Menu Close

Thành phố dưới lòng đất

Hình ảnh ngày nào của một Houston – Texas tang thương chìm ngập trong biển nước đã được lan truyền khắp thế giới, vẫn còn là mối quan tâm đặt câu hỏi từ nhiều người, thành phố dưới lòng đất Houston (Houston Underground Tunnel) nay ra sao?

thanh-pho-duoi-long-dat
Cảnh phía trước building vào Houston Tunnel

Trở lại Houston Underground Tunnel sau bão Harvey vào ngày cuối đông, thật kinh ngạc khi mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Không giống như một số nơi bị thiệt hại nặng nề, Downtown tiếp tục phát triển với nhịp độ năng động xem như không có gì xảy ra trước đó. Một sự kỳ diệu như phim ảnh viễn tưởng của thế kỷ 21.

Ði để tìm câu trả lời. Cảnh ghê rợn của Buffalo Bayou ngập nước 30 inches trước và sau bão, vẫn còn là nỗi ám ảnh nhưng  sự đe dọa nhiều nhất lại không rơi vào địa bàn trung tâm tòa thị chính. Ngay chính Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ đã cảnh báo: “Sự kiện chưa có này sẽ tác động vượt xa những gì từng trải qua. Mức độ thiệt hại nặng nề là điều khó tránh khỏi”. Vậy mà, không hề có sự tổn thất bên trong Houston Underground Tunnel. Ngoại trừ vài kiến trúc bên ngoài cần tái tạo lại.

Do mưa lớn lâu thấm nước làm hỏng một số cảnh quan, tường rêu phong cần sơn quét lại, còn lại là bình yên – một thoáng bình yên! Xa lộ I 10 East, 610 North hướng về nơi mà nước vượt qua 25 inches – 50 inches nay quang đãng sạch sẽ. Dọc hai bên đường người ta trồng hoa và cây xanh lại, đào xới đất tỉ mỉ. Máy móc, cần trục hoạt động cùng âm thanh pha tạp tạo nên sự sống tái sinh. Harris County đang tiến hành hoàn tất sửa chữa Jury Assembly Building dưới lòng đất, một số cấu trúc bị hư hại nặng phải thay thế.

Theo tìm hiểu, yếu tố quyết định quan trọng là nhờ sự thông minh, kiến thức xây dựng. Thành phố nằm sâu dưới đất thực sự an toàn bởi nhờ những cấu trúc độc đáo xung quanh che chắn. Nắm vững chu kỳ lụt lớn mỗi 25 năm sẽ xảy ra một lần do bão, thềm tòa nhà phải xây cao hơn 2 feet so với mặt đường. Hệ thống thoát nước dưới tầng hầm parking giữ xe cũng được xây dựng đặc biệt, đủ sức chịu đựng dung tích nước mưa lớn.

thanh-pho-duoi-long-dat1
Cảnh phía sau building vào Houston Tunnel

Vấn đề quan trọng là sinh hoạt vẫn diễn ra trong thời gian lụt. Sôi động nhất vào giờ trưa cao điểm, gần 150 ngàn nhân viên của 95 tòa nhà đổ xô vào hệ thống đường ngầm nối kết. Họ di chuyển từ khu vực này qua khu vực khác bằng nhiều lối khác nhau, hoặc đi xuyên cầu bắc ngang được phủ kính trong suốt.

Vào giữa tòa nhà chính ta mới thấy các cánh cửa đường hầm dẫn đến thành phố dưới đất với hệ thống đường hầm dài 20 km. Người ta xây dựng một hệ thống thành phố dưới lòng đất khổng lồ và vô cùng khoa học. Nơi đây, mọi thứ cho nhu cầu sinh hoạt giống như trên mặt đất. Hầm đi rực ánh sáng. Mọi góc đều thoáng bởi đầy đủ hầm thông gió và mạng lưới điều hòa nhiệt độ.

Khoác bộ đồng phục sang trọng, các nhân viên văn phòng vui vẻ tìm đến những gian hàng ăn uống đa dạng, thư giãn, cắt tóc… Thậm chí họ có thể tìm ra dịch vụ y tế, ngân hàng, bác sĩ rất thuận tiện khi mình đang làm việc trong khu vực Downtown.

Ðể tránh khách bị lạc đường trong mê cung nhiều lối ra vào, bảng tên chỉ dẫn hay bản đồ trung tâm được thiết lập một số nơi.

Tiện nghi hơn, là vô số cửa hàng shopping thương hiệu nổi tiếng đa quốc gia đầy sức hấp dẫn, nên khách hàng không cần đi đâu xa. Giờ giấc thích hợp, thuận tiện cho cả bên bán lẫn mua, sinh hoạt đắt nhất từ 12h – 3h theo vài chủ doanh nhân cung cấp.

Không hề thấy bóng dáng sắc phục an ninh. Thực ra họ mặc áo dân sự, sẽ can thiệp kịp thời nếu có tình huống xấu. Một dàn camera quan sát kín đáo khắp nơi nhiều tầng. Do vậy đừng dại dột làm gì sai trái,  khó thoát khỏi sự phát hiện.

thanh-pho-duoi-long-dat2
Một góc Thành phố dưới lòng đất

Không hẳn ai cũng được biết thành phố dưới lòng đất này, ngay cả dân địa phương Houston. Thật là kỳ tích khi siêu bão thế kỷ Harvey ập lên, nó không bị ảnh hưởng mấy. Nước khó thể tràn vào hệ thống đường hầm được bịt kín bằng xi măng nằm giữa trung tâm cao ốc. Ðiều này tạo nên sự che chắn kiên cố nhất cho thành phố dưới lòng đất trước bất kỳ tình huống thiên tai nào, chỉ trừ khi động đất phải chịu thua.

Ngạc nhiên, Harvey đã đổ xuống 374 tỷ gallons nước, biến đường thành sông. Một cơn  “ đại hồng thủy“ không ai mong chờ. Vậy mà các kỹ sư công chánh, nhà thiết kế xây dựng đã lường trước để tính toán mỗi 100 năm bão xảy đến. Ngay cả khi mưa trút xuống 13 inches / 1 hour thì cấu trúc phải thế nào. Những con đường vào Downtown ngày ấy trắng xóa, nước ngập khắp các cửa ngõ.

Ðịa hình Houston vốn rất phẳng, vì thế các ban ngành liên quan đã khảo sát kỹ mức độ lụt khi xây hệ thống thoát nước dẫn nước. Ít nhất phải bảo vệ tài sản công cộng trong vòng 100 năm.

Mặc dù tính toán kỹ nhưng sự việc không lường trước được cái giá 10 triệu đô la – giá trị của những chiếc xe bị lụt làm hỏng tại tầng 2 garage tòa thị chính trong thời gian Harvey. Nước dâng cao 15 foot phía sau cửa phụ City Hall. May mắn cho phía trước, bao gồm đường dẫn đến cửa chính vào thành phố dưới lòng đất lại không bị nước tấn công .

thanh-pho-duoi-long-dat3
Lối đi đường hầm thành phố dưới lòng đất .

Quay về thời gian hơn 4 tháng trước, thông tin ngập lụt bao quanh Downtown Houston được chuyển tải qua mạng xã hội cùng các đài truyền thông phát sóng. So sánh hình ảnh đau thương ngày hôm qua với ngày hôm nay, là sự khác biệt lớn. Nhớ lại cảnh nước dâng cao ở phía bắc và một số nơi phía tây bao gồm nhà kho, viện bảo tàng lịch sử và rạp chiếu phim bị ảnh hưởng. Lụt tấn công vào trung tâm giữ xe tòa thị chính. Tất cả những gì đã xảy ra, trái ngược những gì ghi nhận trước mắt. Người ta vẫn nhộn nhịp bước đi trên đất lẫn dưới lòng đất. Những chiếc tàu điện Metro vun vút đưa người đến bến đỗ và trở về điểm xuất phát, mỗi 10 phút một chuyến.

Với chiều dài 11km kết nối các tòa nhà chọc trời – trung tâm tòa thị chính, khó bị lạc trước hàng loạt điểm báo cho việc di chuyển chính xác. Hệ thống đường ngầm cũng kết nối đến các garage cao tầng, giúp toàn bộ nhân viên dễ dàng lấy xe sau giờ tan sở mau chóng.

Những con đường sạch đẹp trong lòng đất tạo ra một mạng lưới giao thông liên hoàn. Người ta biến hệ thống đường ngầm này như bầu trời che nắng mưa, tránh cái nóng mùa hè và cả cái lạnh mùa đông. Không như Saint Paul hay Minneapolis của Minnesota thiết kế đường ống kín nối kết trên cao(Skyway Systerm ); ngược lại Houston lại sử dụng hệ thống dưới đất (The Tunnel ). Con đường ánh sáng điện thay mặt trời. Khái niệm ngày đêm khó phân biệt, chỉ trừ khi nhìn đồng hồ. Ðược xếp trong top hệ thống đường hầm lớn nhất thế giới nên nơi đây cũng là điểm thu hút du khách khắp nơi.

Quá nhiều dịch vụ hấp dẫn người ghé chân. Có một thời con đường đặc biệt Fremont ở Las Vegas sử dụng máy lạnh suốt ngày đêm 24/24 được thán phục. Nay, so với thành phố dưới lòng đất dám “máy lạnh cho cả thành phố ” thì quả là ấn tượng, vĩ đại. Cảm giác thú vị khi đi từ building này sang building kia, mà không biết mệt bởi hiệu quả cầu thang máy và hệ thống điều hòa mát lạnh.

Trong mùa đông giá lạnh, kèm theo cơn mưa nhẹ u ám bầu trời khiến ít người qua lại trên đường phố. Khí hậu khắc nghiệt làm người bộ hành thích sử dụng đường hầm hơn, bởi lẽ an toàn và thuận lợi. Nhìn tổng thể, một số khu vực đang tiến hành tái tạo lại sau Harvey. Nhằm mục đích giữ gìn không gian đẹp thành phố đang trên tiến trình sửa chữa xây dựng vài nơi bị thiệt hại.

Khả năng phục hồi nhanh chóng cho thấy “xứ tư bản giãy chết” mà nó “giãy” hoài không chết.

TT