Sau khi Ban Mê Thuộc thất thủ là triệt thoái cao nguyên mà 4 liên đoàn Biệt Ðộng Quân của Quân khu 2 đều tan nát. Duy nhất Liên đoàn 24 Biệt Ðộng Quân do Thiếu tá Vương Mộng Long chỉ huy về đến Phan Thiết. Lần đầu tiên trong quân sử, một Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng chỉ huy một liên đoàn với 3 tiểu đoàn tác chiến, vượt 144 cây số đường rừng từ Kiến Ðức về Di Linh vẫn giữ đội hình và vũ khí, rồi tiếp tục chiến đấu tại Long Khánh, trong hỗn loạn nguy ngập của miền Nam.
Là một chiến tích. Như chiến tích giữ đồn Pleime tháng 7-1974 của Thiếu tá Vương Mộng Long đã đẩy lui các đợt tấn công của sư đoàn 320 Bắc-Việt. Thiếu tá Long đã viết ra một phần đời quân ngũ: Tháng Ba Năm Xưa, Tháng Tư Lại Về, Sao Hôm Sao Mai, Thời Thế, Thiện, Ác và Con Người… Nhưng còn Mậu Thân 68? Người sĩ quan can trường này khi ấy ở đâu? Làm gì? Mậu Thân Hưu Chiến là hồi ký sau cùng được viết trong những ngày áp Tết Mậu Tuất. Trần Vũ

(tiếp theo)
Kỳ 2
Lúc lâu sau, một tràng AK “Toác! Toác!Toác!” từ đâu đó bắn sang hướng xóm nhà tôi đang ở. Tôi vội bật dậy mặc áo quần, mang giày vớ. Khoác lên vai cái dây nịt có khẩu Colt 45, tôi nói với Trung sĩ Sửu và hai anh lính:
“Các anh hé cửa sổ canh gác, thấy gì báo cho tôi. Mình chỉ có một khẩu súng Colt này thôi. Tôi sẽ giữ súng và di động bảo vệ hai cái cửa.”
Sau đó chúng tôi ngồi chờ trời sáng. Sửu mở máy thâu thanh. Ðài Phát Thanh Sài-Gòn và Ðài Quân-Ðội chỉ có nhạc quân hành. Mãi sau mới nghe được tin Sài-Gòn đang loạn, Việt-Cộng xâm nhập thủ đô và đang đánh phá lung tung!
Mờ sáng, tôi bước ra sân. Bên kia sân là nhà Ðại úy Voòng Lập Dzếnh, Tiểu Ðoàn Phó Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Ông Ðại úy cũng đang quần áo súng ống dềnh dàng, thập thò trước ngõ.
– Á! Cái ông Long cũng ở đây há? Ðánh nhau lung tung trong phố, mình biết làm sao mà vào đồn bây giờ?
Ông Dzếnh là người Nùng, nói tiếng Việt không lưu loát lắm. Gọi tôi, thay vì “Long ơi! Long à!” ông ta cứ “Cái ông Long!”
Xe của tôi và xe của ông Dzếnh đều đậu trên đường Phan Ðình Phùng. Mặt lộ cao hơn xóm nhà bốn năm mét. Xe vào xóm không được, phải đậu trên lề đường. Tự bao giờ, bốn bánh chiếc xe của tôi đã bị bắn bể, xẹp lép! Xe của ông Dzếnh cũng cùng chung số phận!
Tôi và ông Dzếnh đành men theo bờ đường đi về hướng Trường Nữ Trung Học Pleime.
Tới Ngã Ba thì một chiếc Jeep Willy trờ tới, anh tài xế ngừng xe, một ông Mỹ nhảy xuống dang tay chờ.
– Hey! Long! What are you doing here? (Ê! Long! Anh đang làm gì ở đây vậy?)
Tôi nhào tới, ông ta ôm tôi vào lòng, ông ta là Ðại úy Donald A. Evans.
Donald nắm hai tay tôi, lắc lắc vài cái,
– Ðánh nhau khắp chốn! Ðại đội của anh đâu? Sao anh lại ở đây?
– Ðại đội còn ở trong đồn.Tôi ngủ ngoài phố. Xe tôi bị bắn hư.
Ông Donald và Ðại úy Dzếnh chỉ bắt tay chào nhau, chứ hai người không hề nói chuyện qua lại.
– Thôi! Lên xe đi! Chúng ta về đồn! Hôm qua anh cho tôi quá giang, hôm nay tôi cho anh quá giang.
Ông cố vấn đưa tay ra dấu cho chúng tôi lên ghế sau. Ghế sau có cái túi quân trang của Donald và chiếc áo Field Jacket của ông.
Tôi ngồi một bên, ông Dzếnh một bên, cái túi quân trang “ngồi” ở giữa.
Chúng tôi tới Biển Hồ, quang cảnh vắng lặng. Từ Chợ Chồm Hổm tới khu gia binh, nhà cửa đóng kín mít.
Tới sân tiểu đoàn tôi nhảy phóc xuống đất để quan sát tình hình.
Văn phòng đại đội tôi (1/11) bị bộc phá của Ðặc-Công Việt-Cộng đánh lủng một miếng vách, bàn ghế gãy nằm ngổn ngang, giấy tờ bay lung tung. Căn buồng sát vách văn phòng là nơi tôi để cái giường bố dùng ngủ qua đêm mỗi khi không xuất trại cũng lãnh nhiều trái bộc phá, chiếc giường vải rách tả tơi, đầy máu me. Ông Chuẩn úy mới ra trường và Binh nhứt Phạm Công Cường ngủ trong phòng này đêm Ba Mươi Tết. Không biết hai vị này chết sống ra sao?
Văn phòng của bộ chỉ huy tiểu đoàn cũng bị bộc phá đánh sập, sổ sách, giấy tờ tung toé khắp chốn. Trên mặt đất, bên phải cửa chính của văn phòng tiểu đoàn, nơi đặt cái giá gỗ treo cái kẻng sắt có một vũng máu lớn đầy ruồi nhặng. Như vậy là đã có ai đó mới bị giết ở đây đêm qua, thi thể đã được mang đi.
Một đoàn người trang bị súng ống, nón sắt, dây đạn đầy đủ, do ông Thượng sĩ trưởng trại gia binh dẫn đầu, mới từ khu gia binh theo cổng sau vào sân tiểu đoàn. Gặp tôi, ông Thượng sĩ nói,
-Nửa đêm Ðặc-Công đã vào đồn. Thấy đồn bỏ trống nên chúng nó ném bộc phá lung tung. Ông Thượng sĩ Du, Thường vụ Tiểu đoàn ngủ trong văn phòng, nghe tiếng nổ, bèn chạy ra đánh kẻng báo động. Không ngờ chạm mặt Ðặc-Công Việt-Cộng, và ông đã bị chúng đâm chết.
Hạ sĩ Truyền, tài xế xe Dodge của đại đội tôi thì kể rằng,
– Hôm qua, sau khi Trung úy lái xe đi, ông chuẩn úy cũng cho tất cả anh em còn lại ra khu gia binh chơi, vọng gác Ðông và vọng gác Tây bỏ trống, chỉ để lại một người gác cổng sau, cổng trước đã có ông Hạ sĩ Nghết tình nguyện trực suốt ba ngày, không cần người thay. Nửa đêm, nghe tiếng nổ, anh em vào tới nơi thì Ðặc-Công đã rút. Ông chuẩn úy cận thị bị thương nặng, máu me cùng mình, Binh nhứt Phạm Công Cường vỡ đầu, Thượng sĩ Du bị đâm chết. Bác sĩ của liên đoàn đã cho xe cứu thương di tản người chết và bị thương về Quân Y Viện Pleiku.
Sau này tôi cũng nghe ông Hạ sĩ Nghết kể lại rằng, ông ở đây một mình, vợ con ông ở ngoài Huế, mỗi năm ông đi phép về thăm nhà một lần thôi, vì thế ông tình nguyện trực pháo đài cổng chính suốt ba ngày Tết. Giờ Giao Thừa, lúc Việt-Cộng chui rào vào đánh bộc phá thì ông đang ngồi cầu nguyện, ông theo đạo Chúa. Sợ Việt-Cộng xông vào tấn công nên ông leo lên nóc lô cốt, thủ khẩu đại liên ba mươi. Cho đỡ sợ, ông cứ bóp cò súng liên tục, bắn loạn xạ lên trời. Ông bắn gần hết mười thùng đạn mới ngừng tay, nghe ngóng. Lúc ấy Ðặc-Công đã rút đi hết!
Chờ tình hình thật yên, ông Nghết mới xách khẩu Carbin M1 chạy vào văn phòng tìm ông Chuẩn úy. Thấy văn phòng tan hoang, ông hạ sĩ hoảng hồn, mở cổng chính, chạy thục mạng ra khu gia binh tìm Thượng sĩ Em. Ông Em là chỉ huy hậu cứ của đại đội.
Thượng sĩ Em tập họp anh em rồi kéo nhau vào đồn. Ông Em gọi điện thoại cho liên đoàn báo cáo tình hình. Nghe xong, ông Liên đoàn trưởng nổi cơn thịnh nộ, dọa sẽ đưa Trung úy Vương Mộng Long ra tòa án quân sự lột lon, vì bỏ đồn đi chơi, để địch tấn công. Rồi ông ra lệnh cho Trung úy Lưu Danh Rạng phải lập tức trở về hậu cứ Tiểu Ðoàn 11 để chỉ huy Ðại Ðội 1/11. Lúc đó tất cả quân nhân các cấp của đại đội đã tề tựu trong sân để chờ hạ sĩ quan tiếp liệu mở kho cho anh em nhận lại súng đạn.

Anh Rạng nguyên là Ðại đội trưởng Ðại Ðội 4/11. Anh ta đang thụ huấn khóa Chiến Tranh Chính Trị ở Ðà-Lạt sau khi bàn giao đại đội cho một sĩ quan khác tạm thời chỉ huy. Nhân dịp nghỉ Tết, Rạng “dù” về Pleiku chơi, vì ở Ðà-Lạt không quen, buồn quá! Tối Ba Mươi Tết, Rạng ngủ trong nhà người tài xế của Ðại Ðội 4/11, trong khu gia binh. Giao Thừa, súng nổ, anh theo chân một nhóm quân nhân hậu cứ của Tiểu Ðoàn 23 chạy vào bộ chỉ huy liên đoàn lánh nạn.
Hai giờ sáng, Trung úy Rạng được lệnh đem Ðại Ðội 1/11 đi tảo thanh địch trong phố Pleiku. Ðại Ðội 1/11 đi rồi thì đồn bị bỏ trống vì không có ai canh gác.
Tôi ra lệnh cho ông trưởng trại gia binh thu gom tất cả quân nhân còn lại ở hậu cứ vào canh gác và quét dọn những chỗ bị hư hại.
Bước vào văn phòng tiểu đoàn, tôi quay điện thoại gọi phòng trực của liên đoàn. Vừa nghe tôi xưng danh, bên kia đầu máy đã có tiếng giọng Bắc kỳ nạt nộ:
“Trung úy Long đấy hả? Trung úy đi đâu suốt đêm qua? Trung úy có nhiệm vụ giữ đồn mà để cho Việt-Cộng nó vào, nó đánh phá tan hoang nhà cửa, giết chết cả thường vụ tiểu đoàn mà Trung úy không hay. Kỳ này nếu Trung úy có bị lột lon thì cũng đừng kêu oan đấy nhé!”
Tôi vội hỏi,
– Xin lỗi! Ai đầu dây? Có phải Thiếu tá Thi Liên Ðoàn Phó đó không?
– Không! Tôi là Tính, hạ sĩ quan an ninh đây!
Thì ra, người vừa quát tháo ra oai với tôi không phải Thiếu tá Ðoàn Thi, Liên Ðoàn Phó, mà là anh Hạ sĩ nhứt Tính, phụ tá hạ sĩ quan an ninh liên đoàn! Anh Tính này trước đây là xạ thủ SKZ 57 ly của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Anh ta mới được biệt phái về Ban An Ninh của liên đoàn cách nay vài tháng.
Nghe biết người đầu dây bên kia là ai, tôi giận quá, quát lên,
– Vậy thì anh câm cái mồm lại ngay! Anh đừng có hỗn hào! Nếu tôi có lỗi thì cấp trên tôi sẽ khiển phạt tôi. Còn anh chỉ là một hạ sĩ nhứt mà dám ăn nói như vậy với tôi thì liệu hồn! Tôi muốn gặp Trung tá liên đoàn trưởng hoặc Thiếu tá liên đoàn phó ngay bây giờ! Nghe rõ chưa!
Giọng của người đầu dây bên kia có vẻ hơi run,
– Dạ! Trình Trung úy! Em chỉ lặp lại lời Trung tá liên đoàn trưởng thôi! Chứ em đâu dám hỗn với Trung úy.
– Câm đi! Tôi ra lệnh cho anh đi tìm Trung tá Dõng hay Thiếu tá Thi cho tôi nói chuyện gấp! Rõ chưa?
– Trình Trung úy! Ông trưởng và ông phó đều ra Pleiku rồi. Giờ này chỉ còn ông Chuẩn úy sĩ quan trực. Trung úy nói chuyện với ông ấy có được không ạ?
Ông Chuẩn úy sĩ quan trực cho tôi hay hai ông trưởng và phó đang ở chỗ Ban Kiểm Soát Biệt Ðộng Quân trên đường Hoàng Diệu Pleiku. Giao tranh đang diễn ra trong khu vực gần đó.
Tôi về văn phòng đại đội, mở tần số liên đoàn để nói chuyện với Trung tá Dõng. Nghe tiếng tôi, Trung tá Dõng hét lên,
– Ð! M! Mi còn sống đó hả? Ra đây mau! Cả ông Donald và ông Dzếnh cũng ra đây luôn! Nghe rõ chưa!
Tôi bước ra sân tìm ông Donald và ông Dzếnh; hai vị còn đang đi vòng vòng quanh doanh trại để quan sát sự thiệt hại do cú đánh phá vừa qua của Ðặc- Công.
Tôi chuyển lệnh của liên đoàn trưởng cho hai ông, rồi nhờ Thượng sĩ Em thảy lên xe một thùng lựu đạn khói màu, một thùng M 26 và một thùng MK 3, đánh nhau trong đường phố thì rất cần những thứ này.
Trước khi rồ máy, ông Donald vác cái túi quân trang và cái Field Jacket của ông ta vào văn phòng đại đội tôi, giao cho Thượng sĩ Em cất giữ dùm.
Chúng tôi chạy tới dinh Tướng Vĩnh Lộc thì đường bị dây kẽm gai rào kín, phải quẹo trái sang phía nhà thờ, rồi vòng sang Hoàng Diệu.
Trước Trạm Biệt Cảnh có nhiều người đứng lố nhố. Thiếu tá Ðoàn Thi đang điện đàm với một cánh quân nào đó, còn Trung tá Dõng thì ngồi trên bực cửa của Trạm Biệt Cảnh, miệng phì phà một điếu xì gà. Tôi chưa kịp đứng nghiêm chào kính thì ông Dõng đã oang oang,
– Ông nội đi đâu suốt đêm qua vậy ông nội? Canh gác gì mà để Ðặc-Công vào phá nát hậu cứ, giết chết lính của mình mà không biết gì thì tôi cũng phục ông luôn!
Tôi nghiêm giọng trả lời,
– Tôi nhận lỗi đã vắng mặt đêm qua. Nhưng nếu tôi ở nhà, và ra lệnh cấm trại tất cả anh em của đại đội trong khi súng ống bị nhốt trong kho, chắc tôi cùng nhiều người nữa đã không toàn mạng. Và chắc gì giờ này tôi còn được nhìn thấy Trung tá?
Nghe tôi nói vậy, Trung tá Dõng như chợt nhớ ra, chính ông đã ra lệnh cho tôi cất súng vào kho. Nếu như đêm qua cả trăm người lính bị cầm chân trong trại, tay không tấc sắt, chắc chắn số người chết bởi Ðặc-Công Việt-Cộng sẽ không lường được là bao nhiêu.
Ông cười làm lành,
– Thì ta cũng la ó cho có lệ vậy thôi, chứ ai không biết rằng lệnh cấm nổ súng là do quân đoàn ban ra! Chỉ tại thằng Việt-Cộng vi phạm chứ chú mi đâu có lỗi gì?
Sau đó Trung tá Dõng ra lệnh cho Trung úy Rạng trao lại quyền chỉ huy Ðại Ðội 1/11 cho tôi. Tôi được anh Rạng trả lại quyền chỉ huy đại đội vào lúc mặt trời lên cao cỡ nửa con sào. Anh em trong đơn vị thấy tôi trở về bình an đều mừng vui ra mặt.
Lúc này Ðại Ðội 1/11 đang bố quân dọc hai bên đường Hoàng Diệu trước Khách Sạn Bồng-Lai. Trung tá Dõng tới tận hàng hiên của Quán Kim-Liên ra lệnh cho tôi phải cấp tốc chuyển quân tái chiếm Lao Xá Pleiku và đặt một nút chặn tại đó. Vì con dốc từ Lao Xá Pleiku và khu Cây Ða Xà nơi chân Dốc Lò Heo chính là điểm xuất phát các mũi tiến công của Việt-Cộng.
Tôi gọi ba ông trung đội trưởng vào mái hiên Kim-Liên để phân chia nhiệm vụ. Vì Trung sĩ nhứt Ngọ, Trung Ðội Trưởng Trung Ðội 1, nằm bên kia đường nên không nghe rõ lệnh triệu tập của tôi, nên Hạ sĩ Dương Lô hiệu thính viên đại đội phải chạy sang thông báo miệng cho ông Ngọ.
Bỗng đâu! “Xoẹt! Oành!” Từ trên trời, một trái rocket phóng xuống cắm ngay giữa phố.
Trái rocket chỉ điểm cắm giữa lòng đường, toé lửa, khói trắng tuôn cuồn cuộn. Bụi bay mù mịt, cát đá rào rào đập vào tường, vào cửa nhà hai bên đường. Sức ép do trái rocket vừa nổ đã đánh văng toàn thân hình, kèm với ba lô, súng đạn, cùng chiếc PRC 10 của Hạ sĩ Dương Lô từ giữa đường bay vào sạp báo của tiệm Phở Kim-Phượng.
Trái khói nổ chỉ cách bộ chỉ huy liên đoàn và toàn ban cố vấn Mỹ chưa đầy một trăm mét!
Tôi không cần khiếu nại, hay báo cáo, cố vấn liên đoàn cũng đã thấy tận mắt cảnh tượng quái đản vừa xảy ra. Chỉ cần nhích một chút xíu nữa thì ban cố vấn Mỹ cũng “đi đoong!” Loa khuếch đại của máy truyền tin trên xe cố vấn đồng loạt rộ lên om sòm những tiếng chửi thề: “F! You! F! You! Check air! Check air! F! You!…”
Chắc đã nhận biết dưới chân mình là quân bạn, nhưng chiếc L.19 vẫn còn đảo thêm một vòng tròn trên đầu tôi, rồi mới lừng lững bay đi.
Tôi tiến tới bên ông Lô thì thấy cả người ông Hạ sĩ bị nám đen. Ông nằm ngoẹo đầu trên nền đất. Hai mắt ông mở trừng trừng: Phi cơ Ðồng Minh của tôi vừa giết oan một đồng ngũ của tôi!
Tôi vuốt mắt cho người quá cố, nhưng hai mi mắt ông không chịu khép lại!
Thấy thế, tôi bèn xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm lên, rồi xòe rộng bàn tay phải, phủ mặt cho người chiến binh già. Miệng tôi lẩm nhẩm : “Cầu xin Ðức Chúa Trời cứu rỗi!”
Phút sau tôi rút tay ra. Ðôi mi mắt người lính già đã khép lại! Da mặt ông như vừa sáng lên, rạng rỡ, hết nhăn nheo.
Có thể là, hơi ấm từ lòng bàn tay tôi đã kích thích dịch thủy trong mắt ông tiết ra khiến da mi mắt ông mềm đi, dãn nở, nên mắt ông nhắm lại được. Cũng có thể giờ phút đó Chúa Cứu Thế trên đường vân du, đã nghe lời nguyện của tôi, nên dừng chân ghé ngang, vớt linh hồn người lính già ngoan đạo Dương Lô về quê hương La Vang?
Tôi cho một trung đội thận trọng men theo đường rãnh thoát nước tiến xuống cổng Lao Xá.
Ðầu cầu lập xong, cả đại đội ào xuống núp quanh nhà dân. Tới lúc này tôi mới nhìn ra, ông Donald và cả Trung úy Rạng cũng có mặt trong đoàn quân của tôi.
Tôi nắm vai ông Donald,
– Ông đi theo tôi làm gì? Ông có nhiệm vụ gì ở đây mà theo tôi?
– Thì tôi đã hứa với anh rằng, kỳ hành quân này tôi sẽ đi theo anh. Anh không nhớ sao?
Thường thì một toán cố vấn phải gồm hai hoặc ba người. Giờ này ông Donald đơn độc đi theo tôi, không có máy truyền tin, không người hộ vệ. Trong lúc gấp gáp, tôi cũng không có thì giờ để hỏi rằng, ông làm chuyện này là tự nguyện hay đã có sự đồng ý của cố vấn trưởng.
Quay qua Trung úy Rạng, tôi hỏi,
– Toa đi theo moa làm gì?
– Sĩ quan đại đội chỉ có mình cậu, mình theo cậu để có gì cần, mình giúp cậu một tay. Có hai thằng đại đội trưởng, chết đứa này còn đứa kia, đơn vị không sợ mồ côi!
Trước lòng tốt của hai người bạn, một Việt, một Ðồng Minh, tôi cảm động không nói nên lời. Tôi nắm tay các bạn tôi, bóp một cái thật chặt, để thay lời cám ơn.
Trong cái thung lũng nhỏ, nhà dân toàn là loại lợp lá, vách phên. Không có gì dùng để che đạn, nên chúng tôi áp dụng chiến thuật tác chiến di động. Từng tốp ba người, súng chĩa ba hướng khác nhau, tiến chiếm từng căn nhà.
Bỗng từ dưới dốc, một người cầm gậy, đầu gậy treo một cái áo mayor trắng, vừa chạy lên dốc, vừa phất cờ. Một thanh niên hổn hển,
– Các anh lính Cộng- Hòa ơi! Các anh lính Cộng-Hòa ơi!
Trung sĩ Có giơ tay chặn anh ta lại,
– Có gì đó!
– Việt-Cộng! Việt-Cộng nhiều lắm! Chúng nó chiếm nhà em! Nhà em nằm dưới chân dốc!
Theo hướng tay anh thanh niên chỉ, tôi thấy, ngay dưới dốc là một căn nhà tranh, xung quanh có vườn cây um tùm.
– Trong nhà còn ai không?
– Dạ không. Ba má em và mấy đứa em về Quy- Nhơn ăn Tết nên chỉ có mình em giữ nhà thôi. Nửa đêm Hai Mươi Chín Tết mấy ông Giải-Phóng gõ cửa, ào vào, nhốt em trong buồng, cấm ló mặt ra. Sáng nay em nghe các anh lính Cộng-Hòa la hét trên dốc Bưu Ðiện, em bèn rút phên vách ra thành một lỗ hổng to rồi chờ đợi. Ðến khi các anh xuống tới nơi, em vội chạy lên báo cho các anh hay.
Chắc chắn trong căn nhà dưới kia không còn người dân nào, tôi quyết định diệt gọn số Việt-Cộng đang trú ẩn trong đó, không cho tên nào chạy thoát.
Tôi ra dấu cho người thanh niên lui về phía sau, rồi ra lệnh,
– Hai khẩu trung liên BAR của ông Ngọ và ông Khôi bắn xéo cánh sẻ sát hai đầu hồi căn nhà. Khẩu đại liên 30 quét ngay giữa nhà. Nhớ là phải quét sát đất! Tất cả súng tay còn lại đều nhắm vào căn nhà bắn thả giàn!
Chưa tới ba mươi giây sau,
“Ðùng! Ðùng! Ðùng! Cành! Cành! Cành! Ðoàng! Ðoàng! Ðoàng! Ùm! Ùm! Ùm!…” Gần năm mươi khẩu súng đủ loại, đua nhau nhả đạn nhằm vào cái nhà tranh dưới dốc. Vách phên toác ra từng mảnh, bay như bươm bướm. Mái tranh tung ra từng mảng, bay như bươm bướm. Thoáng chốc căn nhà đã tả tơi, biến dạng, có lẽ những cây cột chính đã bị bắn gãy, nên nó ngả nghiêng, chao qua, chao lại, như muốn đổ sụp. Không có ai từ trong nhà chạy ra. Không nghe một tiếng súng đáp trả!
Chờ năm, bảy phút sau, không thấy gì lạ, tôi ra lệnh ngừng bắn, rồi cho Trung Ðội 2 tràn qua mục tiêu, bố trí dọc con suối để giữ an ninh, còn Trung Ðội 1 thì lục soát mục tiêu.
Sau khi chiếm giữ căn nhà tranh và khu vườn dưới dốc, Trung sĩ nhứt Ngọ báo cáo,
– Trong nhà có khoảng hai mươi cán binh Cộng-Sản. Tất cả đã chết hết! Ta tịch thu được 22 khẩu AK47!
Tôi rút quân lên bố trí quanh Cây Ða Xà. Trung Ðội 1 dùng dây dù cột vào chân những tử thi địch, rồi kéo chúng về tập trung trên một bãi đất trống bên cổng chính của Lao Xá Pleiku. Xe của Quân Vận sẽ đem xác chúng đi chôn. Trong khi chuyển tải các tử thi, anh em phát giác ra một cán binh còn sống! Anh ta nằm giả chết! Trên lưng anh ta có khẩu K54! Anh ta là cấp chỉ huy!
Hai Biệt Ðộng Quân áp tải tên Việt-Cộng tới trước mặt tôi. Anh ta là người Miền Bắc, anh ta cũng cỡ tuổi tôi, hăm nhăm, hăm sáu là cùng. Tôi chỉ chỗ cho anh ta ngồi, rồi mồi cho anh ta một điếu thuốc lá Lucky không đầu lọc. Tôi không ra lệnh trói tay, bịt mắt anh ta, vì tôi nghĩ, chút nữa đây, chắc chắn sẽ có những phóng viên ngoại quốc tìm tới lấy tin vùng giao tranh, và họ sẽ chứng kiến cách đối xử với tù binh của Quân Ðội Việt-Nam Cộng-Hòa.
“Anh tên là gì? Quê quán ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Cấp bậc gì? Chức vụ gì? Ðơn vị nào?” Tôi từ tốn hỏi.
(còn tiếp)