Menu Close

Những mối thân tình vượt nghìn dặm

Hôm nay, người viết xin được nói tới những mối thân tình vượt qua nghìn dặm – qua bão tố và hận thù bạo lực để đến với nhau trong tiếng hòa ca vang dội. Đó là những nhân vật của thời nay: Việt Dzũng, Việt Khang và Trúc Hồ.

Trước hết là Việt Dzũng và Việt Khang. Hai người ở hai phương trời dưới những ngôi sao khác nhau nhưng lại có chung những điểm tương đồng. Trước hết cả hai cùng sống và nhìn thấy sự tàn bạo của chế độ Cộng Sản. Cạnh đó là âm nhạc. Như âm nhạc của The Beatles đã có thời vượt qua bức tường ý hệ và biên thùy chó săn để đến tận những ưu ngôn cốc ở Praha làm mồi lửa đốt bùng lên nhiệt tình cách mạng giật sập chế độ cai trị tàn khốc của lũ cáo chồn Cộng Sản. Ở Liên Sô, âm nhạc the Beatles cũng đến tận các trường học gieo mầm phản kháng trong những tâm hồn thơ trẻ. Âm nhạc của Việt Dzũng và Việt Khang cũng phần nào có được cái sức mạnh vừa nói.

Ôi, làm sao quên được. Những năm đen tối đói khổ sau 1975, ở trong nước nghe vọng về

Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá

Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay

Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may

Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày

Gởi về cho chị dăm ba xấp vải

Chị may áo cưới hay chị may áo tang

Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang

Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

Con gởi về cho cha một manh áo trắng

Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây

Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy

Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình

nhung-moi-than-tinh-vuot-nghin-dam

Còn nhiều nữa: cây bút để anh vẽ lại cuộc đời với ước vọng nhỏ nhoi, gói trà xanh để mẹ uống cho tan niềm cay đắng, chiếc nhẫn quý để cô em bán tìm đường vượt biên v.v… Ngày ấy, trong bóng đêm mịt mùng, nghe lời hát của Việt Dzũng mà không cầm được nước mắt. Và lời kinh đêm

Lời kinh đêm ôi lời kinh đêm.

Trời mong manh ôi đời lênh đênh.

Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ…

Ðó là cuộc vượt biên của cả triệu người. Bằng những chiếc thuyền mỏng manh. Giữa trời nước bao la, chỉ có lời cầu nguyện. Lời kinh đêm xin gởi đến thế giới. Chờ đợi một bàn tay.

Vậy đó. Âm nhạc và lời ca của Việt Dzũng đã vượt muôn trùng sóng dữ về tới quê nhà, thấm sâu vào lòng người và gỗ đá. Việt Dzũng cũng như Việt Khang sinh trưởng tại Miền Nam. Trong giai đoạn từ 1971 cho đến trước 30 tháng 4 năm 1975, Dzũng tham dự nhiều đại hội nhạc trẻ bên cạnh Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc… Vượt biên sang Mỹ năm 1975 anh tham gia ngay sinh hoạt âm nhạc hải ngoại và đã sáng tác một số bài được cộng đồng người Việt ở đây biết đến như “Một chút quà cho quê hương”, “Lời kinh đêm”, “Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn”. Ngoài ra Dzũng còn hợp tác với ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, Nguyễn Hữu Nghĩa một thời gian, đi lưu diễn nhiều nơi ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Âu châu, mở đường cho Phong trào Hưng ca hải ngoại. Do hoạt động tích cực trong phong trào chống Cộng, Việt Dzũng và Nguyệt Ánh bị nhà cầm quyền Việt Nam tuyên án tử hình khiếm diện. Việt Dzũng với bài “Một chút quà cho quê hương” cùng với Nam Lộc (tác giả bài “Sài Gòn vĩnh biệt”) được nêu danh là một trong những tên tuổi chính của dòng nhạc Việt Nam hải ngoại.

“Sinh thời, nhạc sĩ Việt Dzũng từng nói đùa rằng ông đợi nhạc sĩ Việt Khang ra tù để kết nghĩa anh em, vì có cùng chữ “Việt” trong nghệ danh, cũng như cùng tâm hồn tranh đấu. Nhưng nay thì ước muốn đó đã không thể thành sự thật.”

Ðúng là hai người không còn gặp nhau được nữa. Nhưng đền bù lại, mẹ của Việt Dzũng đã nhận Việt Khang làm con nuôi. Vừa qua, nhìn thấy hình Việt Khang đứng trước mộ Việt Dzũng, lòng này không khỏi bùi ngùi xúc động. Việt Khang đến Mỹ sau hơn 4 năm tù và hai năm quản chế dưới chế độ Cộng Sản. Cũng chỉ vì hai ca khúc phản kháng: Anh là ai Việt Nam tôi đâu. Tất cả là nhờ sự can thiệp từ bên ngoài – của chính phủ Mỹ và Thượng Nghị Sĩ John McCain cũng như tấm lòng của những bạn bè yêu nhạc.

Tới đây xin nhắc thêm một mối giao tình nữa: Ðó là sự kết nối giữa Việt Khang và Trúc Hồ. Rõ ra, ngoài giòng máu Việt Nam, thì âm nhạc, hay sự quan tâm đến đất nước là nhịp cầu đã đưa hai người nhạc sĩ tuổi đời cách nhau hơn một thập niên, và ở xa nhau cả nửa địa cầu đến với nhau. Trả lời phỏng vấn của BBC, Việt Khang cho đó là ‘cơ duyên’. Hãy nghe

Ðáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi

Quyết bảo vệ giang san ta thà chết cho quê hương.

Ðây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,

Cùng giòng máu Việt Nam.

Ðó là tâm tư mà nhạc sĩ Trúc Hồ, lúc ấy 45 tuổi đã gửi đến người Việt Nam, trong nhạc phẩm có tên ‘Ðáp Lời Sông Núi’.

Ðáp Lời Sông Núi được phổ biến cùng với nhiều tác phẩm khác phát hành khoảng năm 2009, đã không vào Việt Nam qua ngả đường chính thức, và vì thế, rất lâu mới đến được với người nghe. Tâm tình này đã làm một thanh niên trẻ đam mê nhạc ở Việt Nam xúc động. Chàng thanh niên Việt Khang lúc ấy 34 tuổi, lên tiếng khẳng định:

…Là một người con dân Việt Nam

Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm

Người người cùng nhau

Ðứng lên đáp lời sông núi…

(Việt Nam Tôi Đâu, Việt Khang, 2011)

Việt Khang tâm sự: ‘’Việt Khang hôm đó bất ngờ rất lớn trước sự đón nhận của đồng bào, nhiều người kêu tên Việt Khang, Việt Khang, không biết nhìn ai luôn, chỉ biết cúi đầu chào, và chỉ biết kêu tên anh Trúc Hồ, tìm coi anh Trúc Hồ đâu…’’ Việt Khang tiếp: “Anh Trúc Hồ là người Việt Khang biết từ bé, không hiểu sao em cảm nhận được, thích cái giòng nhạc đó, thích giai điệu của anh. Từ khi chập chững mới vào cái nghề ca hát, em đã hát những bài nhạc của anh Trúc Hồ. Những nhạc phẩm Việt Khang sáng tác có mang ảnh hưởng của anh Trúc Hồ, điều này anh Trúc Hồ biết, và nói thật lòng là Việt Khang yêu quý anh Trúc Hồ đã từ lâu.’’

‘’Lúc đó thì thấy em mình nó qua được rồi có bao nhiêu người tiếp đón thì mình đứng đó mình mừng. Mình mừng cho đến khi mình thấy nó kêu mình ‘anh Hồ ơi, anh Hồ ơi’ thì chạy đến mình không biết nói gì, chỉ ôm nó một cái thôi.’’ Nhạc sĩ Trúc Hồ thổ lộ.

Trả lời câu hỏi có ai khóc không, cả hai im lặng giây lát, rồi Việt Khang ngần ngại nhìn sang Trúc Hồ, tố cáo: “Anh Trúc Hồ khóc, anh khóc quá trời!’’ “Ôm nó cúi đầu xuống để không ai thấy không ai biết gì hết trơn…’’ Trúc Hồ thú nhận.

Trở lại với âm nhạc Việt Khang khi nghe những lời chân thật của Khang ai không xúc động:

Xin hỏi anh là ai?

Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?

Xin hỏi anh là ai?

Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay? (Anh là ai)

Giờ đây

Việt Nam còn hay đã mất. (Việt Nam tôi đâu)

Trả lại đây cho nhân dân tôi

Quyền tự do, quyền con người

Quyền được nhìn, được nghe, được nói

Quyền được chọn chân lý tự do

Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn. (Trả Lại Cho Dân)

Ðể hiểu thêm Việt Khang, xin mời các bạn đọc đoạn văn sau đây của nhạc sĩ Nam Lộc: “… anh là một người nhạc sĩ trẻ, với trái tim nhân hậu và tranh đấu cho nhân quyền qua những ca khúc làm rung động trái tim của hàng triệu người trên thế giới!

Tuy nhiên cho đến khi tiếp xúc và gặp gỡ trực tiếp VK, tôi lại càng ngưỡng mộ và khám phá thêm ở anh những khía cạnh khác của một con người đầy lòng nhân bản. VK tên thật là Võ Minh Trí, là một người miền Nam, ăn nói thật giản dị, thành thật và từ tốn. Nhưng khi quan sát VK trả lời những câu hỏi rất tò mò và phức tạp của các phóng viên báo chí, truyền hình trực tiếp ngay tại phi trường sau hơn 30 giờ không ngủ, vừa bay, vừa đợi chờ ở phi cảng, trong một hoàn cảnh thật tế nhị, đầy xúc động, tôi mới biết anh là một người thật sâu sắc, cẩn thận và kỹ lưỡng. VK không từ chối bất cứ một câu hỏi nào và quan trọng hơn cả là không hề phát biểu một điều gì thừa thãi hay vấp váp hoặc “đụng chạm”! Từ chuyện gia đình, tù tội, chính trị, đến hận thù và nhân nghĩa, không thiếu bất cứ một câu hỏi nào mà người ta không đặt ra cho VK tại phi trường Los Angeles, ngay khi vừa xuống máy bay với nét mặt còn xanh xao, mệt mỏi.

Bước ra khỏi phi trường và đi cùng với những người nghệ sĩ đồng chí hướng, đã chia sẻ cùng một lý tưởng và phổ biến những ca khúc yêu nước của anh trên khắp thế giới như Trúc Hồ, Quốc Khanh, Nguyên Khang, Mai Thanh Sơn… Nhìn VK tươi cười và huyên thuyên nói chuyện, tôi có cảm tưởng như một cánh chim, đã vừa tìm được tổ ấm mới ở hải ngoại. Vì thật sự khi sinh hoạt chung, tôi biết các anh chị em nghệ sĩ vừa kể, cộng với Diễm Liên, Ðoàn Phi, Y Phương, v..v.. vẫn thường âm thầm trao đổi và nói chuyện qua điện thoại với VK, có khi hàng ngày. Qua các buổi trình diễn nhạc VK, những lúc tinh thần khán giả lên cao độ, tôi còn thấy họ lén lút “livestream” cho VK cùng chứng kiến. Họ chia sẻ, giúp đỡ và bảo bọc người nhạc sĩ yêu nước này như chính người thân trong gia đình của mình. Chả thế mà họ đã, đang và sẽ khắng khít với nhau. Họ đã kiên nhẫn, bỏ ngoài tai những lời đồn đãi nhảm nhí để sống với nhau một cách chân thành và tình nghĩa của những con người có tư cách và trái tim yêu nước.”

Giờ đây Việt Khang đã tới được bến bờ tự do nhưng anh không gặp được Việt Dzũng người anh em kết nghĩa. Tuy vậy anh đã được mẹ Việt Dzũng đón tiếp vào trong gia đình. Và Việt Khang đã gặp được Trúc Hồ cũng như nối vòng tay bè bạn. Hy vọng rồi đây những tiếng hát sẽ cùng cất lên và vang xa cho nắng lên xua tan bóng tối nơi quê nhà.

TN