Menu Close

Hoa hậu. Lễ hội. Chết chóc

Hôm rồi tôi có lướt qua bài báo trên Dân Trí có tựa đề “Vì sao chọn Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đại diện hình ảnh cho Lễ hội áo dài TPHCM?” vì có khá nhiều ý kiến tiêu cực, thậm chí chửi rủa cô gái Hà Nội vì đã “dám” hai năm liên tiếp đại diện hình ảnh cho Lễ hội áo dài TPHCM. Vấn đề này cũng được đưa lên BBC mổ xẻ và góp lời thể hiện sự “thất vọng”. Trích BBC:  “Nhà văn Trần Nhã Thụỵ nói: “Việc chọn hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, một cô gái Hà Nội đại diện cho Lễ hội áo dài ở Sài Gòn, khiến người người cảm thấy không ưng, thấy đáng tiếc.” Tôi bỗng thấy khó hiểu, vì hơn 40 năm qua hình như chả có ông Bí Thư Thành Ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nào có quốc tịch… Sài Gòn cả, đa số là từ các tỉnh và Hà Nội, nhưng hầu như chả ai có ý kiến gì! (Cũng có thể, nhưng người “ý kiến” đã bị đi tù!)

hoa-hau-le-hoi-chet-choc
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh – nguồn chieu-cao.net

Riêng bản thân tôi thì việc ai làm đại diện hình ảnh cho cái lễ hội kia cũng được, bởi vài lý do.

Thứ nhất, theo Google thì cái lễ hội này đã xảy ra 5 lần, có nghĩa là từ 2014 nhưng “nhờ” có những ồn ào trên tôi mới biết được sự tồn tại của nó. Cũng có thể đây là chiêu trò “PR” (Public Relation: quan hệ công chúng, quảng cáo, lăng xê…) của chương trình, đơn cử là cô hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh đã làm đại diện năm thứ hai, bài báo trên đáng lẽ nên có từ năm ngoái. Cũng có thể, chương trình mới đổi bộ phận “chiến lược kinh doanh”. (Tại sao các bài viết của tôi lại có nhiều “cũng có thể” đến vậy? Ðơn giản là vì tôi không… chắc và Việt Nam mà, cái gì chẳng xảy ra được!)

hoa-hau-le-hoi-chet-choc7
Các đại sứ lễ hội áo dài năm 2018 đa phần là các diễn viên – Ảnh: N.Bình – Tuổi Trẻ

Thứ hai, sau khi tìm hiểu, tạm tóm lược lại thì đây cũng chỉ là một chương trình thi nhan sắc “trá hình”, kèm theo là PR cho những thương hiệu có (đủ tiền để) liên quan như nhiều cuộc thi nhan sắc khác. Nhưng nhờ mượn hình ảnh áo dài, nó trở nên ‘hot’ và “trang trọng” hơn trong mắt người Việt. Ðây cũng là một “cần câu” trong chiến dịch quảng bá du lịch TPHCM. Nên theo tôi, việc quan trọng là làm đẹp tà áo dài, làm chương trình trở nên chuyên nghiệp, đẹp đẽ chứ với du khách và thường dân như tôi, chắc gì được thấy hoa hậu “bằng xương bằng thịt” mà phản đối với bình phẩm.

Thứ ba. Trong bài báo trên ở Dân Trí, đại diện Ban Tổ Chức Lễ Hội này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, giải thích:

hoa-hau-le-hoi-chet-choc6
Mỗi giờ có một lễ hội – Từ kênh14

“Ðỗ Mỹ Linh là hoa hậu Việt Nam, cô ấy đại diện cho vẻ đẹp của cả đất nước, ngoài ra TPHCM có một câu như thế này “TPHCM vì cả nước và cùng cả nước” nên việc lựa chọn Mỹ Linh là điều hợp lý. Và tôi nghĩ tất cả những người hoạt động trong văn hóa – nghệ thuật hay hoạt động trong lĩnh vực truyền thông thì việc chúng tôi mời một Hoa hậu quốc gia để đại diện trong một cuộc thi ở thành phố thì đó là một quyết định mạnh bạo nhưng rất may điều đó đã được mọi người đón nhận”.

Trong câu phát biểu này tôi thấy thú vị rất nhiều chỗ (không biết có thú vị thật không). Ðầu tiên, rất trùng hợp là ông giám đốc Sở du Lịch TPHCM của chúng ta có “quốc tịch” Quảng Ngãi (cùng quê với nhà văn Trần Nhã Thụy trong phỏng vấn của BBC tôi đã trích ở phần mở đầu). Kế tiếp, tôi không đồng ý với ông khi ông nêu lý do chọn cô hoa hậu kia vì cổ là “đại diện cho vẻ đẹp của cả đất nước”. Vì thật ra cô được lựa chọn, công nhận làm hoa hậu chỉ bởi một nhóm người, và những người mang danh hoa hậu ở đất nước này rất rất nhiều, đa phần sau thời gian đăng quang không lâu đều có những lùm sùm không hay, gây hại cho hình ảnh của mình lẫn cuộc thi mà họ vừa đoạt giải. Việt Nam thuộc hàng top Châu Á về chuyện có nhiều người đẹp nên không hề cần có một “đại diện cho vẻ đẹp của cả đất nước” là một hoa hậu. Tuy nhiên, không vì vậy mà tôi phản đối quyết định chọn cô hoa hậu này của ông… Vì cổ đẹp và ít nhất là… chắc ăn hơn nhiều người khác. Giới showbiz Việt ngày càng phức tạp, hoa hậu người mẫu, thậm chí hot girl nữ sinh thi nhau bán dâm, làm mồi nhậu cho các vị đại gia, những cô gái sau một đêm nổi tiếng rồi cũng sau một đêm mất hết nhiều không đếm xuể. Thôi thì chọn đại một cô hoa hậu, người miền Bắc, có tấm bằng nhan sắc là chắc ăn nhất rồi. Kế tiếp. Tôi không hiểu chuyện chọn Mỹ Linh và câu nói  “TPHCM vì cả nước và cùng cả nước” có liên can gì, nhưng theo suy nghĩ của tôi thì ý ông là TPHCM vốn đã phải “chịu đựng rất nhiều”, giờ “vì cả nước” mà chịu chút nữa có sao đâu. Ðiều này tôi hoàn toàn đồng ý tuy cũng cố giấu nhiều giọt nước mắt tủi thân. Vế cuối, ông kết câu chuyện bằng một lời khẳng định chắc nịch “đó là một quyết định mạnh bạo nhưng rất may điều đó đã được mọi người đón nhận”. Là tôi phì cười, làm như chúng tôi có quyền không-đón-nhận vậy! Nếu có quyền đó thì dân Sài Gòn ngày xưa đâu bỏ chạy mất xác gần hết và cũng chẳng có mấy câu đại loại như “Dân Sài Gòn giờ bên Mỹ hết rồi”.

hoa-hau-le-hoi-chet-choc5
Di sản văn hóa…. -TỪ Facebook Do hieu

Lý do cuối, dẫu là một lễ hội hay một cuộc thi nhan sắc, chương trình này thuộc về một nhóm người nhất định. Huống chi lễ hội, thi thố ở Việt Nam quá nhiều và dồn cục vào dịp đầu năm. Ngoài những hình ảnh lung linh trên các bài báo tâng bốc là một thực trạng đau lòng. Sau khi kết thúc, điều chúng ta nhận được hầu hết đều là các tin tức xấu và gây tranh cãi. Vào dịp này, các từ khóa hot hầu hết là “biển người”, “biển rác”, “chen lấn”, “móc túi”, “giành giựt”, “mua giải”, bán giải, lợi dụng lẫn nhau để thăng tiến… nghe thôi đã sợ, nói chi đến chuyện quan tâm. Quan tâm mà còn không muốn, thì chuyện ai đại diện có còn quan trọng hay chăng?

hoa-hau-le-hoi-chet-choc4
… là như thế này? Từ Zingnews

Túm lại, tôi chỉ thấy người ta quan tâm nên tôi cũng quan tâm chứ thật ra tôi “chỉ biết ăn thôi chả biết gì”. Ngay cả từ lễ hội tôi cũng không hiểu chính xác nội dung nó là gì và mục đích nó là để làm gì. Chỉ thấy hàng năm chứng kiến không biết bao nhiêu là lễ hội được tổ chức, không có đặc trưng nào ngoài sự… đông người. Thế là tôi lại hỏi anh Google, sửng sốt khi biết được: “Theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7,966 lễ hội, trong đó có 7,039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử – cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Ngoài ra, còn những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ… Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được phục hoạt.” Ðó là thống kê từ 2009, trong khi  Lễ hội áo dài TPHCM được “phát minh” năm 2014, chưa kể hàng trăm ngàn lễ hội khác được “đẻ” ra mỗi giờ. Tỷ lệ thuận với phần trăm số người chết vì tai nạn, ung thư, ô nhiễm tăng lên mỗi giờ. Lúc đó sẽ thế nào? Tôi bỗng nảy ra một câu chuyện giả tưởng cho một tương lai chết chóc liên can đến con số lễ hội và số người chết đang tăng lên mỗi ngày…

hoa-hau-le-hoi-chet-choc3

Số lễ hội chẳng mấy chốc sẽ vượt lên bằng số người chết mỗi giờ, hoặc ít ra mỗi khi lễ hội diễn ra ở chỗ A thì những chỗ B, C, D cũng đã có nhiều người nằm xuống cùng lúc. Khi thống kê người ta sẽ không nói chung chung số người chết thật nhàm chán như hiện giờ nữa mà sẽ nói: Vào lúc 0h giờ, ngày 1/1 có xxx người mất khi ở A đang diễn ra lễ hội Y, trong những người chết nổi bật nhất là ông Chủ Tịch T, bà bộ trưởng C… Báo cũng sẽ có vô vàn “tít” mới. Chúng ta sẽ có thêm một trò mới là ngồi “hóng” xem, khi diễn ra lễ hội này sẽ có bao nhiêu người chết, có bao nhiêu quan chức cấp cao chầu trời thay vì ngồi bất mãn với dòng người đông đúc, mê tín kia.

hoa-hau-le-hoi-chet-choc2
Có con cá thần, sau 5 ngày được quỳ lạy, bị phát hiện không… thần nên thành mồi nhậu – Từ Dân Trí

Hiệp Hội Vàng Mã sẽ được sanh ra bên cạnh những Hội/Cục đang và sắp có để phục vụ riêng tầng lớp cấp cao, làm đối tác thân tín của Bộ Văn hóa (quản lý các lễ hội), song song đó hợp tác thật chặt chẽ với nghĩa trang 1400 tỷ cho cán bộ cấp cao. Các “ban ngành” này, tạo thành một tập đoàn để cùng hợp tác, dĩ nhiên, người quản lý vẫn là kẻ-mà-ai-cũng-biết. Mỗi vị cán bộ cao cấp lúc này sẽ được phát thẻ thành viên, tùy theo chức danh và “máu mặt” mà được sử dụng thẻ theo “level” nhất định. Cứ ai có thẻ hội viên thì khi mất sẽ được Hiệp Hội Vàng Mã cung cấp vàng mã, hình nộm của nhà lầu, xe hơi, tiền và quan trọng nhất là “vũ khí” để “chiến đấu” với những “thế lực thù địch” đang chờ sẵn ở “dưới”. Nghĩa trang nghìn tỷ thì sẽ cấp đất chôn giá hữu nghị (hoặc 0 đồng), ban lễ hội thì sẽ sắp xếp lễ hội để diễn ra vào những khung giờ đó cho phù hợp (nên chia buồn hay chia vui). Nhà hoặc đơn vị của cán bộ cấp cao nào có nhiều người mất thì sẽ được tặng thẻ VIP. Có thể xem xét tạo ra một lễ hội riêng để kỷ niệm, phong thánh, xây tượng đài mừng ngày khách VIP mất. Mỗi năm, tập đoàn sẽ cử người đến nhà các vị cán bộ thăm hỏi, động viên, khuyến khích mau… chết để họ bán được hàng, duy trì tập đoàn vững mạnh. Nhiều vị quan chức cấp thấp sẽ chạy tiền, chạy… mạng để mua bằng được “thẻ thành viên” rồi sẽ chạy… chết để nâng lên thẻ VIP, có cái mà nở mày nở mặt với các vị quan chức cấp thấp khác. Chuyện chết chóc sẽ trở thành một chuyện vui vẻ, dùng để khoe khoang thay cho những đất đai, quốc tịch, rượu đắt tiền hoặc bồ hoa hậu đã lỗi thời. Những người đẹp như hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh có làm đại diện cho lễ hội gì thì báo cũng không thèm quan tâm vì đang phải theo dõi, moi tin hot từ “công cuộc” chết chóc.

hoa-hau-le-hoi-chet-choc1
Cặp rắn “thần” đang chờ bị xào lăn – Hình từ Soha

Nhà nào có người chết nhiều hơn nhà quan địa phương có thể bị phạt tiền, phạt tù (tội nặng tương đương “phản động” bây chừ). Tiền thuế, đất đai của nhân dân sẽ đầu tư vào chuyện chết của quan, thay vì biệt phủ thì chúng ta có biệt… mộ. Người dân lúc này, sẽ không quỳ lạy “cá thần” ngoài suối, Rùa thần ngoài hồ, rắn thần trên mộ phần nữa mà sẽ sì sụp lạy những vị thần… kinh, cầu cho mình khoan… chết!

Và, cuối cùng. Khi cán bộ khoái chết, chết càng nhiều càng tốt thì cũng là lúc dân thường sống khỏe hơn!

DU