Như các bạn có lẽ đã biết, tháng đầu tiên của năm 2018 có hai lần Trăng Rằm, và cả hai đều thuộc loại ‘Siêu Trăng’, một lần diễn ra vào ngày 1 tháng 1, và lần thứ nhì vừa mới diễn ra ngày 31 tháng 1.
Một điều làm tôi nảy ra ý tưởng để viết về đề tài này là vì số lượng của những hình ảnh trăng xuất hiện đầy dẫy trên những trang mạng, tin tức địa phương, mạng xã hội, và trong những emails… chứng tỏ rằng có rất nhiều người thích chụp hình trăng.
Nhưng không phải hình nào cũng được gọi là hình đẹp. Có nhiều tấm chỉ thấy một đốm trắng trên khung hình đen, và hầu hết không theo một bố cục nào hết, thiếu sự sắp đặt kỹ càng để bắt mắt người xem.
Vậy làm thế nào để chụp được những tấm hình trăng mọc hấp dẫn và đặc thù hơn đa số những hình bạn thấy trên mạng?
Mời các bạn đọc tiếp sau đây.
Chụp hình trăng có thể rất đẹp mắt và ngoạn mục – trăng mọc nhìn rất to, nhất là các Siêu Trăng (Supermoon) và thường thường có màu đỏ cam. Và khi bạn kết hợp trăng mọc với phong cảnh hoặc cảnh vật chụp gần có thể đem đến cho bạn nhiều kết quả tốt đẹp.
Ðể chụp thật gần, dĩ nhiên bạn cần một ống kính dài, như cỡ tiêu cự 150-600 trở lên. Cho những tấm ảnh của tôi, tôi dùng máy Nikon D4S với ống kính Sigma 150-600mm. Tôi dùng ống kính này vì nó tương đối nhẹ, nhưng nếu bạn có những ống kính sáng hơn, như 400mm f/2.8, 500mm f/4, và 600mm f/4 hoặc 800mm f/5.6 thì càng tốt. Trong bài chỉ dẫn này, tôi sẽ giải thích làm sao bạn có thể lập kế hoạch và thực hiện những cú chụp trăng mọc và trăng lặn.
Ý tưởng
Nói chung, khi chụp hình, ý tưởng để tạo ra tấm hình thường thường cũng quan trọng ngang hàng với cách thực hiện cú chụp. Dứt khoát đây là trường hợp khi chụp ảnh trăng mọc cùng với những cảnh vật khác như các tòa buildings và phong cảnh.
Trăng mọc (và trăng lặn) diễn ra rất nhanh, cho nên bạn không có dư nhiều thời gian để chụp hình. Việc lập kế hoạch rất cốt yếu.
Trước tiên, hãy nghĩ về những cảnh vật đặc sắc cao hơn hàng cây trong khu phố của bạn. Hoặc tìm những địa điểm trên cao để đứng chụp. Kế tiếp, bạn nên ít nhất có tí khái niệm mặt trăng sẽ mọc hoặc lặn ở góc độ nào. Chúng ta sẽ dùng tấm ảnh trăng mọc kế bên ngọn tháp để làm ví dụ.
Với ý tưởng của bạn trong đầu, bạn cũng phải nghĩ về khoảng cách giữa chỗ bạn đứng so với chủ thể (ngọn tháp) và mặt trăng. Trong tấm ảnh thí dụ, khoảng cách giữa tôi và ngọn tháp không phải xa lắm, chỉ đủ để thấy nhiều chi tiết trong ảnh. Nếu tôi đứng xa hơn nhiều, mặt trăng sẽ lớn hơn nhiều với ngọn tháp. Ðây là một điều bạn cần nhận thức khi bạn lập kế hoạch cho những cú shots này.
Việc lập kế hoạch
Tôi đã có ý tưởng chụp Siêu Trăng (Trăng Rằm cuối cùng trước Tết Mậu Tuất) hiện lên kế bên ngọn tháp CN Tower. Tôi đã muốn mặt trăng hiện lên thật lớn. Và tôi cũng muốn lấy đúng góc cạnh mặt trăng lấp ló phía sau những tầng lầu có cửa sổ quan sát cho có bố cục lạ mắt và so sánh tỷ lệ.
Bạn có thể đi đến trang mạng www.mooncalc.org để tính kế hoạch cho việc chụp loại ảnh này. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng apps cho smartphones. Tôi đề nghị bạn dùng Photopills. Bạn có thể nhìn thấy mặt trăng mọc ở đâu khi bạn cầm điện thoại giơ lên trước mặt tại địa điểm bạn đang chụp.
Với mooncalc, tôi tìm được ngọn tháp CN và dò ra mặt trăng sẽ mọc chính xác ở hướng nào.
Chụp tấm ảnh
Tôi đã chọn một công viên cách xa ngọn tháp CN khoảng 8 cây số để chụp hình trăng mọc. Tôi đặt máy ảnh lên chân ba cẳng. Khi trời càng tối, tôi càng phải giảm dần tốc độ cửa chập, và trong hình này đã dùng 1/10s. Nhìn qua ống kính 600mm, tôi có thể thấy mặt trăng nhích lên từ từ, nhưng cũng đủ nhanh để có thể thay đổi bố cục ảnh của tôi trong vòng 30 giây.
Và để bạn có khái niệm về khung cảnh tổng quát, sau đây là một ảnh (từ cùng địa điểm và góc cạnh) được chụp với ống kính rộng 50mm, khoảng 5 phút trước tấm hình gần ở trên.
AN