Chính quyền có thể nhắm vào người di dân sử dụng trợ cấp phiếu thực phẩm và các lợi ích xã hội khác
Trong một nỗ lực khác nhằm giảm số di dân hợp pháp, chính quyền muốn làm khó những ngoại kiều nộp đơn xin thẻ xanh, và thường trú nhân nếu họ dùng những lợi ích công cộng. Ðây là luật mới, vẫn còn nằm trên bản thảo và chưa được tổng thống ký.
Luật này có thể sẽ ảnh hưởng đến hai loại di dân: Một nhóm di dân đang ở Hoa Kỳ hợp pháp và đang nộp đơn xin quy chế thường trú nhân. Còn nhóm di dân khác đã có quy chế thường trú nhân nhưng người bảo lãnh có thể bị buộc phải hoàn trả bất cứ lợi ích công cộng nào mà người thường trú nhân đã nhận. Những quy định này đã hiện hữu từ lâu nhưng chưa được thi hành. Nhưng, những thông tin hiện có không nói rõ nếu thường trú nhân đã nhận những lợi ích công cộng một cách hợp pháp có phải hoàn trả hay không, vì họ đã được các văn phòng xã hội chấp nhận đơn xin những lợi ích này sau khi xem xét sự hợp lệ.
Theo luật mới, một người sẽ bị xem là “gánh nặng xã hội” nếu họ trông nhờ vào bất cứ sự trợ giúp nào của chính phủ với hình thức tiền mặt, chi phiếu hoặc những hình thức khác về tiền bạc, và những trợ giúp chính phủ không phải tiền mặt dưới hình thức trợ cấp, dịch vụ hoặc các trợ giúp khác.
Một số những lợi ích công cộng được liệt kê trong luật mới: Những trợ giúp về bảo hiểm sức khỏe, chẳng hạn như những trợ giúp được cung cấp qua Ðạo Luật Chăm Sóc Ðủ Khả Năng (tức Affordable Care Act); Chương Trình Trợ Giúp Dinh Dưỡng Bổ Sung (tức Supplement Nutrition Assistance Program); Chương Trình Bảo Hiểm Sức Khỏe Của Trẻ Em (tức Children’s Health Insurance Program); chương trình WIC, là một chương trình của liên bang nhằm nuôi dưỡng các sản phụ nghèo khó hoặc những phụ nữ đang trong thời kỳ ở cữ và con của họ; trợ cấp nhà ở và di chuyển; các chương trình giúp người nghèo trả những hóa đơn tiền sưởi; hoặc những chương trình như Head Start, nhằm giúp những trẻ em thuộc gia đình lợi tức thấp có thể đi học nhà trẻ.
Một số lợi ích công cộng sẽ không bị xem là “gánh nặng xã hội”, bao gồm những trợ giúp thiên tai khẩn cấp, trợ giúp y tế công cộng cho việc chích ngừa, đi học trường công, được miễn phí hoặc giảm giá ăn trưa trong trường học, và những lợi ích mà người di dân đã từng được hưởng chẳng hạn như bảo hiểm tàn tật, bảo hiểm y tế Medicare và hưởng tiền thất nghiệp.
Thế Vận Hội Olympic Mùa Ðông và những con số kỷ lục của công dân Hoa Kỳ gốc Á Châu
Bảy trong số 14 lực sĩ trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ tại Thế Vận Hội Olympic Mùa Ðông tại Nam Hàn là công dân Hoa Kỳ có nguồn gốc Á Châu và đây là con số kỷ lục. Tất cả 7 lực sĩ này là người Nhật hoặc Trung Hoa. Ba người sinh ở tiểu bang California, những người còn lại sinh ở các tiểu bang khác.
Trong mùa thi vòng loại cuối năm 2017, theo ban thể thao Team USA cho biết: 39% số lực sĩ trượt băng Hoa Kỳ đứng đầu chương trình cá nhân nam và nữ lực sĩ xuất sắc có nguồn gốc Á Châu. Trong khi đó, thống kê cho biết công dân Hoa Kỳ gốc Á Châu chiếm 5.7% dân số Hoa Kỳ.
Còn những lực sĩ Hoa Kỳ trượt băng nghệ thuật gốc Việt Nam thì sao? Vẫn chưa có nhưng có lẽ sẽ xuất hiện sớm. Nhưng ở phía Bắc chúng ta, anh Nam Nguyễn, 20 tuổi, là lực sĩ Canada trượt băng nghệ thuật gốc Việt Nam. Anh đoạt Giải Nhất trong kỳ thi trượt băng nghệ thuật thế giới năm 2014 dành cho thanh thiếu niên và đứng thứ năm trong kỳ thi Quán Quân Thế Giới năm 2015.
Thêm một trung tâm “NVC”!
Chúng ta đều biết đã có một NVC, đó là chữ viết tắt của Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia (tức National Visa Center – NVC) tại tiểu bang New Hampshire. Trung tâm này nhận giấy tờ, duyệt xét bảo trợ tài chánh và xếp lịch phỏng vấn tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ.
Trung tâm NVC mới sẽ được gọi là Trung Tâm Kiểm Tra Quốc Gia (tức National Vetting Center – NVC). Chữ “kiểm tra” ở đây có nghĩa là điều tra kỹ lưỡng hoặc kiểm tra lý lịch của những người đang nộp đơn xin chiếu khán (visa) đến Hoa Kỳ. Việc “kiểm tra tối đa” sẽ được tiến hành khi đương đơn xin chiếu khán bị tình nghi là khủng bố hoặc là loại người nguy hiểm. Trung tâm NVC mới sẽ tiến hành điều tra trong 6 tháng.
Trung tâm mới này cũng sẽ tập trung vào việc cải tiến để các cơ quan liên bang cùng chia sẻ thông tin về việc kiểm tra cũng như hợp lý hóa tiến trình duyệt xét. Ðiều chưa rõ là trung tâm mới này sẽ thay đổi cách kiểm tra người di dân và du khách đến Hoa Kỳ như thế nào. Một điều mà chúng ta biết rõ là các đương đơn người Việt Nam xin chiếu khán sẽ không là đối tượng bị kiểm tra gắt gao.
Ông Nielsen, Bộ trưởng Bộ Nội An, nói rằng: “Chúng tôi đặt trong vị trí cần kiểm tra khó khăn hơn và rà soát kỹ càng hơn tất cả những cá nhân muốn nhập cảnh Hoa Kỳ. Trung Tâm Kiểm Tra Quốc Gia sẽ được Bộ Nội An yểm trợ công việc và tất cả cơ quan tình báo Hoa Kỳ sẽ ngăn cản đám khủng bố, bọn tội phạm hung bạo và những cá nhân nguy hiểm khác nhập cảnh Hoa Kỳ”.
Hệ thống di trú mới của Tòa Bạch Ốc
Ðó là tin tức mới và liên quan đến những thay đổi lớn trong chính sách di trú của Tòa Bạch Ốc. Những thay đổi này sẽ có thể xảy ra trong hạng mục di trú gia đình.
Và trước khi chúng ta nói về những vấn đề khác, chúng tôi xin nhắc nhở các công dân Hoa Kỳ và các thường trú nhân đang có dự tính nộp đơn bảo lãnh di dân cho cha mẹ, cho các con và cho anh chị em là nên thực hiện ngay lập tức. Xin nhắc lại: thực hiện ngay lập tức. Ðơn bảo lãnh được nộp trước khi có những thay đổi về luật di trú, dù chỉ là một ngày trước, sẽ được duyệt xét theo luật cũ.
Bộ Nội An vừa tuyên bố rằng người Hồi giáo Sunni, kể cả cư dân đang sống ở Hoa Kỳ và các đương đơn xin chiếu khán ở nước ngoài, sẽ là đối tượng bị kiểm tra gắt gao. Bộ Nội An có ý nói về những người Hồi giáo trẻ, đàn ông và đến từ Trung Ðông, Nam Á hoặc Phi Châu. Tại sao những người Hồi giáo Sunni bị xem là mối đe dọa? Vì có thể là do họ bị ảnh hưởng bởi những tổ chức khủng bố.
Ðiều này có nghĩa là dù những người Hồi giáo Sunni đã di dân đến Hoa Kỳ cũng là đối tượng bị theo dõi và bị nghi ngờ trong thời gian dài. Những người nộp đơn di dân hoặc những loại chiếu khán khác từ những quốc gia Hồi giáo Sunni sẽ bị tra xét từng khía cạnh trong đời sống của họ, từ những trang mạng xã hội cá nhân cho đến từng tổ chức mà họ là hội viên, và sẽ bị từ chối chiếu khán dù chỉ là một bằng chứng rất nhỏ.
Những cải tổ di trú được đưa ra sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đã có gia đình hoặc lợi ích kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Các công dân Hoa Kỳ có gia đình thân thích ở ngoại quốc và hy vọng bảo lãnh họ phải thực hiện ngay bây giờ, và đàn ông Hồi giáo Sunni đang tính du lịch Hoa Kỳ nhưng chưa xin chiếu khán du lịch nên nộp đơn ngay lập tức.
Hỏi Ðáp Di Trú
– Hỏi: Cơ quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan (ICE) có hoạt động tích cực hơn trong năm đầu tiên ông Trump làm Tổng thống không?
– Ðáp: Có. Số di dân không có giấy tờ hợp lệ bị bắt giữ tăng cao trong năm 2017. Tổng cộng có 143,470 người bị cơ quan ICE bắt giữ. Con số này tăng 30% so với năm 2016.
– Hỏi: Tổng thống Trump nói rằng nước Mỹ không đủ khả năng giúp đỡ cho người tỵ nạn và di dân. Ðiều này có đúng không?
– Ðáp: Ngược lại mới đúng. Hoa Kỳ là một quốc gia giàu có nhất, thịnh vượng nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới vì đã chào đón người di dân. Từ năm 2005 đến năm 2014, người tỵ nạn và di dân đã mang lại 63 tỷ Mỹ kim thu nhập thêm cho ngân quỹ của liên bang, tiểu bang và các cơ quan chính phủ địa phương, hơn số tiền được sử dụng để giúp đỡ họ định cư tại Hoa Kỳ.
– Hỏi: Tổng quát, nếu so sánh về tài chánh, có gì khác biệt giữa các gia đình di dân và các gia đình người Mỹ sinh trưởng ở Hoa Kỳ?
– Ðáp: Các nghiên cứu cho thấy trong vòng 25 năm, đối với một thế hệ, lợi tức của một gia đình di dân cao hơn 20% so với một gia đình Mỹ có lợi tức trung bình.
LMH