Menu Close

Mâu Thân hưu chiến (kỳ 4)

(tiếp theo và hết)

Tôi nghĩ rằng cái chòi gác này rất cao, người ngoài đường cũng trông thấy, nên chạy ra cổng chính nhờ chiếc M113 có khẩu 106 ly giúp một tay.

Quả đúng như tôi dự trù, người nào đứng tại Ngã Tư Bưu Ðiện đều có thể nhìn rõ mồn một những tia lửa phát ra từ khẩu RPD trên vọng gác kia. Chỉ cần hai quả 106 ly là cái chòi gác biến mất.

Muốn tiến chiếm các lô cốt và khu cơ xưởng, chúng tôi phải di động liên tục. Vào tới đây rồi thì ai cũng phải đánh nhau, bất kể là quan hay lính. Tôi, ông Donald và Trung sĩ  Có hợp thành một tổ ba người. Ông Donald giữ nhiệm vụ ghìm khẩu AK 47 bảo vệ cho tôi và Có luân phiên đánh lựu đạn.

Thanh toán xong cái lô cốt giữa sân cờ, cả đại đội hò reo xung phong lên khu cơ xưởng sửa chữa quân xa và hội quán.

mau-than-huu-chien6
nguồn: Pinterest

“Ùm! Ùm!…Oành! Oành!…” Lựu đạn của ta, thủ pháo của địch đua nhau ném qua, ném lại; trung liên, tiểu liên thì nổ đùng đùng không dứt! Hai lỗ tai tôi lùng bùng như sắp điếc đặc tới nơi!

Tới đầu dãy nhà chứa xe, trong đám bụi khói mù mịt, thay vì chạy theo tôi về bên trái, thì ông Donald lại chạy theo Trung úy Rạng rẽ sang bên phải, nơi đây có cái cổng sắt dẫn sang cư xá sĩ quan.

Bất ngờ, tôi thấy B 40 phụt lửa chói lòa, cùng tiếng súng liên thanh “Cành! Cành!” phát ra từ nóc một lô cốt lộ thiên nơi đầu nhà chứa vật liệu xây dựng. Ðây là một ổ đại liên 30 và B 40! Tai tôi nghe tiếng đạn B 40 nổ, cùng lúc mắt tôi nhìn thấy Trung úy Rạng và ông Donald loạng choạng, chúi người vào nhau, gục trên nền đất.  Phải nhảy hai bước dài, tôi mới tới sát cái bờ tường chất bằng bao cát có họng súng đang nhả đạn liên thanh. Một quả MK3, tiếp theo là một quả M26 được rút chốt.
Không cần kiểm soát lại kết quả của hai trái lựu đạn, tôi phóng tới bên ông Donald và Trung úy Rạng. Ông Donald nằm gục mặt trên sân, cái nón sắt bị bắn toác nửa phần sau gáy, mặt ông đầy máu, ngực ông đầy máu, vai ông đầy máu, người ông chỗ nào cũng có máu!

Tôi lắc lắc vai ông,

“Donald! Donald! Donald!”

Bạn tôi không nghe được tiếng tôi gọi! Bạn tôi nằm bất động! Bạn tôi đã chết rồi!

Tôi cố gắng lật mặt ông, nhìn ông lần cuối. Mắt ông nhắm nghiền, miệng ông mím chặt, chiếc nón sắt nghiêng một bên, máu trong nón sắt trào ra lênh láng.

Bên cạnh Ðại úy Donald Allen Evans, Trung úy Lưu Danh Rạng nằm co quắp như một con tôm. Nửa mặt anh cùng với cái nón đi rừng đã bị bắn bay đi đâu mất, ngực anh máu còn phun phì phì! Anh Rạng và ông Donald, mỗi người ít ra cũng lãnh trên mười vết thương!

Tôi đau buồn từ từ đứng dậy, giơ tay ra dấu gọi Trung sĩ Có, tính chuyện cho người đỡ xác ông Donald và xác anh Rạng ra ngoài.  Ðâu ngờ, “Toác! Toác! Toác!…” tai tôi vừa nghe tiếng nổ thì bên sườn phải của tôi đã bị vật gì đó xuyên vào! Viên đạn AK 47 không trúng cái báng súng mà tôi đeo bên hông, viên đạn không chạm chiếc áo giáp mà tôi đang mặc, viên đạn chui vào ngay cái khe nằm giữa hai mảnh giáp hộ thân!

Người tôi bỗng nhẹ tênh! Không thể giữ nổi thăng bằng trên đôi chân, tôi đành gục xuống!  Trung sĩ Có nhảy tới đỡ tôi. Rồi Có cũng ôm ngực, gục xuống theo tôi!

Một toán người ào tới. Có tiếng Trung sĩ Nhứt Nguyễn Nhơn, Trung Ðội Phó Trung Ðội 1,

– Trung úy bị thương rồi! Thằng Có cũng bị thương rồi! Tụi bay vác Trung úy và thằng Có ra ngoài đường mau lên! Mau lên!

Súng tiếp tục nổ ran cùng tiếng la “Xung phong! Xung phong! Biệt Ðộng Sát! Biệt Ðộng Sát!…” vang vang, ồn ào, hỗn loạn…

Một người lính vừa dìu tôi vừa chạy, gần tới cổng thì quỵ xuống; anh ta bị trúng đạn vào lưng!

“Long! Long! Don’t worry! Don’t worry! I’ll help you!”

(Long! Long! Ðừng lo lắng! Ðừng lo lắng! Tôi sẽ giúp anh!)

Người mới la lên là Trung úy Bailey, Cố Vấn của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. (Tôi không nhớ First Name của Trung úy Bailey.)

Bailey đã có mặt kịp thời, anh dang hai tay đỡ tôi dậy, rồi phóng thật nhanh ra đường. Sau lưng anh, đạn đại liên của địch “Chíu! Chíu! Chíu!…” đuổi theo!

Ra tới chỗ an toàn, Bailey đặt tôi xuống vệ đường. Tôi thấy ngực mình nặng vô cùng, không thể thở. Bailey cởi cái áo giáp của tôi ra, vứt bên vệ đường, rồi xé luôn cái áo hoa tôi đang mặc để tìm vị trí viên đạn đã chui vào. Anh quỳ bên tôi, hai bàn tay xòe rộng. Anh để hai tay trên ngực tôi, rồi nhấn xuống, nhả ra, làm hô hấp nhân tạo, giúp tôi thở dễ hơn. Mỗi khi tay Bailey đè xuống, máu tôi lại phun ra, khi Bailey nhả tay ra, máu lại chạy ngược vào lồng ngực!

Lúc sau tôi đã thở dễ dàng trở lại. Bailey trao tôi cho Ban Quân Y của liên đoàn. Y tá không dám bịt miệng vết thương lại, vì sợ máu ứ trong lồng ngực. Tôi nằm nghiêng bên phải, máu tiếp tục tuôn ra, máu tràn xuống mặt đường.

Nghe tin tôi bị thương, Trung tá Dõng vội chạy tới. Ông quỳ xuống bên tôi, cầm tay tôi, ông dịu dàng,

– Long ơi! Long ơi! Em không sao chứ?

Trung tá Hồ Hữu Dõng xưa nay thường nói năng cộc lốc, không văn hoa, không tình cảm. Vậy mà hôm nay, lần đầu thuộc cấp nghe ông gọi một sĩ quan dưới quyền bằng đại danh từ “Em”, thiết tha như thể là ông ta đang gọi đứa em ruột thịt của mình.

Sau khi mồi cho tôi một điếu xì gà, Trung tá Dõng gọi Thiếu tá Thi tới và ra lệnh,

– Thằng Long mà vào không được thì không ai vào nổi đâu! Ông bảo “già” Dzếnh rút toàn bộ Ðại Ðội 1 ra chốt mấy cái pháo đài ngoài cổng, rồi  kêu “cha” Tánh đốt cái trại Ðịa Phương Quân này cho tôi.

Lúc Ðại úy Tánh (Thiết Giáp) bắt đầu công tác phun lửa đốt khu doanh trại Ðịa Phương Quân thì tôi được xe cứu thương đưa về Quân Y Viện Pleiku.

Người ta đưa thẳng tôi vào Phòng Chụp X Quang mà chẳng qua thủ tục nhập viện nào cả. Sau đó tôi được chuyển về Ngoại Thương 2.

Người chỉ huy Ngoại Thương 2 là Trung úy Y sĩ Lê Văn Thới. Ông xem xét tấm hình chụp viên đạn rồi gật gù,

– Không mổ được! Viên đạn nằm sát trái tim. Mổ láng quáng chạm phải trái tim thì phiền! Cứ để viên đạn nằm đó, ít lâu sau mỡ sẽ bọc quanh nó như cái kén của con tằm. Thế là yên!

mau-than-huu-chien7
Ngọ Môn Quan – Huế 1968. Nguồn: pinterest

Phòng sĩ quan có bốn cái giường. Tôi nằm ở giường số 3. Giường số 4 còn để trống. Có hai ông Thiết Giáp nằm sẵn trong phòng này trước khi tôi nhập viện, đó là Trung úy Triết Chi Ðoàn Trưởng 1/3 Chiến Xa và Thiếu úy Tài Chi Ðoàn Trưởng 2/3 Thiết Vận Xa. Ðêm qua hai ông Thiết Giáp này đều bị Việt-Cộng bắn cháy xe, một ông gãy tay, một ông phỏng nặng. Ðại đội trưởng Biệt Ðộng Quân và Chi đoàn trưởng Thiết Giáp cùng trực thuộc lực lượng trừ bị của Vùng 2 thì chẳng lạ gì nhau, nên ba chúng tôi gặp nhau mà chẳng cần phải tự giới thiệu dài dòng.

Nằm trong phòng dành cho sĩ quan được một ngày, tôi thấy ngột ngạt khó thở quá, nên xin Bác sĩ Thới cho tôi ra phòng ngoài.

Sáng Mùng Hai tôi nhờ hai y tá chuyển chiếc giường bệnh của tôi qua khu dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ. Phòng này tuy ồn ào, lộn xộn, nhưng rộng rãi, thoáng đãng và vui vẻ hơn.

Binh nhứt Phạm Công Cường nằm trong Ngoại Thương 3 đã nghe tin tôi bị thương nên tìm tới thăm. Cường cho tôi hay số người bị thương nhập Quân Y Viện Pleiku đã quá mức chứa, do đó phải chia sẻ bớt cho Quân Y Viện Qui Nhơn, và Chinook Mỹ đã đem ông Chuẩn úy đi từ chiều Mùng Một Tết rồi.

Ngày đó, tôi chỉ tiếp xúc với ông Chuẩn úy Khóa 25 Thủ Ðức này có vài phút, tên tuổi của ông ấy tôi quên mất rồi! Tới nay, tôi chỉ còn nhớ rằng ông ta bị cận thị nặng, cặp kính trắng hơi dầy. Ông ấy có phong thái của một nhà mô phạm hơn là một ông Biệt Ðộng Quân. Tôi hy vọng rằng, bài viết này sẽ tới tay ông; hy vọng hiện nay ông còn sống, và còn nhớ tới cái đơn vị Biệt Ðộng Quân mà ông đã phục vụ trong thời gian vừa đúng một ngày.

Tết Mậu Thân có ba ngày hưu chiến, vậy mà tính từ Giao Thừa cho tới trưa Mùng Một, thời gian chưa qua một ngày, mà đơn vị tôi đã có gần hai chục người vừa chết, vừa bị thương, cả Trung úy Rạng và tôi đều bị loại ra ngoài vòng chiến, chỉ còn ông Thượng sĩ Nguyễn Em là người mang cấp bậc cao nhứt; đại đội tôi thực sự đã thành một đơn vị “mồ côi”.

Tổng Công Kích Tết Mậu-Thân 1968 của Việt-Cộng đã gây nên biết bao cảnh chết chóc, hoang tàn, đổ nát khắp Miền Nam. Dã man nhứt là cuộc thảm sát ở Huế, nơi đây Việt-Cộng đã xử tử hàng ngàn người dân vô tội rồi chôn vùi thân xác họ trong những ngôi mồ tập thể.

Trong cuộc chiến tranh Việt-Nam Thế Kỷ 20 vừa qua, quân dân Miền Nam đã quá nhân từ, cả tin, dễ dãi và ơ hờ, trong khi đó người Cộng-Sản lại vô cùng gian manh, dã man và xảo trá.

Chúng ta đã bị địch lừa gạt, nên cứ  tin tưởng vào những viễn ảnh hòa bình của Hiệp Ðịnh Geneve năm 1954,  rồi Hiệp Ðịnh Paris năm 1973; kết quả sau cùng, chúng ta phải trả giá là ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 Miền Nam hoàn toàn sụp đổ.

Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua, trong lồng ngực của tôi, cái đầu đạn AK 47 vẫn nằm yên bên cạnh trái tim, và mỗi khi trở trời, tôi lại cảm thấy râm ran cả một vùng da bụng quanh nơi viên đạn chui vào.

Mộ bia của anh Rạng thì không biết có còn không? Vì sau ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 nghĩa trang của những người thua trận đã trở thành hoang phế.

Còn ông Donald, sau lần hát “The Star” cho tôi nghe trên đồi Holloway, đã không còn hằng đêm ngóng về một vì sao, nhớ quê. Ông đã yên giấc nghìn thu trên đất nước của ông rồi.

Ðêm đêm, trong khu Vietnam Veterans Memorial  ngay giữa lòng thủ đô Washington D.C của Hoa-Kỳ, bức tường đá đen nhìn giống như một khung trời sâu thăm thẳm, trên đó những cái tên sơn màu trắng, cũng lập lòe,  lấp lánh như những vì sao trên trời. Tên ông đã được khắc sâu trong lòng đá. Với người dân Hoa-Kỳ thì cái tên Donald Allen Evans đã thành bất tử!

Và riêng tôi, mỗi năm vào dịp Xuân về, tôi đều nhớ tới người bạn vong niên của mình, nhớ câu chúc Tết trọ trẹ, lơ lớ bằng tiếng Việt:

“Chúc mừng năm mới!…”

Tiếp đó là hình ảnh ông nằm sõng soài trên nền đất, máu đỏ đầy mình, lặng thinh không trả lời tôi réo gọi bên tai, “Donald! Donald! Donald!”

Có những chuyện xảy ra trong đời, vì quá bi thương, nên người ta muốn quên đi, nhưng không làm sao quên được! Có những điều, người ta muốn kể lại, nhưng vừa mở miệng, đã nghẹn lời!

Mãi năm mươi năm sau ngày ấy, tôi mới viết lại chuyện này được trọn vẹn, vì trước đây, mỗi lần bắt đầu câu chuyện, tôi lại thấy mắt mình cay cay, không biết làm cách nào để có thể ngăn đôi giòng lệ tuôn rơi, nên đành gác bút.

VML-K20

Seattle một ngày đầu Xuân 2018