Hôm Thứ Năm tuần rồi, một phái đoàn ngoại giao của Nam Hàn đã đến Washington mang theo một thông điệp quan trọng: lãnh tụ Kim Jong-un ngỏ ý muốn có một cuộc họp mặt đối mặt với nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ngay sau cuộc họp ngắn với phái đoàn Nam Hàn, Tổng Thống Donald Trump cho biết ông sẵn sàng gặp mặt lãnh tụ Bắc Hàn. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên từ trước tới nay giữa lãnh đạo của hai quốc gia và có thể đánh dấu bước đột phá trong cuộc đối đầu giữa hai quốc gia từ nhiều năm qua về chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.
Cũng ngay tối hôm Thứ Năm, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nam Hàn là Chung Eui-yong, qua cuộc họp báo trong khuôn viên của Toà Bạch Ốc, cho biết Kim Jong-un “cam kết phi hạt nhân hoá” đồng thời cho ngưng thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hoả tiễn.
Trước đây, ông Jimmy Carter đã từng có cuộc gặp gỡ nhà lãnh đạo Bắc Hàn lúc đó là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) vào năm 1994 trong cương vị là một cựu Tổng thống, và cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã từng đến Bắc Hàn gặp lãnh tụ Kim Jong Ill (Kim Chính Nhật) năm 2009 trong cuộc điều đình để thả hai nhà báo người Mỹ.
Bản tin trên từ Washington không chỉ làm cho các nhà quan sát thời sự quốc tế bất ngờ mà các sự việc liên quan đã diễn ra quá nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Tất cả đều là do từ nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Nam Hàn đương nhiệm là Moon Jae-in (Văn Tại Dần).
Kể từ khi được bầu làm tổng thống vào Tháng Năm năm ngoái, ông Moon cho thực hiện lại “chính sách vầng thái dương” (Sunshine Policy) của người tiền nhiệm và cũng là bạn ông, cố Tổng thống Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyền), nhưng uyển chuyển hơn, nhất là cố tránh không xung khắc với chính sách của Washington. Moon không ngừng kêu gọi nên có đàm phán với Bắc Hàn để làm giảm bớt những căng thẳng và nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong khi giữa Washington và Bình Nhưỡng đã xảy ra những cuộc khẩu chiến và nhiều lần đe dọa chiến tranh nguyên tử với nhau.
Những nỗ lực ngoại giao của Moon đã đưa đến kết quả, bắt đầu từ Thế vận hội PyeongChang vừa qua khi cả hai phái đoàn lực sĩ Nam và Bắc Hàn cùng đứng chung dưới một lá cờ với nền trắng và hình bản đồ Triều Tiên màu xanh dương. Hơn nữa, Kim Jong-un đã đưa người em gái ruột là Kim Yo-jong (Kim Dự Chính) làm trưởng phái đoàn để đến tham dự Thế vận hội. Tất cả mọi chi phí được chính phủ Nam Hàn đài thọ.

Trong thời gian viếng thăm, các giới chức cao cấp Nam Hàn đã có cuộc gặp mặt với Kim Yo-jong kéo dài ba giờ đồng hồ, trong đó Tổng thống Moon Jae-in giữ vai trò chủ chốt trong cuộc bàn luận và cố thuyết phục để Bắc Hàn chấp nhận đàm phán với Washington về chương trình vũ khí nguyên tử của họ.
Hôm Thứ Hai đầu tuần qua, trong một cuộc họp giữa hai đoàn ngoại giao Nam và Bắc Hàn tại Bình Nhưỡng có sự tham dự của Kim Jong-un, và khi cuộc họp vừa bắt đầu thì Kim đã gây ngạc nhiên cho phái đoàn Nam Hàn khi lên tiếng trước cho biết đồng ý gặp mặt Tổng thống Moon vào Tháng Tư này và đồng thời chấp nhận yêu cầu của Moon để bắt đầu những cuộc đàm phán với Washington về việc giải trừ chương trình vũ khí nguyên tử. Kim cũng rút lại lời đe dọa là sẽ thực hiện lại các cuộc thử nghiệm vũ khí nếu Hoa Kỳ và Nam Hàn vẫn tiếp tục tiến trình thao diễn quân sự chung vào Tháng Tư, và hứa sẽ cho ngưng những cuộc thử nghiệm trên trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán.

Chính sách ngoại giao của Tổng thống Moon Jae-in, ít ra ngay lúc này, đã gặt hái được ít nhiều thành công trong việc làm giảm bớt căng thẳng và nguy cơ xung đột quân sự có tiềm năng gây ra những tàn phá ghê gớm cho Nam Hàn, là điều mà không một nhà lãnh đạo nào muốn nếu việc đó xảy ra cho quốc gia của họ. Vào tháng tới, Moon và Kim sẽ gặp nhau trước tại khu vực phi quân sự giữa hai nước. Trong cuộc họp này, ngoài những cuộc bàn thảo về chính sách ngoại giao tương lai giữa hai nước, Moon sẽ dọn đường sắp xếp cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Trump và Kim.
Từ đây đến Tháng Năm là khoảng thời gian khá dài và rất có thể tình hình sẽ còn nhiều thay đổi. Nhiều người lạc quan cho rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa Trump và Kim nếu có thể đưa đến một vài kết quả nào đó thì cũng là điều tốt và làm cho thế giới này hoà bình hơn một chút. Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn không tin rằng Bắc Hàn sẽ giải trừ chương trình vũ khí nguyên tử của họ vì đây vẫn được cho là bửu bối duy nhất để giữ cho chế độ của gia đình họ Kim được tồn tại.
Nhìn lại lịch sử của cuộc chạy đua chế tạo vũ khí nguyên tử, từ trước tới nay chỉ có một quốc gia duy nhất thực sự tự nguyện từ bỏ vũ khí nguyên tử và chương trình chế tạo loại vũ khí này – đó là Nam Phi. Sự việc này cho ta thấy để thuyết phục được Bắc Hàn gỡ bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử hiện rất tinh vi và quy mô của họ là một việc rất khó.
Năm 1989, Nam Phi đã sản xuất được sáu quả bom nguyên tử và một quả bom khác đang trong tiến trình hoàn tất, và họ đã quyết định trao toàn bộ chương trình cho Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế kiểm soát vì nhiều lý do, mà một trong những lý do đó là vì Nam Phi muốn chấm dứt tình trạng bị quốc tế cô lập. Không một quả bom nào trong số đó đã được đem ra thử nghiệm.
Ba quốc gia nằm trong khối Liên Sô cũ – Belarus, Kazakhstan và Ukraine – cũng từ bỏ vũ khí nguyên tử vào thập niên 1990. Tuy nhiên, những quốc gia này không tự sản xuất mà những vũ khí này được Nga sản xuất và cất giữ ở trong nước của họ. Do đó, ba quốc gia trên không hẳn là đã từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.
Libya thường được gán cho là quốc gia đã từng từ bỏ vũ khí nguyên tử. Nhưng đây là một trường hợp hoàn toàn khác. Vào cuối thập niên 1990, Muammar el-Qaddafi, lãnh tụ Libya, bắt đầu đi tìm kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử ở thị trường chợ đen. Không giống Nam Phi, cơ sở hạ tầng về kỹ thuật nguyên tử của Lybia rất hạn chế và Qaddafi mới chỉ mua được một phần nguyên liệu.
Cùng thời gian trên, Iran cũng đã mua được phần kỹ thuật giống như của Libya và một số dụng cụ đủ để cho họ xây dựng lò ly tâm cho việc tinh luyện chất uranium để làm bom.
Mặc dù Libya có tham vọng theo đuổi kỹ thuật nguyên tử, nhưng họ chưa từng xây dựng xong hoàn toàn chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Những gì mà họ chuyển giao cho CIA năm 2004 chỉ là kiến thức về kỹ thuật làm bom nguyên tử của họ chứ không hẳn là trái bom thật sự.
Trong khi đó Bắc Hàn hiện nay có lẽ đã sản xuất được nhiều chục loại vũ khí nguyên tử – một ít trong số đó đã được thử nghiệm thành công. Cuộc thử nghiệm mới đây nhất vào Tháng Chín có thể là một quả bom có sức công phá bằng 10 lần quả bom được thả ở Hiroshima trước đây. Do đó, khi Bắc Hàn nói là họ sẽ từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử có tầm vóc quy mô và tinh vi hơn bất kỳ chương trình nào mà Libya hay thậm chí Nam Phi đã từng sở hữu thì chúng ta cũng cần phải đặt một câu hỏi lớn là họ có thực tâm khi nói ra điều ấy hay không. Trước đây chế độ họ Kim đã từng nhiều lần cam kết ngưng chương trình vũ khí nguyên tử và sau đó đã đảo ngược lại những lời hứa ấy.
Ðó là chưa kể bài học về sự sụp đổ của hai chế độ độc tài của Saddam Hussein và Muammar Qaddafi, tương tự như chế độ của họ Kim, cai trị dân bằng chính sách hà khắc nhưng không có một vũ khí nguyên tử nào để hăm doạ thế giới khi cần và để bảo vệ cho sự tồn tại của chế độ – bài học mà Kim Jong-un nắm rất rõ.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa Trump và Kim mặc dù có cơ hội để tạo bước đột phá về ngoại giao nhưng đồng thời cũng có nhiều rủi ro đưa đến chiến tranh nếu như đàm phán bị đổ vỡ. Và dù hy vọng thành công có mỏng manh đến đâu thì người ta vẫn phải cố gắng thử vì hoà bình cho thế giới.
VH