Và như thế, hai tuần lễ qua cái ào. Chưa kịp chợp mắt đã hết Thế Vận Hội mùa Đông tại Nam Hàn. Năm nay đội Mỹ chỉ đạt được tổng cộng 23 huy chương, thấp nhất kể từ kỳ TVH 1998 tại Nagano với 13 huy chương. Nhưng ngược lại, lần này Mỹ đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Trước hết, 2018 là lần đầu tiên Mỹ thắng huy chương vàng môn Team Cross-Country Ski (Ski băng đồng) sau khi nữ lực sĩ Jesse Diggins đã vận dụng hết sức lực để đuổi kịp Stina Nilsson của Thuỵ Ðiển trong 100 mét cuối cùng và thắng sát nút 0.19 giây! Cả thế giới sững sờ. Bao nhiêu thập niên qua, đây là môn chơi thuộc các nước Bắc Âu—chẳng khác nào bóng rổ thuộc về Mỹ (đen) vậy. Thế mà điều không tưởng tượng nổi đã xảy ra. Và vì vậy Jesse Diggins đã được bầu chọn làm người đại diện đội tuyển Mỹ cầm quốc kỳ tiến vào vận động trường trong lễ bế mạc.
Kế đến là đội tuyển Hockey Nữ của Mỹ đã đánh bại đội Canada trong trận chung kết đầy hào hứng. Canada là đương kim vô địch trong bốn kỳ TVH liên tiếp. Lần nào đội Mỹ vào chung kết đều bị loại bởi Canada. Lần mới nhất là tại Sochi (Nga) năm 2014. Lần đó Mỹ gác trước 2 trái nhưng bị Canada gỡ huề để rồi thua trong giờ phụ (overtime). Lần này Mỹ gác trước 1-0 nhưng bị Canada quất lại 2-1, phải đến gần cuối hiệp 3 Mỹ mới gỡ huề được 2-2. Sau 20 phút overtime hai bên vẫn bất phân thắng bại và cuối cùng phải chơi shoot-out (giống như đá phạt đền trong đá banh). Sau năm cú shoot out, hai bên tiếp tục huề 2-2. Phải sang trái thứ 6 Mỹ mới gác được 3-2, và thủ môn 20 tuổi của đội tuyển Mỹ đã làm nên lịch sử khi cô chặn được cú sút của đối phương để mang huy chương vàng hockey đầu tiên về cho Mỹ từ năm 1998.

Các cầu thủ của Canada đã bị sốc đến độ khi nhận huy chương bạc mặt mày ai nấy như … đưa đám! Thậm chí có người khi được choàng huy chương lên cổ đã liền ngay lập tức tháo nó ra, làm giới báo chí có thêm chuyện để đàm tiếu. Nhưng nếu việc Canada về nhì môn hockey là khó tin, thì việc đội Nam cũng như đội Nữ môn Curling không được bất cứ huy chương nào hết mới là điều không tưởng. Xưa nay Curling là “nghề của chàng Cà Ná Ðiên”. Ðến như các đội Curling của những nước Á Châu như Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa v.v. cũng phải mướn huấn luyện viên người Gia Nã Ðại.

Curling là một trò chơi đến từ Tô Cách Lan (Scotland) từ rất xa xưa. Khi người Scot di cư sang Canada nhiều thế kỷ trước, họ đã mang trò chơi truyền thống này sang vùng đất mới. Người ta đẩy những viên đá nặng gần 10 ký lô (gọi là stone) trên mặt băng đến gần một cái đích cách chừng 30 thước. Môn này thoạt nhìn có vẻ nhẹ nhàng và không đòi hỏi thể lực, nhưng thật ra cũng không phải dễ chơi. Có thể nói không ngoa rằng số người chơi Curling ở Canada nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại. Vì vậy trong các giải Curling quốc tế hầu như các đội Canada đều về nhất hoặc nhì. Vậy mà lần này cả Nam lẫn Nữ đều về không. Cũng may là năm nay Olympics có thêm một bộ môn mới cho Curling là Mixed Doubles (Ðôi Nam-Nữ), và đội Canada đã đoạt huy chương vàng nên cũng… đỡ quê!
Ngược lại, đội Curling Nam của Mỹ đã làm nên lịch sử khi họ trở thành đội Mỹ đầu tiên thắng huy chương vàng môn này. Tuy nhiên hành trình lên đỉnh của họ cũng không dễ tí nào. Thủ quân của đội, John Shuster, đã bị đá ra khỏi đội tuyển sau khi về hạng bét năm 2010 (Vancouver) và áp chót năm 2012 (Sochi). Không nản chí, anh ta đi gom một số cầu thủ cũng cùng số phận như mình để lập một đội riêng và tập luyện để mong được Uỷ Ban TVH Hoa Kỳ tái cứu xét và gửi sang Bình Xương. Một trong những điều kiện Uỷ Ban đưa ra cho anh ta là phải sụt bớt 30 lbs. Và Shuster đã làm được điều đó để vừa lòng Uỷ Ban.
Shuster đặt cho đội mình biệt danh “Team Reject” (Những kẻ bị ruồng bỏ). Tại Bình Xương, trong vòng đầu “Team Reject” chơi vô cùng … dở! Sau 6 trận chỉ thắng được 2. Tại quê nhà thiên hạ bắt đầu lên Twitter để sỉ vả Shuster, họ bắt đầu cá độ xem kỳ này “Team Reject” sẽ đứng hạng mấy… từ dưới đếm lên. Về phần Shuster, một hôm anh ta leo lên một ngọn đồi gần vận động trường để nghiền ngẫm chuyện đời. Anh kể lại lúc đó anh cảm thấy ngấy tới cổ việc bị người đời ruồng bỏ, và quyết định sẽ không thèm để ý tới họ nữa. Anh cho rằng từ giờ trở đi anh chẳng có gì để mất nên anh cứ chơi cho đã, chơi xả láng, tới đâu tới. Kệ cha thiên hạ.
Team Reject thắng liên tục hai trận sau đó, kể cả một trận đấu với cường quốc Canada, để tiến sâu vào vòng trong. Một khi vào đến playoff, Team Reject tiếp tục chơi như người bị “ruồng bỏ”, như “cùi không sợ lở”, và hạ gục Canada lần thứ nhì trong trận bán kết. Thế là Mỹ vào được chung kết với Thuỵ Ðiển, chắc chắn tệ nhất cũng được chiếc huy chương Bạc. Trước trận đấu, thủ quân Edin của Thuỵ Ðiển cũng tỏ vẻ lo lắng, nói rằng đối thủ của mình chả có gì để mất trong khi đội Thuỵ Ðiển thì ngược lại, có thể mất tất cả.
Tuy vậy hai bên chơi rất hay, sau 7 hiệp vẫn huề 5-5. Sang hiệp 8 Shuster ném được một quả thần sầu quỷ khốc, lấy cùng một lúc 5 điểm làm cho Thuỵ Ðiển choáng váng vì chỉ còn hai hiệp, không cách chi gỡ nổi. Y như rằng, đến giữa hiệp cuối cùng thì Edin đến bắt tay Shuster, báo hiệu đội Thuỵ Ðiển đầu hàng với số điểm 10-7. Tưởng cũng cần nói thêm rằng tinh thần thượng võ là một trong những đặc điểm của môn chơi này.
Ngoài đội Mỹ ra, đội Curling Nữ của Nam Hàn cũng gây sôi nổi vì là đội Á Châu đầu tiên vào đến chung kết. Năm cô gái đến từ một vùng quê nổi tiếng nhờ trồng tỏi, với biệt hiệu “Garlic Girls”, đã làm cho cả nước bỗng dưng mê môn thể thao quái lạ này. Cô thủ quân Kim Eung-jun với cặp mắt kiếng tròn to đã trở thành siêu sao qua đêm. Rất tiếc trong trận chung kết với đội Thuỵ Ðiển (lại Thuỵ Ðiển!) đầy kinh nghiệm, Nam Hàn đã bị gác 8-3 sau 8 hiệp và phải đầu hàng sớm hơn dự liệu. Tuy nhiên, cô Kim cho biết đây mới chỉ là khởi đầu cho môn Curling ở Nam Hàn. Cô hứa rằng một ngày không xa Hàn Quốc sẽ đoạt huy chương vàng và trở thành cường quốc Curling trên thế giới.

Ta có thể tin điều này, vì Curling là môn chơi không đòi hỏi phải cao lớn hay có thể lực nên người Á Ðông rất dễ dàng cạnh tranh với các dân tộc khác. Bằng chứng là lần này đội Nữ của Nhật Bản cũng đã đánh bại đương kim vô địch Anh Quốc trong trận hạng Ba để lấy huy chương Ðồng. Thành thử đến kỳ TVH 2022 tại Bắc Kinh biết đâu các nước Á Châu sẽ lập thành tích Curling như Mỹ vừa làm?

Và biết đâu đến năm 2022 Việt Nam cũng sẽ gởi lực sĩ tham dự Thế Vận Hội mùa Ðông như người ta? Thoạt nghe tưởng chuyện bông đùa, nhưng nếu để ý kỹ buổi lễ bế mạc ta sẽ thấy một chi tiết “lạ”. Sau khi thị trưởng Bình Xương bàn giao lá cờ Olympics cho thị trưởng Bắc Kinh, chương trình chuyển sang phần chào đón TVH 2022 do Trung Quốc trình diễn. Trong phần này họ cho chiếu lên màn ảnh lớn một bức hình gồm các sắc dân đủ loại, ý nói nước Tàu gồm có nhiều giống dân. Ðặc biệt trong số đó có một cô gái mặc áo dài chít khăn đóng. Biết đâu đây là một thông điệp ngầm Tập Cận Bình muốn gửi gắm đến thế giới.

Người Việt chúng ta nghĩ gì?
BB