Menu Close

Tháng Giêng du xuân

Việt Nam ngày xưa là nước nông nghiệp, Tết kéo dài từ 3 đến 7 ngày và có khi cả tháng nên ca dao có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Qua đến hải ngoại, ngoài ba ngày Tết, nhiều người còn giữ tục đón chào năm mới kéo dài các weekend suốt tháng, bằng những lễ hội mùa xuân, các party mừng tân niên của những hội đoàn, hay đi du xuân thăm bạn bè, người thân cùng viếng chùa trong ngày rằm tháng Giêng. Tuy khí lạnh còn phảng phất trong không gian, nhưng nắng “Tháng giêng, ngon như cặp môi gần” (Xuân Diệu) đã đến, khiến lòng người rộn ràng vui và đôi chân tôi khấp khởi xuất hành du xuân. 

du-xuan-thang-gieng1
                       Bạn bè quây quần bên Nhạc sĩ Lam Phương. 

Ði thăm người thân bạn bè là việc đầu tiên tôi nghĩ đến vì cảm giác ấm áp. Tôi theo một nhóm bạn bè đến thăm nhạc sĩ Lam Phương. Ðiều bất hạnh cho ông là sau khi bị stroke quá nặng, thời gian ông ngồi xe lăn lại dài lê thê và tới giờ ông vẫn ngồi xe lăn không đi đâu được.

du-xuan-thang-gieng2
                       Nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 81

Nhân dịp tiến sĩ Nhật Tahara qua Nam Cali dự buổi chiều văn học nghệ thuật tại Calstate Long Beach chúng tôi rủ ông cùng đi thăm nhạc sĩ Lam Phương. Anh Việt Hải dẫn đầu với Trần Mạnh Chi, Hồng Tước, Thụy Vy, Thanh Thanh, Hiroki Tahara và Phạm Hồng Thái. Vừa thấy đoàn người chúng tôi ập vào nhà, ông cười tươi như mở hội. Trong lòng chúng tôi có ông và trong lòng ông mở rộng chào đón chúng tôi. Mồng một Tết chúng tôi quây quần bên chiếc xe lăn, cạnh nụ cười hiền hoà nhân hậu của người nhạc sĩ nổi danh được nhiều người biết tên cả trong nước lẫn ngoài nước. Ông Tahara là một giáo sư giám đốc khoa ngữ học dạy tiếng Việt trong một đại học ở Nhật cũng từng ái mộ và yêu nhạc Lam Phương. Ông nói tiếng Việt rất sõi và còn làm từ điển Việt-Nhật và 3 cuốn ngữ pháp tiếng Việt cho người Nhật. Ông bảo ông có duyên với âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ album “Tiếng hát Hà Vân 1” của ca sĩ Hà Vân, trong đó có “Kiếp nghèo” là nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương. Gặp Lam Phương ông Tahara nói liên tu bất tận. Chúng tôi cùng ăn mứt uống trà với Lam Phương và cùng nhau hát những bài hát của ông mong ông vui. Buổi chiều họp mặt thật vui nhộn đầy tiếng cười nhờ tính hài hước của GS Tahara. Chúng tôi khen nhạc sĩ Lam Phương trẻ và có nụ cười tươi. Năm nay ông 81 tuổi. Ông bảo coi vậy mà bên trong thì héo. Tôi nói nhờ héo mà chú có biết bao nhạc phẩm tình ca cho đời đến giờ người ta vẫn còn say mê hát. Trông GS Tahara cầm iPhone lẩm nhẩm hát theo chúng tôi ai cũng thấy vui và hạnh phúc. Có lẽ nhạc sĩ là người hạnh phúc nhất vì khi chia tay tôi thấy ông bịn rịn chẳng rời.

du-xuan-thang-gieng11
                 Thầy Thich Nguyên Tâm đang viết thư pháp

Chợ Tết là nơi đông đảo tiếng người, thực phẩm và không khí tưng bừng náo nhiệt nhất. Tôi ghé hai chợ Tết ở Quận Cam, một Chợ Tết Sinh Viên ở OC Fair, Costa Mesa và một của Cộng Ðồng ở One Mile Square Park. Chợ Tết Sinh Viên có đầy đủ các sắc thái và văn hóa VN với thiết kế “Làng VN” rất đặc thù và độc đáo. Ðông gấp 3, 4 lần chợ Tết Cộng Ðồng và tràn ngập các em trẻ, thế hệ tương lai của hải ngoại. Chợ Tết Cộng Ðồng thì gần trung tâm Little Saigon nhưng thưa vắng hơn, phần lớn là người lớn tuổi đến thăm vì tiện lợi là chính.

du-xuan-thang-gieng
                      Mô hình Hưng Đạo Vương và trận Bạch Đằng

Mùa xuân mang niềm cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ, những hoạ sĩ tạo hình cũng vậy. Nhóm Họa sĩ Nam Cali gồm 14 họa sĩ đồng tham dự đã khai mạc một buổi triển lãm “Hội Họa và Ðiêu Khắc xuân Mậu Tuất 2018” tại chùa Bảo Quang vào những ngày trước và sau Tết. Chủ đề “Cuộc Sống Muôn Màu” đã thể hiện được những cái nhìn đa dạng về ý nghĩa cuộc sống của các họa sĩ thuộc các thế hệ khác nhau trong nghệ thuật tạo hình. Thế hệ đi trước có Lương Trường Thọ, Nguyễn Văn Bảy, Ðặng Ngọc Sinh, Chính Mung, Lam Thủy, với những kinh nghiệm sống từng trải và thời gian cầm cọ dày dặn. Ðứng trước tranh của họ, tôi  dừng lại lâu hơn như hòa mình vào những nỗi tư hương, nhớ quê, nhớ nhà và cảm xúc của họ đã thể hiện tràn ngập trên tranh. Tranh của Ái Lan và Trương Ðình Uyên thuộc thế hệ trẻ hơn nhưng cũng rất sắc sảo trong những biểu cảm, những tư duy và băn khoăn của cuộc sống. Họa sĩ Phong Trần thì đứng riêng một cõi với loại Digital painting vẽ trên máy tính.Trào lưu Digital Art rất thịnh hành trên thế giới ngày nay nhưng không nhiều họa sĩ VN chọn lối vẽ trên máy tính này. Ngoài ra các họa sĩ khác như Kim Ngân, Bảo Trâm, Biểu Trung, Vũ Dung, Thanh Trí Cao, đã góp phần với những bức tranh phần lớn vẽ phong cảnh và tĩnh vật đầy màu sắc tươi vui và đằm thắm của mùa xuân. Buổi triển lãm có sự góp mặt của hai bức tượng điêu khắc của Elizabeth Nguyễn.

du-xuan-thang-gieng10
            Bùn Hoa của Họa sĩ Trương Đình Uyên
du-xuan-thang-gieng9
                    Xuân của Kim Ngân
du-xuan-thang-gieng8
Sắc thu của Họa sĩ Chính Mung

“Ðầu mùa xuân cùng em đi lễ” là lời thơ thật đẹp trong bài thơ “Em lễ chùa này” của Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc. Tháng Giêng đầu xuân, tôi ghé chùa Bảo Quang ở Quận Cam lễ Phật và cũng chật vật lắm mới tìm ra nơi đậu xe. Chùa mới được xây và trùng tu lại trong những năm gần đây nên trông thật đồ sộ. Những tà áo dài nam và nữ cũng như của các em bé, đủ kiểu, đủ màu, đủ hoa văn tranh nhau đua sắc cho các người thân say sưa chụp hình. Kiến trúc của chùa có mái cong từa tựa mái chùa thời Lý. Chùa tuy nhiều gian nhưng lại phải xây trên mảnh đất nhỏ trong trung tâm thành phố nên mọi thứ trông như cứ xúm xít vào nhau. Gian hàng bán thực phẩm chay được đông đảo phật tử ủng hộ. Ðầu năm đi chùa ăn chay niệm Phật, xin xăm, khấn vái những điều tốt lành cho bản thân, gia đình và người thân là những mỹ tục truyền thống đẹp đẽ mà người Việt tha hương cố gắng gìn giữ. Nhìn các em bé tung tăng chạy nhảy đứng làm mẫu cho cha mẹ, ông bà chụp hình bên những pho tượng chú tiểu nhỏ thấy dễ yêu làm sao.

du-xuan-thang-gieng6
                     Cậu bé và pho tượng chú tiểu
du-xuan-thang-gieng7
                   Đi lễ chùa Bảo Quang

Ðể gầy dựng lại những hình ảnh và phong tục truyền thống của ngày xuân, Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ đã tổ chức một buổi chụp hình với chủ đề “Xuân Tha Hương” cho các Nhiếp ảnh gia và khách viếng thăm chùa Phổ Ðà có cơ hội bấm máy khai xuân. Với những người mẫu phục sức cổ truyền và phông cảnh dàn dựng mỹ thuật ban tổ chức đã thành công trong việc tạo cơ hội cho các bạn đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh mang về được những bức hình chân dung tuyệt đẹp. Ban tổ chức đã bỏ nhiều thời gian để dàn dựng quang cảnh, ánh sáng cũng như kêu gọi được sự tham dự của nhiều người mẫu trong đủ mọi lứa tuổi. Họ là Nữ nghệ sĩ Nga My, Cathy Phan, Hiếu Trần, Ed Cook, Jessica Hà, Vivian Nguyễn, Tuyết Trần, Thảo Huỳnh, Diane Nguyễn, Quế Nguyễn, Cường Trần, Sinh Nguyễn, Lan Trần, Lin Baetge, Sarah Baetge, Hannah Baetge. Phần ánh sáng và điều hành do NAG Ðỗ Thành Chung và Thiên Sơn đảm nhiệm. Phần dàn dựng và chủ đề do NAG Thái Minh Trung phụ trách.

du-xuan-thang-gieng4
              Đầu năm xem bói. Ảnh của Nhiếp ảnh gia Thiên Sơn
du-xuan-thang-gieng3
   Hai em bé lạy tổ tiên. ảnh của Nhiếp ảnh gia Thiên Sơn

Các hoạt cảnh xem bói đầu năm, áo Dài, áo Tứ Thân bên đền chùa cổ kính hay chiếc áo Bà Ba cạnh gióng gánh chợ quê đã làm sống lại bao nhiêu là hình ảnh quê hương mến yêu. Dàn nhạc hoà âm với những nhạc cụ cổ truyền như đàn Nguyệt, đàn Ðáy, đàn Nhị và trống Chầu cũng đủ cho chúng ta trở về cõi xa xưa của nghệ thuật Ca Trù đất Bắc ngàn năm văn vật. Ngày xuân sống lại quá khứ để lưu giữ mỹ tục đẹp đẽ, để nhắc nhở con cháu đời sống một thời của cha ông và tiền nhân đã trải nghiệm là những kỷ niệm đẹp. Có lẽ hình ảnh đẹp nhất phải là hình ảnh các em nhỏ chắp tay khấn lạy trước bàn thờ gia tiên cầu chúc cho gia đình được mọi điều an vui và hạnh phúc.

du-xuan-thang-gieng5
Ca Trù. Ảnh của Nhiếp ảnh gia Trọng Lưu

TT