Ngày 31/1/2018 một sự kiện thiên văn khá hiếm đã xảy ra, lần trước cách đây 150 năm. Đó là ba hiện tượng “trăng xanh” (blue moon), “trăng máu” (blood moon) và “siêu trăng” (super moon). Nhân dịp này xin gởi đến bạn đọc một bản nhạc về trăng rất nổi tiếng mà xém tí nữa đã không được ai biết đến, đó là bài ‘Moon River’.

Trước khi nói tới bản nhạc, xin lược sơ về các hiện tượng trăng nói trên. “Trăng xanh”, tức “blue moon”, xảy ra khi có hai lần trăng tròn trong một tháng dương lịch, khi ấy trăng rằm thứ nhì người Tây Phương gọi là “blue moon” (mặc dù mặt trăng không hẳn có màu xanh lơ). “Trăng máu” tức là trăng có màu đỏ rực, được thấy những khi có nguyệt thực. Còn “siêu trăng” (super moon) là trăng cực to, nhìn thấy khi trăng đến gần nhất trong chu kỳ xoay quanh quỹ đạo địa cầu.
Lần cuối cùng cả ba hiện tượng này xảy ra cùng một lúc là vào năm 1868. Có những biến cố xảy ra ở dưới đất, không biết ngẫu nhiên hay bị ảnh hưởng, nhưng người ta hay liên kết với nhau. Năm ấy bên Mỹ ông Andrew Johnson đang làm Tổng thống và là người đầu tiên bị Hạ Viện đàn hặc – impeach (người thứ nhì là Bill Clinton). Ở Việt Nam vua Tự Ðức đang trị vì nhưng tướng De la Grandière của Pháp đã chiếm đóng và cai trị ba tỉnh miền Tây. Lần này, 2018, bên Mỹ sóng gió trên chính trường. Không biết lần tới khi “siêu trăng xanh máu” xảy ra thì tình hình thế giới sẽ ra sao. Chắc chắn bạn và tôi chúng ta đây sẽ không ai còn sống để trả lời. Tuy nhiên, bài ‘Moon River’ có lẽ vẫn sẽ được nhiều người biết đến và yêu mến, như các bản nhạc cổ điển thế kỷ 17-18 ngày nay vậy.

Bài ‘Moon River’ ra đời năm 1961, do Henry Mancini viết nhạc và Johnny Mercer đặt lời. Mancini lúc bấy giờ đã nổi tiếng nhờ soạn nhạc cho một số phim như “It Came from Outer Space” (1953), “The Glenn Miller Story” (1954, đoạt giải Oscar âm nhạc), “The Benny Goodman Story” (1956) v.v… Ðến năm 1958 thì Mancini bắt đầu làm việc với đạo diễn Blake Edwards trong một số phim ngày nay đã thành cổ điển, trong số đó có “The Pink Panther” và “Breakfast at Tiffany’s” là hai bộ phim đã đưa tên tuổi Henry Mancini lên hàng “bất tử”, và bài ‘Moon River’ lên hàng “bất hủ”.
‘Moon River’ là ca khúc Mancini soạn riêng cho cô đào Audrey Hepburn hát trong phim “Breakfast at Tiffany’s”. Audrey Hepburn không phải là ca sĩ, và giọng ca của cô có âm vực giới hạn – không thể lên quá cao hay xuống quá thấp, nhưng bù lại cô hát rất đúng tông. Mới đầu, một vài người trong ban giám đốc hãng phim Paramount đề nghị tìm người hát lồng tiếng cho Hepburn, nhưng Mancini nhất định không chịu. Theo lời kể của vợ ông, Mancini đã mất 6 tuần lễ chỉ để viết ba nốt đầu, lúc đó ông hoàn toàn chưa biết ca từ sẽ ra sao. Ông chỉ biết phải viết giai điệu sao cho một giọng ca như Audrey Hepburn vẫn có thể hát được. Sau khi hoàn tất phần nhạc, Mancini mới nhờ Mercer soạn lời giùm mình.

Tuy là cư dân của Hollywood, nhưng Johnny Mercer xuất thân từ vùng quê Savannah, Georgia nên không xa lạ gì với bối cảnh miền Nam của nhân vật chính Holly Golightly (Audrey Hepburn), một cô gái gốc Texas lên sống ở New York City. Trong một màn đáng nhớ đã đi vào lịch sử điện ảnh, Holly ngồi ôm đàn bên cửa sổ khu apartment hát bài này, tưởng nhớ đến thế giới xa xôi của thời thơ ấu.
Mượn hình ảnh con sông thuở nhỏ của mình, Johnny Mercer soạn nên lời ca dưới đây cho Holly:
Moon river, wider than a mile
I’m crossing you in style someday
Oh dream maker, you heart breaker
Wherever you’re going
I’m going your way
Two drifters off to see the world
There’s such a lot of world to see
We’re after the same rainbow’s end
Waiting round the bend
My huckleberry friend
Moon river, and me
Lời nhạc giản dị, không cầu kỳ nhưng rất hợp với giai điệu. Câu kết thật là thần kỳ, lặp lại chữ “moon river” của câu đầu như để kết nối bài nhạc thành một chiếc vòng, tượng trưng cho dòng sông trôi đi bất tận. Và chữ “huckleberry” (trái việt quất) cũng là một nét chấm phá đặc sắc. Theo lời kể của tác giả, ngày còn nhỏ ông và đám bạn hay đi lượm trái việt quất ngoài đồng, nên ông muốn đem hình tượng đó vào trong bài này. Thêm nữa, “huckleberry” còn mang ý nghĩa người bạn đồng hành, mượn từ nhân vật Huckleberry Finn—bạn thân với Tom Sawyer trong tập truyện nổi tiếng của nhà văn Mark Twain về chuyến phiêu lưu trên sông Misissippi của hai chàng trẻ tuổi (từ đó có câu “two drifters off to see the world…”)

Nhưng khi được hỏi tại sao lại là “Moon River” thì Mercer cho biết thật ra lúc đầu ông đặt tên bài là “Blue River” (Sông Xanh). Thế nhưng trong lúc đang soạn bài thì ông phát hiện ra đã có một bản nhạc khác mang tên ‘Blue River’ rồi, thế là ông phải đổi tên bản nhạc của mình thành ‘Moon River’. Trong cái xui có cái hên, vì ‘Moon River’ nghe ấn tượng hơn ‘Blue River’ nhiều. Và khúc sông Back River thời thơ ấu của cậu bé Johnny về sau đã được Huyện Chatham County đổi tên thành Moon River. Vùng này ngày nay là một khu du lịch đông khách viếng thăm, tất cả chỉ vì một bài nhạc vỏn vẹn mười câu.
Sau khi soạn xong lời Mercer gọi cho Mancini, và họ hẹn nhau tại một khách sạn ở Hollywood. Trong sảnh đường có cây đàn piano, Mancini liền đệm cho Mercer hát. Nghe xong Henry Mancini tuyên bố, bài này chắc chắn sẽ là top hit. Thế nhưng sau khi cuốn phim hoàn tất, ban giám đốc của Paramount lại muốn cắt cảnh Holly hát bên cửa sổ ra, viện dẫn lý do phim dài quá cần phải xén bớt. Ðến phiên Audrey Hepburn phải lên tiếng. Mặc dù ngoài đời cô là người rất nhỏ nhẹ và khép kín, nhưng Hepburn đã dõng dạc tuyên bố, “Ai muốn bỏ cảnh đó ra khỏi phim thì phải bước qua xác chết của tôi!”
Nhờ thế ‘Moon River’ thoát chết và năm ấy mang về cho cặp bài trùng Mancini/ Mercer thêm một giải Oscar nữa. Sau khi cuốn phim được trình chiếu, tờ nhạc của bài ‘Moon River’ đã bán được hơn một triệu bản. Cho đến nay bài này đã được hát và thu lại bởi hơn 500 ca sĩ. Từ Andy Williams cho tới Louis Armstrong, từ Frank Sinatra cho tới Elton John… Và rất nhiều ca sĩ khác trên thế giới, bằng nhiều thứ tiếng. Trước 1975, ở miền Nam cũng có ít nhất hai bản tiếng Việt—một của Phạm Duy và một của Nguyễn Ðình Toàn. Bản của Phạm Duy đã được Tuấn Ngọc thu thanh ở Sài Gòn, lời như sau:

Dưới Trăng
Ngồi dưới trăng, lắng im nghe lòng ta
Thổn thức bao chuyện ngày qua sầu đau
Hỡi người dấu yêu, sao đành lỡ quên
Sao đành vỡ tan như cánh chim lìa bay
Lòng đắm say những khi ta gần nhau
Ngồi dưới ánh trăng dịu êm cùng mơ
Con thuyền trôi về đâu dưới trăng vàng
Cớ sao một mình ta
Ngồi dưới ánh trăng lẻ loi
Buồn vấn vương, chán chường
Còn phiên bản của Nguyễn Ðình Toàn nếu đã được thu âm và xuất bản thì chúng tôi vẫn chưa tìm ra bản gốc. Tuy nhiên cách đây vài năm nó đã được trình tấu trong một chương trình nhạc Nguyễn Ðình Toàn tại Dallas mang tên “Hiên Cúc Vàng”, do báo Trẻ và một số thân hữu tổ chức, với sự hiện diện của vợ chồng tác giả. Lời bài ấy thì như vầy:
Sông Trăng
Dòng nước trôi, cuốn theo muôn vạt trăng
Thầm nhắc ta hãy vượt sông một ngày
Ði tìm bóng xưa êm đềm
Ngẩn ngơ, hỡi dòng sông
Trôi tới đâu ta cũng theo mà đi
Còn nhớ chăng, hỡi em muôn trùng xa
Ngày chúng ta đôi trẻ thơ nhìn đời
Ôi đời vui trăm lối, có ai ngờ
Dưới chân cầu vồng kia
Còn chốn nào cho người xa
Tìm thấy nhau một lần…
Và mới đây nhất là phiên bản do người viết bài này soạn, nhân dịp “siêu trăng xanh máu” hơn trăm năm mới có một lần. Nhất định không phải vì muốn múa rìu qua mắt thợ. Tuy nhiên, trong chương trình “Hiên Cúc Vàng” đã được hát và thổi harmonica cho nhà thơ Nguyễn Ðình Toàn nghe nên hôm nay bỗng “nổi hứng” soạn nên một phiên bản riêng cho chính mình, để dành khi nào buồn tình cất tiếng nghêu ngao. Hay cũng có thể: Vì trăng xanh đến quá gần/Nên ta mới nổi máu rần rần lên?
Dù gì đi nữa, chắc chắn đây không phải là phiên bản cuối cùng của bài nhạc bất hủ này. 150 năm sau, ai biết ‘Moon River’ sẽ trôi về đâu…

Suối Trăng
Dòng suối trăng, lắng im như làn mây
Lùa gió lơi trong vòng tay thần tiên.
Mơ màng lướt trôi êm đềm,
Ướt đôi môi mềm. Tình yêu đến như
Một giấc mơ hồn nhiên.
Ngồi dưới trăng, đắm theo cơn cuồng say
Nhặt cánh hoa bên rừng cây mồ côi.
Trên đường đời u tối, dẫu ưu phiền
Hãy cho nhau bình yên
Trước khi xuôi về bên
Dòng suối trăng-cõi miền.
IB