Menu Close

Về Hội Lim tìm dĩ vãng

Từ năm 2009, khi Quan Họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di tích văn hóa phi vật thể của nhân loại thì Hội Lim, được tổ chức vào hai ngày 12, 13 âm lịch Tháng Giêng (có thể bắt đầu sớm hơn và kết thúc trễ hơn, tùy ban tổ chức lễ hội hàng năm) tại khuôn viên chùa Lim thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hiện nay, vốn đã nổi tiếng là lễ hội văn hóa dân gian rất đáng tham dự ở Miền Bắc, bên cạnh hai lễ hội Yên Tử và Chùa Hương, càng nổi tiếng nhiều hơn.

hoi-lim6
Cổng vào Hội Lim

Dịp đầu xuân năm nay, không hẹn mà nên, đường từ Hà Nội về Bắc Ninh, dài hơn 40 cây số, ken dầy đủ loại xe trẩy hội. Khác với những ngày trước đó mưa phùn lạnh giá, ướt lép nhép, trong hai ngày Bắc Ninh khai hội, thời tiết cực đẹp. Nhiệt độ ngoài trời chỉ hai mươi độ, mát mẻ, khô ráo. Người trẩy hội vẫn có thể áo đơn áo kép hoặc hứng lên, thuê áo mớ ba mớ bẩy, hóa trang liền chị Quan họ, Anh tài xế chở chúng tôi, đỗ xe ngoài cổng chùa, không vào mà nằm coi xe. Với dáng vẻ của người ‘biết thừa lễ hội’, anh cảnh báo, muốn thì ‘đi’ trước ngoài này. Vào trong ấy uống nước ít thôi kẻo lại mắc… Mắc thì sao, không có chỗ à? Có, nhưng rất ‘sạch’, đi ‘nhẹ’ mất ba ngàn, ‘nặng’ mất chục ngàn đồng…

hoi-lim5
Đây không phải ‘liền chị’ thứ thiệt đâu nha, là du khách cải trang thôi

Nhớ thời còn học trung học Ðà Lạt, mới lớp bảy, ba đứa Bắc Kỳ điếc không sợ súng là tôi và Ch, Th, đã dám xung phong thuyết trình về quan họ Bắc Ninh trong giờ Việt văn. Ðể minh họa, cả ba đứa phải vấn khăn mỏ quạ, tập hát Se chỉ luồn kim, Cây trúc xinh, Hát hội trăng rằm…Quần áo, cũng may, mượn được của phòng văn nghệ trường, chỉ phải cái hơi rộng, hơi dài. Lên thuyết trình, tôi nói vanh vách những là tên gọi quan họ từ đâu ra; tại sao trai gái quan họ không được lấy nhau; hát thờ (hát cửa đình), hát canh (hát thâu canh), hát mừng, hát giải hạn… khác nhau thế nào, giọng hát sao gọi là vang rền, nền, nẩy… Cả lớp nghe say sưa. Giáo viên hướng dẫn cười tủm tỉm. Ðến phần minh họa, bạn Th. áo tứ thân, khăn mỏ quạ, yếm đào, bạn Ch. (giả trai) áo the cặp, ô đen, khăn đóng. Hai bạn hát ’Ngồi tựa mạn thuyền’, ‘Người ơi người ở đừng về….

hoi-lim
Các “liền chị” quan họ với trang phục lễ hội rực rỡ
hoi-lim4
Hàng thủ công truyền thống ở Hội Lim

‘Hồi ức về buổi thuyết trình hơn năm mươi năm trước của tôi tạm thời dừng lại, nhường chỗ cho những điều thực mục sở thị. Ðây là đồi Lim với những cây cổ thụ xum xuê. Ðây là các cô gái của 49 làng quan họ ven con sông xinh đẹp – ‘sông Cầu nước chảy lơ thơ’. Các cô đều đội nón ba tằm, xúng xính, điệu đàng trong trang phục lễ hội. Một du khách nam xin chụp ảnh chung, các cô cười tươi, gật đầu. Cái gật đầu quá dễ dàng khiến anh này sinh nghi, hỏi độp luôn ‘chụp xong, có phải bo không em’. Các cô chau mày, quay phắt đi ra chiều bị tổn thương. Tại một chỗ khác, nhiều người chen nhau xem hát quan họ trên thuyền. Người chèo khua mái chèo lấy lệ, chiếc thuyền lừ đừ trôi sát bờ. Ba người cầm micro đứng hát. Một người cầm đĩa có những miếng giầu (trầu) cánh phượng têm sẵn chìa ra mời khách. Trầu có mươi miếng nhưng khách cả trăm cả ngàn. Một người bốc miếng giầu (cách phát âm của người địa phương). Lập tức có tiếng hát véo von, tình tứ: ‘Giầu này giầu tính giầu tình. Giầu loan giầu phượng giầu mình giầu ta. Giầu này têm tối hôm qua. Giấu cha giấu mẹ đem ra mời chàng’. Khách sướng ngây mặt, móc tiền đặt vào đĩa. Những người khác làm theo. Chiếc đĩa nhanh chóng đầy những tờ bạc mệnh giá năm ngàn, mười ngàn. Thuyền lại chèo đi, lại mời trầu, lại hát, lại thu tiền (cho vào hòm đặt giữa thuyền). Chung quanh vụ thu tiền, khi trả lời báo chí, những người trong ban tổ chức đã phân bua rằng trước lễ hội đã họp, phổ biến mọi người không được vòi tiền, không bán mua tiếng hát, canh hát, chầu hát, phải giữ ‘đất lề quê thói’ của vùng đất có bề dầy lịch sử, từng là bộ Vũ Ninh, một trong 15 bộ thời Hùng Vương, là đô thành của Thục Phán An Dương Vương, là nơi phát tích vương triều Lý… ‘Giáo dục’ cặn kẽ như vậy nhưng người ta vận dụng đến đâu thì ban tổ chức… chịu chết.

Ghi nhận một vòng quanh hội Lim, hiện tượng xả rác, chặt chém, mê tín, biến tấu lề lối quan họ thanh nhã thành thô tục vẫn khá ‘vô tư’… Trên sân khấu, giọng hát của các nghệ nhân già – vốn được vinh danh là ‘báu vật sống’ không được dàn âm thanh nâng đỡ thì chớ, ngược lại còn làm méo mó thảm hại bằng từng chập hú hét chói gắt, đứt khúc, chập chờn. Không chỉ khách xa ngán ngẩm, ngay cả người địa phương cũng tỏ ra bất mãn. Một cô gái từ trong Nam ra than vỡ mộng vì không tìm được ấn tượng về tình yêu lãng mạn qua giọng liền anh ấm áp, liền chị lảnh lót giống trên youtube hay đĩa CD. Vợ chồng bác Việt kiều Phú T. phàn nàn: ‘Háo hức tìm về để trải nghiệm cảm giác văn nghệ cộng đồng thời xưa nhưng nghe hát ‘live’ như đuổi khách, sợ quá!’

hoi-lim2
Khách đi trẩy Hội Lim đồng thời lễ chùa cầu phúc

Buồn nhất, có lẽ không phải khách phương xa, mà là các cụ gần đất xa trời, gần trăm năm coi quan họ là máu thịt, là hồn phách của mình. Từ khi được phong nghệ nhân (có cụ ngồi xe lăn, có cụ con cháu bế lên nhận bằng nghệ nhân), được cấp lương tháng, có quyền lợi như người nhà nước, đau ốm được chữa không mất tiền, chết có ‘chế độ’, các cụ chỉ ước mơ phục hồi nét đẹp quan họ, lưu truyền các làn điệu cổ, giữ lửa cho thế hệ con cháu…Tiếc thay, ngoài những nghệ sĩ quan họ thuộc ‘con nhà tông’ hay số ít những kẻ ‘bị giời đày’, bị quan họ ‘bỏ bùa’ thì ngay trong 49 làng quan họ nổi tiếng hiện tại cũng không mấy người muốn chuyên canh mảnh đất quan họ nữa. Gặp các bạn gái ngồi trên đồi Lim. Hỏi ra mới biết đều là dân làng Diềm, làng Bịu- hai làng gạo cội quan họ. Các bạn tâm sự: ‘Từ thời tiểu học đã phải theo người lớn tập nghe, tập hát, tập cung cách nết na. Cả chục năm như thế, mới hát ‘ra chất’ quan họ. Tập thêm dăm năm nữa, nếu có cả thanh cả sắc may ra mới thành diễn viên cấp thôn, xã, huyện, tỉnh. Nhưng ngay khi là diễn viên không phải lúc nào cũng có thu nhập. Cho nên ai cũng phải tìm nghề để ‘thủ’. Còn hát chỉ là hoa lá cành, thỉnh thoảng góp vui văn nghệ’. Xem ra, các hình thức văn nghệ dân gian trong Nam ngoài Bắc khác, từng được UNESCO vinh danh, như hát Xoan (Phú Thọ), hát Ca trù (Hà Nội), Nhã nhạc cung đình (Huế), Bài chòi (Bình Ðịnh), Không gian văn hóa Cồng Chiêng (Tây nguyên), Ðờn ca tài tử (Bạc Liêu – Nam Bộ)…cũng đều chung một nỗi buồn ‘Tuấn kiệt như sao buổi sớm. Nhân tài như lá mùa thu’, chả riêng gì loại hình hát quan họ.

hoi-lim1
Một tiết mục biểu diễn của liền anh liền chị quan họ trong Hội Lim năm nay

Trong khuôn viên hội Lim rộng lớn, những trò chơi ngoài lề vẫn tưng bừng, những hàng rong vẫn bán buôn tấp nập, những đội quan họ vẫn ‘hát như đuổi khách’ trên sân khấu, những con đò vẫn dập dềnh mời trầu nhận tiền trên làn nước sông Cầu ngầu đục. Khách thập phương vẫn lễ chùa, xem hát, chụp ảnh, ‘cả vào cả ra nhiều nhất một tiếng đồng hồ’, theo quan sát của anh tài xế ngồi trông xe. Thấy vẻ mặt tiu nghỉu của tôi, anh ta hất hàm ‘Vỡ mộng rồi hả. Chuyện nhỏ! Mai đi xin ấn đền Trần mới càng… Thôi! Không ấn iếc gì nữa. Về! Xe chưa ra khỏi bãi, tiếng hát quan họ đã đuổi theo: ‘…Chẻ tre đan nón, kia nón ôi tằm ba tằm…. Ai xui tình tính tang cho cô nàng đội xem hội cái đêm trăng rằm rằng tôi lý ôi a tháng giêng…’. Tự dưng lại nhớ  Th. với trang phục nền nã, duyên dáng trong bài thuyết trình lớp bảy ngày xưa. Chao ôi! Một thời đã qua! Quan họ xưa, quan họ nay, khoảng cách quá xa, biết sao được…

hoi-lim3
Hát trên đồi Lim, một hình thức giao duyên được ưa thích của giới trẻ

XH