Gọi họ là “những đứa trẻ trưởng thành” hoặc “đàn ông con nít” cũng được. Ðó là những thanh niên không chịu làm người lớn. Họ tình nguyện thất nghiệp, thích tụm ba tụm bảy la cà, mê chơi game hơn trẻ con và thề sống với bố mẹ suốt đời! Nấn ná “tuổi thơ” trong vòng tay che chở của gia đình là một trong những “sở nguyện” lớn nhất của họ…
Bây giờ là “giờ nhậu” lúc nửa đêm vào một tối thứ năm tại đảo Fire (New York). Một nhóm 10 thanh niên quyết định khởi động buổi tiệc đêm. Giữa những cốc tequila và vại bia, họ gào thét vỡ làng vỡ xóm. Tụ điểm gặp gỡ của họ là một ngôi nhà bãi biển thuê qua đêm. Nghe có vẻ đó là những thanh niên thật sự trưởng thành. Họ gào lên những chủ đề đại loại tình dục hoặc “sống có lửa” bằng cách lãng mạn qua đêm tốc hành với bạn gái rồi nhanh chân chạy thoát, cũng như trốn tránh việc tìm việc làm. “Tôi thích bắt đầu mọi thứ nhưng rồi tôi chán mọi thứ” – một kẻ trong bọn nói lên tôn chỉ sống của nhóm.

Hầu hết trong số họ là sinh viên chuyên trốn giảng đường; thành phần “dở ông dở thầy” hoặc tệ hơn là chưa từng trải qua kỳ thi tốt nghiệp đại học nào. Họ sống như thể sợ thời gian vuột mất mà mình chưa hưởng thụ được gì. Mốt sống “phong lưu” kiểu này hiện bắt đầu phổ biến đến mức thành phong trào, tạo ra một hiện tượng xã hội mà giáo sư xã hội học Michael Kimmel (Ðại học New York) đã miêu tả trong quyển Guyland. Những kẻ sống trong “miền đất con trai” đã không cho thấy những dấu hiệu thông thường chứng minh mình đến ngưỡng thật sự trưởng thành, chẳng hạn rời gia đình, đi học, tìm bạn đời, kiếm việc và cuối cùng làm bố. Muốn làm chậm tiến trình đến giai đoạn “làm người lớn”, họ cứ thế chơi bời và ham vui.
Năm 1960, gần 70% nam giới Mỹ đã đi đến cột mốc trưởng thành trước năm 30 tuổi. Bây giờ, không đến 1/3 nam thanh niên Mỹ được xếp vào nhóm trên. “Những gì được xem là những kỳ nghỉ cuối tuần bây giờ kéo dài suốt cả năm trong cuộc đời họ” – Michael Kimmel nói với Newsweek, khi kể về thành phần “đực rựa” thuộc thế hệ ham vui kiểu mới. Trong gần 400 cuộc phỏng vấn với các đối tượng chủ yếu là thanh niên da trắng có trình độ đại học thuộc độ tuổi 20, Michael Kimmel nhận thấy đa số đều “chậm phát triển” một cách bất thường. Hỏi sẽ làm gì cho tương lai, họ cho biết họ chẳng… biết gì cả, ngoài cái hiện tại không muốn lìa xa, với những buổi tiệc nhậu, “cua” gái, giỡn hớt và kể chuyện tục nhảm nhí (như những em trai mới bước vào tuổi dậy thì).
Trách nhiệm ư? Ðó là một khái niệm xa lạ đối với họ. Nói cách khác, họ là những cậu bé không còn được… quấn tã nhưng vẫn không thích mặc complet. Một thuật từ đã được đặt ra để chỉ đối tượng kỳ lạ và đặc biệt này: “kidult” (ghép từ chữ “kid” – trẻ con; với chữ “adult” – trưởng thành). Theo nghiên cứu Michael Kimmel, đối tượng này xem cuộc sống trưởng thành là một “mất mát”. Sẽ là “sai lầm” nếu đính hôn – một thành viên “câu lạc bộ guyland” nói. Làm nghề tư vấn kỹ thuật, sống tại New York, 27 tuổi, cậu thanh niên này cho biết mình không thể nhớ tên tất cả các cô mà mình từng “dùi” và quan hệ nam nữ của cậu cũng chỉ dừng lại ở thú vui tình dục. Nghiên cứu kỹ hơn, Michael Kimmel nhận thấy yếu tố kinh tế và những thay đổi xã hội là vài trong những nguyên nhân khách quan làm bùng nổ cơn sốt “guyland”.
Từ năm 1971 đến nay, lương hàng năm cho đối tượng nam giới độ tuổi 25-34 có nghề nghiệp toàn thời gian đã tăng gần 20%. Cùng lúc, cánh quần thoa lại phá vỡ nhiều tường rào xã hội và đến nay họ bắt đầu cho thấy mình có thể qua mặt chồng (hoặc bạn trai) với tư cách là người mang bánh mì về nhà. Không ít cô đã thật sự là trụ cột gia đình. Ít nhất điều này cũng đang đúng tại các trung tâm thị tứ. Năm 2017, nghiên cứu tại Ðại học Queens (New York) cho biết các cô độ tuổi 21-30 tại ít nhất 5 thành phố lớn trong đó có Dallas, Chicago và New York đã không chỉ san bằng khoảng cách thu nhập với nam giới kể từ năm 1970 mà họ còn kiếm được nhiều hơn 15%!
Hậu quả, nhiều nam thanh niên bắt đầu có cảm giác trở nên thừa thãi hoặc thậm chí là “thứ vất đi”. Xuất phát từ cảm giác “nhục nhã” bởi không còn là “điểm tựa” cho cánh chị em, nhiều cậu ứng xử tiêu cực bằng cách chọn cách sống kéo dài “tuổi thơ” và những ngày tháng tự do ăn chơi, tạo nên một lớp thanh niên ít năng động nhất trong tất cả thế hệ nam giới trong lịch sử Mỹ. Họ cũng là nhóm tuyệt vọng nhất: đối tượng nam giới 16-26 tuổi hiện chiếm tỉ lệ tự tử cao nhất (trừ các cụ ông trên 70) và bị cô lập xã hội nhiều nhất! Họ là một tập thể gồm những “Robinson Crusoe” sống chung trên một hòn đảo đặc biệt nằm ngay trong quần đảo xã hội.
Theo công trình Thăm dò xã hội tổng quát (General Social Survey) – một trong những khảo sát về thay đổi xã hội và văn hóa được đánh giá cao nhất Mỹ do Ðại học Chicago thực hiện nhiều thập niên nay, đối tượng nam thanh niên độ tuổi 20 hiện là nhóm cô đơn nhất so với phần còn lại của xã hội Mỹ. Họ ít đọc báo, hiếm khi đi lễ (nhà thờ), chẳng màng bỏ phiếu bầu tổng thống và cũng không nghĩ rằng con người nói chung là đáng tin, luôn có tính thiện và hiểu sự công bằng. Trong khi đó, với gánh nợ trung bình 2,000 USD thời sinh viên cùng sự khó khăn trong kiếm việc làm, tỷ lệ nam thanh niên 26 tuổi tiếp tục sống với bố mẹ hiện gần gấp đôi kể từ năm 1970 (từ 11% lên 20%), theo nghiên cứu của nhà kinh tế Bob Schoeni phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu dân số thuộc Ðại học Michigan…
Tại quán bar ở đảo Fire, một nhóm thanh niên đang cụng ly côm cốp và huýt sáo inh ỏi khi thấy các cô gái đi ngang. Tuy nhiên, khi chỉ còn lại “ta với ta”, họ lại rơi vào cảm giác cô đơn và chán nản. Một cậu 28 tuổi tốt nghiệp Ðại học Emory kể về sự tủi hổ của đời mình, với vô số cuộc chinh phục nhưng cuối cùng chẳng có mảnh tình nào đáng được đặt một cách trân trọng và có giá trị trong chữ “yêu”…
MK