Thời mà người ta nghỉ buôn bán ăn Tết cho đến ngày hạ nêu, hết “mùng” tới “mền”, tủ lạnh không phổ biến như bây giờ, thì đi chợ, chuẩn bị đồ ăn tích trữ trong nhà những ngày Tết là công việc không kém phần mệt nhọc. Tôi nhớ ngày nào cũng theo người lớn đi chợ để khệ nệ xách giỏ, ngày nào cũng khệ nệ lôi về xếp trong kẹt bếp hàng đống bắp cải trắng bự xự, cải tươi (loại để muối chua), cải tùa xại, củ cải trắng, củ cà rốt. Củ hành tím, củ tỏi khô thì treo thành từng chùm trên vách. Rồi gạo, nếp, đường, bột, dầu, cá khô, nước mắm, muối, me chín… Đó là nói về các loại đồ khô, thứ nào cũng phải tích trữ để có mà ăn qua Tết. Còn thịt, cá tươi thì đến ngày hăm chín, ba mươi mới mua để làm nồi thịt kho trứng vịt.

Nhà ai giàu nghèo gì cũng phải nấu nồi chè cúng ông Táo tất niên, món chè đó kêu là chè trôi nước. Ở quê tôi người ta không kêu là trôi nước mà kêu là chè xôi nước. Trôi hay xôi gì cũng một thứ thôi, đó là bột nếp vo tròn thả trong nồi nước đường nấu gừng thơm phức, chớ không có cục xôi nào trong đó cả. Nói theo kiểu của nhà văn Thạch Lam, thì “đó còn là những ngày no đủ”. Còn đến thời kỳ thiếu đói, thì cuối năm cũng vẫn phải có nồi chè trôi nước, chỉ đề cầu mong trôi đi hết tất cả muộn phiền, lo lắng, nghèo nàn. Nồi chè lúc này đơn giản chỉ có những viên nếp tròn thả trong nước đường chớ không có nhưn.
Không gì ấm cúng bằng múc từng chén chè bốc khói để lên mâm, bưng lên bàn thờ, đốt nhang cúng rồi sau đó bưng xuống chia ra mỗi người một chén. Mùi nước đường thơm mùi gừng, tỏa mùi khói nhang, xì xụp ăn chè trong cái nắng hanh hao lành lạnh ngày cuối năm, cảm giác vừa thích thú vừa bâng khuâng như vừa đánh mất một thứ gì đó không thể diễn tả được, mà sau này tôi mới biết đó chính là cảm giác đánh mất thời gian, khi năm cũ trôi đi còn năm mới thì chưa tới.
Mẹ tôi nói người ta nấu chè trôi nước có những viên bột nếp tròn là để cầu mong mọi sự trôi đi suôn sẻ, tròn trịa, đó cũng là tượng trưng cho sự may mắn sắp đến trong năm mới.
Năm nào mẹ tôi cũng chuẩn bị bột nếp khô để dành, đậu xanh cà, dừa khô, đường cát trắng để nấu chè. Ngay từ giữa năm, mẹ tôi đã lựa mua loại nếp ngon, hột dài mà trong vắt, thứ này nấu ra cơm nếp dẻo ơi là dẻo. Nếp đem về vo sạch ngâm qua đêm, sáng ra vút lại cho thiệt sạch, thay nước mưa vô rồi bắt đầu dùng cái cối đá xanh xay thành bột. Lại dùng cái rây rây cho sạch mài bột, xong cho tất cả bột vô cái bồng bột bằng vải, dằn xuống cối đá cho bột chảy hết nước thành một cục sền sệt như cục đất sét. Mẹ tôi lấy cục bột ra khỏi bồng, dùng con dao nhỏ xắt bột thành từng miếng mỏng mỏng ra cái mâm nhôm, rồi bưng mâm ra phơi nắng cho bột thiệt khô mới cho bột vô bọc nilon cất đi, cuối năm mới đem ra làm bánh, nấu chè. Gần Tết cũng tìm mua dừa khô ngon để dành, lựa trái dừa vừa bự vừa nặng, vừa tròn, lấy cái dao phay lớn, đập một phát nó nứt vỏ hai miếng đều nhau, kê cái ca vô hứng lấy nước dừa chảy ra, còn phần cơm dừa thì phải dùng cái bàn nạo dừa hè hụi nạo muốn ná thở luôn.
Hồi xưa, ở quê người ta thường dùng nước lá dứa lấy màu xanh, củ dền lấy màu tím, củ nghệ lấy màu vàng để làm bột viên chè thêm hấp dẫn. Sau này, đơn giản hơn thì dùng màu xirô, màu thực phẩm để pha vô bột. Ðó là thời gian tôi còn là đứa nhỏ sáu bảy tuổi. Sau này, tôi thấy người ta không làm chè trôi nước nhiều màu như vậy, chỉ đơn giản một màu vàng ngà ngà của nước đường mà thôi.
Bây giờ, bột làm sẵn bán đủ thứ ngoài chợ, mua bao nhiêu cũng có, nên muốn nấu nồi chè trôi nước cũng đơn giản hơn nhiều. Dừa khô muốn loại nạo sẵn bao nhiêu cũng có, chỉ cần chọn trái dừa ngon, đưa cho chủ bán kê vô máy nạo cái ào là xong liền tức thì.
Chè trôi nước dễ làm. Ðậu xanh cà là đậu xanh đã đãi bỏ hết vỏ xanh, chỉ còn phần hột đậu màu vàng bên trong. Trước hết đem đậu xanh vo sạch, hấp chín rồi tán cho nhuyễn đều. Dùng dầu ăn phi hành cho vàng rồi đem đậu xanh ngào với hành phi, đường cát, chút vani, thành bột dẻo dẻo một chút. Ðể nguội vo đậu xanh thành từng viên nhỏ như cái trứng cút để làm nhưn bánh. Người ta cũng làm nhưn dừa bằng cách nạo dừa khô ra rồi cũng dùng dừa đó ngào với đường, vani, thêm chút bột nếp cho có độ dính, rồi cũng vo dừa ngào thành từng viên như trứng cút. Nhưn dừa thì ngọt gắt hơn nhưn đậu xanh.
Bột nếp nhồi với nước ấm cho ra bột dẻo dẻo là nặn bánh được rồi. Ngắt một cục bột nếp vo tròn, ép xuống cho dẹp ra, lấy cục nhưn để vô miếng bột, túm miếng bột lại rồi vò cho bột bao xung quanh cục nhưn, thành ra cái bánh tròn vo, rồi xếp từng viên vô cái thau đã có thoa bột khô để bánh không dính thau. Cứ vò như vậy cho đến khi hết nhưn thì thôi. Viên chè vo xong lớn cỡ trái chanh xanh. Còn dư bột nếp thì người ta vò thành từng viên nhỏ như ngón tay, sau này bỏ vô nồi luôn, kêu là viên ỉ.
Bắc một nồi nước, chờ nước thiệt sôi mới thả từng viên bột vào nồi nước. Khi nào thấy viên bột chín thì viên bột nổi lên mặt nước và bột trong là được, vớt viên bột ra cho vô thau nước lạnh để không bị dính. Sở dĩ ta phải luộc trước viên bột như vậy thì bột nếp mới nở và mới mềm, nếu không luộc bằng nước lạnh mà bỏ luôn viên bột vào nồi nước đường đang sôi thì nó vẫn chín, nhưng viên bột sẽ bị co cứng lại, không ngon nữa.
Nấu một nồi nước đường bằng đường cát trắng hay đường thốt nốt. Nếm nước đường ngọt vừa miệng là được. Gừng cạo sạch đập giập thả vô nồi nước đường để nước đường thơm mùi gừng. Thả viên bột đã luộc vô nồi nước đường, nấu cho sôi lên lục sục là xong.
Khi ăn thì rắc thêm ít muối mè rang vàng. Có người cầu kỳ thắng thêm nước cốt dừa chan vô chè cho thêm phần béo ngậy.
Khi ăn món chè trôi nước này bạn múc chè ra chén cho ít nước dừa lên cùng chút mè rang vàng lên trên. Chè trôi nước kiểu miền Nam có chút hành phi cùng dừa nạo bên trong viên chè làm vị chè thơm hẳn, lại có chút béo béo thật ngon.
Cách nấu thì đơn giản như vậy, nhưng người ta ăn chè trôi nước cuối năm là ăn cái may mắn, trôi đi cái xui rủi, nên ăn cái không khí Tết nhiều hơn là ăn cái ngon của chè. Mỗi lần nhà tôi nấu chè trôi nước, con nít tụi tôi thích thú lắm, thế nào cũng đi theo nèo nẹo bà ngoại làm bột nếp dư dư ra để vò ỉ. Bà ngoại chiều ý cháu, nắn bánh xong rồi, thế nào cũng dư ra cục bột, bà ngắt ra làm ba bốn cục nhỏ, lấy xirô màu cho thêm vô nhồi thành viên lon con xanh, đỏ, vàng, cam, tím thả vô nồi chè. Bọn tôi ngồi chầu chực quanh bếp lửa, chờ chè nấu chín xong, ngoại múc từng viên lớn ra chén để lên mâm cúng rồi thì bọn nhỏ thi nhau giành cái nồi để kiếm mấy viên ỉ bột màu. Thật ra đó chỉ là bột nếp thả vô nước đường mà thôi, làm sao ngon hơn viên trôi nước cho được. Nhưng con nít là vậy, không thích viên chè lớn, chỉ thích những viên bột nhỏ nhỏ đủ màu đủ sắc, ngọt ngọt là khoái tỉ rồi hà.
TPT