Menu Close

Vũ Khắc Khoan & Thần Tháp Rùa

Vũ Khắc Khoan sinh tại Hà Nội, theo học trường Bưởi, nhập học trường Y khoa nhưng rồi đổi sang Cao đẳng Canh nông. Ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông sau chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An.

vukhackhoan

Là tác giả những vở kịch Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Ða (1948), Thành Cát Tư Hãn, và Giao thừa (1949). Hai vở Giao Thừa và Thằng Cuội đã được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào những năm 1951 và 1952. Sau năm 1954 di cư vào Nam ông đóng góp cho các báo Tự Do, Quan Ðiểm rồi chủ nhiệm nguyệt san Vấn Ðề. Ông là giám đốc kịch nghệ ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn.

Ông tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, định cư ở Minnesota nơi ông dạy Pháp văn ở đại học Minnesota rồi mất tại đó. Trong thời gian tại Mỹ ông thành lập Hội Phật giáo Việt Nam ở Minnesota, viết Ðoản Văn Xa NướcÐọc Kinh.

Vũ Thành Sơn gần đây nhận định: “Ðọc Kinh là một trong hai trước tác sau cùng trong sự nghiệp sáng tác độc đáo của Vũ Khắc Khoan. Nếu như khởi đầu là một Thần Tháp Rùa của chàng thư sinh họ Ðỗ trai trẻ nhưng đã sớm nhọc nhằn bởi những băn khoăn trước biến động của thời cuộc thì với Ðọc Kinh người ta lại bắt gặp một lão trượng họ Vũ tóc tuyết trắng, đến tuổi gác kiếm quy ẩn rồi mà vẫn chưa dứt tuyệt những ưu tư thân phận. Có thể nói đó là một hành trình trải dài không đứt đoạn từ Hồ Gươm trầm mặc qua Sài Gòn bao trùm trong bầu không khí máu lửa của cuộc đối đầu lịch sử đến vùng Vạn Hồ êm đềm tuyết lạnh. Ðó cũng là một phản ảnh hành trình của cả một dân tộc. Triệu triệu người đi. Cả đất nước đi. Cả trái đất chẳng đang chấn động tiếng chân Việt Nam trên mọi nẻo đường? (Nhìn lại thế giới Vũ Khắc Khoan – Mai Thảo). Bước chân của Vũ Khắc Khoan đã hòa cùng một nhịp với chuyển động bi hùng của thời đại trong một cuộc đi tìm, một cuộc đi tới.”

Ðể hiểu thêm về Vũ Khắc Khoan xin trích dẫn thêm trích đoạn bài “Ðọc Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan” của nhà phê bình văn học Thụy Khuê.

“Ðối với Vũ Khắc Khoan, mối tương quan giữa quyền lực và tư tưởng chưa bao giờ thôi khắc nghiệt, từ thời Tần Thủy đến ngày nay: “Ðốt được nhà, nhưng sao đốt được sách ? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dẫy trường thành, càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng… Họ Tần đốt sách Khổng Khưu, vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hoả thiêu cùng sách?”

“Thần Tháp Rùa là một trong những tác phẩm huyền ảo đặc sắc nhất mà văn học Việt Nam có được trong nửa sau thế kỷ XX.

“… Vũ Khắc Khoan tạo ra một không khí huyền ảo không thể dựng lại được trên bất cứ một thực tế nào. Bởi Vũ đã pha trộn những chiều không gian và thời gian khác nhau trong cùng một môi trường. Vũ cho những nhân vật thời nay sống trong không khí thời xưa, với văn chương biền ngẫu, âm điệu cổ, với Rùa thần, với Thiên Thai, tiên cảnh, với hiện thực ma quái Bồ Tùng Linh. Không khí truyện của họ Vũ vừa thực vừa ảo, con người trong truyện cũng vừa thực vừa ảo. Vũ dùng người, dùng nhân vật trong truyện, để phát biểu những điều mà Vũ ấp ủ trong lòng. Ðối với Vũ, nhân vật chỉ là cái cớ, tác phẩm chỉ là một thác ngôn về những Vấn Ðề. Yếu tố chính trong tác phẩm Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan là những Vấn Ðề. Là con người xuyên qua những vấn đề. Vũ dùng nhân vật để giải quyết những vấn đề đang sôi bỏng trong đầu Vũ, trong thực tại xã hội mà Vũ đang sống. Và như một nhà tiên tri, tất cả những vấn đề họ Vũ đặt ra thời kỳ 1954, thời kỳ đất nước vừa bị chia đôi, dường như vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì thế mà tác phẩm của Vũ Khắc Khoan đã trở thành cổ điển ngay khi nó vừa mới chào đời.

vukhackhoan1

Thần Tháp Rùa là một tập huyền truyện gồm 4 truyện: Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên ThaiNgười đẹp trong tranh, viết trong khoảng từ 1954 đến 1957. Ðây không phải là tác phẩm đầu tay, nhưng là tác phẩm nòng cốt của Vũ Khắc Khoan, mở đầu cho một quan niệm sáng tác, một cách suy tư, một lối sống, lối viết, một lối lựa chọn, đúng ra là sự phân vân không biết lựa chọn như thế nào. Nó là sự đong đưa giữa những vấn đề lớn của dân tộc, của con người, giữa xuất thế nhập thế, giữa trắng đen, giữa thiên đường trần thế, giữa nghệ thuật cuộc đời. Mỗi lựa chọn là một câu hỏi : Nghệ thuật có thể rời xa cuộc sống được chăng ? Nghệ thuật có thể phục vụ thế quyền được chăng? Người trí thức, nghệ sĩ tiểu tư sản Vũ Khắc Khoan, tức « Khoan tôi » như tiếng ông tự gọi mình, sống trong thời đại mà vô sản vùng lên tư bản đè xuống ấy, có thể làm gì được?

“Nhưng chính cái “Khoan tôi” ấy, cũng lại là một giá trị nghệ thuật và tư tưởng, bởi chính hắn – Khoan tôi – cái tôi của người nghệ sĩ, hắn là kẻ sáng tạo, mà kẻ sáng tạo thì không tư bản mà cũng chẳng vô sản, hắn chỉ là người viết ra tác phẩm. Hắn còn là kẻ trí thức, và cái kẻ trí thức ấy, cái kẻ sáng tạo ấy, ngày nay vẫn chưa thoát khỏi tình thế trên đe dưới búa, vì thế mà “Khoan tôi” 1954, vẫn còn là “Khoan tôi”, khuôn mặt trí thức sáng tạo Việt Nam hôm nay, vì vậy mà tác phẩm của Vũ Khắc Khoan có tính chất tiên tri.”

Tóm lại, có thể xem Vũ Khắc Khoan là tác giả tiêu biểu của một thời kỳ văn học đa dạng và phức tạp ở Miền Nam.

Nguyễn & Bạn Hữu