Menu Close

Khiêu vũ trên băng

Hai tuần lễ vừa qua, được xem trượt băng nghệ thuật tại Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bình Xương thật là mãn nhãn cũng như mãn nhĩ. Mãn nhãn bởi vì các màn trượt băng năm nay quá xuất sắc, quá đẹp mắt. Mãn nhĩ bởi vì được nghe quá nhiều bản nhạc hay.

khieu-vu-tren-bang4
Alex và Maia Shibutani (Mỹ) trong màn vũ Cha-cha

Trong màn Khiêu Vũ (Ice Dancing) năm nay, người Việt được thưởng thức nhiều bản nhạc thể điệu Samba, Mambo, Cha Cha, Tango, Rumba… Toàn những thứ dân ta quen thuộc và nhiều người rất khoái. Mặc dù các cặp thể tháo gia kiêm khiêu vũ viên đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng trong màn “Short Program” ai cũng phải nhảy theo các vũ điệu La Tinh vì đó là một trong những yếu tố bắt buộc phải có. Nhờ vậy chương trình năm nay còn có hơi hướm của một cuộc thi ballroom dancing.

Kỳ Thế Vận Hội này Mỹ chỉ kiếm được một huy chương đơn duy nhất (Ðồng) trong môn trượt băng, nhờ công sức của hai anh em người Mỹ gốc Nhật, Alex và Maia Shibutani, trong bộ môn Khiêu Vũ với bản “Cherry Pink And Apple Blossom White” (Cerisiers Roses et Pommiers Blancs, của Louiguy), một bản nhạc cha-cha nổi tiếng thời 1955 mà dân nhảy đầm nào cũng phải biết (nhất là người Việt).

khieu-vu-tren-bang2
Edith Piaf và Django Reinhardt thời 1940

Có lẽ ai cũng biết các điệu nhảy như Cha Cha hay Rumba đến từ Tây Ban Nha. Nhưng ít ai biết là các vũ điệu đó bắt nguồn từ những người du mục phát xuất từ Ấn Ðộ, lưu lạc sang vùng đất Andalusia, ngày nay là Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, từ hơn ngàn năm trước, và khu vực xứ Romania. Họ chính là giống dân Roma mà còn được gọi là Gypsy hay Tsigane sau này. Người Roma nổi tiếng về nhạc và múa. Các màn múa bụng (belly dancing) tại các nước miền Trung Ðông, cũng đến từ họ.

Thời Ðệ Nhị Thế Chiến hàng triệu người Gypsy đã bị Hitler giết chết trong các lò thiêu, nhưng thế giới ít nói tới số phận của họ như người Do Thái. Có lẽ vì họ không có nhiều thế lực trong xã hội như người Jew. Nhưng không phải vì vậy mà họ không có ảnh hưởng đến nền văn minh của nhân loại, tuy rằng việc đó hoàn toàn do ngẫu nhiên chứ không phải cố ý.

Khi các nước Âu Châu bắt đầu khởi động các cuộc viễn chinh sang thế giới mới, một trong những sản phẩm được xuất cảng qua châu Mỹ La Tinh vào thế kỷ 17-18 chính là âm nhạc. Ðặc biệt là các loại nhạc của người Andalusia, vào đến Cuba được trộn lẫn với các điệu trống và múa của dân nô lệ đến từ Phi Châu. Thế là Rumba và Bolero ra đời. Khi người Mỹ sang Cuba làm ăn, họ đã mang các thứ nhạc đó về Mỹ. Thời 30-40 phong trào “nhảy đầm” tức “ballroom dancing” rộ lên, và các điệu nhạc này được lồng vào vô số phim ảnh Hollywood thời xa xưa.

Ta không biết chắc chắn ai là người Việt đầu tiên soạn nhạc theo các vũ điệu Tây Phương đó, nhưng có giả thuyết cho rằng các nhạc sĩ Việt thời 1940 biết đến các điệu nhạc này một phần nhờ các phim ảnh và dĩa nhạc do người Pháp mang qua. Dù gì đi nữa thì bắt đầu từ giữa thập niên 1940 ở Việt Nam đã xuất hiện một số bản nhạc viết theo các vũ điệu, như bài “Bên Cầu Biên Giới” theo điệu Tango của Phạm Duy. Sang thập niên 1950 ta thấy ở miền Nam điệu Bolero cũng được nhiều người ưa chuộng. Nhạc sĩ như Hoàng Thi Thơ là một trong những người đầu tiên đã soạn nhạc theo thể điệu này. Ðến như Phạm Ðình Chương (tác giả “Ly Rượu Mừng”) sau khi di cư vào Nam cũng có bài “Xóm Ðêm” viết theo điệu Bolero – tuy thời đó bolero chưa được/bị cho là “nhạc sến”.

Phải nói vòng vo tam quốc như vậy để cho thấy âm nhạc là một thứ ngôn ngữ vô-biên-giới. Qua bao thăng trầm lịch sử, bao cuộc chiến tranh, nào là di dân và nô lệ, âm nhạc luôn luôn là sợi dây tinh thần nối kết các thế hệ với nhau, kéo các dân tộc đến gần nhau hơn là họ tưởng. Chẳng hạn như ai có thể ngờ nỗi thống khổ của người nô lệ Phi Châu và Hận Ðồ Bàn của người Chiêm Thành lại có ngày gặp nhau trong tiếng hát của Chế Linh?

khieu-vu-tren-bang3
Kaetlyn Osmond (Canada) với bài “Sous Le Ciel de Paris”

Quay trở lại với Thế Vận Hội và môn Khiêu Vũ, nhìn các diễn viên từ những nước như Nga, Nhật, Ðại Hàn, Ðức, Mỹ ai ai cũng biết nhảy Rumba trên băng, ta không khỏi thầm phục sức lan tỏa của một loại nhạc đến từ một bộ lạc nhỏ ở một vùng đất xa xôi tên là Jodhpur, Ấn Ðộ. Ngày nay, tại thành phố này hàng năm có một lễ hội âm nhạc lớn mang tên Jodhpur Flamenco and Gypsy Music Festival, quy tụ vô số nghệ sĩ tên tuổi trong làng nhạc Flamenco. Flamenco là tên gọi chung cho một thể loại Mẹ, bao gồm mấy chục thể điệu Con trong đó có Tango, Bolero v.v…

Vào thập niên 1930 tại Pháp có một tay đàn guitar Flamenco thuộc hạng thượng thừa tên là Django Reinhardt, cũng là người gốc Gypsy. Ông ta chế ra một thể điệu mới gọi là Gypsy Jazz, pha trộn nhạc của người Gypsy du mục với nhạc jazz của người nô lệ da đen Mỹ. Cho đến ngày hôm nay, Django Reinhardt vẫn là một tên tuổi lớn trong làng nhạc guitar cổ điển, đại diện cho một trường phái Flamenco độc đáo mà người đời sau vẫn đang tiếp tục khai triển và làm mới.

Năm 1935 tại Paris, Reinhardt là người đệm đàn cho màn trình diễn đầu tiên trước công chúng của một cô ca sĩ trẻ với biệt danh “La Môme Piaf” (Con chim Se sẻ Nhỏ bé), tức không ai khác hơn người mà sau này được cả thế giới biết tới với danh hiệu Edith Piaf. Trước đó Piaf chỉ là một nghệ sĩ đường phố, hát trên vỉa hè Paris kiếm bạc lẻ. Sau khi xuất hiện với Django tại quán nhạc Le Gerny, nơi giới trung và thượng lưu của Paris hay lui tới, Edith Piaf ngay lập tức được nhiều người chú ý. Trong năm ấy, Edith Piaf cùng với nhạc sĩ Marguerite Monnot đã cho ra đời hai dĩa nhạc, khởi đầu cho một sự nghiệp đầy vinh quang cũng như nước mắt.

khieu-vu-tren-bang1
Vũ công Flamenco với y phục sặc sỡ

Cặp bài trùng Monnot-Piaf về sau là đôi bạn thân, và hai người đã hợp tác để soạn nhiều bản nhạc để đời qua giọng hát của Edith Piaf, như bài “Milord”. Bài này đã được cô Kaetlyn Osmond của Canada sử dụng cùng với bài “Sous le Ciel de Paris” (Dưới Bầu Trời Paris), trong màn trượt băng “Short Program” của cô tại Bình Xương và đoạt huy chương Ðồng. Huy chương Vàng và Bạc về tay hay cô “trượt sĩ” người Nga với số điểm kỷ lục.

Dưới đây là Youtube link màn trình diễn của cô Kaetlyn Osmond với bài “Sous Le Ciel de Paris” và “Milord”

https://youtu.be/tYdMnFdfH3A

Dưới Bầu Trời Paris

– “Sous Le Ciel De Paris”

khieu-vu-tren-bang
Poster quảng cáo cho Lễ Hội Gypsy Flamenco với các màn “múa bụng”

Có bài ca bay lượn

dưới bầu trời Paris,

trong tim một cậu bé.

Vừa sáng tác hôm nay.

 

Có tình nhân rảo bước,

cầm hạnh phúc trong tay-

nghe tình yêu chớm nở

dưới bầu trời Paris.

 

Triết gia ngồi trầm mặc.

Nhạc sĩ, kẻ hiếu kỳ,

hàng ngàn người, qua lại

dưới chân cầu Bercy.

 

Cư dân trên đường phố

từ sớm đến tối chiều,

hát cho nhau tình khúc

của thành phố thân yêu.

 

Cạnh Vương Cung Thánh Ðường

đầy kịch tính hài bi,

Paname không lo lắng-

Paname là Paris.

Ðâu đây vài sợi nắng

vướng trên nóc chiều hè;

tiếng phong cầm da diết

người thủy thủ xa quê;

mầm hy vọng lại nở

dưới bầu trời Paris.

Có con sông vui lượn

dưới vòm trời Paris.

Người ăn xin nằm ngủ

trên vỉa hè. Say mê.

 

Bầy chim của thượng đế

về dưới trời Paris

từ bốn phương–tụ tập

để ba hoa chích choè.

 

Biết bao điều bí ẩn

núp dưới trời Paris;

dầy hai mươi thế kỷ

trên đảo Saint Louis.

 

Mảnh thanh y nàng khoác

khi thánh đảo mỉm cười;

nhược bằng Paris khóc

là những lúc mưa rơi.

 

Ðôi khi, nàng ganh tị

với những cặp tình nhân-

Paris mà nổi cáu

cũng sấm chớp rần rần!

 

Nhưng Paris, ta biết

giận ai chẳng bao lâu.

Nàng sẵn sàng tạ lỗi

bằng ngũ sắc, vồng cầu.

IB