
LV
1
Tự Hào Dân Tộc?
Trong dòng người hân hoan đón chào U23 Việt Nam trở về nước, giữa hàng triệu con tim ngất ngây trong niềm vui “vỡ òa” chào đón những người “anh hùng” của họ trở về sau trận thư hùng, giữa cái không khí nô nức tưng bừng, gần như không có ai chú ý hay bận tâm đến một gã gầy gò len lỏi trong đó. Tuy vậy gã có một cái tên khá là đặc biệt. Tên của gã là Sự Thật. Và sự thật là Việt Nam đã thua.
Chẳng phải đến hôm nay, gã đã bị quăng cục lơ ngay từ lúc trận thư hùng đang diễn ra, khi bình luận viên của đài VTV6 nói rằng “dù kết quả thế nào thì họ (U23 Việt Nam) vẫn là nhà vô địch trong mỗi chúng ta”. Lúc đó gã chưng hửng quay sang nhìn hai ông bạn thân, thằng Tự Ti thì vênh mặt khệnh khạng, vừa ngửa cổ nốc chai bia Heineken vừa cười tự mãn, còn thằng Tự Tôn thì cúi đầu thở dài, như thầm ái ngại cho thân phận bọt bèo của gã trên đài truyền hình quốc gia.
Khi bàn thắng oan nghiệt rơi đúng vào phút cuối cùng của trận đấu, thằng Tự Tôn ngồi bất động, mắt dại đi. Tiếng chiếc đồng hồ quả lắc gõ nhịp tích tắc nghe rõ mồn một. Một lúc sau hắn đập mạnh tay xuống bàn, nén giọng nhìn gã nói: “Bọn nó đã chiến một trận ra trò, nhưng chưa chiến thắng, bọn nó cần phải hay hơn nữa”.
Gã cảm thấy an ủi đôi chút. Mặc dù có gầy gò, xấu xí, ít ra cũng có thằng bạn nhìn nhận sự tồn tại của gã. Gã là sự thật mà! Gã đâu nói dối được.
Nghe vậy, thằng Tự Ti cười khà khà, vỗ vai Tự Tôn bảo “luận anh hùng đâu phải thắng thua, quan trọng là bọn nó đã chiến đấu như thế nào. Ðược vậy là tốt lắm rồi”.
Tự Tôn không đồng ý, hắn nói: “Sự thật là cứ thua mãi thì không thành anh hùng được. Sẽ chả ai ca ngợi George Washington nếu ông ta không chiến thắng nước Anh, đúng không?”.
Tự Ti khoát tay đáp “Chú cần phải học cách buông xả. Ðời là vô thường. Chú muốn anh hùng thì nó là anh hùng. Mấy mươi năm trước anh còn nghiêm trọng sự việc, giờ thì cái gì anh cũng cứ cười hề hề, mọi việc rồi tự nó cũng tốt hết”.
Gã nhìn thấy logic và sự từng trải trong câu trả lời của Tự Ti, nhưng lại thầm đồng ý với Tự Tôn. Có lẽ cái đất Mẹ của gã cần là lòng tự tôn dân tộc.
Lòng tự tôn khiến cho người ta nhìn thẳng vào sự thật để làm tốt hơn và yêu cầu được đối xử tốt hơn. Lòng tự tôn mới giúp người ta làm ra những sản phẩm tốt nhất cho thế giới. Lòng tự tôn giúp có tiếng nói kiểu như “kinh tế èo uột, mà thuế má kiểu này thì càng chết doanh nghiệp. Phải giảm thuế” hay “hở tí cấm, hở tí đoán, thế thì tự do thế đếch nào được. Phải thả mấy blogger bị tù oan ra. Thân trong lao, thần ngoài lao, nhốt thế đ… nào được”
Hôm nay đứng trong dòng người với niềm vui đang “vỡ òa” ra trong niềm tự hào dân tộc, gã tự hỏi đằng sau niềm tự hào dân tộc đó là gì? Lòng tự ti hay tự tôn dân tộc?
2
Lại nói đến chuyện Thích và Ghét
Ở cái xứ sở của gã, phàm thì hễ ai đụng chạm đến, làm xấu đi cái gì của mình thì người ta ghét. Cũng cùng hành động ấy mà không ảnh hưởng đến mình thì hầu hết sẽ chỉ phẩy tay, mặt bơ như băng: “mặc kệ nó, việc nó nó làm. Hơi đâu mà quan tâm”
Hôm rồi, U23 VN đạt huy chương bạc giải trẻ châu Á. Thua sát nút trong phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai. Cả nước mừng vui. Ðã bao giờ đất nước ta được thế này đâu.
Sự việc tuy ở tầm vĩ mô như vậy, ai ngờ đã có một sự thay đổi sâu sắc ở tầm vi mô bên trong gã kể từ ngày hôm đó.
Tuy thất bại, nhưng U23 VN cũng đã làm được điều chưa từng làm được, đoạt cúp bạc giải châu lục. Họ trở thành những người anh hùng. Ăn cướp thì của ai, chứ anh hùng thì nhất định phải là của gã. Lòng tràn trề niềm tự hào, gã háo hức chờ đón tin tức đội bóng trở về.
Thế rồi lại có chuyện. Gã bàng hoàng khi nhìn thấy những người mẫu mặc bikini của hãng hàng không nọ, uốn éo chào đón những người hùng của gã trên máy bay. Thật là báng bổ, một bên là những người hùng, mà nay đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào của quốc gia, mà lại sắp cùng mâm với hàng xôi thịt.

Chẳng rõ các cầu thủ kia có thấy bị xúc phạm không, nhưng gã thì cảm thấy họ đã bị xúc phạm. Mà họ đã là người hùng của gã, nên gã cũng thấy chính mình bị xúc phạm sâu sắc. Gã không thích văn hóa xôi thịt, tầm thường đó. Nó rẻ tiền quá. Quá rẻ cho những điều mà từ bây giờ đã trở thành thiêng liêng.
Thế là gã bắt đầu lên tiếng mạt sát hãng hàng không. Thật ra thì lên tiếng phản đối những gì mình không thích là quan trọng, nếu như bạn không muốn mãi phải chấp nhận sống với những điều mình không thích đó. Chẳng phải đó chính là hành động tuy nhỏ, nhưng lại là hành động đầu tiên cần thiết để thúc đẩy tiến bộ xã hội?
Mọi việc liên quan liền được đem ra xét lại. Cần cắt bỏ chính sách tiết kiệm của công ty gã khi đặt vé máy bay, vốn chọn hãng hàng không này để tiết kiệm chi phí. Thậm chí có thể nên kêu gọi tẩy chay hẳn hãng hàng không này trên cả nước…
Thế nhưng vẫn có một điều lởn vởn đâu đó trong đầu gã, điều mà gã không hay cố tình không muốn nhớ đến. Ðó là việc gã biết hãng hàng không này đã thực hiện dịch vụ tiếp viên bikini từ bốn năm trước. Cũng xôi, cũng thịt. Duy chỉ có điều duy nhất khác là hành khách. Những hành khách ngày xưa chẳng liên quan gì đến gã, gã chẳng quen biết ai trong các video clip ngày đó cả. Nên ngày đó gã mặc mẹ, thậm chí còn buông vài câu bông đùa. Chả phải chuyện của mình. Nhọc óc làm gì.
Lần này thì khác, đây đã trở thành câu chuyện của gã. Bởi vì những hành khách lần này là những anh hùng của gã. Là một phần của chính gã trong đó. Mặc dù thật ra gã cũng chẳng quen biết ai trong số họ ở ngoài đời. Chính vì vậy gã phản ứng dữ đội. Họ, mà thật ra là chính gã, xứng đáng được đối xử trọng vọng nhiều hơn thế.
Nghĩ vậy, nhưng bên trong, gã vẫn thấy hơi thẹn với lương tâm.
Vấn đề ở đây là: Có nên một người được đánh giá dựa trên hành động của họ hay là dựa trên tình cảm của gã?
Nhớ thời gã ở Mỹ quốc, khi có hai người đi xin việc. Nếu gã quyết định nhận người này chỉ vì màu da hắn trắng hoặc đen hơn người kia, người ta sẽ xem gã là một kẻ phân biệt chủng tộc. Lý do là sẽ không công bằng cho người kia, thay vì được đánh giá dựa trên năng lực, phẩm chất của mình, hắn đã bị tước đi cơ hội làm việc chỉ vì màu da.
Tương tự như vậy, người ta phán xét một người không dựa trên tình cảm nhất thời của mình, mà dựa trên hành động của họ. Ở đây hành động của hãng hàng không này hôm nay cũng vẫn nhất quán với những gì họ đã làm từ bốn năm trước, chỉ có phản ứng của gã là thay đổi.
Gã vẫn muốn là một người công bằng. Ðó là giá trị của gã.
Ước gì gã đã không im lặng, đã không makenô trước những băng hoại xung quanh gã nhưng không ảnh hưởng tới gã, thì hôm nay gã đã có thể bình thản nói với chính mình, rằng gã không thích dịch vụ của hãng hàng không này không phải vì hôm nay họ chở các tuyển thủ quốc gia, mà ngay cả khi họ chở những hành khách bình thường nhất, mà gã không hề quen biết.
LV