Menu Close

Chuyện bốn con chim

Bốn nhân vật chính của chúng ta hôm nay thuộc hai loài chim quý, hiếm đã được/bị các cơ quan bảo vệ ra thông cáo chỉ định là loại động vật cấm khai thác và cần được bảo vệ, bảo tồn. Theo ngôn ngữ loài người thì tạm cho rằng đây là bốn con chim quý tộc, thuộc nòi giống con ông cháu cha, đẻ ra thôi là có “mặt mũi” ngay chẳng cần phấn đấu. Chỉ hơi khác một chút, con ông cháu cha ngày một nhiều và không có ai (thèm)… săn bắt trộm, lỡ có bắt bán đi thì chưa chắc có giá bằng mấy chú chim quý tộc này! 

chuyen-bon-con-chim4

Bốn vị chim “gia thế khủng” này có thể không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng rất có duyên với nhau, có duyên hơn cả mấy vị anh hùng trong phim kiếm hiệp cắt máu ăn thề, họ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng hầu như mơ ước chỉ là ước mơ. Bốn vị bị bán đi cùng ngày cùng tháng cùng năm, và được các vị Kiểm Lâm cứu cùng ngày cùng tháng cùng năm, lại cũng cùng ngày cùng tháng cùng năm được lên báo với cái “tít” thật to: “Tiêu Hủy Bốn Con Chim Không Rõ Nguồn Gốc”. Xin trích lại bài báo tại báo Quảng Ninh như sau:

“Khoảng 6 giờ 35 phút ngày 17/1/2018,  Công an xã Quảng Nghĩa phối hợp với Ðội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường  – Công an TP Móng Cái và Hạt Kiểm lâm Móng Cái phát hiện và kiểm tra ông Trần Quang Tuấn (SN 1981, trú tại thôn 2, xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà) đang trao đổi 1 bao dứa màu vàng với 1 nam thanh niên có biểu hiện nghi vấn. Khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, đối tượng nam thanh niên liền điều khiển xe máy bỏ chạy. Qua kiểm tra, bên trong bao dứa có chứa 4 con chim màu nâu, trong đó có 2 con chim cú và 2 con chim diều hoa với tổng trọng lượng 2.5 kg. Tại thời điểm kiểm tra, ông Tuấn không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc số động vật trên; đồng thời khai nhận mua 4 con chim trên của một người đàn ông (không rõ tên, tuổi) tại khu vực xã Hải Ðông, TP Móng Cái với số tiền 4 triệu đồng với mục đích bán kiếm lời. Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm TP Móng cái, chim cú và chim diều hoa là những giống chim quý, hiếm đã bị cấm khai thác và cần được bảo vệ. Hạt Kiểm lâm Móng Cái đã hoàn tất hồ sơ và phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số động vật trên theo đúng quy định, trình tự của pháp luật.”

chuyen-bon-con-chim6
“Quy trình hành hình” bốn con chim (Hình từ báo Quảng Ninh, nơi xảy ra sự việc)

Câu chuyện này được truyền đi khắp các báo Việt Nam, trong mỗi bài đều có ba tấm hình rõ nét cùng với nội dung tương tự như trên. Hình thứ nhất là hình ảnh ba vị cán bộ đứng xung quanh cái lồng to, một người cúi xuống bắt chim ra, một người tay cầm dao, tay cầm liềm chờ sẵn, một người mặc quân phục giám sát. Hình thứ hai chụp cận cảnh khuôn mặt của bốn vị chim quý tộc với đôi mắt hoang mang, tướng nằm sải lai, chân bị cột, bên dưới là một ít cây củi (hình như có một vị mở miệng muốn hỏi gì đó nhưng có lẽ ở nơi ấy không có người thông ngôn). Ở hình 3, là một đám lửa bừng cháy giữa rừng, xung quanh là ba ông “cán bộ”, một người cầm cây gom đám cháy gọn lại, một người cầm smartphone (chưa rõ hiệu gì) chụp lại giờ khắc thiêng liêng, một người đứng giữa mặc quân phục vẫn như hình một. Chẳng làm gì, chỉ đan tay vào nhau như đang nguyện cầu bốn linh hồn kia mau siêu thoát, kiếp sau muốn làm con ông cháu cha ít nhất cũng phải bước qua cửa đầu thai của con người và chọn VN làm nơi đến (để có chết “đúng quy trình” cũng không lẻ loi giữa rừng thiêng nước độc như vầy).

chuyen-bon-con-chim5

Bản thân tôi cũng không rõ là có bốn vị chim kia có ở trong hình 3 hay không, nhiều bạn bè tôi cho rằng mấy vị chim này vẫn còn sống (vì cao giá chứ không phải cao số). Câu chuyện được dư luận trong và ngoài nước chia sẻ, bình luận khá nhiều. Các bình luận đa phần là thương tiếc 4 vị chim xấu số này, phần còn lại có vẻ không tin rằng bốn vị đã chết. Một người bạn của tôi viết:

“Các ông sợ chim mang ma túy  hay phòng chống đại dịch zombie mà đem chim đi tiêu hủy. Vãi cả nguyên tắc ngành, dập khuôn, máy móc quá! Thả nó về tự nhiên xong thứ 7, Chủ Nhật vác súng ngành đi bắn lại được mà. Có những thứ cần tiêu hủy thì lại giấu giếm cất bớt, bán bớt, mà cái câu hàng không rõ nguồn gốc thì cũng thấy lạ, chim giờ phải mang theo visa khi bay vào lãnh thổ Việt Nam nhá !!!!”

“Không dám 4 triệu đâu, mấy con này tầm 40 triệu có hơn nhá!”

chuyen-bon-con-chim3

Một vài người khác thì:

“Cho hỏi ngu phát: 4 con chim này phạm tội giết người, buôn bán ma túy hay phạm tội khủng bố hay sao mà phải tử hình chúng bằng cách đốt chết?

Trên thế giới, người bảo vệ động vật hoang dã, còn Việt Nam ta thì ngược lại. Sao không thả chúng về rừng mà phải đốt chết thế? Luật nào cho phép giết, đốt chết động vật hoang dã khi bắt giữ thế?”

“Chúng nó vận chuyển hàng container gỗ rừng thì cứ phà phà đi trong khi ở đây bắt 4 con chim rừng thì làm hẳn hồ sơ để xử lý vụ án. Ðọc mà thấy mắc cười”.

“Mấy ngàn lít xăng thơm thì nó chôn xuống đất, mấy con chim quý thì tiêu hủy, cái bọn này điên rồi!”

Cũng có những bình luận rất… khả quan như:

“Các bác đừng lo, dễ gì chết, mấy con này đang ở nhà hàng Chim Rừng đường Kỳ Ðồng nhá!”

“Ðồ thối còn thành đặc sản nói gì mấy con chim sống nhăn răng như vầy!”

“Nhưng các bạn cẩn thận kẻo bị lừa vì 2 tấm hình này. Chỉ là động tác chứ khả năng mấy con chim đó sống lại là cao lắm. Ở đâu thì còn tin chứ ở VN thì chuyện gì cũng có thể xảy ra đấy”.

chuyen-bon-con-chim2
4,350 lít xăng thơm nhập lậu “được” tiêu hủy bằng cách… chôn (Từ báo Dân Trí)

Bên cạnh đó cũng có khá nhiều bình luận truyền đạt các công thức làm… món chim rừng nướng hạt Mắc Khén (một đặc sản của núi rừng Tây Bắc đang “làm mưa làm gió” ở các quán nhậu Sài Gòn gần đây).

Ai cũng biết tôi là một người nhân hậu và hiền lành. Một chiếc lá rơi cũng làm tôi sợ, con muỗi đậu hút máu tôi cũng phải chờ nó ăn no rồi mới dùng tay phủi nhẹ (chưa kể hồi còn trẻ tôi còn tự suy luận cho muỗi hút máu có thể giảm… cân và đã rất “tận hiến”), lỡ ăn táo mà phát hiện mình đã vô tình cắn phải nửa con sâu thì tôi cũng ráng nhắm mắt đưa răng cắn luôn nửa còn lại để nó chết được toàn thây… Chó, mèo, chim chóc quanh xóm đều thương yêu tôi vì lẽ đó… Bởi vậy khi đọc câu chuyện thương tâm ở trên tôi vô cùng phẫn nộ, tức giận. Tại sao lại có… món ngon như vậy mà mình chưa từng được… ăn.

Không giấu gì, chim rừng thì tôi chưa ăn nhưng hạt Mắc Khén Tây Bắc là một món tôi rất thích. Hạt Mắc Khén được coi là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc bởi hầu hết các món ăn của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc đều sử dụng Mắc Khén làm gia vị! Mắc Khén có mùi thơm nồng nàn khi rang hoặc nướng lên, thơm gấp nhiều lần hạt tiêu. Do cách sử dụng giống hạt tiêu nên nhiều người cứ gọi là “Hạt tiêu rừng”, nhưng không phải. Hai thứ gia vị này khác nhau hoàn toàn về mùi vị và đặc biệt nhất là cảm giác “tê lưỡi” khi ăn và nếm thử Mắc Khén, hệt như khi chúng ta bị dòng điện 3 hoặc 5 vôn chạm vào lưỡi vậy. Vì sự đặc biệt đó mà một con gà nướng gia vị bình thường người ta bán 200k còn gà nướng Mắc Khén người ta sẽ bán là 300k. Tôi cũng hay mua loại hạt này để tặng những người bạn ở xa về Sài Gòn, chỉ họ cách… google để chế biến món ăn, có người làm được cũng có người không, nhưng ai cũng khen mùi vị của loại gia vị này rất đặc biệt.

chuyen-bon-con-chim1
Vỉ Tầm Bóp được bán trong siêu thị Nhật và một túi bột của quả trứng gà được rao bán trên trang Amazon

Trở về chuyện bốn con chim quý kia, theo sự suy luận, tìm hiểu riêng tôi thì mọi loài được cho là quý hiếm đặc sản hiện nay ở VN không phải chúng nó quý từ khi người ta phát hiện ra chúng. Mà đa phần do những “trào lưu” tân thời như săn bắt thú rừng về làm thịt, bắt về làm thú cưng, các “bài thuốc cổ” về “công dụng tuyệt vời” từ thịt, da của các loài chim, thú rừng, sừng của tê giác, vây của cá mập, những loài bò sát tràn lan trên các báo (tuy chẳng có bằng chứng khoa học chứng minh) khiến nhiều động, thực vật trở nên “quý giá” một cách khó hiểu.  Cũng không phải những món quý giá kia sanh ra đã hiếm mà cũng “nhờ” cái sự quý giá “truyền miệng” khiến con người tàn sát một cách triệt để. Ngày này qua năm nọ, từng loài từng loài trở thành của hiếm (do quý), của quý (do hiếm) bằng những thước phim kinh dị về sự tuyệt chủng, chết chóc và các bài báo vừa đánh vừa xoa vào mặt dư luận. Một điều đáng buồn nữa là người ở VN, đặc biệt là những người giàu một cách nhanh chóng, không đủ hiểu biết thường dùng cách bắt chước để “nâng cao” sức khỏe. Họ lục tung các “bí kíp” làm đẹp như Trung Quốc, khỏe mạnh như Mỹ, thông minh như người Do Thái, sống lâu như người Nhật… rồi làm theo trong khi chính các nước phát triển lại không ngừng chứng minh những loại cây trái, thực phẩm bình dị của VN cũng rất dinh dưỡng và lợi nhuận. Vừa qua báo VN đã có hàng loạt bài viết về trang bán hàng điện tử Amazon bán hàng loạt sản phẩm mà tại Việt Nam có giá thành rất rẻ, thậm chí là cây mọc dại nhưng được rao bán với giá “ngất ngưởng” như lá chanh, tía tô hay quả tầm bóp (trái thù lù), trái trứng gà (lê ki ma) với những công dụng tuyệt vời không thua gì những loại đặc sản mà người VN không ngừng tìm kiếm và tàn sát… Ví dụ như trong bài “Người Việt chê trứng gà (lê ki ma) chín rụng không ăn còn trên Amazon rao bán tiền triệu” của Dân Trí: “Quả trứng gà đang được rao bán dưới hình thức dạng bột và đóng gói 227 gram với giá 15 USD. Cùng với đó là dòng mô tả ghi rõ: “Siêu thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin, nguyên tố vi lượng, thậm chí giúp giảm béo, chống ung thư”. Hay trong bài “Tầm bóp: Ở Việt Nam chỉ là quả dại, Nhật Bản bán 700,000 đồng/kg” của báo Infonet: “Một khay quả tầm bóp được đóng gói theo trọng lượng 100gr và được bán với giá 338 yen, tương đương khoảng 70,000 đồng. Quả tầm bóp là một loại thuốc quý, có thể dùng trong điều trị nhọt vú, đinh độc, dùng trị viêm họng, khan tiếng, ho khan, ho có đờm đặc, trị tiểu ít, ban đỏ, thủy đậu, bệnh tay chân miệng, cúm gia cầm.” Các bài báo được lan truyền chóng mặt, khiến tôi cũng có không ít lo sợ cho “tương lai quý tộc” của các loại thực phẩm này…

chuyen-bon-con-chim
Một vị “Việt Kiều” cũng bị Du Uyên “dụ” mang Mắc Khén về ăn với chim… ở Mỹ.

Cứ như vậy, e rằng, chẳng mấy chốc, một ngày đẹp trời nào đó chúng ta đọc được một “tít” báo kiểu: “Hàng trăm quả tầm bóp (trái thù lù) được phơi trên nóc nhà Ðại Sứ Quán Nhật  tại… Việt Nam”.

Và, có lẽ do cái gì quý thì hiếm, hiếm thì quý nên người VN hay nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do…”

DU