Menu Close

Cơn mê chiều

Gần đây đọc thấy trên trang Facebook của Thận Nhiên:

Mấy hôm nay nhân sự kiện tết Mậu Thân 1968 nên nhiều người post lại hay trích lời ca khúc “Cơn mê chiều” của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi, do Thái Thanh, Duy Khánh, Khánh Ly… hát.

Ðọc ca từ thấy xót xa, đau buồn, những hình ảnh ghê rợn và ám ảnh. Có lẽ đây là một trong vài ca khúc về chiến tranh VN đáng kể nhất.

Nguyễn Minh Khôi là ai? Thân thế, tiểu sử thế nào? Ngoài bài này ra ông còn tác phẩm nào nữa?

Tôi tìm trên mạng thì không thấy thông tin về ông. Có ai biết không?

Một người khác là Dinh Hao cũng viết: Tôi thế hệ trước 75 đã từng đạp trên vỏ đạn chạy giặc trong mùi thuốc súng đầy trời của những ngày tết năm Mậu Thân, những cảnh chia ly, nhà tan cửa nát, xác chết, người bị thương trên khắp con đường tôi đi qua. Ðọc “ Giải khăn sô cho Huế” của Nhã Ca, nghe Thái Thanh hát và sau này được xem phim “Ðất Khổ” chuyển từ truyện của Nhã Ca. Lần nào tôi cũng nghẹn lời. Tôi yêu bản nhạc này khi còn bé và nhớ mãi tên người NS Nguyên Minh Khôi.

con-me-chieu
Cầu Tràng Tiền bị Việt cộng giật sập ngày 22 tháng 3 năm 1968. nguồn: Flickr

Chỉ ca sĩ Thái Thanh hát xuất thần bài ca này.

Tiếp theo, nhà thơ Thận Nhiên trích dẫn một câu hát trong ca từ của Cơn Mê Chiều: Câu này rất thơ và tuyệt đẹp, cái đẹp đau thương: “Kim Long ơi bờ lau ngóng chuông chùa tắt rồi” – cỏ lau như có linh hồn, ngóng đợi mơ hồ một tiếng chuông tắt lịm trong thinh không.

“Chiều nay không có em mưa non cao về dưới ngàn

Ðàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng

Chiều nay không có em xác phơi trên mái lầu

Một mình nghe buốt đau xuôi Nam Giao tìm bóng mình

Ðường nội thành đền xưa ai tàn phá

Cầu Tràng Tiền bạc màu loang dòng máu

Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò

Một lần thôi nhưng còn mãi

Và chiều nay không có em đường phố cũ chân mình

Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình xác người

Cho ruộng đồng xanh màu cho nắng mới lên cao

Và người ơi xin chớ quên

Người ơi xin chớ quên

Ðường vào thành hàng cây trơ trụi lá

Ðồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá

Kim Long ơi bờ lau ngóng chuông chùa tắt rồi

Một lần thôi nhưng còn mãi

Và chiều nay không có em đường phố chẳng lên đèn

Tôi là người trong đêm mang ngọn đuốc về nội thành

Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương

Và người ơi xin chớ quên

Người ơi xin chớ quên”.

Và Nguyễn Trường Trung Huy (Huyvespa) cũng ghi lại trên trang web của mình. Ta có thể xem đây là câu trả lời gián tiếp cho thắc mắc của Thận Nhiên về tác giả ca khúc Cơn Mê Chiều.

50 năm Tết Mậu Thân Huế

“ai giải oan ai xử nợ này?”

Vì sao là Huế? Huế thất thủ kinh thành cho đến Huế Mậu Thân… Huế tan nát, Huế người âm sống cùng người dương…

… Người ta bảo… Chỉ có ở Huế mới thấy trước mỗi nhà đều có cái am nhỏ, lưng quay ra phía ngoài, dành để thờ cúng những hương hồn oan khiên tử nạn…

… Người ta bảo… Chỉ có ở Huế, ngày Tết… Dân chúng qua giỗ nhà hàng xóm, rồi vội vã trở về nhà làm giỗ cho người thân của mình. Vì quá nhiều người ở Huế có chung ngày giỗ…

Bắt đầu từ rạng sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968, tức là đêm Giao Thừa chuẩn bị cho Tết Mậu Thân, đến ngày 22 tháng 2 năm 1968, hơn 7600 thường dân bị chết hay mất tích. Huế chìm trong khói lửa. Huế mịt mù trong màu khói tang nghi ngút. Nhạc sĩ NGUYÊN (không phải Nguyễn) Minh Khôi (Tên thật là Vĩnh Khôi. Pháp danh (Phật giáo) là Nguyên Minh. Nên lấy nghệ danh là: Nguyên Minh Khôi – theo lời bổ túc của con NS) đã viết lại những điều này, một cách thật chua chát:

“Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn

Ðàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng”

“Cơn Mê Chiều” là một ca khúc viết về Huế với đầy đủ những địa danh quen thuộc. Những cái tên rất thân thương và lẽ ra phải mang cho người nghe một cảm giác lãng mạn và thơ mộng. Ðây là Nam Giao, là Thành Nội, là cầu Tràng Tiền bắc qua dòng Hương Giang lững lờ trôi. Kia là đồi Ngự Bình, là Kim Long, là những con đường đã từng vẽ nên một thành Huế thơ mộng trong lòng dân Việt. Nhưng Huế trong “Cơn Mê Chiều” là Huế của tang thương, và khói lửa. Nó như một cuốn phim về chiến tranh mà không có một tiếng súng hay tiếng bom đạn nào. Thậm chí, không có một âm thanh nào. Ngay cả tiếng chuông chùa cũng đã tắt!…”

Ðọc lại những ký ức buồn về một thành phố đẹp nhưng chịu nhiều oan khiên như cách mà Nguyên Minh Khôi đã kết thúc bài hát của mình… chỉ mong xóa (vơi) đi đau thương…

“Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành

Xin làm người soi đường đi xoá hết đau thương…

Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên…”

“Xoá hết đau thương”… và cầu cho những linh hồn dân Việt siêu thoát và rồi một ngày sẽ có câu trả lời “ai giải oan ai xử nợ này?”

Huyvespa viết thêm: Facebook của Huỳnh Ngọc Chênh cũng có ghi:

Sau Tết Mậu Thân 1968, một chàng trai Huế trở lại thành phố tan hoang tìm không thấy người yêu của mình đâu. Người con gái Huế trong trắng xinh đẹp đã chết mất xác như hàng ngàn người dân Huế vô tội khác. Chàng trai đó làm bài hát “Cơn Mê Chiều” để than khóc người yêu. Ngay sau đó bài hát được phổ biến rộng khắp miền Nam bởi nhiều giọng ca nổi tiếng.

Thời gian sáng tác hai nhạc phẩm Cơn Mê Chiều, Huế Mù Sương, Vĩnh Khôi đang dạy Anh văn và Triết tại trường Hàm Nghi, Huế, ký tên Nguyên Minh Khôi. Nguyên Minh là tên pháp danh và cũng là tên tiệm may ở đường Phan Bội Châu (là Phan Ðăng Lưu bây giờ) nơi gia đình ở thời gian đó. Vĩnh Khôi còn phụ trách văn nghệ, báo chí của trường, trong đó có hai đặc san Về nguồn, Ra khơi… trước khi đổi vào Ðà Nẵng.

Ngô Kha một trí thức phản kháng cũng nhìn thấy Tết Mậu Thân đầy màu tang chế:

tôi thấy người vô danh đi trên vỉa hè

tìm kiếm kẻ thân yêu trên bảng số

khi trời đổ mưa

tôi thấy người chị

tay cầm cây nhang

với vầng mây cô đơn trải làm khăn chế

Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là như thế. Chỉ có máu và nước mắt cùng những bộ hài cốt và tiếng khóc ai oán còn đọng lại trên bờ lau và những ngọn sầu đông.

Nhớ đến Tết Mậu Thân, một nhà báo ghi lại những hình ảnh về mồ tập thể đầu tiên tìm thấy bên Sông Hương 1968. Trong bài nhắc lại lời của Phil Gioia trung úy Sư đoàn Dù số 82, được gửi tới Việt Nam để tăng viện cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến giành lại Huế.

“Chúng tôi khi đó vừa mới dọn sạch một trong những ngôi chùa lớn đó rồi di chuyển dọc theo các cánh đồng, nơi chúng tôi gặp một khu vực khá bằng phẳng dọc theo bờ bắc của con sông. Mùi tử khí đậm đặc.”

“Một trung sĩ dưới quyền tôi, tên là Ruben Torrez, nói, ‘ở đây có cảm giác rất chết chóc.’ Anh ấy thấy có một thứ nhô lên từ mặt đất. Ban đầu anh ấy nghĩ đó là rễ cây.”

“Thế nhưng thứ đó đã bị mặt trời thiêu đốt mấy hôm, và đó là khuỷu tay của một xác chết, nhô lên từ lớp đất phủ sơ sài.”

“… Ðó là một người phụ nữ, và có rất nhiều xác người khác trong rãnh chôn này. Càng đào thêm, chúng tôi càng phát hiện ra thêm các xác chết.”

Ðó không phải là một mồ chôn bình thường. Các nạn nhân bị trói tay ra phía sau. Họ đã bị xử tử. “Họ đều bị giết chết tại hố này,” Phil Gioia nói.

“Một số người bị bắn chết, một số không bị bắn. Tôi chỉ hy vọng là những người không bị bắn đã bất tỉnh trước khi bị hất đất lên người.” “Ðó là những người đàn ông và những người đàn bà, chừng 100 người, và có cả trẻ nhỏ. Từ trẻ sơ sinh cho tới trẻ nhỏ tôi đoán là khoảng 10-12 tuổi, cả con trai lẫn con gái. Thật tàn nhẫn.”

“Người phụ nữ với cánh tay nhô lên mà chúng tôi tìm thấy là một giáo viên. Như vậy là họ đã dồn những người mà họ cho là không được để cho sống, và đưa tới các chỗ khác nhau trong thành phố. Ðây chỉ là một trong những nấm mồ tập thể được phát hiện ra, nhưng là nấm mồ đầu tiên,” Phil nói.

Bây giờ chúng ta lật qua một trang khác đó là việc mới đây những khuôn mặt không phải người lại xuất hiện với cờ xí múa hát để gọi là Kỷ Niệm Cuộc Tổng Tấn Công Và Nổi Dậy Tết Mậu Thân 1968. Báo chí loan tin:

Sáng 31/1, lễ kỷ niệm cấp quốc gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và các nhân chứng lịch sử tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khoe khoang: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Tuy vậy, theo báo chí, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam nói với BBC: “Tôi cho rằng không nên làm kỷ niệm Mậu Thân rầm rộ. Không nên khoét sâu những nỗi đau của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn như vậy. Người nhà đánh nhau, nồi da xáo thịt thì oai hùng nỗi gì mà tưởng niệm.”

Hôm 1/2, nhà báo tự do Nguyễn An Dân bình luận với BBC: Ðảng Cộng sản Việt Nam dùng chữ “tri ân”, vậy lễ này tri ân những người nằm xuống vì cái gì? Vì họ chiến đấu cho đảng? Hay vì họ nội chiến với chính đồng bào của mình?

Trong khi đó, bình phẩm trên Facebook, nhà văn Nguyễn Viện ở Sài Gòn nói: “Bao nhiêu máu, nước mắt, đau khổ và sự mất mát của nhân dân 2 miền… nhưng dường như chính trị vẫn đi con đường riêng của nó. Bất nhẫn.”

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ những ngày đen tối ấy. Bức tranh chỉ toàn màu xám đục và màu đỏ ấy vẫn còn trên những trang sách, trong trí nhớ thiên thu. Ðã qua cơn mê chưa? Nhà văn Ba Kim nói: không được quên cái ác. Tuy nhiên những người làm văn nghệ chúng ta vốn có tấm lòng nhân bản muốn an ủi, xoa dịu những khổ đau của dân tộc. Do vậy mà Trịnh Lâm Ngân đã viết Qua Cơn Mê:

Một mai qua cơn mê,

Cùng nhau ta sẽ đi,

sẽ thăm bao nơi xưa,

Ta sẽ thăm từng người

sẽ đi thăm từng đường,

sẽ vô thăm từng nhà.

Tình người sau cơn mê vẫn xanh

Dù bao tháng năm đau thương dập vùi

Trường quen vắng bóng mai ta lại về

Cùng theo lũ em học hành như xưa…

Có thật như ước mơ của người nghệ sĩ không, hay bức tranh màu xám của quê hương sau Mậu Thân vẫn còn đó, và ngày càng chồng chất thêm?

TN Tổng hợp