Giang chậm rãi thả bước chân trên con đường lát đá gồ ghề khúc khuỷu. Tiếng giày nàng gõ nhịp đều đều khoan thai. Ðêm chưa thẳm, vài ánh sao mờ nhạt trên bầu trời tối đen. Ðường làng vắng vẻ. Hai bên đường, những ngôi nhà nằm lẫn trong bóng cây, cửa vườn khép chặt. Mấy ánh đèn vàng lốm đốm trong màn sương mỏng. Gió lạnh thổi từng cơn nhỏ. Mùa đông đang tàn dần trên những bụi cỏ úa. Giang lắc đầu nhè nhẹ như thể xua đuổi các ý nghĩ nặng nề vướng mắc suốt mấy ngày nay họp hành, làm việc. Ðêm im lặng quá. Sự im vắng khiến lòng Giang dịu lại, thanh thản nhẹ nhàng. Giang hít sâu vài hơi thở, đong đầy lồng ngực thứ không khí trong suốt giá lạnh ngoài kia. Bỗng dưng, lạ quá,… thoảng trong gió một mùi hương quen thuộc khiến Giang bàng hoàng. Bàng hoàng rồi ngỡ ngàng nhận ra rằng mùi hương kia là mùi nhang, mùi nhang của những lần lễ bái, giỗ Tết trong quá khứ. Nửa vòng địa cầu trên miền đất xa lạ, ai cúng vái trong đêm tối? Ý nghĩ thúc đẩy sự tò mò trong trí óc.
Ðôi chân vẫn bước đều những bước chân ngắn. Giang ngần ngại rồi quả quyết dừng lại trước cửa vườn nơi những đốm lửa cháy đỏ lập lòe sau bóng cây um tùm, Giang nói thầm… chưa đến 9 giờ tối, còn sớm chắc không phiền hà gì đâu… để lấy can đảm bấm chuông gọi cửa.
Ðèn bật sáng, một phụ nữ đứng tuổi thò đầu ra cổng vườn, đôi mắt mở lớn dò dẫm. Giang mím môi, nở một nụ cười ngần ngại rồi hỏi thăm:
– Chào bà, xin lỗi bà, mùi nhang thơm quá nên tôi đường đột…
Nụ cười nở trên môi, người đàn bà mở rộng cổng vườn:
– Tôi cúng Giao Thừa, chắc cô cũng biết Giao Thừa? Nói tiếng Việt?
Giang ngẩn người:
– Ồ, hóa ra hôm nay là ngày cuối năm, năm Âm Lịch. Tôi bận rộn quá nên chẳng nhớ gì đến ngày Tết!?
– Nếu không bận gì, xin mời cô một chén trà?

Miệng nói, chân người đàn bà bước lui dành một khoảng trống trước cửa. Giang cảm kích gật đầu, xa nhà đêm cuối năm lại tình cờ gặp gỡ…
Trên chiếc bàn nhỏ ngoài hiên nhà, mâm ngũ quả mờ mờ trong đêm tối, mấy cọng nhang còn cháy đỏ. Mùi hương lan tỏa khắp vườn.
Bước vào bên trong căn nhà ấm cúng, củi trong lò sưởi nổ lách tách, ánh lửa bập bùng. Chủ và khách ngồi bên chiếc bàn thấp và họ bắt đầu trò chuyện… Phụ nữ chủ nhà lấy chồng người Ðông Ðức khi đến đấy làm việc. Dòng đời xuôi chảy, con cái trưởng thành ra ở riêng, rồi bà theo chồng về miền quê. Ðôi vợ chồng già sống thong thả cô quạnh trong ngôi nhà nhỏ của gia tộc. Bà B. bảo rằng xung quanh hàng xóm chẳng có người Á Ðông. Ngày trước, thỉnh thoảng ông bà còn lái xe ra tỉnh để mua thực phẩm khô, gạo, nước mắm… và ăn Tết với cộng đồng Á Ðông hàng năm nhưng hai năm rồi, người chồng không còn khỏe mạnh và bà thì chẳng dám lái xe đường trường.
– Tết năm nay quạnh quẽ quá, buồn, nhưng tôi vẫn cúng Giao Thừa để đón ông bà… Mỗi năm mới có một lần.
Vừa nói bà chủ nhà vừa chỉ lên bàn thờ. Giang nhìn theo, hai tấm ảnh đen trắng mờ nhạt, mấy cọng nhang đã cháy cạn, tàn cuộn thành vòng, thân nhang màu nâu sẫm; một dĩa trái cây, một dĩa xôi đơm thật đầy và mấy cái chén. Bà B. ân cần mời mọc:
– Nếu cô không ngại, mời cô thử chén chè nhà quê, chè hoa cau đấy cô… Tết nhất nhưng tôi không biết gói bánh chưng, bánh tét, đành cúng mấy món chay dễ nấu. Ông bà chứng giám lòng thành…
Giang gật đầu, bữa ăn tối còn đầy ứ trong bụng nhưng người đàn bà chân tình quá. Bà B. đứng dậy pha trà:
– Cô ăn chè, uống trà sen cho ấm bụng…
Ánh mắt đọng ở một cánh cửa khép, bà B. nén tiếng thở nhẹ nói tiếp:
– Nhà tôi đi ngủ sớm…
Giang hỏi về mấy nén nhang, mùi nhang quen thuộc nhưng trong mùi hương ấy phảng phất một chút là lạ. Bà B. cười gật gù:
– Ðúng đấy, tôi mua nhang ở tiệm Nhật. Nhang Nhật Bản có mùi khang khác với nhang bên mình, chắc họ làm bằng những loại mạt cưa gỗ ở xứ sở ấy. Thân nhang cũng chẳng nhuộm điều như nhang mình…
Giang lẩm bẩm như để nói với riêng mình:
– Nhang Nhật Bản chắc dùng gỗ tuyết tùng?
– Ðúng rồi cô, họ xài tuyết tùng từ thân đến bột, bên mình vót tre làm thân nhang, còn bột nhang thì tùy cây cỏ. Ngày xưa, ta dùng vỏ đàn hương trộn với nhiều thứ khác…
Người đàn bà mơ màng nhìn vào quãng không, giọng đều đều như kể chuyện…
– Gỗ đàn hương ở quê tôi thơm lắm, thơm từ lá đến cành, thân cây già …
Giang bỡ ngỡ nhủ thầm… bà chủ nhà rành rẽ về cây cỏ quá,… rồi tự dỗ dành… cứ hỏi may ra biết thêm về nhang khói…
– Gia đình tôi sống về nghề làm nhang cô ạ! Thế mà sang đây không có một cọng nhang mà dùng?!
Câu chuyện lan man về bột nhang, các loại vỏ cây khô nghiền nát, trộn dầu rồi đắp một lớp mỏng quanh thân nhang…
– Se nhang cần khéo tay thì cọng nhang mới đều, cô ạ, không khéo thì khúc to khúc nhỏ, trông xấu lắm. Ngày xưa làm gì có máy móc..
Câu chuyện dẫn Giang về những ngày cũ, những ngày Tết xa xưa khi mỗi năm một lần Giang theo bạn bè đến Lăng Ông xin quẻ xăm đầu xuân, cũng thắp nhang để tỏ lòng thành. Ôi chao, một thời!
Ðêm xuống sâu hơn, chỉ một tiếng đồng hồ nữa là nửa đêm. Liếc nhìn đồng hồ, Giang tần ngần đứng dậy dù câu chuyện còn đang ấm áp về chiếc bánh chưng xanh rền, về dĩa dưa cải muối mặn mặn ngọt ngọt… Giang nhủ thầm… đường đột xông xáo thế này là quá lắm rồi, chẳng thể nào mình là người xông đất đầu năm…
Người đàn bà lưu luyến giữ khách:
– Cô ở chơi tí nữa, lâu lắm rồi tôi mới có dịp nói tiếng Việt, Tết nhất mà được gặp người mình thì quý lắm…
Giang ra về, một khúc đường nữa thì đến quán trọ, đầu óc vẫn miên man… mùi nhang, mùi hương ấy đã gõ nhẹ vào tâm trí Giang, dẫn Giang đến đây; rồi tiếng mẹ, thứ ngôn ngữ đã kéo Giang đến gần người đàn bà đơn độc kia trong đêm Giao Thừa. Hai mảnh hồn lang thang xứ lạ đang hướng về quá khứ, bùi ngùi…
Ở đây trời vẫn còn lạnh giá, Tết đến nhưng Xuân chưa sang!
TLL