Menu Close

Kim Bô vui buồn nghề âm thanh

Lời tòa soạn: Hơn 40 năm lưu lạc, dân Việt đã từng bước hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Nhiều gia đình đã thành công, nhiều cá nhân vang danh, nhưng để phác họa một bức tranh bao quát với muôn ngàn nẻo mưu sinh, cần hướng đến những con người bình thường. Chính trong cách nhìn này mà tuần san Trẻ mong muốn giới thiệu đến bạn đọc những sắc màu của đời sống hằng ngày, của những lưu dân Việt. 

kim-bo-vui-buon-nghe-am-thanh1

Phóng viên Trẻ: Chào anh Kim. Ðược biết anh là một chuyên viên âm thanh nổi tiếng hồi ở Việt Nam. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề này?

Anh Kim: Tôi đến với nghề âm thanh không theo “quy trình”, bài bản nào cả. Ban đầu sở thích của tôi là sửa những vật dụng điện tử lúc còn học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp, không có điều kiện vào đại học nên tôi vừa đi làm kiếm tiền vừa học điện tử lớp đêm tại các trung tâm dạy nghề.

Trẻ: Từ đó anh đến với nghề âm thanh?

A. Kim: Chưa đâu. Tôi còn làm đủ thứ hầm bà lằng: lắp máy bơm nước cho các nhà ở chung cư, phụ hồ, làm sổ sách cho “hãng” xà bông kem, làm bảo vệ và bán vé cho các công viên, khu vui chơi, giải trí…

Trẻ: Vậy anh đến với nghề âm thanh lúc nào?

A. Kim: Khi tôi vừa làm vừa học điện tử lớp đêm (1985-1988) thì một anh bạn có tiệm sửa chữa điện tử tại nhà. Ảnh thấy tôi ham học nên nhận vào phụ việc. Ảnh là nhân viên sửa chữa bảo trì điện trong Công Viên Tao Ðàn, lúc đó tôi làm bảo vệ trực đêm tại đó.

Trẻ: Tiệm của anh bạn ở đâu?

A. Kim: Gọi tiệm vậy thôi chứ thực ra sửa tại nhà, nhà ảnh ở Giồng Ông Tố (giờ không biết gọi là gì, có lẽ quận 2). Nhà tôi thì ở Phú Nhuận, đi hướng qua đò Thủ Thiêm rồi đi thêm một quãng nữa. Lúc đó tôi phụ việc để học nghề nên không có lương, bù lại được bao ăn và cho ở lại. Dẫu vậy bà già vẫn “cấp” mỗi tháng 10 ký gạo để “bồi dưỡng” thầy.

kim-bo-vui-buon-nghe-am-thanh
Kim “Bô” tại Đại nhạc hội Mừng Xuân 2004 (Sài Gòn)

Trẻ: Theo tôi biết thì thời đó máy móc chưa nhiều, tiệm anh bạn sửa những gì?

A. Kim: Hầu hết sửa các loại ti vi trắng đen đời cũ, loại xài bóng đèn (chưa có ti vi bóng bán dẫn). Công việc chính là ráp hệ thống âm thanh loại nhỏ dùng bình ắc-quy cho những người bán kẹo kéo. Thu nhập “ấm” nhất là vô Sài Gòn mua ti vi màu cho mấy người khá giả. Thời đó, lần đầu tiên TV màu JVC 14 in. mới nhập về VN, bán rất chạy.

Trẻ: Tôi vẫn chưa thấy xuất hiện chút “âm thanh” nào?

A. Kim: Từ việc ráp các dàn loa nhỏ bình ắc-quy cho những người đi bán kẹo kéo dạo bằng xe đạp có thể xem là “khởi nghiệp” nghề âm thanh của tôi (cười).

Trẻ: Hết bao lâu thì anh chính thức rành nghề?

A. Kim: Sau 1 năm học và làm việc tại Giồng Ông Tố, nhờ người quen, tôi xin được vào làm một cơ sở lớn hơn. Ðó là cơ sở Ðiện Thanh Quận 5. Chỗ này chuyên về âm thanh, nhạc cụ sân khấu. Ông chủ người Hoa có vài dàn âm thanh cho các tụ điểm ca nhạc và nhà hàng tiệc cưới mướn, quanh khu vực quận 5 như Á Ðông, Ái Huê, v.v…

Trẻ: Anh chính thức ra mắt giới “giang hồ” lúc nào?

A. Kim: Sân khấu đầu tiên trong nghề âm thanh của tôi là sân khấu ngoài trời ở công viên Ðầm Sen năm 1989. Khi đó, các amplimixer là những sản phẩm do chính tôi ráp. Thùng loa cũng tự đóng, chỉ các driver là hàng ngoại nhập mà thôi…

Trẻ: Lần đó kết quả ra sao?

A. Kim: Vì sản phẩm do chính mình lắp ráp nên tôi “hiểu” nó, biết cách chỉnh sao cho âm thanh tốt nhất. Cũng nhờ đó mà tôi được giới thiệu qua một sân khấu chuyên nghiệp hơn, đó là sân khấu của vũ trường Bình Tây, quận 6.

Trẻ: Anh phụ trách âm thanh luôn cho vũ trường này?

A. Kim: Nhiều nơi khác nữa, các vũ trường tôi đã làm qua từ năm 1989-1993 có Bình Tây (q6), Ðại La Thiên (q5), Tháp Ngà (q1), chưa kể những nhà hàng tiệc cưới rải rác ở quận 5 và 6…

Trẻ: Như vậy là “ngon lành” rồi!

A. Kim: Ban đầu tôi cũng tưởng là vậy. Bỗng nhiên, đùng một cái! Năm 93, có lệnh đóng cửa 40 vũ trường trên toàn quốc. Ðang “khí thế”, tôi trở lại thất nghiệp. Lúc đó tôi nghĩ là nghề âm thanh của mình đã dứt, nên chuyển sang học computer, lập trình tại những khóa mở rộng của trường Bách Khoa…

kim-bo-vui-buon-nghe-am-thanh3
Kim “Bô” (phải) và đồng nghiệp tại chương trình “Lễ hội mừng Xuân 2005”, trước dinh Độc Lập (Sài Gòn)

Trẻ: Sau đó anh bỏ nghề luôn?

A. Kim: Vậy mà lại không, hình như cái “nghiệp” của mình nó hợp với cái gì ồn ào, kể cả âm thanh của… bà xã (cười).

Trẻ: Sao anh có tên “Kim Bô”?  Chắc hồi trẻ anh bảnh trai lắm hả!

A. Kim: (cười) Trật lất! Sau khi có chút “tên tuổi”, tôi được giới thiệu vào làm cho hãng Bose tại Việt Nam (Bose Distributor, Việt Nam), lúc đó hãng này mới thành lập (giữa 1994). Tên Kim “Bô” (Bose) nguồn gốc từ đó, chứ không phải “beau”.

Khi vào làm cho Bose, tôi được training bài bản về kỹ thuật âm thanh, thọ giáo một kỹ sư nổi tiếng từ Bose là ông Kurt Wagner (Chief Engineer from Bose Corporation Headquarter, The Mountain, Framingham, MA).

Trẻ: Cái tên giống như người Thụy Sĩ hay Thụy Ðiển?

A. Kim: Ổng là Giáo sư ở đại học MIT, (MA, Mỹ). Hồi đó ổng đã có 12 bằng phát minh về âm thanh. Tôi nghe nói Dr. Amar Bose, người sáng lập ra hãng Bose, cũng có nhiều bằng phát minh về âm thanh và cũng đã từng giảng dạy tại MIT.

Trẻ: Học với Bose, sau đó anh làm việc với ai?

A. Kim: Làm cho Bose luôn! Những sự kiện lớn hồi đó ở Việt Nam hầu như hãng Bose “lượm” hết. Tôi đã lắp đặt âm thanh tại nhiều nhà thờ lớn như Chính tòa Sài Gòn (Nhà Thờ Ðức Bà), Chính tòa Long Xuyên, Chính tòa Xuân Lộc, Chính tòa Huế (Phủ Cam), và hàng trăm các nhà thờ lớn nhỏ khác …

Trẻ: Anh “nắm” hết thị trường lớn ở miền Nam rồi!

A. Kim: (cười) Vượt “biên giới” miền Nam luôn! Những vũ trường, club, quán bars tại Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng hồi năm 1994 – 2005, hầu hết là do tôi thiết kế, lắp đặt, kể cả những hệ thống phóng thanh cho công viên, khách sạn…

kim-bo-vui-buon-nghe-am-thanh2
Ford Audio Video INC. là nơi “Kim Bose” làm việc 10 năm nay, sau khi định cư tại Hoa kỳ

Trẻ: Trong thời gian này, có công trình nào đáng lưu ý không?

A. Kim: Nhiều lắm. Cho các live show trực tiếp truyền hình khá rình rang hồi đó như Nhịp Cầu Âm Nhạc, Giai Ðiệu Tình Yêu, Ban Nhạc Và Bạn Trẻ, Vầng Trăng Cổ Nhạc, Tiếng Hát Truyền Hình… Các lễ hội, trực tiếp truyền hình như Sài Gòn 300 năm, Culture Festival Huế (thành nội Huế), 990 năm Thăng Long Hà Nội (sân vận động Hà Nội ), Khai mạc Sea Game 23 (sân vận động Mỹ Ðình, Hà Nội ), Hội Khỏe Phù Ðổng (sân vận động Huế ).

Sau đó, hễ có Bose là có Kim, và biệt danh Kim Bose “dính” luôn từ đó.

Trẻ: Anh có thể kể vài sự kiện lớn mà anh đã được thực hiện không?

A.Kim: Nếu nói về số người tham dự thì Lễ kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại thánh địa La Vang, Quảng Trị là đông nhất, trên 200,000 người (1998). Âm thanh hoàn hảo. Theo đánh giá của Ban tổ chức là “tuyệt vời”!

Còn sự kiện lớn thì setup hệ thống âm thanh cho Tổng thống Bill Clinton nói chuyện năm 2000.

Về số lượng microphone nhiều nhất thì setup và vận hành hơn 100 microphone cho chương trình Ðại Nhạc Hội Mừng Xuân 2004, Orchestra Symphony Band phối hợp với Jazz Band. Sân khấu này ở trước mặt tiền nhà hát lớn Sài Gòn hồi tháng 12 năm 2003.

Trẻ: Nghề nào cũng có chuyện vui, chuyện buồn, anh có kỷ niệm nào vui vui không?

A. Kim: Nhiều lắm. Nhớ nhất là hồi tụi tôi nhận set up cho chương trình tuyển lựa diễn viên điện ảnh (Triển Vọng Ðiện Ảnh). Mỗi thí sinh chỉ có vài phút biểu diễn. Các thí sinh rất căng thẳng, vì hầu hết là trẻ và lần đầu tiên ra sân khấu lớn. Loại micro lên sân khấu là loại đeo ở cổ áo. Có một cô bé xinh ơi là xinh, mặc áo đầm hai dây, quýnh quáng dang tay dang chân nói “Mấy chú ơi, coi chỗ nào gắn được thì giúp dùm cháu”. Thế là các anh hậu đài hăng hái “giúp đỡ” … (cười).

Trẻ: Anh định cư ở Mỹ năm nào?

A. Kim: Tháng 7-2005 thì tôi sang Mỹ. Tưởng dứt luôn nghiệp âm thanh, nào ngờ may mắn  được nhận vào công ty Ford Audio Video INC. Một công ty chuyên thiết kế lắp đặt audiovideo ở các vận động trường, phi trường, các chương trình họp hội…

Trẻ: Người Việt mình hầu như ai cũng thích hát karaoke, làm ca sĩ một đêm. Theo kinh nghiệm của anh, nếu muốn có âm thanh hay, phải chú trọng điều gì? Loa, mixer hay microphone?

A. Kim: Một hệ thống âm thanh lúc nào cũng có vẻ ổn khi chưa gắn micro. Khi cắm micro vào, thì y như rằng, sẽ đủ chuyện xảy ra: ồn, hú, rè… Muốn có một âm thanh hay ta cần tìm hiểu hoặc nhờ ai đó tư vấn, cân chỉnh micro.

Trẻ: Người ta nói “tiền nào của nấy”, như vậy có phải một dàn loa hay phụ kiện càng mắc tiền thì phẩm chất âm thanh càng cao?

A. Kim: Có khi ngược lại. Cái chính là mình có hiểu được nhu cầu thực sự khi mua hay không.

Trẻ: Tôi có người quen mua một dàn âm thanh, khi thử tại tiệm thì nghe rất hay. Khi mang về nhà thì nghe không giống ai. Có phải khi họ thử cho mình nghe là hàng xịn, còn bán là hàng dỏm?

A. Kim: Ở Mỹ hầu như không có tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Tại phòng thử, họ đã thiết kế vật liệu cho tường, trần nhà hoàn hảo cho dàn máy đó. Nên khi mang về nhà, âm thanh không thể giống nhau.

Trẻ: Anh có thể chỉ cho độc giả Trẻ bí quyết để chọn mua một dàn âm thanh vừa ý không.

A. Kim: Tốt nhất là nên có một người rành về âm thanh tư vấn. Ðáng tiếc là không phải lúc nào bạn cũng tìm đúng người (cười).

kim-bo-vui-buon-nghe-am-thanh4
“Kim Bose” lắp đặt âm thanh tại vận động trường Dynamo Soccer Stadium – Houston

Trẻ: Mình có thể tham khảo người bán hàng được không?

A. Kim: Tâm lý thông thường là mọi người tin vào người bán hàng. Nhưng mục đích của họ là tiêu thụ được sản phẩm, đôi khi có hưởng “huê hồng” từ doanh số. Ngay người mua bán thiết bị âm thanh tại Guitar Center, kiến thức về âm thanh của họ cũng rất giới hạn, dầu có thể họ rành rõi về thiết bị. Nhưng thiết bị không thôi, vẫn chưa đủ để có một dàn âm thanh hay.

Trẻ: Vậy làm sao để mua cho đúng?

A. Kim: Những chủ đầu tư lớn thường thuê hẳn một công ty tư vấn, thiết kế âm thanh. Trong phạm vi gia đình, thì giá tiền hay mẫu mã không quyết định chất lượng. Có khi một hệ thống với nhiều thiết bị thật đắt tiền nhưng không đúng mục đích sử dụng, thì vẫn không cho âm thanh hay. Ngược lại, giá rẻ nhưng phù hợp, vẫn có thể cho âm thanh tốt hơn.

Trẻ: Tôi có người bạn từng làm trong phòng thu (recording studio), khi nhờ chỉnh âm thanh cho dàn karaoke, vẫn không đạt. Có phải tại dàn loa nhà tôi dở?

A. Kim: Không hẳn. Có 3 lãnh vực âm thanh hoàn toàn khác nhau: phòng thu (recording studio), âm thanh phim (film studio) và nhạc sống (live sound). Mỗi thứ cần tay nghề khác nhau. Người này nhảy qua lãnh vực kia đều không ổn.

Trẻ: Ý anh là kỹ sư từ studio không thể nhảy ra làm live sound, hoặc một kỹ sư từ live sound nhảy vô làm studio ?

A. Kim: Ðúng vậy. Họ cần thêm kinh nghiệm vì tính chất công việc không giống nhau.

Trẻ: Có lần tôi nghe anh nói âm thanh là một nghề bạc bẽo, nhưng tôi thấy toàn chuyện thú vị thôi mà?

A. Kim: (cười) Cái đó mấy anh em trong lúc “trà dư tửu hậu” đùa thôi: khi làm show, chuyên viên âm thanh luôn là ê-kíp phải đến trước kéo dây, thử điện, thay pin, set-up v.v…

Nhưng một khi đèn sân khấu bật lên, khán giả chỉ biết đến ca sĩ. Ðể  buổi biểu diễn thành công, nhóm âm thanh toát mồ hôi hột. Hiếm khi có ai nhắc đến, nhưng mỗi lần trục trặc sẽ là người bị la ó đầu tiên (cười). Nhưng tụi tôi cũng hiểu, nghề nào cũng là nghề. Hễ mình thích thì mình sẽ yêu nó và bất chấp nhọc nhằn.

Trẻ: (cười) Xin chúc anh  luôn có những niềm vui trong công việc và hẹn anh một lần khác về đề tài âm thanh.

A. Kim: Cảm ơn anh.

Trẻ: Nếu một độc giả Trẻ nào đó có nhu cầu về cân chỉnh âm thanh có thể nhờ anh được không?

A. Kim: Hiện tôi đang làm full time cho hãng, nhưng cũng “ngứa ngáy” chân tay. Tuy nhiên, tôi có thể nhận việc sau giờ làm hoặc vào cuối tuần. Quý bạn đọc có câu hỏi hay thắc mắc gì về âm thanh, cũng có thể liên lạc với tôi.

Trẻ: Làm sao để liên lạc với anh?

A. Kim: Xin gọi điện, nếu không gặp để lại lời nhắn hoặc nhắn tin. Số điện thoại của tôi là 469-360-6380 Email: letruongkim66@yahoo.com

Trẻ: Cảm ơn anh! Xin phép được đại diện độc giả Trẻ chúc anh và gia đình một năm mới an lành và hạnh phúc! 

PVT