Menu Close

Mốt đồ cũ

Những chiếc váy bèo nhèo, những cái quần te tua, những cái sơ mi bạc màu sương gió – gọi nôm na là “hàng sida” – nay lại trở thành mốt thời thượng nhất đối với giới trẻ Nhật…

mot-do-cu2
Santa Monica – một trong những cửa tiệm “thời trang sida” nổi tiếng nhất Tokyo (earthtoiris)

Có câu chuyện về xu hướng “thời trang đồ cũ” tại Tokyo được kể như sau: một ngôi sao nữ Hollywood, sau khi thực hiện ăn kiêng giảm cân thành công, đã bán chiếc váy “khổng lồ” của mình cho một cửa tiệm đồ cũ tại Santa Monica (Los Angeles). Ba tháng sau, cô đến Tokyo để quảng bá cho bộ phim mới mà mình thủ vai chính. Một chiều nọ, cô tình cờ tạt vào một cửa tiệm quần áo cũ có tên Santa Monica. Thật bất ngờ, cô thấy bộ đồ cũ của mình được bán với miếng nhãn lủng lẳng bên dưới ghi “Phong cách Santa Monica”. Câu chuyện trên có lẽ không có thực nhưng nó minh họa rõ xu hướng thời trang “hot” nhất tại Tokyo hiện nay, với phong cách đồ cũ trở thành mốt thời thượng.

Viết trên International Herald Tribune, tác giả Kaori Shoji gọi Tokyo là “hành tinh thời trang lỗi mốt”, nơi có lẽ có bộ sưu tập quần áo cũ từ đủ quốc gia nhiều nhất thế giới! Khắp Tokyo, hiện có hơn 400 cửa tiệm lớn chuyên kinh doanh thời trang kiểu cũ. Nhà thiết kế thời trang Keiko Okura thậm chí nói rằng “Phẩm chất các sản phẩm thời trang mốt xưa tại Tokyo là không thể so sánh”. Có thói quen lục tìm các mẫu thời trang cũ để sưu tập hàng độc cho chụp ảnh thời trang, Keiko Okura cho biết thêm, hiện tại, thậm chí Paris và Luân Ðôn cũng có thể gây thất vọng khi người ta cố tìm một mẫu ưng ý trong cửa tiệm quần áo cũ nhưng tại Tokyo, thị trường “thời trang sida” đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt trong khi khách hàng lại có kiến thức về mặt hàng này, khiến việc săn lùng mẫu lạ bắt đầu trở thành một thách thức.

Thời trang lỗi mốt từng xuất hiện tại Nhật thời hậu chiến, khi giới thanh niên – bắt chước phong cách lính Mỹ – bắt đầu mua mặc quần áo nhà binh Mỹ ngoài chợ đen. Sau Thế vận hội Tokyo 1964, nhu cầu hàng may mặc theo phong cách đơn giản kiểu Mỹ trở nên nóng hơn. Năm 1966, một cửa tiệm được đặt tên “Chicago” bắt đầu mở cửa cho lớp khách hàng trẻ khoái mê mệt hàng jeans. “Chicago” trở thành tiệm thời trang kiểu xưa đầu tiên tại Tokyo và hiện là địa chỉ uy tín và nổi tiếng nhất đối với thị trường thời trang lỗi mốt. “Chicago” hiện có 5 cửa tiệm tại Nhật và một nhà kho tại St. Louis (tiểu bang Missouri, Mỹ) – nơi chuyên nhập quần áo cũ, phân loại và nhập về thị trường Nhật.

mot-do-cu
Bộ sưu tập may từ áo khoác phi công oanh tạc cơ của nhà Yohji Yamamoto,

Tại cửa tiệm chính của “Chicago” ở Harajuku (Tokyo), quần áo cũ được trưng bày như một gallery nghệ thuật: nào là váy thêu từ Guatemala, sơ mi thể thao trượt nước thập niên 1960 từ Maui đến chiếc dây đeo quần cổ lỗ sĩ ra đời tại Nhật năm 1957. Hàng nhiều bày bán khắp nơi nhưng một số “dân chơi mốt cũ” thậm chí nói rằng như thế vẫn chưa đủ để họ thỏa mãn cơn khát săn lùng và mua sắm. Vài dân chơi thứ thiệt chẳng hạn Shinichi Kotani phải sang tận châu Âu và Nam Phi để tìm hàng cực độc. Mốt thời trang “sida” còn sinh ra một ngành công nghiệp mới trong lĩnh vực thời trang: sản xuất quần áo mốt cũ. Công ty thành công nhất hiện nay là Taos, nơi chuyên sản xuất hàng mốt xưa theo cách mà chúng hoàn toàn không thể phân biệt với hàng mốt xưa thật sự. Áo được xổ chỉ rồi may lại và đính thêm một số chi tiết đặc thù theo đúng phong cách cũ. Một chiếc quần len có thể biến thành áo vest; cái sơ mi thợ nấu ăn biến thành chiếc blouse sát nách (được giới thiệu như một trong những mốt “hot” nhất của mùa hè); tấm trải giường trở thành chiếc sơ mi cài nút… Tất cả sản phẩm Taos đều được làm bằng tay và luôn được bán với giá cao hơn so với quần áo thời trang cũ nguyên thủy. Một trong những sản phẩm mới nhất của Taos là mặt hàng kết hợp giữa quần nhà binh với vải dệt kimono để tạo ra túi du lịch được bán với giá 21,000 yen (200 USD)…

mot-do-cu1
Doanh số thời trang lỗi mốt liên tục tăng tại Nhật (earthtoiris)

Xu hướng “thời trang sida” thậm chí cũng trở thành thách thức đối với giới chuyên sản xuất hàng hiệu cao cấp. Nhà thiết kế Michiko Suzuki, giám đốc sản phẩm thương hiệu Y’s Red Label của nhà Yohji Yamamoto, từng tung ra bộ sưu tập may từ áo khoác của phi công oanh tạc cơ (vốn lâu nay chỉ nằm trong kho và chưa từng mặc một lần)! Tháo rời từng mảnh áo khoác, Michiko ráp chúng lại thành những cái váy và sơ mi. Chuyên gia phân tích thị trường thời trang Takako Yokomizo cho rằng xu hướng thời trang kiểu cũ tại Nhật sẽ còn phát triển mạnh và có thể ảnh hưởng ít nhiều đến xu hướng thời trang thế giới. Mang lại sức sống mới cho những thứ tưởng chừng vất đi, bất luận thế nào, cũng đòi hỏi một khả năng tư duy sáng tạo đặc biệt.

MK