Menu Close

Bắn hay buông?

Một cảnh sát viên ở West Virginia, Stephen Mader đã thắng $175,000 trong một vụ kiện “không chịu bắn người” xảy ra năm 2016. Sở cảnh sát thành phố Weirton đã đuổi việc cảnh sát Stephen Mader sau khi ông này không chịu bắn một thanh niên 23 tuổi, tên Williams, khi được gọi đến để điều tra một vụ cãi cọ trong gia đình. Trong khi Mader tìm cách thuyết phục Williams buông súng xuống, hai cảnh sát viên khác thuộc sở cảnh sát Weirton tới nơi, và một người đã bắn chết Williams. Nhà chức trách tiểu bang đã đến kết luận rằng vụ nổ súng này là chính đáng.

Lý do “không chịu bắn người’ mà Mader đưa ra là Williams không phải là mối đe dọa cho ai, và Williams rõ ràng đang ở trong tình trạng đau khổ, đã yêu cầu cảnh sát hãy bắn anh ta. Sau cùng người ta tìm ra khẩu súng của nạn nhân không có đạn.

ban-hay-buong
Cựu binh TQLC Stephen Mader, người cảnh sát không chịu bắn người

Theo Washington Post cảnh sát Mỹ đã bắn chết hơn 575 người được cho là cầm dao và các vũ khí khác kể từ năm 2013. Trong 5 tháng đầu năm 2015, cảnh sát Mỹ đã bắn chết 385 người. Một nửa số này là người Mỹ gốc Phi. Hơn 80% số nạn nhân có mang súng, dao, hoặc những vật dụng có khả năng gây chết người. Tuy nhiên có tới 49 trong số 385 người bị cảnh sát giết chết không mang theo vũ khí, 13 nạn nhân mang theo súng nhựa.

Nước Mỹ là nơi có nhiều tội phạm nhất thế giới, hay cảnh sát Mỹ hung hãn nhất địa cầu, nếu chúng ta nhìn tỷ lệ các vụ nổ súng gây tử vong của cảnh sát Mỹ cao gấp 18 lần so với cảnh sát Ðan Mạch và 100 lần so với cảnh sát Phần Lan.

Ở Mỹ, cảnh sát là một nghề nguy hiểm thứ ba sau hai nghề chiến binh và lính cứu hỏa. Chiến binh thì luôn luôn ở trong tình trạng giao tranh có bom đạn, mìn bẫy và phi pháo. Lính cứu hỏa không có bom đạn nhưng chết vì lửa. Cảnh sát chết vì súng. Tháng 2-2018, hai cảnh sát viên ở thành phố Westerville, tiểu bang Ohio, đã bị bắn chết khi đến điều tra một cú điện thoại cấp cứu 911, và thường thì đây là một cuộc gài bẫy.

Việc đề phòng bị bắn trước và nguy hiểm khó phòng ngừa, nên cảnh sát cần chủ động dùng súng nhanh, đôi khi là “lạm dụng vũ lực.” Chuyện này đã xảy ra thường xuyên, tạo ra một làn sóng các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo độc đoán của cảnh sát Mỹ.

Sau khi nạn nhân bị cảnh sát bắn chết, nhiều nơi đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình chống đối với cảnh sát, có bạo loạn, đốt phá, chính quyền phải nhờ đến lực lượng cảnh vệ quốc gia tái lập trật tự.

Theo thống kê, những nhân viên cảnh sát bắn chết người bị cáo buộc về tội hình sự chỉ có 3 trong số 385 trường hợp cảnh sát bắn người bị trừng phạt, tỷ lệ chưa đầy 1%. Trong mười năm qua, cảnh sát Mỹ đã nổ súng vào dân thường hàng nghìn lần, nhưng chỉ có 54 trường hợp bị đưa ra xét  xử trước toà án. Cảnh sát thuộc sáu quận hạt ở Nam California từng bắn hơn 2,000 nghi can nhưng chỉ có một người bị truy tố và cuối cùng được tha bổng!

Thật ra trong những trường hợp phải bắn người để tự vệ, liệu cảnh sát có thực sự bị nguy hiểm hay không, vì sợ hãi, bị căng thẳng, trạng thái bất ổn lúc bấy giờ, hay chỉ là một phản ứng máy móc, bất nhân tính.

Vụ án Bích Câu trong cộng đồng người Việt ở San José, khi cảnh sát bắn vào một phụ nữ trong tay chỉ có một con “dao bào” là một điển hình cho việc lạm dụng súng của cảnh sát Mỹ. Vào lúc 8 giờ tối Chủ Nhật ngày 13/7/2003, trong một cuộc cãi vã gia đình, cảnh sát thành phố San José đã được gọi đến. Bà Bích Câu, 25 tuổi, đang đứng trong bếp tay cầm cái dao bào (fruit peeler,) đã bị cảnh sát Chad Marshall bắn một viên đạn thẳng vào ngực ở khoảng cách 3 mét.

Ngay sau đó, cảnh sát San Jose đã cho phổ biến một bản tin vắn tắt nói rằng cảnh sát đã bắn chết một thủ phạm “đang tấn công” cảnh sát bằng cái dao chặt thịt (meat cleaver,) và thành phố San Jose không nhận trách nhiệm về cái chết của Bích Câu, từ chối mọi đề nghị bồi thường cho gia đình nạn nhân. Một phiên xử đại thẩm đoàn khai mạc ngày 22 tháng 10 năm 2003 đã xử trắng án cho cảnh sát viên Chad Marshall và kết luận rằng ông ta đã thi hành đúng thủ tục cảnh sát và tự vệ khi bắn chết cô Bích Câu trong phòng bếp.
Tuy vậy, sau hai năm, qua các cuộc biểu tình của cộng đồng, sự vận động và tranh đấu bền bỉ của các luật sư, ngày 29 tháng 11, 2005, hội đồng thành phố San Jose đã biểu quyết chấp thuận đề nghị bồi thường cho gia đình nạn nhân Bích Câu một số tiền là $1,825,000.

Một trường hợp khác ở San José, cảnh sát đã bắn chết một thanh niên tâm thần, Daniel Pham, sau khi người cha đã gọi cảnh sát đến khi anh ta bắt đầu nổi cơn điên. Em trai của Daniel là Brian nói rằng anh bị thương khi Daniel múa dao. Cảnh sát giải thích rằng họ nổ súng vì Daniel từ chối hạ vũ khí. Brian miêu tả cảnh tượng lúc đó: “Tôi đã hét lên rất to và nhiều lần là đừng bắn anh trai tôi. Và tôi đẩy anh ấy ra. Chỉ vài giây sau, tôi nghe thấy tiếng súng nổ.”

Không phải chỉ khi nạn nhân cầm dao, súng hay vật lạ trong tay mới bị  cảnh sát bắn. Vào tháng 7-2017, tại Minnesota, nước Mỹ, một người phụ nữ Úc đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết sau khi cô gọi 911 để báo về tiếng động bất thường bên ngoài nhà.

Khi cảnh sát đến nơi, Justine Damond, 40 tuổi, trong bộ đồ ngủ, bước ra sân đón cảnh sát, lập tức bị một cảnh sát viên ngồi trong xe bắn chết.

Thậm chí, khi cảnh sát gọi đến vì một party hoá trang nửa khuya ồn ào, một người tham dự cũng bị cảnh sát bắn vì đang cầm một khẩu súng giả trong tay.

Liệu một người dù cầm dao trong tay, nhưng đứng ở khoảng cách xa, có nguy hiểm cho tính mạng một người vạm vỡ, đội nón sắt, mặc áo giáp chống đạn, trang bị súng tiểu liên, dùi cui và cùm tay hay không?

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy cảnh sát sẵn sàng nổ súng khi nghĩ rằng mình có thể đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Khi phải đến một hiện trường với tư cách là một nhân viên công lực, người cảnh sát luôn luôn mang tâm trạng mình đang là mục tiêu rõ ràng có ánh đèn rọi, có thể chết từ một viên đạn từ trong bóng tối bắn ra hay bị tấn công bất ngờ từ trước mặt vì vũ khí của một người. Trong tư thế sẵn sàng, ngón tay trỏ đặt trên cò súng, đầu óc căng thẳng, người cảnh sát rất dễ dàng nổ súng, cho rằng để tự vệ.

Trong trường hợp này, Stephen Mader không chịu bắn người, thì việc này cũng đã có một đồng nghiệp của anh làm thay ngay sau đó!

Gọi cảnh sát đến khi thấy một người tâm thần cầm dao đi ngoài đường là đem lại cái chết cho người này. Vợ chồng xô xát có hung khí, gọi cảnh sát, cũng có nghĩa là “tá đao sát nhân” (mượn tay người khác giết thay mình.)

ban-hay-buong1

Phản ứng của cảnh sát là nổ súng, xin làm ơn thận trọng khi nhắc máy gọi cảnh sát. 911 là một con số cứu người nhưng con số này đem lại cái chết cho con người cũng không phải là ít.

HP