xe ôm:

– Hoa này về đâu? Kịp bán Tết cho hết không?

– Kịp chớ anh, ngày mai, ngày mốt hoa vẫn còn đưa ra, chút nữa có xe tải đến chở hoa lên phố.

Chiếc xe máy bị sụp ổ gà nảy lên làm tư thế ngồi của anh bị xê dịch. Anh vội níu lấy yên xe. Tay xe ôm nói:

– Anh chịu khó chút, qua đoạn xấu này là đến đường láng nhựa. Mùa lũ năm ngoái, nước phả tràn qua đường. Xói hư hết nền bê tông không nói gì, bao nhiêu lúa của bà con mất trắng. Chưa thấy nhà nước cho sửa sang đoạn này. Ơn trời năm nay không bị lũ, xóm làng khởi sắc đôi chút. Tết năm ngoái hiu hắt lắm!

Tay xe ôm còn nói thêm gì nữa nhưng anh không nghe rõ vì tiếng gió phần phật bên tai. Mà, đâu phải lần đầu tiên anh đến đây!

Ðã có nhiều cái Tết anh về quê cùng với cô. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài  7 năm thì chia tay với lý do duy nhất anh không thể đem lại cho cô những đứa trẻ. Ban đầu cô không chịu, mẹ cô cũng không đồng ý. Nhưng anh nhất quyết. Bác sĩ bảo cô bình thường. Cô còn quá trẻ để đi cùng anh hành trình dài, mỗi ngày một tẻ nhạt, thiếu vắng tiếng trẻ con cười nói bi bô.

Hai năm sau, cô lập gia đình và có lẽ hạnh phúc với một người chồng lịch lãm, bao dung, hiền hậu cùng hai đứa trẻ con đẹp như thiên thần. Anh biết những điều này qua theo dõi trang facebook của cô mỗi ngày. Trên đó có bàn ăn rộng, khăn trải bàn trắng tinh cùng những món ăn chế biến công phu; những bình hoa đẹp đặt đúng vị trí và phù hợp nội thất của những căn phòng. Thỉnh thoảng cô post vài clip cô đánh đàn dương cầm, hay lũ trẻ con thoải mái chơi đùa ở sân sau có không gian dành riêng cho chúng như bãi cát, nhà gỗ, xích đu… Những tấm hình đầy đủ bốn người trông cô thật viên mãn. Anh mừng cho cô và thầm cám ơn người đàn ông đã mang đến cho cô những thứ mà anh hoàn toàn không thể! Cuộc sống đôi khi như một chương trình đã lập sẵn với câu lệnh bắt đầu và kết thúc; tuy nhiên, trong quá trình vận hành, các khai báo có thể bị lỗi hay không tiện nghi, cần cải tiến để bắt buộc phải có những phiên bản mới ra đời. Bản chất của cuộc sống là vận động, cản trở sự vận động không chỉ đi ngược quy luật phát triển, làm tụt hậu mà còn là sự ích kỷ.

Tay xe ôm tăng ga chạy nhanh hơn, gió ù qua tai anh âm thanh ầm ào sóng vỗ. Phía trước mặt trời đã dịu hẳn. Những chiếc ghe nằm im lìm bên sông. Vài người còn làm việc trên đồng. Chăm chỉ và cần mẫn. Những con trâu thong thả gặm cỏ, vài con cò là đà, chấp chới lên xuống rồi đậu lại trên lưng trâu. Ở đây, thời điểm này, thời gian như ngừng lại, không hề có những chộn rộn cuối năm như bên ngoài kia. Mặt trời cũng xuống thật chậm như không quan tâm đến ngày sắp hết và Tết sắp đến.

Có một chiều cuối năm nào đó anh đưa cô về thăm nhà bằng xe máy. Hồi đó chưa có đường bê tông và dòng sông rộng hơn bởi không có kè chắn như bây giờ. Bờ sông đầy lau lách. Gió thổi mạnh, sau lưng anh ấm áp bởi một vòng tay ôm siết. Anh nghe cô hát “e bên lau lách thuyền không vắng bờ” rồi cô nói, quê em buồn quá phải không. Anh bảo với cô anh thích khung cảnh đồng quê yên tĩnh và thanh bình khiến mọi thứ trên đời trở nên nhẹ bẫng. Anh nhớ, cô có nói: “Em muốn mãi thế này, có vai anh cho em tựa đầu, có lưng anh cho em làm chỗ dựa, có hông anh cho em ôm lấy”. Khi ấy anh đã thở dài và cô cảm nhận được. Rồi cô im lặng. Hai người im lặng suốt đường về nhà.

Hết đoạn bê tông nham nhở, xe rẽ qua đường láng nhựa, phẳng phiu, dễ đi hơn. Mặt trời không còn trước mặt mà chếch về một phía, hoàng hôn nghiêng bóng xuống dòng nước. Một dãy nhà cao tầng bên kia sông khẳng định sự thay đổi khá hơn của làng quê so với trước kia. Ở một bến sông, anh thấy có mấy chiếc ghe neo đậu và người ta đang chuyển hoa lên bờ, tiếng cười nói lao xao vẳng lại. Nhịp Tết bên ấy hối hả trái hẳn vẻ êm đềm bên này. Nhà kiến trúc giống nhau, cấp bốn, có vườn, sân rộng phía trước, lối đi vào có hàng cau thẳng tắp, sạch sẽ. Trước nhà nào cũng có ít nhất hai cây mai đã lặt lá, lác đác hoa.

Năm nay cô không về ăn Tết, anh biết điều này từ một câu trạng thái cập nhật trên trang facebook của cô khi ấy là 2 giờ sáng, ở một nơi đồng hồ đi sau anh 12 tiếng. Cô bảo rằng, con trai cô đang vào một kỳ thi đặc biệt. Cô nhớ những ngày Tết quê, nhớ mẹ đang ở một mình và hai cây mai trước sân nhà cô không biết năm nay mẹ có đủ sức lặt lá hay không? Anh cảm thấy có những giọt nước mắt nhớ nhung trong câu trạng thái chưa đến 100 chữ ấy. Anh hình dung gương mặt cô buồn thế nào. Và anh tưởng tượng, người đàn ông sẽ đến ôm vai cô, dỗ dành cô đi ngủ. Thỉnh thoảng cô vẫn thường khoe như vậy trên trang facebook.

Tay xe ôm chạy chậm lại, hỏi anh đã gần đến nơi chưa? Anh nói đi thêm khoảng 500 mét nữa thấy một ngã ba và bỏ anh xuống. Bỗng dưng tim anh đập mạnh. Sao anh lại có cảm giác lần đầu tiên đến nhà cô như hồi ấy nhỉ? Những ngôi nhà lùi lại. Dòng sông rẽ nhánh. Có ba người trên một chiếc ghe trôi đi theo nhánh rẽ phía kia. Chiều  sắp hết. Vẻ như chiếc ghe cũng vội vã trở về nhà.

Thả anh xuống, lấy lại mũ bảo hiểm máng vào cái móc bên dưới, tay xe ôm quay đầu xe phóng nhanh trở ra. Anh hít một hơi thật dài rồi bước đi vào con ngõ, bỏ lại sau lưng dòng sông cùng hàng tre ken dày, kĩu kịt, có một tốp trẻ con đi xe đạp ào tới cười nói lao xao.

Con đường trải đá dăm sạch sẽ. Hàng rào dâm bụt hai bên trước mỗi nhà được cắt tỉa gọn gàng, vuông vức. Mấy con chó chạy chơi lẳng quẳng, một con nhìn anh rồi sủa vang, kéo theo một tràng tiếng sủa. Một người đàn ông ngược chiều, ngang qua anh, ngừng lại rồi kêu lên:

– Có phải anh là con…. rể bà Nhâm?

Anh gật đầu. Người đàn ông nắm lấy tay anh và nói:

– Quý hóa quá, bao nhiêu năm vẫn còn nhớ về thăm bà ấy!

Rồi ông xua lũ chó:

– Người quen đấy, không phải lạ đâu mà ầm ĩ!

Ðứng trước cổng anh hít một hơi thật dài. Anh nhìn qua hàng rào dâm bụt thấp, lối đi vào đến sân xi măng không có lấy một cọng rác. Hai bên là vườn. Dưới gốc, lá khô được gom gọn, chứng tỏ có chủ nhân chăm sóc kỹ lưỡng mỗi ngày. Mai vàng trước sân đầy nụ. Bên dưới hoa cúc và vạn thọ chen nhau. Cây lựu một bên lối đi đính đầy trái lủng lẳng. Cạnh đó lùm bông trang um tùm hoa đỏ.

Có một người từ sau vườn đi ra, tay cầm cái bay nhỏ, đứng lại ngó chăm chú vào bụi sả vẻ như tìm gì đó. Anh nhìn mái tóc bạc trắng hồi lâu rồi gọi khẽ:

– Mẹ.

Người đàn bà giật mình, ngỡ ngàng nhìn anh, thả cái bay xuống đất và thốt lên:

– Ôi, con. Về từ khi nào, sao không báo trước?

Anh đẩy cổng bước vào. Người mẹ ôm chầm lấy anh, rồi đẩy anh ra quan sát anh từ đầu xuống chân và nắm tay anh dắt lên nhà.

– Bụi bặm đường xa. Con cất ba lô rồi đi tắm. Trong nhà tắm có nước nóng.

Anh quay đi khi thấy hai giọt lệ ứa ra từ đôi mắt đã có dấu vết mờ đục của thời gian.

Anh nhìn lên bàn thờ. Chân đèn, lư hương sáng bóng. Bình hoa cúc vàng đối xứng với cỗ bồng vun ngọn trái cây các loại. Mấy cây nhang cháy dở. Mùi hương lan tỏa ấm áp, nhẹ nhàng.

Anh đi ra phía sau. Mọi thứ sạch sẽ ngăn nắp. Người già ở một mình luôn gọn gàng. Trên cái bàn tròn anh thấy có hai đòn bánh tét, hai cái bánh chưng, hũ dưa hành, dưa kiệu, dưa món, mứt me, cơm rượu…

Người mẹ theo sau chỉ anh lối vào nhà tắm. Anh nói:

– Mình mẹ mà sắm Tết đầy đủ quá!

– Năm nay em nó không về, nhưng gọi điện bắt mẹ phải sắm sửa tươm tất.

Anh biết, cô luôn chu đáo và thích mọi thứ phải đầy đủ, chỉn chu. Người mẹ vào bếp. Bước ra khỏi nhà tắm anh ngửi thấy mùi khói, mùi thịt ram, mùi cá kho tiêu và mùi cơm gạo mới khiến anh không ngăn được cục nghẹn ở cổ.

Buổi tối, người mẹ pha cho anh bình trà và bày ra dĩa mứt gừng. Anh mở điện thoại, lướt qua vài trang mạng và vào trang facebook của cô. Không có gì mới. Anh muốn gửi một tin nhắn nhưng anh lại chạm phím thoát. Anh không để tên thật, cô không biết có anh trong danh sách cả ngàn bạn bè.

Chuông điện thoại đổ vang, người mẹ nói:

– Em nó gọi về.

Anh định bảo với bà đừng nói có anh ở đây nhưng rồi anh im lặng và bước ra ngoài thềm. Trước sau gì cô cũng biết.

Ngồi xuống bậc tam cấp, anh nhìn mông lung vào khoảng tối sáng chập chờn trước mặt. Một đám thanh niên nam nữ ngang qua cười nói lào xào vui vẻ. Hình như ngoài kia có tiết mục vui chơi gì đó. Nhà bên cạnh vẳng ra một bài hát giai điệu vui tươi: “Xuân trong ta đã muôn ngàn lần thiết tha. Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương những cơn giận hờn…”. Hết bài hát xuân, tiếp đến một bài hát có giai điệu buồn da diết: “Bao giờ em trở lại vườn dâu hỡi em…”. Với cuộc sống, mỗi một thời khắc qua đi, tất cả đã trở thành quá khứ.

Anh nén chặt nỗi buồn, thoát ra một hơi thở dài nhè nhẹ. Không gian êm đềm, thanh bình và ấm cúng quá. Anh không biết khi nào sẽ rời khỏi nơi đây mà Tết thì đang đến gần lắm!

ĐTTT