Menu Close

Nuôi gà “chiến”

Trong kinh doanh không có từ ngữ “làm chơi ăn thiệt”. Làm ăn phải bỏ tiền đầu tư, suy nghĩ mệt óc, tay chân miệt mài và tất nhiên phải có kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm thương trường, mới giữ được những gì mình gây dựng. “Làm chơi ăn thiệt” chỉ là cách nói dân gian dành cho những công việc làm ăn kiếm tiền xuất phát từ sở thích của một cá nhân. Chẳng hạn nuôi chim cá cảnh, trồng cây kiểng, hoặc một công việc làm ăn tương đối nhàn hạ. Xin mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện của báo Trẻ với anh Huỳnh Đức chủ trại gà “chiến”, một người làm ăn có thể được xếp vào hàng “làm chơi ăn thiệt” như anh tự nhận.

nuoi-ga-chien7
Bắt gà lên xem phải luồn tay nâng gà từ phía sau để tránh gà mổ vì gà “chiến” Mỹ rất hung dữ

PV Trẻ: Ban đầu tôi cứ tưởng anh làm chủ trại nuôi gà công nghiệp. Chuyện này hấp dẫn với nhiều người nhưng khi liên lạc với anh mới biết anh làm chủ trại gà đá.

Anh Ðức: Nuôi gà này người ta kỵ nói “gà đá”. Chẳng qua đá gà đối với nhiều tiểu bang là bất hợp pháp. Nhưng nuôi chơi, nuôi bán thì được. Chuyện đá gà là một chuyện khác rồi. Ðá gà ở xứ mình nhiều người mê xem đó là một trò chơi dân gian. À mà đâu chỉ có xứ mình, Thái Lan, Mã Lai ngay cả ở Mỹ còn khối người ham trò đá gà giải trí. Ăn thua với nhau chỉ có người trong cuộc biết. Bình thường thì cứ xem như giải trí theo kiểu nhà quê.

Hình như có một ông Tổng thống Mỹ nào đó hồi xưa cũng từng mê đá gà. Thậm chí còn cho lập xới gà ngay trong phòng của tổng thống.

nuoi-ga-chien6
Gà “chiến” Mỹ tấn công lập tức khi bị khiêu khích

PV Trẻ: Vậy anh có mê trò chơi dân gian này không?

A. Ðức: Chuyện này thì khỏi nói. Mê từ hồi còn nhỏ cho đến lúc lớn. Sang Mỹ định cư, vẫn tiếp tục mê nhưng mà nuôi bán thôi.

PV Trẻ: Vậy là chuyện mở trang trại gà “chiến” của anh xuất phát từ sở thích rồi biến thành niềm đam mê, rồi thành ông chủ kinh doanh gà “chiến”?

A. Ðức: Tôi mở trang trại này mới chừng gần 6 năm nay. Ban đầu tôi nuôi một con nòi với mấy con gà mái ở nhà chơi cho vui (có lẽ sau thời gian làm việc mưu sinh), rồi nhớ lại một thời từng nuôi đám gà tre, gà nòi ở quê nhà. Nhớ những trận xổ với gà đối thủ xem giò xem cẳng. Thế là tôi quay lại niềm đam mê, nuôi gà chơi, gây giống từng đàn con F1, F2. Cho đến khi tìm mua được mảnh đất nông trại ở thành phố Lavon này, tôi đem đàn gà về nuôi, rồi mua thêm các giống gà khác gây giống, rồi thành trang trại, có giấy phép mua bán, xuất cảng về Sài Gòn, Mã Lai, Phi Luật Tân.

nuoi-ga-chien
 Anh Đức chủ nhân trại gà “chiến”

PV Trẻ: Nhìn trang trại gà “chiến” của anh, mới thấy nuôi gà loại này dễ, bỏ vốn cho chuồng trại ít. Chuồng lớn chuồng nhỏ chỉ là những tấm chuồng lưới bao quanh, lại có khu thả ngoài trời. Chẳng lẽ loại gà này không sợ cúm gia cầm hay sao?

A. Ðức: Ðã nói là gà “chiến” thì đâu còn sợ mấy con H5N1 (virius cúm gia cầm) như các loại gà công nghiệp nuôi chuồng một lúc mấy chục ngàn con. Gà này chịu lạnh, càng lạnh càng tốt cho cơ thể các chiến binh. Nhưng mà nóng thì không được, gà dễ bị chết, do đó chuồng lưới chung quanh, phía trên làm mái che mưa che nắng. Ở xứ mình, người ta nhốt gà bằng bội tre. Còn ở bên đây kiếm đâu ra bội tre mà nhốt. Nuôi nhiều tất nhiên phải làm chuồng. Chuồng có nhiều loại, lớn nhỏ khác nhau. Thật ra đây là một cách huấn luyện con gà khác xa với cách huấn luyện của những người nuôi gà đá ở xứ mình. Ở xứ mình, nào thoa tẩm rượu với nghệ cho con gà cồ da dầy đỏ rực nhìn thấy sợ. Bên đây, chuồng nhỏ nhốt gà gọi là chuồng tập né khi thấy có người tới gần nó sàng qua sàng lại. Chuồng lớn có nước uống, đồ ăn trên cao, con gà muốn ăn phải nhảy lên cao, đứng trên cây sào. Nó từ mặt đất vọt lên cao cả 4 feet một cách nhẹ nhàng. Chuồng bươi, gà thì hay bươi. Bên trong chuồng, trên mặt đất rải nhiều dăm cây nhỏ, gà bươi để luyện bắp chân. Còn những con gà đứng ngoài trời, một chân bị buộc dây dài 4 feet để luyện thân thể thích nghi với thời tiết lạnh. Loại gà “chiến” này không sợ tuyết, không sợ rét cóng.

nuoi-ga-chien5
Con gà trưởng chuồng 7 năm tuổi đã sản sinh ra nhiều “chiến binh gà”

PV Trẻ: Nghe ra có lý, một cách huấn luyện khoa học đấy chứ. Ở xứ mình, mấy anh “chiến binh” này bị nhốt trong bội, thỉnh thoảng đem ra xổ luyện tập quyền cước. Vậy, có phải để biết một “chiến binh” tài ba, trăm trận trăm thắng, người ta phải xem vi xem vẩy, xem cẳng xem giò, xem mắt xem mỏ, xem tướng, xem lông?

A. Ðức: Ðó là cách ở bên xứ mình. Gà “chiến” Mỹ chỉ xem trọng dòng máu. Thí dụ như gà tre thì có giống Asil, Cuban, Kelso, Hatch, Albany, Roundhead, Peruvian. Gà nòi có Sweater, Murphy, Butcher. Giống nào cũng đều mạnh chiến đấu dai sức miễn mình huấn luyện đúng cách. Ðừng xem thường những con gà trông tướng mạo xấu xí như con đầu tròn (roundhead), chân to thô kệch. Nó tấn công vũ bão, nhanh như chớp. Ðây này, đi lại chỗ này tôi chỉ cho xem. Chỉ cần giơ bàn chân nhử thằng “big boy” này là nó bay lên tấn công ngay lập tức. Do vậy, để duy trì dòng máu gà, người ta cũng có phương pháp gây giống. Gà cha mẹ đẻ ra gà con. Con “đạp” mẹ hoặc cha đạp con sinh ra thế hệ thứ hai thì được, vẫn mang giòng máu của cha hoặc mẹ. Nhưng anh em trong đàn không thể giao phối với nhau.

nuoi-ga-chien4
Một “chiến binh gà” trong chuồng nhảy cao

PV Trẻ: Nghe anh nói tên mấy dòng máu con gà nghe cũng thấy lạ. Có con giống từ tên các nước, có con nhìn tướng mà gọi tên, có con tên nghe hiền lành hoặc dữ tợn giống anh chàng đồ tể. Vậy cơ thể của “chiến binh Mỹ” và gà chọi của xứ mình có khác nhau?

A. Ðức: Khác chứ. Gà xứ mình ít cơ bắp, tim to, mề to nên khi đá dễ bị dính cựa đâm thấu tim, chết ngay tại trận. Gà “chiến” Mỹ, tim nhỏ, mề nhỏ, cơ bắp khoẻ, tấn công nhanh, tung cước nào dính cước nấy. Mấy “chiến binh” gà xứ mình chịu sao thấu. Do đó, khoảng chục năm gần đây, người chơi gà khắp nơi đều thích gà chọi Mỹ. Danh tiếng của các loại gà như “gà nào hay bằng gà Cao Lãnh” mai một mất rồi.

nuoi-ga-chien2
Đàn gà chiến hậu bị một tuần tuổi được sưởi ấm bằng đèn

PV Trẻ: Gà Mỹ đá hay, chính vì vậy mà nhu cầu của giới chơi gà đá ở xứ mình rất nhiều, anh bắt kịp thị hiếu cho nhập gà theo đơn đặt hàng có sẵn qua một “công ty” đối tác hay “công ty” con của anh?

A. Ðức: Làm ăn như vậy chỉ là làm ăn nhỏ. Hợp với sở thích của mình, nhu cầu mua gà đá ở xứ mình, tôi đáp ứng cũng không đủ. Mỗi tháng tôi xuất hàng “gà” của mình khoảng 50 – 60 con, tôi còn nhận thêm “gà” của mấy nông trại khác ký thác, thành ra mỗi tháng chừng 200 con. Không phải họ không gởi xuất cảng được mà họ nhờ mình làm dịch vụ như một đối tác cho khoẻ. Khỏi mất thì giờ làm thủ tục xuất tại phi trường.

PV Trẻ: Vậy sao anh không nuôi nhiều hơn để có hàng xuất đều đều?

A. Ðức: Nuôi 800 con cũng mệt, rồi lo gây đàn, tuần nào hai cái lò ấp trứng đều cho ra vài chục con. Nuôi tám tháng sau lên máy bay về Sài Gòn.

nuoi-ga-chien3
Gà mới nở trong lò ấp

PV Trẻ: Ði một vòng trang trại rộng 5 mẫu tây nuôi gà “chiến” của anh nuôi trong chuồng lưới đơn giản đặt trên mặt đất như thế này không sợ cáo hay con raccoon săn gà bằng cách đào đường luồn dưới đất lên bắt gà hay sao?

A. Ðức: Tôi nuôi mấy con chó săn chồn, cáo. Loại chó này ban ngày thì trông hiền lành nhưng ban đêm, nghe tiếng sọt sẹt là tụi nó nhào tới ngay. Ðã có mấy anh chàng bốn chân bảo vệ cho đám gà hai chân. Còn lũ chuột đồng to bằng trái bắp, chui vào chuồng kiếm thức ăn rơi vãi thì khó tránh được cú mổ sắc bén của con gà làm cho toi mạng.

PV Trẻ: Cám ơn anh Ðức. Ðược anh dẫn đi một vòng xem và nghe câu chuyện nuôi gà “chiến” của anh thấy ham quá. Giá một con gà xuất ra cũng phải trên ngàn đô. Nhưng ham là một chuyện còn chuyện thực hiện được thành công hay không lại là chuyện khác. Vậy thì anh có bí quyết nào ngoài chuyện mà anh nghĩ chuyện nuôi gà của anh nhàn nhã chẳng khác gì “làm chơi ăn thiệt”.

A. Ðức: Cái tâm. Làm bất cứ chuyện gì nhất là làm ăn cần phải có cái tâm, đặt hết tâm trí của mình vào công việc thì chắc phải thành công.

nuoi-ga-chien1
Các anh lính bảo vệ bốn chân ban ngày rất hiền lành nhưng dữ vào ban đêm để canh gà

NL