Menu Close

Tết hay không Tết

Những tranh cãi về Tết truyền thống sẽ bắt đầu trên mạng xã hội từ Noel cho đến đêm 30 là coi như hết. Năm nào cũng vậy, bỏ Tết/không bỏ Tết trở thành đề tài tranh cãi nóng bỏng nhất. Rồi mọi chuyện từ mồng một Tết đến sau đó đa phần đều do những người không chơi mạng xã hội lo lắng và “chỉ đạo”. Nào là cúng kiếng, trưng bày, nấu nướng và níu giữ một chút gì gọi là “nếp cũ”. 

tet-hay-khong-tet3

Là một người sanh sau đẻ muộn, từ nhỏ không có ở cạnh gia đình nên tôi không có nhiều cảm xúc về Tết. Những cái nếp cũ của người lớn trong mắt những người trẻ như tôi quả thật rất là dài dòng và mệt mỏi. Nhiều khi chính tôi cũng không hiểu sao mình phải có mặt ở nhà ngày Tết để làm gì nữa, vì cũng đâu có khác gì ngày thường, đôi khi còn chán hơn, không được làm những cái mình thích để “thỏa mãn thú tánh”, lại còn phải gặp gỡ, chúc tụng, tốn tiền lì xì cho những vị hàng xóm đến mặt tôi còn không biết huống chi tên. Nhưng tôi dần hiểu Tết nguyên đán đối với người lớn lại là một điều gì đó thiêng liêng, khó chối bỏ. Ngày Tết đến là phải cúng kiếng, sum họp, quây quần bên nhau vì cả năm có biết mặt nhau tròn hay méo đâu. Tôi còn nhớ ngày Tết có những “truyền thống” như:

– Tiễn Ông Táo.

– Dọn dẹp nhà cửa để tống cựu nghinh tân.

– Ði chợ sắm sửa, mua hoa, mua cây về chưng Tết, gói bánh, kho thịt…

tet-hay-khong-tet7
Tết Tây/Tết Ta, Nồi than/nồi điện-dân Việt Nam chưa bao giờ thiếu chuyện để cãi (Hình từ báo Tuổi Trẻ)

– Sắp mâm ngũ quả, cúng chay mặn những ngày mùng một, mùng hai, mùng ba

– Ðưa, rước “ông bà”.

– Ði chùa/nhà thờ xin lộc, xin chữ…

– Viếng mộ người mất, thăm hỏi người sống, lì xì người nhỏ, chúc thọ người lớn, xông đất người thân.

Còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ nhớ được bi nhiêu vì hầu như không năm nào tôi chứng kiến đủ những “nghi lễ” đó. Mặc dầu chúng luôn hiện diện, chưa bao giờ là cũ với đa số. Người Việt mình hay nói ăn Tết (và cái gì cũng ăn từ ăn trộm đến ăn… cây) chứ không ai nói chơi Tết cả. Mặc dầu đa số người làm quần quật cả năm đúng nghĩa, muốn chọn ngày Tết là dịp nghỉ ngơi nhưng cũng vì sự ăn này mà mệt phờ người. Bởi vậy mới có chuyện Tết đến thì người người về quê bằng những tấm vé có giá tiền ngất ngưởng so với ngày thường (mà phải chen chúc như nhét nhân vào bánh). Các dịch vụ, thực phẩm, hoa tươi hoa giả, hàng tiêu dùng đều lên giá như một lẽ dĩ nhiên đến tận Tháng Hai âm lịch, các tiệm ăn hàng quán đóng cửa hoặc cũng tăng giá hàng loạt mà không ai (dám) thấy phiền. Cảnh các anh Cảnh Sát Giao Thông buồn thiu bởi những con đường Sài Gòn vắng vẻ, lộng gió vào giờ cao điểm những ngày đầu năm…

tet-hay-khong-tet6
 Làm cảnh sát giao thông cũng như buôn bán hàng rong vậy. Có bữa đắt bữa ế. Nhứt là mấy bữa Tết! (hình từ Facebook Trần Lê Duyên)

Dân Việt mình hay cãi nên cứ cãi, Tết đến thì cứ đến. Người lớn còn lo được cứ lo, không lo được thì “chỉ đạo”, khi họ mất rồi thì Tết sẽ theo ý người trẻ. Như bà ngoại tôi thường nói: “Mốt tao chết chắc mày không nhớ nổi giỗ ba má mày chứ nói gì giỗ của tao!” hay “Con gái con đứa hư thúi, Tết nhứt mà không gói nổi đòn bánh tét, không kho nổi nồi thịt ra hồn thì nói chi đến cúng kiếng, chưng ngũ quả”. Khổ lắm, nhà một năm có hơn chục cái đám giỗ, lễ lộc cần cúng kiếng, khấn vái phức tạp trong khi đến tên mình tôi còn ngơ ngác khi nghe người ta gọi, sao nhớ nổi những cái cần rất nhiều tư duy như vậy! Mà cũng không hiểu sao, bình thường tôi nấu nướng coi cũng được mà động tới cái gì đó mang tính chất “nghiêm trọng”, cúng kiếng là thất bại ngay. Cũng có thể bình thường tôi nấu có mình tôi và đám chó ăn, còn cái này thì có yếu tố “người lạ” ăn nữa nên nó bỗng dở đi? (Một là do thức ăn bị áp lực nên giảm mùi vị, hai là khẩu vị của họ có… vấn đề chứ không thể nào tại tôi được). Cũng may mắn là tôi sanh ra ở Sài Gòn chứ nghe báo chí nói ngoài Bắc cả tỉnh mở tiệc thịt chó mà ăn, ăn xong rồi đi giày xéo lên nhau mà cướp lộc, đọc từng con chữ mà tay nổi hết da gà… Nếu tôi là “cô bắc kỳ nho nhỏ” thì liệu lũ chó trong xóm có còn không?

tet-hay-khong-tet4
Hoa Tết (Nguyễn Thế Dương Photographer)

Chính vì nhiều lẽ trên, rất nhiều lần tôi đã từng không ưa Tết, cảm thấy stress vì những điều bắt buộc từ phía gia đình mang lại. Muốn xua đuổi Tết ngay khi nó như con chó con bỏ nhà đi chơi hớn hở chạy về mỗi dịp đầu năm. Và hầu như đây là tâm lý chung của nhiều người trẻ hiện nay. Họ không ngừng so sánh Việt Nam và… Nhật vì trong bốn nước có truyền thống ăn Tết Nguyên đán: Trung Quốc, Hàn Quốc (Triều Tiên nói chung), Nhật Bản và Việt Nam, Nhật đã bỏ Tết âm lịch mà dùng Tết Tây. Tuy nhiên tôi nghĩ họ đã quên nền xã hội Nhật vốn được công nghiệp hóa từ ngay cuối thế kỷ 19. Người Nhật sống và làm việc trên khoa học và máy móc tối tân chứ không phải như người Việt đa số là còn làm nghề nông, lâm, ngư rồi mới đến “nghiệp”. Nghiệp của Việt Nam cũng từ các nước tư bản mang đến chứ không hề có thành tựu riêng nào. Ða số dân cư trẻ chạy về các thành phố lớn như Sài Gòn phục vụ cho “nghiệp”,  làm bán mạng, càng nghèo càng làm nhiều, chứ không hề có một lịch trình khoa học nào cả với đồng lương ít ỏi. Ðối với sản xuất nông, lâm, ngư, Tết là dịp thời gian nông nhàn, nhà nông chuẩn bị cho vụ xuân hè tới, và vui chơi với nhiều hội lễ. Tài chính Việt Nam cũng quen giải ngân vào cuối năm, và người dân có nhiều tiền vào đầu năm, sự chi tiêu với Tết cũng thoáng hơn, dẫn đến nhiều ngành kinh doanh phụ thuộc vào Tết. Bên cạnh đó còn có thêm anh Tây tên là Jesse Peterson, ảnh biên một bài “Kệ Tết”, anh ta nói: “Tết Tây là một ngày giả! Nó được thiết kế khi Hy Lạp muốn xoá bỏ phong tục của các dân tộc xung quanh và tạo nên một năm mới giả, ở giữa mùa đông”, nên anh ta kệ Tết Tây.  Và sau khi qua Việt Nam làm việc, anh thấy Tết Việt Nam cũng tốn kém hơn ngày thường nên anh kệ luôn Tết Việt, anh cũng khuyên người Việt cũng nên như… anh.

tet-hay-khong-tet5
Chó Tết (Hình từ Facebook Thăng Fly)

Họ nói cũng có lý đó chứ. Nhưng ngồi nghĩ lại, tự hỏi nếu sau này thế hệ người lớn mất đi hết hoặc họ buông xuôi hết, thậm chí bỏ Tết Ta chỉ ăn Tết Tây như nhiều người đề nghị, thì Tết của những người trẻ sẽ như thế nào? Có thể sẽ không nhiều người về quê, sum vầy cuối năm nữa (đã ít dần mấy năm nay nhưng do kinh tế chứ không ai không muốn về cả), hoa Tết cũng sẽ không nhiều người mua nữa, bánh chưng bánh tét không ai gói nữa, mâm cỗ sẽ không còn đầy (cũng giống như mấy ông đồ Tết ngày nay chỉ là các diễn viên để chụp ảnh). Người ta sẽ bớt lì xì, chúc tụng nhau, thay vì “Vạn Sự Như Ý” có thể người ta sẽ nhủ thầm “Vạn Sự Như… Mỹ”, rồi làm theo lời tự nhủ luôn. Thay vào đó là những hoạt động thường ngày. Và hoạt động thường ngày của người VN mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ là gì? Vâng! chính là NHẬU. Có Tết thì họ nhậu đồ nhà nấu, không Tết thì họ nhậu ngoài tiệm. Nhậu nhà thì bánh tét, bánh chưng, giò thủ, khổ qua dồn, nhậu tiệm vẫn có thể kêu các món đó, thậm chí có quanh năm. Và những ngày Tết trôi qua êm đềm như nhiều người mong đợi bằng cách như thế. Sẽ không còn cuộc cãi vã nào nữa, vì không ai bị chỉ đạo phải ăn Tết như thế nào, tập tục xưa ra sao. Lúc đó chúng ta sẽ bớt tranh cãi với nhau chuyện nên có Tết hay không, nên chơi Tết thế nào, nên mua hoa vào ngày nào… Nhưng liệu có vui hơn không? Thoải mái hơn không? Ðỡ tốn kém hơn không? Không. Vì dẫu Tết hay không người Việt cũng khổ, cũng than, cũng cãi, cũng phung phí khi có bất cứ “cơ hội” gì. Vật giá Việt dẫu Tết hay không vẫn tăng lên từng ngày còn tiền Việt thì dẫu Tết hay không cũng bị mất giá thảm hại. Tết hay không thì “hủ tục” biếu xén, quà cáp cho sếp lớn cũng xảy ra thường ngày. Tết hay không thì có dịp là người Việt cũng đốt vàng mã, thả cá, thả chim phóng sanh làm lợi cho bọn con buôn vây bắt, xả rác, gây tai nạn mỗi khi “được dịp”… Tóm lại Tết cũng chỉ là một tấm bia, một cái để đổ thừa cho những “thói hư tật xấu” được phô bày rõ ràng ra trước mắt, chứ Tết chưa bao giờ là xấu với những người coi nó như một nếp cũ, một dịp để thương yêu sum vầy cả! Dẫu có ăn Tết kiểu Tây mà người Việt không thay đổi quan niệm, tư duy thì nó cũng sẽ luôn “thuần Việt” như vậy, không thể “Tây” hơn. Tôi đã rất nhiều lần nhìn ngoại khóc vì Tết hay bất kỳ cái giỗ nào con cháu không kịp/chịu về, cũng bấy nhiêu lần ấm ức tại sao có tôi ngoại vẫn khóc? Hay có lẽ quá… thân nên ngoại không xem tôi là con, cháu? Cũng tự hỏi sao con, cháu ngoại không về? Rồi tự suy nghĩ, họ về thì có vui như ngoại mong đợi hay không?

tet-hay-khong-tet
Năm mới, quần áo mới, giỏ xách mới, guốc mới, quốc tịch cũ

Nói gì nói chứ cũng đã chính thức hết Tết, bước qua năm mới, Du Uyên xin chúc quý thân hữu, quý độc giả ở Việt Nam năm mới quốc tịch… mới. Còn các quý thân hữu và quý độc giả hải ngoại, Du Uyên xin chúc mọi người bình an, vui khỏe, đọc được nhiều tin tức tốt cho đồng bào trong nước đặng nhẹ lòng và vui vẻ. Còn riêng Du Uyên, sau khi viết bài này thì cảm thấy đói, ra ngồi ăn sáng quán quen trong xóm. Không hiểu sao điện thoại để trên bàn mà anh kia cách một cái bàn mà quơ tay qua “lấy lộn” cho được (theo lời ảnh giải thích). Vì là “đầu năm đầu tháng”, nghe người lớn phải “từ bi hỉ xả” nên Du Uyên đã bình tĩnh nói với anh ấy:

–  iPhone mà, không có pass là đâu xài được anh. Hay là anh lấy… em đi, em cho pass!

tet-hay-khong-tet2
Người ta gói bánh…
tet-hay-khong-tet1
…Tôi cũng gói

DU