Từ xưa tới nay cha ông ta luôn có những câu ca dao, tục ngữ nói về tình cảm gia đình, cách ứng xử trong gia đình. Có thể nói văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là một đề tài được quan tâm và coi trọng. Ðặc biệt trong các gia đình Việt ở quê nhà cũng như trên phần đất này của thế giới.
Xin bắt đầu bằng những việc bình thường trong đời sống hàng ngày.
Chào hỏi chuyện trò trong gia đình
Trước hết chúng ta cần đồng ý với nhau: Gia đình phải là một tổ ấm. Ở đó mọi thành viên sinh hoạt với nhau vui vẻ, cởi mở và thân ái trong tinh thần tương kính, tôn trọng lẫn nhau. Thế nhưng nhìn lại chúng ta không khỏi nhăn mặt: Do ở cuộc sống hối hả và thiếu hiểu biết, không khí trong gia đình người Việt đây đó hiện nay không tránh được sự tẻ nhạt, thờ ơ, và đôi phần vị kỷ. Mỗi người chỉ biết quan tâm tới bản thân mình, không để ý tới ai khác và ngay cả bầu không khí nơi ta sống chung dưới một mái nhà. Chị Vũ Hằng đã nhận thấy điều này và viết trong bài tản mạn của mình đăng trên một website: “… Nhưng nó lại là những gì thường xuyên xảy ra giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, hoặc anh chị em trong nhà. Chúng ta thử nhớ lại xem: Có bao giờ thức giấc, bạn quay sang hỏi chồng: “Ðêm qua anh ngủ có ngon không?” Hoặc, được nghe chồng mở lời: “Ðêm qua, em ho quá, anh nghe mà rát cả ruột gan!”

Nếu mở cửa phòng ngủ bước ra mà thấy mẹ già đang lui cui dọn dẹp trong bếp, bạn có nhớ cất tiếng hỏi mẹ, “Mẹ dậy chi sớm vậy?” Hoặc có bao giờ thằng bé út bước ra, thấy con chị đang ngồi ôn bài ở bàn mà mở lời, “Chào chị Hai, chị Hai đang làm gì vậy?”
Thấy bạn đang tráng trứng dọn bữa sáng mà cu cậu biết “ga lăng” một tiếng, “Mommys so sweet!”
Những câu chào hỏi niềm nở ấy thật là quý hóa, làm mát lòng mát dạ người nghe không biết đến mức nào. Nhưng tiếc rằng, nó chỉ được ban phát một cách rất tiết kiệm, hiếm hoi, cạy miệng cả tháng trời chưa chắc đã ra được một tiếng.
(còn tiếp)